Hệ thống pháp luật

BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
*******

Số: 2451-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 14  tháng 11 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG, LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TẠI CHỨC

BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 242-CP ngày 13-12-1965 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1965 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế chung về tổ chức các trường, lớp trung học và đại học tại chức.
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ đào tạo tại chức.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tuyển sinh vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức”.

Điều 2.Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ đào tạo tại chức Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, hiệu trưởng các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP




Tạ Quang Bửu

 

QUY ĐỊNH

TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG, LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP TẠI CHỨC

Chương 1:

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Việc tuyển chọn người vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp học theo hình thức tại chức là biện pháp cơ bản nhất để tăng cường lực lượng công nhân và những người lao động đã kinh qua chiến đấu, sản xuất và công tác vào đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và các bộ quản lý kinh tế. Nó góp phần đào tạo, bồi dưỡng theo quy mô lớn và tốc độ nhanh đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế đông đảo, vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành, nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững được những quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tiễn nước ta đề ra, và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới” (Nghị quyết số 142-NQTW ngày 28-6-1966 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng).

Để đạt được mục đích trên, việc tuyển chọn phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Đảm bảo thực hiện tốt đường lối giai cấp và đường lối chính sách cán bộ của Đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế.

2. Vừa đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, vừa đảm bảo sự kết hợp cân đối giữa đào tạo, sản xuất và chiến đấu, giữa trước mắt và lâu dài.

3. Đảm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn và nguyên tắc tuyển chọn và làm nghề nào học theo ngành học ấy.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ HƯỚNG TUYỂN CHỌN

Điều 1.Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, thanh niên xung phong, xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp nếu có đủ tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, văn hóa, nghề nghiệp và sức khỏe đều được tham gia dự tuyển.

Điều 2.Ưu tiên tuyển chọn những người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đầu, công tác như anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua 3 năm liền, thương binh, ưu tiên đối với những người thuộc dân tộc ít người, chú ý thích đáng đối với những người làm lâu năm trong nghề, đối với phụ nữ và người quê ở miền Nam.

III. TIÊU CHUẨN, TUYỂN CHỌN

Người được dự tuyển vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp học theo hình thức tại chức cần phải đảm bảo đầy đủ 4 tiêu chuẩn: chính trị, đạo đức, văn hóa, nghề nghiệp và sức khỏe.

Điều 3.Tiêu chuẩn chính trị, đạo đức:

a) Bản thân:

- Lý lịch rõ ràng.

- Có tư tưởng chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc.

- Có tư cách đạo đức tốt, hăng hái, gương mẫu trong lao động sản xuất, công tác và học tập, có ý thức tổ chức, kỷ luật và tinh thần tập thể, khiêm tốn, giản dị, lành mạnh trong sinh hoạt.

b) Gia đình:

- Lý lịch rõ ràng.

- Thái độ chính trị tốt, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc đánh giá về mặt chính trị, đạo đức do cơ quan quản lý trực tiếp người xin dự tuyển chịu trách nhiệm.

Điều 4.Tiêu chuẩn văn hóa:

a) Muốn vào học đại học phải có một trong những bằng tốt nghiệp sau đây:

- Tốt nghiệp cấp III phổ thông hay bổ túc văn hóa (bao gồm các trường bổ túc văn hóa công nông, trường bổ túc văn hóa tập trung hay tại chức được Ty, Sở, Bộ Giáo dục công nhận).

- Tốt nghiệp các lớp dự bị đại học thuộc các trường đại học.

- Tốt nghiệp các trường, lớp trung học chuyên nghiệp (bao gồm các trường lớp tập trung và tại chức của trung ương hay địa phương đã có đăng ký hợp lệ).

- Tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm hay có những bằng tương đương kể từ năm 1956 trở về trước.

b) Muốn vào học trung học chuyên nghiệp phải có một trong những bằng tốt nghiệp sau đây:

- Tốt nghiệp cấp II phổ thông hay bổ túc văn hóa (bao gồm các trường, lớp bổ túc văn hóa công nông, trường bổ túc văn hóa tập trung hay tại chức được Ty, Sở, Bộ Giáo dục công nhận).

- Tốt nghiệp các trường, lớp văn hóa có trình độ tương đương hoặc cao hơn trình độ văn hóa cấp II.

Tất cả những người dự tuyển đều phải qua kỳ thi văn hóa. Nội dung thì là chương trình văn hóa lớp 10 đối với thi vào đại học và lớp 7 đối với thi vào trung học chuyên nghiệp. Các môn thi tùy theo tính chất và yêu cầu của từng ngành học mà quy định và sẽ công bố trong các thông báo tuyển sinh hàng năm.

Điều 5.Tiêu chuẩn nghề nghiệp:

Nói chung các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp chi thu nhận vào học tại chức theo nguyên tắc làm nghề nào học theo ngành học ấy.

- Đối với các ngành kỹ thuật và kinh tế, người xin học phải có thời gian công tác liên tục trong nghề tối thiểu là 2 năm đối với người thi vào đại học, và một năm đối với người thi vào trung học chuyên nghiệp.

- Đối với một số ngành nghiệp vụ như văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế… Bộ chủ quản sẽ cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có quy định riêng về tuổi nghề tối thiểu thích hợp đối với từng ngành.

- Đối với các ngành khoa học cơ bản không quy định tuổi nghề.

Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu công tác mà phải học trái với nghề nghiệp thì phải được thủ trưởng đơn vị đề nghị của Bộ chủ quản hay cấp tương đương giới thiệu. Đồng thời cơ quan có học sinh đảm bảo bố trí công tác phù hợp với ngành nghề họ đang theo học và thực hiện chế độ thực tập tay nghề, thực tập tốt nghiệp theo yêu cầu của nhà trường.

Điều 6.Tiêu chuẩn sức khỏe và tuổi:

a) Về sức khỏe

- Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận có đủ sức khỏe để học tập và công tác.

- Không tuyển những người đang mắc bệnh truyền nhiễm (lao phổi, hủi…), kinh niên (động kinh, đau tim…).

b) Về tuổi, nói chung không hạn chế.

Điều 7. - Những cán bộ đã tốt nghiệp một cấp học, nay do yêu cầu công tác cần phải học thêm một chuyên ngành khác cùng cấp học thì cũng được tham gia dự tuyển. Những người này không phải thi văn hóa, tùy từng trường hợp có thể được miễn học một số môn và được sắp xếp vào học năm học thích hợp.

Điều 8. - Trường hợp những người đã được thu nhận vào học rồi mới phát hiện không đủ tiêu chuẩn (như khai man lý lịch, gian lận trong việc lập các bản sao hồ sơ, giấy khám sức khỏe v.v…) thì tùy mức độ mà thi hành kỷ luật theo điều lệ khen thưởng và kỷ luật của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Chương 2:

THỦ TỤC LẬP VÀ NỘP HỒ SƠ

Điều 9.Hàng năm, các Bộ (cơ quan ngang Bộ), Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương có trường, lớp sẽ ban hành các thông báo tuyển sinh học theo hình thức tại chức. Những thông báo này được phổ biến rộng rãi xuống tận các tổ chức cơ sở để những người muốn theo học căn cứ vào đó mà lựa chọn ngành học thích hợp và tiến hành lập hồ sơ dự tuyển.

Điều 10. - Thủ tục lập hồ sơ:

Người xin dự tuyển vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp học theo hình thức tại chức cần có đủ các giấy tờ sau:

- Một đơn xin học (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp).

- Một bản khai lý lịch (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp).

- Một bản sao văn bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn văn hóa nói ở điều 4. Đối với những người đã tốt nghiệp một chuyên ngành, nay xin học thêm một ngành học khác cùng cấp học, thì nộp bản sao văn bằng tốt nghiệp chuyên ngành đó.

- Một giấy khám sức khỏe.

- Một giấy giới thiệu của đơn vị trực tiếp quản lý, trong đó có nhận xét trình độ nghề nghiệp, quá trình công tác, những ưu, khuyết điểm chính và có sự duyệt y của Bộ (cơ quan ngang Bộ), Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương chủ quản (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp).

Đối với những người xin học trái nghề, giấy giới thiệu đi học phải nói rõ yêu cầu đào tạo, sử dụng và đảm bảo thực hiện đúng theo điều 5.

- Hai phong bì ghi sẵn địa chỉ và hai tem 12 xu.

Tất cả các giấy tờ trên phải để trong phong bì bằng giấy bền và chắc (cỡ 24 x 31 cm), ngoài bì ghi rõ họ, tên, địa chỉ và liệt kê các giấy tờ ở bên trong.

Chú ý: Đối với những người muốn xin dự tuyển vào những lớp tại chức mở độc lập tại đơn vị mình thì hồ sơ gồm:

- Một đơn xin học.

- Một bản lý lịch.

- Một giấy khám sức khỏe.

- Một bản sao văn bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn văn hóa nói ở điều 4.

Điều 11. - Thủ tục nộp hồ sơ.

Cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, thanh niên xung phong nộp tại cơ sở trực tiếp quản lý.

Các xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp nộp tại Ủy ban hành chính xả hay khu phố sở tại.

Chú ý: - Các trường lớp đại học và trung học chuyên nghiệp (không kể các lớp tại chức mở độc lập tại cơ quan, cơ sở sản xuất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) chỉ thu nhận hồ sơ của tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ và cơ quan ngang Bộ gửi đến. Không nhận hồ sơ cá nhân gửi lẻ hay những đơn vị không có thẩm quyền.

- Hồ sơ không đúng thủ tục coi như không có giá trị. Những hồ sơ có chữ tẩy xóa, sửa chữa không hợp lệ hay khai man sẽ bị trả lại cơ quan gửi đến và tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thái độ xử lý thích đáng.

- Hồ sơ không trúng tuyển sẽ không gửi trả lại đương sự.

Chương 3:

THỦ TỤC TUYỂN CHỌN

Điều 12. - Việc giới thiệu và tuyển chọn người đi học được tiến hành thống nhất từ cơ sở lên theo 3 bước sau đây:

Bước 1: Đơn vị quản lý trực tiếp hướng dẫn người xin đi học thuộc đơn vị mình làm đầy đủ hồ sơ theo mẫu chung của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Sau đó, trên cơ sở thu thập ý kiến rộng rãi của quần chúng và có sự bàn bạc nhất trí giữa chính quyền. Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh của cơ quan, đơn vị mà tuyển chọn giới thiệu những người xứng đáng, có đủ tiêu chuẩn đi học.

Bước 2: Hồ sơ của người dự tuyển được chuyển dần lên đến Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương (đối với những người thuộc địa phương quản lý) hoặc đến Bộ, cơ quan ngang Bộ (đối với những người thuộc các cơ quan trung ương quản lý). Các cơ quan nói trên căn cứ vào tiêu chuẩn tuyên chọn và nhu cầu đào tạo, sử dụng cán bộ của ngành mình, địa phương mình mà xem xét từng người và giới thiệu danh sách kèm theo hồ sơ về các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.

Bước 3: Các trường, lớp kiểm tra lại một lần nữa đối với từng người về các tiêu chuẩn đã ghi trong thông báo tuyển sinh năm đó và phát giấy gọi những người có đủ tiêu chuẩn dự tuyển về thi văn hóa. Khi thi xong, lập danh sách những học sinh trúng tuyển trình Bộ, cơ quan ngang Bộ, hay Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu có trường, lớp chuẩn y. Sau đó các trường, lớp phát giấy triệu tập học sinh về học đồng thời báo cáo thống kê kết quả tuyển chọn vê số lượng và chất lượng cho Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Chú ý: Đối với những lớp tại chức, mở độc lập cơ quan, cơ sở sản xuất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì thủ tục và cách tuyển chọn như sau:

1. Thành lập hội đồng tuyển sinh của đơn vị gồm có:

- Thủ trưởng đơn vị làm chủ tịch hội đồng.

- Bí thư Đoàn thành niên lao động Hồ Chí Minh.

- Các trưởng phòng (ban) lo về đào tạo, tổ chức cán bộ, lao động tiền lương.

Hội đồng căn cứ vào các tiêu chuẩn ở chương I để xét chọn từng người, sau đó trình Bộ chủ quản (cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu) duyệt danh sách những người có đủ điều kiện dự thi văn hóa.

2. Bộ chủ quản (cơ quan ngang Bộ), Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trng ương trực tiếp chỉ đạo về hình thức cũng như nội dung thi văn hóa. Hội đồng tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi mà lập danh sách học sinh trúng tuyển trình Bộ (cơ quan ngang Bộ), Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương có lớp chuẩn y, sau đó báo cáo thống kê kết quả về số lượng và chất lượng cho Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Điều 13. - Việc xét tuyển sau khi thi văn hóa tiến hành theo thứ tự như sau:

- Nhận thẳng vào học đối với những người là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dân tộc ít người thuộc các vùng rẻo cao.

- Nhận vào học nếu điểm thi đạt từ trung bình trở lên, đối với những người là chiến sĩ thi đua 3 năm liền và thương binh còn đủ sức khỏe theo học.

- Sau khi xét trúng tuyển đối với hai loại ưu tiên nói trên, tiếp tục chọn những người thi đạt từ điểm cao nhất trở xuống. Trong khi xét chọn, nếu có những người đạt điểm thi ngang nhau thì chọn người làm lâu năm trong nghề, những quân nhân tại ngũ hay đã chuyển ngành, phụ nữ người quê ở miền Nam, dân tộc ít người nói chung.

- Nếu còn chỗ sẽ chọn thêm những người học không đúng ngành nghề.

Điều 14. - Những người trúng tuyển vào các lớp buổi tối vắng mặt 10 buổi học liền ngay sau khi khai giảng mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị gạch tên. Những người trúng tuyển vào các lớp gửi thư vắng mặt trong kỳ tập trung đầu tiên, hoặc sau ngày khai giảng 2 tháng chưa nộp được một bài tập hay bài kiểm tra bắt buộc nào mà không có lý do chính đáng, cũng bị gạch tên.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15.Quy định này có hiệu lực từ năm học 1970 – 1971.

Điều 16.Các trường, lớp tại chức căn cứ vào thông báo tuyển sinh hàng năm của các Bộ (cơ quan ngang Bộ), Ủy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố trực thuộc trung ương chủ quản để ra những văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình của trường, lớp mình. Những văn bản này phải gửi về cơ quan ra thông báo và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp để báo cáo trước khi thực hiện.

(Ban hành theo Quyết định số 2415-QĐ ngày 14 tháng 11 năm 1970 của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2451-QĐ năm 1970 ban hành quy định tuyển sinh vào các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

  • Số hiệu: 2451-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
  • Người ký: Tạ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản