Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 249/QĐ-NHPT | Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2007 |
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam;
Xét đề nghị của Trưởng ban Kiểm tra nội bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TỔNG GIÁM ĐỐC |
VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 249/QĐ-NHPT ngày 08 tháng 6 năm 2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam)
1. Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của Ngân hàng phát triển Việt Nam khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mình.
2. Cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam có quyền khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định đó là trái quy định, trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
1. Công dân có quyền tố cáo với cấp có thẩm quyền (thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam) về hành vi trái pháp luật của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
2. Cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam có quyền tố cáo với cấp có thẩm quyền (thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam) về hành vi trái pháp luật của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Khiếu nại” là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, viên chức, người lao động (thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam) đề nghị Ngân hàng phát triển Việt Nam (các Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở giao dịch, Hội sở chính) và người có thẩm quyền xem xét lại hành vi, quyết định của mình (quyết định kỷ luật cán bộ và quyết định khác) khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. “Tố cáo” là việc công dân hoặc cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam báo cho Ngân hàng phát triển Việt Nam và người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
3. “Người khiếu nại” là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, viên chức, người lao động (thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam) thực hiện quyền khiếu nại.
4. “Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại” bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. “Người tố cáo” là công dân hoặc cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện quyền tố cáo.
6. “Người bị khiếu nại” là Ngân hàng phát triển Việt Nam, cá nhân có hành vi và quyết định bị khiếu nại (bao gồm quyết định kỷ luật và quyết định khác).
7. “Người bị tố cáo” là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo.
8. “Người giải quyết khiếu nại” là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 6 quy định này.
9. “Người giải quyết tố cáo” là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 9 quy định này.
10. “Quyết định khác” là quyết định bằng văn bản của Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Sở giao dịch (gọi chung là Giám đốc Chi nhánh) hoặc Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam được áp dụng một lần về một vấn đề cụ thể trong quá trình hoạt động.
11. “Hành vi của Ngân hàng Phát triển” là hành vi của Ngân hàng phát triển Việt Nam, của người có thẩm quyền trong Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
12. “Quyết định kỷ luật” là quyết định bằng văn bản của Giám đốc Chi nhánh, Tổng Giám đốc để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
13. “Giải quyết khiếu nại” là việc xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết của người giải quyết khiếu nại.
14. “Giải quyết tố cáo” là việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo.
Điều 4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại, tố cáo không thuộc quy định tại Điều 1, Điều 2 trên đây thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 5. Việc xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định này của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Mục 1. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI
Điều 6. Thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại trong hệ thống Ngân hàng Phát triển:
1. Giám đốc Chi nhánh thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại và thông báo cho người khiếu nại biết về quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại hành vi, quyết định do mình ban hành.
2. Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét và giải quyết đối với khiếu nại hành vi, quyết định do mình ban hành và các khiếu nại do Giám đốc Chi nhánh thụ lý, giải quyết nhưng vẫn còn khiếu nại.
1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không phải do Ngân hàng phát triển ban hành hoặc không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
3. Người đại diện không hợp pháp;
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết;
5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
6. Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của toà án.
Người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 quy định này có văn bản trả lời cho người khiếu nại biết rõ lý do không thụ lý.
Điều 8. Thời hiệu, thủ tục, thời gian giải quyết khiếu nại:
1. Thời hiệu khiếu nại:
a) Đối với khiếu nại chung là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi của cấp có thẩm quyền mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật;
b) Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật.
Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tại, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
2. Người khiếu nại phải viết đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại phải có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ và đơn vị công tác (nếu có) của người khiếu nại;
c) Nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại;
d) Chữ ký của người khiếu nại (có ghi rõ họ tên).
3. Đơn khiếu nại phải được gửi đến người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 quy định này. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.
Đơn, hồ sơ, tài liệu liên quan đến khiếu nại phải làm thủ tục tiếp nhận qua văn thư sau đó chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền thì chuyển trả đơn và hướng dẫn người khiếu nại đến đúng nơi có thẩm quyền giải quyết.
4. Giải quyết khiếu nại:
Tại các Chi nhánh: Giám đốc Chi nhánh giao Phòng Hành chính, quản lý nhân sự giúp việc thụ lý để giải quyết khiếu nại;
Tại Hội sở chính: Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển giao Ban Tổ chức cán bộ giúp việc thụ lý để giải quyết khiếu nại.
Việc giải quyết khiếu nại được thể hiện bằng quyết định giải quyết khiếu nại. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu gồm có:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ, đơn vị công tác của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
đ) Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ;
e) Giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ một phần hay toàn bộ hành vi, quyết định kỷ luật bị khiếu nại;
f) Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).
5. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu do Giám đốc Chi nhánh giải quyết phải được gửi cho người khiếu nại và Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển để báo cáo.
6. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
7. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu do Giám đốc Chi nhánh giải quyết mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại với Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Tổng Giám đốc gồm có:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ, đơn vị công tác của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết luận về việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần đầu;
đ) Kết quả thẩm tra, xác minh;
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
f) Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trong trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người ban hành hành vi, quyết định bị khiếu nại sửa đổi, huỷ bỏ một phần hay toàn bộ hành vi, quyết định kỷ luật bị khiếu nại;
g) Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).
8. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Giám đốc được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, Giám đốc Chi nhánh giải quyết khiếu nại lần đầu. Quyết định này được công bố công khai theo quy định tại Chương III Quy định này.
9. Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại do Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển giải quyết mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại tiếp theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Mục 2. TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN TỐ CÁO
Điều 9. Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo trong hệ thống Ngân hàng phát triển:
1. Giám đốc Chi nhánh có thẩm quyền giải quyết tố cáo:
a) Hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ của người bị tố cáo thuộc quyền quản lý của mình theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
b) Hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung có liên quan đến hoạt động của Chi nhánh.
2. Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển có thẩm quyền giải quyết tố cáo:
a) Hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ của người bị tố cáo thuộc quyền quản lý của mình theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ hoặc là các đơn vị thuộc và trực thuộc.
b) Hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng phát triển.
Điều 10. Thủ tục và thời hạn giải quyết đơn tố cáo:
1. Người tố cáo phải gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo quy định tại Điều 9 quy định này. Nội dung đơn tố cáo gồm có:
a) Họ, tên, địa chỉ, đơn vị công tác (nếu có) của người tố cáo;
b) Nội dung tố cáo.
2. Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì nội dung khiếu nại được giải quyết theo quy định tại mục 1, nội dung tố cáo được giải quyết theo quy định tại mục 2 chương này.
3. Trường hợp người tố cáo trình bày trực tiếp thì người tiếp nhận phải ghi rõ nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo; khi cần thiết thì ghi âm lời tố cáo. Bản ghi nội dung tố cáo phải cho người tố cáo đọc lại, nghe lại và ký xác nhận. Việc xử lý tố cáo trực tiếp được thực hiện như xử lý đơn tố cáo quy định tại Mục 2 chương này.
4. Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.
5. Trường hợp đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể thì người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo quy định tại Điều 9 xem xét quyết định.
6. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo quy định tại Điều 9 phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu.
7. Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì người giải quyết tố cáo phải làm giấy biên nhận, có chữ ký của người tiếp nhận và người cung cấp.
8. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải ra quyết định về việc tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo; trong quyết định phải ghi rõ người được giao nhiệm vụ xác minh, nội dung cần xác minh, thời gian tiến hành xác minh, quyền hạn và trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ xác minh.
Trong quá trình giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo.
Sau khi kết thúc việc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải có văn bản kết luận về nội dung tố cáo và phải có những chứng cứ để chứng minh cho kết luận của mình.
9. Căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau:
a) Trong trường hợp người bị tố cáo không vi phạm pháp luật, không vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thì phải có kết luận rõ và thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý người cố tình tố cáo sai sự thật;
b) Trường hợp người bị tố cáo có vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, đồng thời áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để quyết định, kiến nghị xử lý được chấp hành nghiêm chỉnh;
c) Trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
10. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình xác minh, giải quyết tố cáo phải được ghi chép thành văn bản và lưu vào hồ sơ giải quyết tố cáo. Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm có:
a) Đơn tố cáo;
b) Biên bản xác minh, kết quả giám định, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;
c) Văn bản giải trình của người bị tố cáo;
d) Kết luận về nội dung tố cáo; văn bản kiến nghị biện pháp xử lý;
e) Quyết định xử lý;
f) Các tài liệu khác có liên quan.
11. Giám đốc Chi nhánh phải gửi văn bản kết luận vụ việc tố cáo, quyết định xử lý tố cáo cho Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển để báo cáo.
Người giải quyết tố cáo thông báo cho người tố cáo kết quả giải quyết nếu họ có yêu cầu (trừ nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước).
12. Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Điều 11. Giám đốc Chi nhánh có trách nhiệm:
1. Tổ chức phổ biến quy định về khiếu nại, tố cáo trong đơn vị.
2. Bố trí lịch tiếp người khiếu nại, tố cáo ít nhất một tháng một ngày tại trụ sở cơ quan, ngoài ra phải tiếp người khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu khẩn thiết.
3. Niêm yết công khai quy định về khiếu nại, tố cáo; lịch tiếp người khiếu nại, tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Giám đốc tại trụ sở đơn vị.
4. Bố trí 01 phòng làm việc thuận tiện để tiếp công dân, đảm bảo điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
5. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định tại quyết định này, cụ thể:
a) Giao Phòng Hành chính quản lý nhân sự làm đầu mối tiếp nhận và giúp việc thụ lý để giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.
b) Lựa chọn cán bộ có năng lực của các phòng chức năng có liên quan để thụ lý giải quyết tố cáo theo thẩm quyền.
6. Lập báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị theo Quý (báo cáo được lập chậm nhất trước ngày 10 của tháng sau Quý báo cáo). Báo cáo gửi về Ban Kiểm tra nội bộ để theo dõi, tổng hợp chung.
Điều 12. Tại Hội sở chính Ngân hàng phát triển:
1. Văn phòng Hội sở chính:
a) Niêm yết công khai quy định khiếu nại, tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Giám đốc.
b) Tổ chức nơi tiếp công dân.
c) Xây dựng lịch tiếp công dân và tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định báo cáo Tổng Giám đốc.
2. Ban Tổ chức cán bộ:
a) Chủ trì xem xét nội dung khiếu nại, tố cáo và kiến nghị xử lý khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Giám đốc.
b) Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quyết định, kiến nghị đã được xử lý.
3. Ban Kiểm tra nội bộ:
a) Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn hệ thống để báo cáo.
b) Phối hợp cùng Ban Tổ chức cán bộ kiến nghị biện pháp xử lý khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Giám đốc.
4. Các Ban, Trung tâm có trách nhiệm phối hợp xác minh nội dung tố cáo theo lĩnh vực quản lý nghiệp vụ khi được phân công.
Điều 13. Cá nhân, đơn vị có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân và Ngân hàng phát triển thì được khen thưởng theo quy định của Ngân hàng phát triển về thi đua, khen thưởng.
Điều 14. Người giải quyết khiếu nại, tố cáo; người khiếu nại, tố cáo vi phạm quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Việc xem xét, sửa đổi quy định này do Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển quyết định.
- 1Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi 2005
- 2Quyết định 110/2006/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 136/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
- 4Luật Khiếu nại, tố cáo 1998
- 5Luật Khiếu nại, Tố cáo sửa đổi 2004
- 6Nghị định 91/2013/NĐ-CP quy định tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân
Quyết định 249/QĐ-NHPT năm 2007 về Quy định tạm thời khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngân hàng phát triển Việt Nam
- Số hiệu: 249/QĐ-NHPT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/06/2007
- Nơi ban hành: Ngân hàng phát triển Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Quang Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra