Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC KIỂM TRA, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;

Căn cứ Công văn số 2266/TTg-NC ngày 11/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy;

Xét đề nghị của Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tại Tờ trình số 48/TTr-CSPC&CC-P2 ngày 12/01/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an (C66);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K11.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Phan Cao Thắng

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC KIỂM TRA, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 245/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2016 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vi phạm về PCCC, không để xảy ra cháy nổ lớn, nhất là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

2. Việc kiểm tra, hướng dẫn phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, từng bước đưa công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, đạt hiệu quả.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Đối tượng: Các khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

2. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 01/02/2016 đến 15/3/2016.

III. NỘI DUNG KIỂM TRA (Kèm theo Phụ lục I, II, III)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành của tỉnh như sau:

- 01 Lãnh đạo UBND tỉnh - Trưởng đoàn;

- 01 Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC tỉnh - Phó Trưởng đoàn;

- Các thành viên đoàn kiểm tra:

+ 01 Lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố.

+ 01 Lãnh đạo Sở Công thương.

+ 01 Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ 01 Lãnh đạo Sở Xây dựng;

+ 01 Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

+ 01 Lãnh đạo Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy.

+ Phóng viên Đài phát thanh và truyền hình Bình Định.

+ 01 Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PC&CC khu vực phụ trách địa bàn.

Các đơn vị liên quan lập danh sách lãnh đạo tham gia Đoàn kiểm tra gửi về UBND tỉnh (qua Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PC&CC tỉnh, địa chỉ: 127 Hai Bà Trưng, thành phố Quy Nhơn; điện thoại: 056.3811143; fax: 056.3811142) trước ngày 29/01/2016.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm tiến hành kiểm tra toàn diện các mặt công tác PCCC tại các khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm tra cần tập trung phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm về PCCC và nguyên nhân; đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và cơ sở trong việc để xảy ra các vi phạm; kiên quyết yêu cầu cơ sở khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về PCCC và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các thành viên Đoàn kiểm tra được quyền trưng dụng cán bộ chuyên môn thuộc đơn vị mình để giúp việc, tham gia cùng Đoàn kiểm tra.

2. UBND cấp xã, phường, thị trấn; Ban quản lý, chủ đầu tư của chung cư và người đứng đầu chợ, trung tâm thương mại có cơ sở được kiểm tra chuẩn bị báo cáo về nội dung nêu tại Mục III của kế hoạch này; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất với Đoàn kiểm tra (nếu có).

3. Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách các cơ sở cần kiểm tra; xây dựng lịch kiểm tra và thông báo cho các thành viên Đoàn kiểm tra, các địa phương và cơ sở biết để thực hiện; bố trí phương tiện đưa đón thành viên Đoàn kiểm tra. Kết thúc đợt kiểm tra tổng hợp, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh và Bộ Công an theo quy định./.

 

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG KIỂM TRA AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI KHU DÂN CƯ
(Kèm theo Kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh)

1. Kiểm tra việc lập và lưu trữ theo dõi, quản lý công tác PCCC theo quy định tại Điều 3 thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014.

2. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp xã, phường, thị trấn.

Nội dung kiểm tra cần phải tập trung vào các nội dung:

- Công tác chỉ đạo kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương; bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư; biện pháp xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về PCCC theo thẩm quyền.

- Công tác tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào quần chúng PCCC.

- Việc tổ chức quản lý đội dân phòng.

- Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC; trang bị phương tiện PCCC cho các đội dân phòng theo quy định.

- Các điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

- Công tác chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy.

- Công tác tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy (nếu có).

- Công tác thống kê, báo cáo về PCCC.

3. Kiểm tra thực tế các điều kiện an toàn về PCCC.

- Việc ban hành các quy định, nội quy về PCCC, sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ.

- Các biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm của khu dân cư.

- Công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định đối với khu dân cư xây dựng mới.

- Kiểm tra an toàn PCCC đối với hệ thống điện và an toàn PCCC trong sử dụng điện.

- Hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan.

- Các phương án chữa cháy, phương án thoát nạn và việc tổ chức thực tập các phương án trên theo quy định.

- Công tác huấn luyện, tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng và trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng này theo quy định.

 

PHỤ LỤC II

NỘI DUNG KIỂM TRA AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI CHUNG CƯ
(Kèm theo Kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh)

1. Kiểm tra việc lập và lưu trữ hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.

2. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của ban quản lý, chủ đầu tư tòa nhà.

Nội dung kiểm tra cần tập trung:

- Công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật.

- Việc ban hành theo thẩm quyền các nội dung và biện pháp về PCCC.

- Công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định PCCC.

- Công tác đầu tư, bảo đảm kinh phí hoạt động PCCC, đặc biệt là kinh phí bảo dưỡng sửa chữa, duy tu hệ thống PCCC.

- Việc trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra (nếu có).

3. Kiểm tra thực tế

Nội dung kiểm tra thực tế cần tập trung vào các vấn đề sau:

a) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án chữa cháy cơ sở và hoạt động của lực lượng chữa cháy cơ sở.

- Phương án chữa cháy cơ sở theo tình huống cụ thể, theo từng khu vực có nguy hiểm cháy nổ trong tòa nhà. Phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; việc bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

- Việc lập, tổ chức hoạt động của đội PCCC cơ sở, số lượng đội viên và cơ cấu trang bị phương tiện, tình hình tập luyện chữa cháy theo quy định.

b) Kiểm tra giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy

- Giao thông xung quanh tòa nhà có đảm bảo các điều kiện cho việc tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang cứu nạn cứu hộ.

- Các nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy bao gồm nguồn nước từ sông, hồ, các bể chứa nước, họng nước, trụ nước chữa cháy.

c) Kiểm tra các giải pháp thoát nạn.

- Số lối thoát nạn, đường thoát nạn, nơi thoát nạn và các điều kiện phục vụ cho thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra.

- Hệ thống tăng áp buồng thang (nếu cơ sở được yêu cầu trang bị).

d) Kiểm tra các giải pháp phòng cháy, chống cháy lan.

- Các bộ phận, thiết bị ngăn cháy như cửa ngăn cháy ở hành lang, buồng thang, ở các phòng kỹ thuật điện, máy; sàn; sàn ngăn cháy ở các kênh, giếng kỹ thuật; van ngăn cháy trong đường ống thông gió.

- Hệ thống hút khói, thông gió đối với những cơ sở được quy định bắt buộc phải trang bị.

e) Kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy.

Việc trang bị, bảo quản, bảo dưỡng cũng như tình trạng hoạt động của các hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy ngoài nhà, hệ thống chữa cháy tự động.

f) Kiểm tra hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng

- Việc sử dụng điện của tòa nhà để phát hiện tình trạng quá tải có thể dẫn đến chập điện gây ra cháy, nổ.

- Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC đối với các tủ điện, đường dây dẫn điện.

- Các giải pháp tách riêng biệt các hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống điện bảo vệ, hệ thống điện chiếu sáng sự cố và hệ thống cấp điện cho hệ thống PCCC. Các thiết bị bảo vệ và điều khiển hệ thống điện (cầu dao, cầu chì, aptomat, công tắc,..), hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng và thông số phù hợp với dòng điện tiêu thụ, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây ra cháy.

- Hệ thống chiếu sáng sự cố, hệ thống chỉ dẫn thoát nạn và kiểm tra các hệ thống trên được hoạt động với nguồn điện dự phòng (bình ắc quy, pin) nêu nguồn điện chính bị cắt.

g) Kiểm tra các nội dung khác

- Việc sử dụng ngọn lửa trần, bảo quản sử dụng máy móc, thiết bị điện, các chất cháy, nhiên liệu,... trong các hoạt động, sinh hoạt của cư dân trong tòa nhà.

- Việc bố trí hệ thống đổ rác, việc cách ly các ống đổ rác và buồng chứa rác với những phần khác của ngôi nhà bằng các bộ phận ngăn cháy và giải pháp ngăn cháy lan, thông gió cho hệ thống này.

- Việc bố trí, sắp xếp xe máy, vật tư hàng hóa và các chất cháy đảm bảo an toàn về PCCC và các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan

 

PHỤ LỤC III

NỘI DUNG KIỂM TRA AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI CHỢ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
(Kèm theo Kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh)

1. Kiểm tra việc lập và lưu trữ hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.

2. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chợ, Trung tâm thương mại, trong quá trình thực hiện cần tập trung kiểm tra:

- Công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật.

- Việc ban hành theo thẩm quyền các nội quy và biện pháp về PCCC.

- Công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC.

- Công tác đầu tư, bảo đảm kinh phí hoạt động PCCC, đặc biệt là kinh phí bảo dưỡng sửa chữa, duy tu hệ thống PCCC.

- Việc trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra (nếu có).

3. Kiểm tra thực tế

Nội dung kiểm tra cần tập trung vào các vấn đề sau:

a) Tổ chức thực hiện phương án chữa cháy cơ sở và hoạt động của lực lượng chữa cháy cơ sở.

- Công tác xây dựng các phương án chữa cháy tại chỗ theo các tình huống cụ thể, theo từng khu vực có nguy hiểm cháy nổ trong chợ, trung tâm thương mại. Phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; việc bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

- Việc thành lập, tổ chức hoạt động của đội PCCC cơ sở, số lượng đội viên và cơ cấu trang bị phương tiện, tình hình tập luyện chữa cháy theo quy định.

b) Kiểm tra giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy

- Giao thông xung quanh chợ, trung tâm thương mại có đảm bảo các điều kiện cho việc tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang cứu nạn cứu hộ.

- Các nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy bao gồm nguồn nước từ sông, hồ, các bể chứa nước, họng nước, trụ nước chữa cháy.

c) Kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy

Việc trang bị, bảo dưỡng bảo trì cũng như tình trạng hoạt động của các hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy ngoài nhà, hệ thống chữa cháy tự động.

d) Kiểm tra các giải pháp, biện pháp chống cháy lan

- Các giải pháp chống cháy lan bằng tường, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy. Tạo khoảng cách chống cháy lan bằng cách sắp xếp hàng hóa theo khu, theo dãy, hàng hóa không cháy xen vào hàng hóa dễ cháy.

- Hệ thống hút khói, thông gió đối với những cơ sở được quy định bắt buộc phải trang bị.

đ) Kiểm tra các hệ thống, giải pháp thoát nạn

- Đường thoát nạn và nơi thoát nạn an toàn khi có cháy trong chợ, trung tâm thương mại, gồm: số lượng lối thoát nạn, chiều rộng của lối thoát nạn và các điều kiện phục vụ thoát nạn.

- Hệ thống tăng buồng áp thang (nếu cơ sở được yêu cầu trang bị).

e) Kiểm tra hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng

- Việc tự ý câu móc, đấu nối hệ thống điện của các cửa hàng kinh doanh, can thiệp kỹ thuật vào hệ thống điện có thể dẫn đến chạm, chập điện gây ra cháy nổ.

- Việc tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy.

- Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn và hoạt động của hệ thống này khi nguồn điện chính bị cắt.

f) Kiểm tra các nội dung khác

- Việc bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa và các chất cháy đảm bảo an toàn về PCCC và các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan.

- Việc sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần (thắp hương, thờ cúng) trong các gian hàng kinh doanh tại chợ và trung tâm thương mại.

- Việc sử dụng các thiết bị có thể phát sinh nguồn nhiệt tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ.

- Việc sử dụng, kinh doanh các loại hàng đặc biệt nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, khí ga...