Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 02 tháng 10 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/ND-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 10/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XII về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1077/TTr-VTTTDL ngày 06/8/2013 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
- Phát triển du lịch Ninh Thuận phù hợp với Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác liên quan;
- Phát triển du lịch với vai trò là động lực và cơ bản góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn và miền núi còn nhiều khó khăn;
- Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội;
- Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển;
- Phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế về biển, về văn hóa, sinh thái để phát triển du lịch, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong tiểu vùng Nam Trung Bộ, vùng Duyên hải miền Trung và cả nước; tăng cường liên kết vùng miền, đặc biệt đối với các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung với hệ thống sản phẩm dịch vụ khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên có tính đặc thù, có sức cạnh tranh trên thị trường.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và các điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, nhân văn, mở rộng nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho đầu tư phát triển du lịch, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương, phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành trọng điểm quốc gia (là ngành kinh tế trụ cột thứ 2 trong 6 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020) và khu vực tương xứng với tiềm năng sẵn có, đảm bảo môi trường các khu du lịch và giữ gìn an ninh trật tự để phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
- Quy hoạch phát triển du lịch toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh; hình thành một số khu du lịch ở tầm quốc gia và khu vực, phấn đấu đến năm 2015 Ninh Thuận trở thành một trong 7 vùng trọng điểm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang. Xây dựng được thương hiệu du lịch Ninh Thuận, trọng điểm là khu du lịch Ninh Chữ;
- Năm 2015 đón 1,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200 nghìn lượt khách; năm 2020 đón 3,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 586 nghìn lượt khách;
- Tổng thu từ du lịch năm 2015 đạt 55 triệu USD tương đương 1.160 tỷ VND - năm 2020 đạt 335 triệu USD tương đương 7.025 tỷ VNĐ;
- Tỷ trọng GDP du lịch trong tổng GDP tỉnh năm 2015 chiếm tỷ trọng 8%; năm 2020 chiếm tỷ trọng 12%;
- Nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch năm 2015 là 7.600 phòng; năm 2020 là 18.390 phòng;
- Năm 2015 tạo việc làm cho khoảng 34 nghìn lao động, trong đó 10,3 nghìn lao động trực tiếp; năm 2020 tạo việc làm cho gần 54 nghìn lao động, trong đó 18,4 nghìn lao động trực tiếp.
1. Phát triển thị trường
- Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế ở thị trường truyền thống của Việt Nam bao gồm: thị trường Nga; Châu Âu chú trọng Pháp, Đức và Anh; Mỹ; thị trường ASEAN; Trung Quốc; thị trường Đông Bắc Á chú trọng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan;
- Phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường liên kết giữa Ninh Thuận với các vùng, miền, địa phương trong cả nước, đặc biệt là thị trường thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nội tỉnh, các đô thị lân cận... Thị trường phía bắc tuy là thị trường xa nhưng cũng được xác định là thị trường ưu tiên của du lịch Ninh Thuận.
2. Phát triển các sản phẩm du lịch
- Du lịch biển: Là loại hình du lịch đặc thù phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch biển của tỉnh, đây là sản phẩm mang tính chiến lược của du lịch Ninh Thuận. Trong đó, tập trung phát triển ở các khu vực có tiềm năng du lịch biển như Ninh Chữ - Bình Sơn, Vĩnh Hy, Cà Ná, Bình Tiên, Mũi Dinh,...;
- Du lịch văn hóa lịch sử: Là loại hình du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, đặc biệt là văn hóa dân tộc Chăm. Các sản phẩm du lịch chính bao gồm: du lịch hành trình văn hóa Chăm; du lịch lễ hội; tham quan di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng;
- Du lịch sinh thái: Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ở các khu vực có tiềm năng trong tỉnh với các sản phẩm chính: du lịch sinh thái gắn với biển; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch tham quan các cảnh quan tự nhiên;
- Du lịch mạo hiểm: Khai thác các khu vực có những yếu tố nổi bật về địa hình đặc biệt tập trung trong khu vực vườn quốc gia Phước Bình, vườn quốc gia Núi Chúa, đèo Ngoạn Mục, thác Sakai, đồi cát Nam Cương,... Các loại hình sản phẩm chính gồm: du lịch leo núi; du lịch chèo thuyền Kayak vượt thác; du lịch lặn biển; du lịch khám phá vùng đồi cát;
- Du lịch dịch vụ cao cấp: Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch dịch vụ cao cấp tập trung vào các sản phẩm: du lịch thuyền buồm; du lịch thể thao cao cấp (golf); các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp;
- Du lịch mua sắm, giải trí: khai thác tiềm năng du lịch tại khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với các sản phẩm chính: khu trung tâm mua sắm, các dịch vụ giải trí công cộng;
- Các sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ: du lịch gắn với sự kiện; du lịch làng nghề, du lịch homestay, du lịch MICE; du lịch đô thị; du lịch ẩm thực....
3. Phát triển du lịch theo không gian lãnh thổ
a) Các không gian phát triển:
- Không gian phía đông bắc:
Nằm ở phía đông bắc tỉnh, thuộc huyện Thuận Bắc và huyện Ninh Hải, tập trung phát triển ở khu vực dải ven biển từ Vĩnh Hy đến Ninh Chữ và vườn quốc gia Núi Chúa. Các sản phẩm du lịch chính: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái; du lịch thể thao cao cấp (sân golf Ma trai, sân golf Bình Tiên); du lịch năng lượng,...;
Khu, điểm du lịch nổi bật gồm: vịnh Vĩnh Hy; suối Lồ ồ; suối Kiền Kiền; hồ Treo; bãi biển Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Đá Vách; rạn san hô biển; bãi rùa vàng Thái An;...
- Không gian trung tâm:
Nằm ở trung tâm tỉnh, bao gồm khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận, dọc theo QL 27. Các sản phẩm du lịch chính: du lịch đô thị; du lịch biển; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái Nông nghiệp,...;
Khu, điểm du lịch nổi bật gồm: tháp Pô Klông Garai; bãi biển Bình Sơn.
- Không gian phía nam:
Nằm ở phía nam tỉnh, bao gồm dải ven biển từ Ninh Phước (bãi biển Tuấn Tú) đến Thuận Nam (bãi biển Cà Ná). Các sản phẩm du lịch chính: du lịch biển; du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa làng nghề; du lịch năng lượng; du lịch khám phá đồi cát; du lịch thể thao mạo hiểm,...;
Khu, điểm du lịch nổi bật gồm: bãi biển Cà Ná; bãi biển Phước Dinh; bãi biển Từ Thiện; bãi biển Tuấn Tú; cồn cát đỏ Nam Cương; cồn cát di động Phước Dinh; cồn cát trắng Tuấn Tú; Hải đăng Mũi Dinh; Trại Phong điện; Nhà máy điện hạt nhân.
- Không gian phía tây bắc:
Nằm ở phía tây bắc tỉnh, thuộc khu vực huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn. Các sản phẩm du lịch chính: du lịch sinh thái; du lịch tham quan kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; du lịch nghỉ ngơi giải trí, leo núi, thể thao; du lịch văn hóa; du lịch cuối tuần,...;
Khu, điểm du lịch nổi bật gồm: vườn quốc gia Phước Bình; thác Chapơr; suối Thương, thác Tiên, thác Sakai, đèo Ngoạn Mục....
b) Các trung tâm du lịch dịch vụ:
- Trung tâm du lịch dịch vụ thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải): Trung tâm du lịch dịch vụ phục vụ cho không gian du lịch phía đông bắc, gắn với động lực là Vịnh Vĩnh Hy và các khu du lịch biển quan trọng trong không gian;
- Trung tâm du lịch dịch vụ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: Là trung tâm du lịch dịch vụ phục vụ cho không gian phát triển du lịch trung tâm, là đầu mối của các tuyến giao thông và du lịch quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 27, đường sắt Bắc - Nam... Đây sẽ là trung tâm du lịch dịch vụ lớn nhất của tỉnh, đầu mối đón tiếp và cung cấp khách du lịch cho các không gian du lịch khác;
- Trung tâm du lịch dịch vụ thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước): Là trung tâm du lịch dịch vụ phục vụ cho không gian du lịch phía nam gắn với đầu mối giao thông quan trọng là quốc lộ 1A;
- Trung tâm du lịch dịch vụ thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn): Là trung tâm du lịch dịch vụ phục vụ cho không gian du lịch phía tây bắc, đầu mối đón tiếp khách du lịch từ Lâm Đồng và Khánh Hòa theo đường quốc lộ 27 và quốc lộ 27B.
c) Các tuyến du lịch:
- Tuyến du lịch mang tính liên vùng:
Tuyến du lịch theo Quốc lộ 1A (Tuy Hòa - Nha Trang - Phan Rang - Phan Thiết): Sản phẩm du lịch chính: du lịch biển, đảo; du lịch tham quan di tích kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa (văn hóa Chăm); du lịch sinh thái; du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm). Các điểm đến chính: vịnh Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa); biển Mũi Né, đảo Phú Quý (Bình Thuận); Tuy Hòa (Phú Yên); biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy,... (Ninh Thuận).
Tuyến du lịch theo Quốc lộ 27: Sản phẩm du lịch chính: du lịch biển; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa Tây Nguyên, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, văn hóa Chăm; du lịch sinh thái rượu nho; du lịch tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên gắn với các sản vật hoa, cà phê, voi; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tam giác phát triển. Các điểm đến chính: Ninh Chữ, Vĩnh Hy,... (Ninh Thuận); tháp Pôklông Garai, Pôrômê, Hòa Lai (Ninh Thuận); Đà Lạt (Lâm Đồng); Vườn quốc gia Yokđôn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk); Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Măng Đen, Yaly (Gia Lai - Kon Tum).
- Tuyến du lịch nội tỉnh:
Tiếp tục phát triển tuyến tham quan làng nghề Chăm - tháp Po Klongiarai - nho Thái An - Vĩnh Hy - Bình Tiên và ngược lại. Đây là tuyến du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn cao của tỉnh.
Phát triển tuyến tham quan làng nghề Chăm - tháp Po Klongirai - suối nóng Krong pha - vườn cây ăn trái Sông Pha và ngược lại.
Phát triển tuyến tham quan làng nghề Chăm - tháp Po Klongiarai - thác Chapơr - bẫy đá Pi Năng Tắc - nhà truyền thống Bác Ái và ngược lại.
Phát triển tuyến tham quan làng nghề Chăm - tháp Po Klongarai - hồ Tân Giang - Chiến Khu CK7.
Hình thành các tuyến tham quan vườn quốc gia Phước Bình và vườn quốc gia Núi Chúa.
Xây dựng tuyến: Các làng nghề dệt Mỹ nghiệp, gốm Bàu Trúc - tháp Pôrômê - đền PôInưGar - nho Ba Mọi và các thương hiệu nho Ninh Phước.
Hình thành tuyến: suối nước nóng Krongpha - vườn cây ăn trái Lâm Sơn - thác Sakai.
IV. PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ DU LỊCH
1. Hệ thống giao thông
a) Đường bộ: Tập trung phát triển các tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch bao gồm:
- Nâng cấp, hoàn chỉnh trục quốc lộ dọc qua tỉnh như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và 27B; tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná và đầu tư xây dựng cầu Đông Hải - Phú Thọ (cầu An Đông);
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tạo kết nối với tuyến ven biển và Quốc lộ 1A gồm đường 703 nối từ quốc lộ 1A đến đường Yên Ninh và Hải Thượng Lãn Ông; nâng cấp đường Kiền Kiền đến Cảng hàng hóa Ninh Chữ; nâng cấp, mở rộng đường Văn Lâm - Sơn Hải;
- Xây dựng tuyến đường đi bộ ven bãi tắm khu du lịch Ninh Chữ - Bình Sơn;
- Xây dựng và nâng cấp tuyến đường vào đồi cát Nam Cương (đường Tuấn Tú - Nam Cương);
- Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đi đến các điểm du lịch như hồ Tân Giang (Thuận Nam), hồ Sông Trâu - Ba Tri Ma Trai, suối Tiên (Thuận Bắc), tháp Chapơr (Bác Ái), thác Sakai (Ninh Sơn);
- Xây dựng đường vành đai bao quanh thành phố Phan Rang - Tháp Chàm gắn kết với Quốc lộ 27 và các tuyến đường huyện qua các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước.
b) Đường sắt: Cải tạo và nâng cấp đường sắt Bắc - Nam đoạn đường sắt cao tốc Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Ninh Thuận. Quy hoạch phục hồi tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm để phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch với Đà Lạt.
c) Đường biển: Phát triển các cảng chuyên dụng phục vụ du lịch gồm Bình Tiên - Vĩnh Hy và Bình Sơn - Ninh Chữ để tiếp nhận các tàu du lịch trong nước.
d) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các khu, điểm du lịch sẽ được triển khai trong giai đoạn quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.
2. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác
Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác phát triển theo định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và các quy hoạch chuyên ngành liên quan.
V. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG
1. Đào tạo nguồn nhân lực
- Đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ;
- Thu hút nguồn nhân lực trẻ và có năng lực thông qua chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo tại nước ngoài bằng kinh phí nhà nước;
- Nâng cấp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp du lịch.
2. Giáo dục cộng đồng
Tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư. Giáo dục bồi dưỡng những kiến thức về văn minh thương mại, văn minh du lịch. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng.
VI. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030: Khoảng 83.484 tỷ đồng
- Giai đoạn 2013 - 2015: Khoảng 2.324,00 tỷ VNĐ;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Khoảng 16.422,00 tỷ VNĐ;
- Giai đoạn 2021 - 2030: Khoảng 64.738,00 tỷ VNĐ.
Cơ cấu vốn đầu tư phân theo nguồn vốn:
- Vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20%, tương đương 16.697 tỷ VNĐ;
- Vốn tích lũy từ giá trị tăng thêm du lịch và của các doanh nghiệp du lịch chiếm khoảng 15%, tương đương 12.522 tỷ VNĐ;
- Vốn tư nhân chiếm 45%, tương đương 37.568 tỷ VNĐ;
- Vốn FDI khoảng 20%, tương đương 16.697 tỷ VNĐ.
VII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở du lịch tạo yếu tố phát triển bền vững
- Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm du lịch;
- Tại các khu du lịch đã ổn định cần tạo điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, dành ưu đãi đầu tư thỏa đáng cho từng địa bàn để kêu gọi các thành phần kinh tế trong ngoài tỉnh tham gia đầu tư du lịch;
- Nâng cấp các cơ sở hoạt động du lịch hiện có, quy định chặt chẽ về việc đầu tư cơ sở du lịch mới phải đáp ứng yêu cầu phục vụ các loại khách từ bình dân đến cao cấp tùy theo địa bàn.
2. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
- Lập đề án phát triển các loại hình du lịch thích hợp theo từng địa phương;
- Tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của ngành, nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, nhà hàng, ... tăng cường khả năng liên kết vùng và hội nhập quốc tế và khu vực.
3. Về quảng bá và xúc tiến du lịch
Tiếp tục nâng cao hình ảnh quê hương con người Ninh Thuận, tạo sức hút mạnh mẽ của điểm đến du lịch Ninh Thuận. Cụ thể:
- Xuất bản những ấn phẩm giới thiệu tổng thể/chi tiết về Ninh Thuận, đĩa tư liệu tổng quan về du lịch, chương trình xúc tiến, hình ảnh quảng bá bằng DVD-ROM, bản đồ du lịch... bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh;
- Xây dựng lại theo hướng phù hợp với phát triển du lịch trong thời điểm hiện tại và trong vài năm tiếp theo, phát triển website du lịch Ninh Thuận trên mạng (www.ninhthuantourist.com) có băng thông và dung lượng cao, tăng cường quảng bá website trên các kênh truyền thông uy tín trong lĩnh vực du lịch, lĩnh vực tìm kiếm trên mạng Internet;
- Chú trọng xây dựng hình ảnh các điểm đến du lịch trong tỉnh;
- Vấn đề giữ gìn uy tín thương hiệu của sản phẩm cần được xem trọng hơn.
4. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về du lịch
- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch;
- Tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch;
- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp;
- Nâng cao trình độ quản lý theo quy hoạch cho các cấp, các ngành.
5. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch;
- Giải pháp về chuẩn hóa nhân lực du lịch: tăng cường năng lực cho công chức quản lý du lịch ở các cấp; mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
6. Giải pháp về vốn đầu tư cho du lịch
- Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch;
- Huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển du lịch.
7. Thực hiện việc liên kết phát triển du lịch với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh tiểu vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên
- Hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư;
- Hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch;
- Hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch;
- Hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực.
8. Nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch
- Về cơ chế chính sách: có chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng điểm một cách hợp lý; chính sách quy định về tổ chức quản lý đảm bảo cho sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý, khai thác tài nguyên với tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài;
- Về quy hoạch, kế hoạch: khi lập các quy hoạch, kế hoạch cần phải có các giải pháp đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
9. Về tổ chức quản lý
- Phát triển hạ tầng đồng bộ với sự phát triển của tỉnh;
- Giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên;
- Giải pháp về giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức;
- Xây dựng hành lang pháp lý và kiểm tra xử lý vi phạm;
- Về liên kết với cộng đồng địa phương;
- Giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn;
- Nhóm giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chịu trách nhiệm công bố và phổ biến rộng rãi quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch 5 năm và hàng năm theo đúng định hướng quy hoạch;
- Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát các tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch kịp thời khi không phù hợp.
2. Các Sở, ban ngành của tỉnh:
Theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố cho phù hợp. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 244/QĐ-UBND ngày 02/10/2013 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)
Phụ lục 1: Danh mục các dự án mang tính động lực ưu tiên được triển khai trong giai đoạn đến 2015
Stt | Tên Dự án | Địa điểm đầu tư | Quy mô (ha) | Tổng vốn dự kiến (tỷ đồng) | Hình thức đầu tư |
1 | KDL quốc gia Ninh Chữ | Huyện Ninh Hải | Tối thiểu 1.000 |
| Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
2 | KDL nghỉ dưỡng Bình Sơn | TP. Phan Rang - Tháp Chàm | 200 |
| Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
3 | KDL sinh thái cao cấp, bến du thuyền vịnh Vĩnh Hy | Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải | 200 |
| Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
4 | KDL cao cấp vùng lõi Núi Chúa - Vĩnh Hy | Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải | 479 | 9.000 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
5 | KDL sinh thái Thác Chapơr | Ma Lâm, Phước Tân, Bác Ái | 40 | 200 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
6 | KDL kết hợp tắm khoáng Nhị Hà - Hồ Tân Giang | Nhị Hà, Thuận Nam | 50 | 150 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
7 | KDL Từ Thiện | Phước Dinh, Thuận Nam | 50 | 250-300 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
8 | KDL sinh thái Hồ Sông Sắt | 2 xã Phước Thành và Phước Đại, huyện Bác Ái | 200 | 800 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
9 | KDL sa mạc đồi cát Nam Cương | An Hải, Ninh Phước | 700 | 3.000 | Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
10 | Khu sinh thái bảo tồn rùa biển Thái An | Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải | 50 |
| Trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài |
Ghi chú: Về tổng mức đầu tư của dự án 1, 2, 3 và 10 được lựa chọn, xác định chính xác cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư.
Phụ lục 2: Danh mục các dự án lập quy hoạch
Stt | Tên Dự án | Giai đoạn |
1 | Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Ninh Chữ | 2013 - 2014 |
2 | Quy hoạch phân khu khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Sơn | 2013 - 2014 |
3 | Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái cao cấp, bến du thuyền vịnh Vĩnh Hy | 2013 - 2014 |
4 | Quy hoạch cụ thể phát triển khu du lịch cao cấp vùng lõi Núi Chúa - Vĩnh Hy | 2013 -2014 |
5 | Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Thác Chapơr | 2014 -2015 |
6 | Quy hoạch chi tiết khu du lịch kết hợp tắm khoáng Nhị Hà - hồ Tân Giang | 2014 - 2015 |
7 | Quy hoạch chi tiết khu du lịch Từ Thiện | 2014 - 2015 |
8 | Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Hồ Sông Sắt | 2014 - 2015 |
9 | Quy hoạch chi tiết phát triển khu du lịch sa mạc đồi cát Nam Cương | 2014 - 2015 |
10 | Quy hoạch chi tiết khu sinh thái bảo tồn rùa biển Thái An | 2014 - 2015 |
- 1Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 214/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 4Quyết định 2771/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa
- 5Quyết định 1691/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn”
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 1222/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 7Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 214/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 9Quyết định 2771/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa
- 10Quyết định 1691/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn”
Quyết định 244/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 244/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/10/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Nguyễn Đức Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/10/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra