Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 2436/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Công văn số 317/SCN-QLCN ngày 22 tháng 3 năm 2006 về việc đề nghị phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất và Công văn số 56/CV-VKT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Viện Kinh tế về báo cáo thẩm định Dự án Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 và ý kiến của các Sở - ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất của thành phố đến năm 2010, có tính đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển chung ngành hóa chất:

a) Phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố về truyền thống, thương hiệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống.

b) Phát triển một cách có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển toàn ngành công nghiệp thành phố.

c) Phát triển công nghiệp hóa chất phải kết hợp chặt chẽ với các địa phương khác có nguồn nguyên liệu trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các tỉnh khác để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành.

d) Phát triển công nghiệp hóa chất trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội và đầu tư nước ngoài. Lấy đầu tư dân doanh và đầu tư nước ngoài làm động lực phát triển; đầu tư của Nhà nước rất hạn chế, chủ yếu dùng để hỗ trợ, khuyến khích và chỉ đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất với công nghệ cao, lĩnh vực phục vụ cộng đồng.

e) Đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất cần sử dụng các loại công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

2. Định hướng phát triển chung ngành hóa chất:

a) Tập trung phát triển các sản phẩm tinh khiết, có giá trị gia tăng cao dựa vào sự phát triển của các ngành công nghệ sinh học và công nghệ nano.

b) Ưu tiên phát triển các ngành sản xuất hóa chất ít gây ô nhiễm môi trường và có giá trị gia tăng cao như: hóa dược và dược phẩm; hóa mỹ phẩm, hương liệu và cao su, nhựa cao cấp.

c) Hạn chế phát triển các ngành sản xuất hóa chất gây ô nhiễm môi trường như sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất cơ bản....

d) Đối với các sản phẩm hiện nay sản xuất với quy mô lớn đang có ưu thế về thị trường, thương hiệu như bột giặt, nhựa gia dụng, săm lốp xe đạp, xe máy... cần tăng cường đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí để tăng năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, hướng tới thị trường các nước trong khu vực và thế giới. Chú trọng công nghệ hóa tái chế các chất thải công nghiệp để bảo vệ môi trường và tận dụng được chất thải.

e) Công nghiệp hóa chất cần phát triển tập trung trong các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện triệt để kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất hóa chất gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp, kết hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp và đổi mới thiết bị, công nghệ để bảo vệ môi trường.

g) Chú trọng công tác nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực hóa tinh khiết, hóa dược, kết hợp với công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm từ nguồn động thực vật nhiệt đới phục vụ sản xuất thuốc, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm...

3. Mục tiêu phát triển chung ngành hóa chất:

- Chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng nhóm hóa dược và dược phẩm; tăng một phần nhóm sản phẩm sơn, véc ni và mực in. Nhóm sản phẩm cao su và plastic; hương liệu mỹ phẩm và chất tẩy rửa vẫn giữ được vai trò chủ đạo của ngành đến năm 2020. Các sản phẩm thuộc nhóm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ có tỷ trọng giảm dần.

- Đến năm 2010, quản lý chất lượng tất cả các sản phẩm hóa chất phải theo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn về môi trường.

- Đưa trình độ công nghệ của ngành hóa chất thành phố từ mức trung bình so với thế giới hiện nay lên mức trung bình khá vào năm 2010 và khá vào năm 2020, ngang bằng với các nước trong khu vực.

a) Tốc độ tăng trưởng các giai đoạn (giá 1994):

Các chỉ tiêu

Đơn vị

Giai đoạn

2006 - 2010

2011 - 2015

2016 - 2020

Tốc độ tăng trưởng GTSXCN bình quân

%

15 - 16

14 - 15

13 - 14

b) Tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn:

Các chỉ tiêu

Đơn vị

Giai đoạn

2006 - 2010

2011 - 2015

2016 - 2020

Tỷ trọng GTSXCN bình quân ngành hóa chất TPHCM so với cả nước.

%

49 - 50

47 - 48

42 - 43

Tỷ trọng GTSXCN bình quân ngành hóa chất so với GTSXCN TPHCM

%

20,5 - 21,5

22 - 23

24 - 25

c) Dự báo giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành hóa chất và các chuyên ngành hóa chất thành phố đến năm 2020 (giá 1994)

Đơn vị tính: tỷ đồng

 

Đến năm 2010

Đến năm 2015

Đến năm 2020

Toàn ngành hóa chất

46.086

88.285

167.429

24. SX hóa chất và các sản phẩm hóa chất

21.363

42.040

84.670

2411. Sản xuất hóa chất cơ bản (trừ phân bón và hợp chất nitơ)

596

1.050

1.691

2412. Sản xuất phân bón và hợp chất nitơ

2.510

3.054

3.372

2413. Sản xuất plastic dạng nguyên sinh và cao su tổng hợp

121

214

360

2421. Sản xuất thuốc trừ sâu và các sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp

832

1.062

1.355

2422. Sản xuất sơn, vécni và các chất sơn quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít

2.892

6.075

11.696

2423. Sản xuất thuốc, hóa dư­ợc và dược liệu

3.753

9.339

25.240

2424. Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh

9.626

18.943

36.474

2429. Sản xuất các sản phẩm hóa chất khác

961

2.198

4.325

2430. Sản xuất sợi nhân tạo

72

106

155

25. SX các sản phẩm từ cao su và plastic

23.798

43.845

77.271

31. SX Pin, ắc quy

925

2.399

5.489

d) Dự báo cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp ngành hóa chất thành phố đến năm 2020:

Đơn vị tính: %

 

Đến năm 2010

Đến năm 2015

Đến năm 2020

Toàn ngành hóa chất

100,00

100,00

100,00

24. SX hóa chất và các sản phẩm hóa chất

46,35

47,62

50,57

2411. Sản xuất hóa chất cơ bản (trừ phân bón và hợp chất nitơ)

1,29

1,19

1,01

2412. Sản xuất phân bón và hợp chất nitơ

5,45

3,46

2,01

2413. Sản xuất plastic dạng nguyên sinh và cao su tổng hợp

0,26

0,24

0,22

2421. Sản xuất thuốc trừ sâu và các sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp

1,81

1,20

0,81

2422. Sản xuất sơn, vécni và các chất sơn quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít

6,28

6,88

6,99

2423. Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu

8,14

10,58

15,08

2424. Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh

20,89

21,46

21,78

2429. Sản xuất các sản phẩm hóa chất khác

2,08

2,49

2,58

2430. Sản xuất sợi nhân tạo

0,16

0,12

0,09

25. SX các sản phẩm từ cao su và plastic

51,64

49,66

46,15

31. SX Pin, ắc quy

2,01

2,72

3,28

4. Quy hoạch phát triển các chuyên ngành hóa chất đến năm 2010, có tính đến năm 2020:

a) Nhóm sản phẩm cao su và nhựa:

* Đối với sản phẩm cao su:

- Phát triển sản xuất với quy mô, kỹ thuật và công nghệ phù hợp với khả năng và lợi thế của từng mặt hàng.

- Khuyến khích phát triển quy mô lớn, công nghệ hiện đại cho sản xuất lốp ô tô mành thép (công nghệ radian), cao su kỹ thuật cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư sản xuất một số loại phụ liệu cho ngành để đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, trên cơ sở các nguồn nguyên liệu trong nước như sản xuất mành vải chất lượng cao, mành thép, dây tanh.

* Đối với nhóm sản phẩm nhựa.

- Tập trung phát triển những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và có giá trị gia tăng vượt trội như nhựa kỹ thuật, các sản phẩm mới, ứng dụng vật liệu mới.

- Thúc đẩy việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Xúc tiến một số dự án lớn quan trọng của ngành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh.

- Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp nhựa theo hướng tăng dần sản phẩm nhựa kỹ thuật và xây dựng, giảm dần nhựa gia dụng.

b) Nhóm sản phẩm chất tẩy rửa và chăm sóc cá nhân:

- Phát triển sản phẩm đa dạng phù hợp với nhu cầu của các thị trường. Từng bước nâng dần sản lượng xuất khẩu. Nâng chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài với giá cả cạnh tranh.

- Đáp ứng đủ toàn bộ nhu cầu thị trường trong nước về sản lượng bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm, nước tẩy rửa…

- Tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh, tranh thủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất các sản phẩm cao cấp, cần công nghệ cao và đầu tư vốn lớn, kể cả sản xuất các loại nguyên liệu.

c) Nhóm sản phẩm hóa dược và dược phẩm:

- Ưu tiên phát triển một số nhóm sản phẩm thuốc quan trọng, thuốc thiết yếu để phòng và điều trị các bệnh nguy hiểm, phục vụ đa số cộng đồng, nhất là những người có thu nhập thấp (các loại kháng sinh, vitamin...). Tham gia sản xuất thuốc cai nghiện ma túy, thuốc chữa bệnh HIV/AIDS, chữa bệnh ung thư, chữa bệnh tim mạch...

- Đến năm 2010 tổ chức những cơ sở sản xuất hóa dược vô cơ, hóa dược hữu cơ (quy mô nhỏ), tá dược thông thường để từ đó sau năm 2010 xây dựng cơ sở sản xuất tá dược cao cấp như cellulose và các dẫn suất của nó, tinh bột biến tính, cho phép đáp ứng nhu cầu chủ yếu đối với một số loại nguyên liệu hóa dược chính, giảm nhập khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng và số lượng thuốc phục vụ nhu cầu trong nước.

- Từ năm 2010 đến năm 2020 thành phố sẽ xây dựng công nghiệp dược trong đó có hóa dược đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Những công nghệ đầu tư phải đạt trình độ hiện đại cùng với đổi mới quản lý để ngành hóa dược thành phố từng bư­ớc đáp ứng được nhiệm vụ cung cấp nguồn nguyên liệu làm thuốc.

- Chọn nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh, trong đó đặc biệt phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu và thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu; xây dựng ngành công nghiệp bào chế thuốc y học cổ truyền ngày càng phát triển.

d) Nhóm sản phẩm sơn:

- Định hướng phát triển ngành sơn phải theo xu thế chung của thế giới và các nước trong khu vực là thay thế dần sơn hệ dung môi hữu cơ bằng các loại sơn theo công nghệ sạch gồm: Sơn dung môi nước, sơn bột, sơn có hàm lượng chất rắn cao.

- Tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất sơn với quy mô vừa và nhỏ, áp dụng công nghệ cao để đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước các loại sơn thông dụng có chất lượng cao như sơn trang trí, sơn dân dụng khác, sơn ô tô, xe máy, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất các loại sơn đặc chủng khác như sơn cách điện, sơn tầu thủy, sơn giao thông… là các loại đang có nhu cầu ngày càng cao để phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp.

e) Nhóm sản phẩm phân bón:

- Không đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Các cơ sở sản xuất phân bón đã có trên địa bàn cần di dời vào các khu công nghiệp theo lộ trình của thành phố kết hợp với đổi mới công nghệ, thiết bị và đa dạng hóa sản phẩm đảm bảo môi trường sinh thái và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới.

- Khuyến khích xây dựng các tổ hợp chế biến rác kết hợp sản xuất phân hữu cơ sinh học tại các khu tập trung rác thải của thành phố.

- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trên địa bàn thành phố mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh khác để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp và xuất khẩu.

g) Nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản:

- Không phát triển các cơ sở sản xuất mới trên địa bàn thành phố. Đối với các cơ sở hiện có thì tập trung di dời theo kế hoạch và kết hợp nâng cấp, đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hợp tác, liên doanh, liên kết với các tỉnh, các công ty, tập đoàn nước ngoài xây dựng các nhà máy mới gắn với vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành hóa chất cả nước.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển lĩnh vực hóa chất tinh vi, tiến tới sản xuất một số loại hóa chất tinh khiết quy mô phòng thí nghiệm phục vụ cho bào chế thuốc, nghiên cứu và giảng dạy.

h) Nhóm sản phẩm điện hóa:

Chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại, có trình độ tự động hóa cao cho những công trình đầu tư mới, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao và để phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

- Về ắc quy: Tiếp tục hoàn thiện công nghệ đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nâng sản lượng khu vực thành phố Hồ Chí Minh đạt ~ 1,2 triệu kWh/năm. Đồng thời nghiên cứu để sản xuất ắc qui kiềm khi có điều kiện.

- Về pin: Tăng sản lượng pin truyền thống. Đầu tư sản xuất các loại pin cao cấp (Ni/MH, Liti, ion Liti, pin nhiên liệu...) sử dụng trong các thiết bị viễn thông, máy tính, đồng hồ, máy ảnh, ôtô điện...

i) Nhóm sản phẩm khí công nghiệp:

- Đáp ứng phần lớn nhu cầu về sản phẩm khí công nghiệp như oxy, nitơ, acetylen, hydro, cacbonic và các loại khí hiếm, khí trộn khác cho thị trường trong nước.

- Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm nước đá khô (CO2), NH3 và các loại khí hiếm như Heli... để đáp ứng nhu cầu trong nước.

5. Định hướng phân bố theo không gian công nghiệp:

- Đối với các cơ sở xuất gây ô nhiễm môi trường cần kiên quyết chỉ đạo di dời hoặc chuyển đổi sản xuất theo các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đối với các dự án đầu tư mới, cần bố trí vào các khu công nghiệp tập trung của thành phố.

- Nhu cầu đất cho phát triển ngành hóa chất thành phố trong giai đoạn 2006 - 2010 cần có thêm 200 - 235ha đất; giai đoạn 2011 - 2015 cần 245 - 285ha; giai đoạn 2016 - 2020 cần 350 - 405ha. Như vậy, trong 15 năm tới, để phát triển ngành hóa chất theo các mục tiêu đề ra cần 800 - 925ha đất (trong các khu, cụm công nghiệp). Dự kiến bố trí các chuyên ngành sản phẩm như sau:

+ Trong Khu Công nghiệp Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè dành 100ha cho ngành hóa chất và 50ha cho ngành cao su. Trong khu vực 100ha sẽ bố trí các dự án sản xuất hóa chất cơ bản, dự án sản xuất chất hoạt động bề mặt LAS cho ngành sản xuất chất tẩy rửa và các dự án sản xuất chất tẩy rửa sau năm 2010. Ngoài ra, các dự án sản xuất các sản phẩm sơn, véc ni, mực in, khí công nghiệp cũng được bố trí vào khu công nghiệp này.

+ Ngành nhựa và vật liệu mới sẽ bố trí vào 100ha ở Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh.

+ Ngành hóa dược và dược phẩm, sản xuất hóa mỹ phẩm, hương liệu sẽ bố trí vào Khu Công nghiệp Phước Hiệp huyện Củ Chi khoảng 200ha.

- Ngoài ra có thể bố trí một số dự án ít gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp khác.

6. Các phân ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2006 - 2015:

- Nhóm sản phẩm hóa dược và dược phẩm.

- Hóa mỹ phẩm và hương liệu.

- Vỏ ô tô từ công nghệ radian, cao su kỹ thuật, sản phẩm cao su từ mủ latex.

- Nhựa kỹ thuật cao phục vụ sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện tử, cơ khí chế tạo, vật liệu mới...

7. Nhu cầu vốn đầu tư:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

 

2006 - 2010

2011 - 2015

2016 - 2020

Toàn ngành hóa chất

12.999

27.954

62.786

24. SX hóa chất và các sản phẩm hóa chất

6.581

15.553

38.648

2411. Sản xuất hóa chất cơ bản (trừ phân bón và hợp chất nitơ)

200

354

571

2412. Sản xuất phân bón và hợp chất nitơ

377

332

222

2421. Sản xuất thuốc trừ sâu và các sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp

94

95

139

2422. Sản xuất sơn, vécni và các chất sơn quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít

921

2.100

4.240

2423. Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu

1.801

5.749

18.702

2424. Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh

2.941

6.340

13.633

2429; 2413; 2430 SX các sản phẩm hóa chất khác

247

583

1.141

25. SX các sản phẩm từ cao su và plastic

6.057

11.364

21.654

31. SX Pin, ắc quy

360

1.037

2.485

8. Giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch:

Xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế, từ mục tiêu phát triển và chuyển dịch cơ cấu trong ngành, công nghiệp hóa chất thành phố được chia thành ba nhóm như sau để có các giải pháp và chính sách khuyến khích:

- Nhóm I: Nhóm sản phẩm đặc biệt khuyến khích phát triển gồm: Sản xuất các sản phẩm hóa dược, dược phẩm đặc chủng do Nhà nước làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nước ngoài hoặc các thành phần kinh tế đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt về bố trí mặt bằng, chi phí thuê đất, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực... phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam.

- Nhóm II: Nhóm sản phẩm khuyến khích phát triển gồm: Sản xuất các loại dược liệu, dược phẩm thông dụng; hóa mỹ phẩm, hương liệu; sản xuất các sản phẩm cao su, plastic cao cấp và các sản phẩm được tuyển chọn trong danh mục trọng điểm của thành phố.

- Nhóm III: Nhóm sản phẩm phát triển theo cơ chế thị trường gồm: Sản xuất các sản phẩm phân bón NPK, phân hữu cơ vi sinh; sản xuất các sản phẩm điện hóa; sản xuất các sản phẩm khí công nghiệp; sản xuất các sản phẩm chất tẩy rửa; sản xuất các sản phẩm cao su, plastic thông thường, sơn và sản xuất các sản phẩm hóa chất khác...

a) Giải pháp về quản lý:

- Tuyển chọn chủ đầu tư thực hiện một số dự án hóa dược và dược phẩm theo cơ chế đặc biệt. Để thực hiện việc này, cần nghiên cứu đề ra các tiêu chuẩn đánh giá, tuyển chọn.

- Đẩy nhanh tiến độ tin học hóa quản lý của thành phố nói chung và lĩnh vực quản lý công nghiệp nói riêng. Tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố (trong đó có ngành hóa chất) để phục vụ công tác quản lý, điều hành và nghiên cứu.

- Cải tiến và hoàn thiện nội dung trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và cải thiện môi trường hấp dẫn đầu tư.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành nghề (hiệp hội nhựa, cao su, hóa chất) trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả. Hàng năm, tổ chức cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với đại diện các hiệp hội để giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp cũng như các kiến nghị của doanh nghiệp.

- Xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án thành phố khuyến khích thuộc nhóm sản phẩm hóa dược và dược phẩm; hóa mỹ phẩm, hương liệu; lốp ô tô radian, cao su kỹ thuật; nhựa cao cấp: linh kiện, phụ tùng, chi tiết cho công nghiệp điện tử, máy móc, thiết bị,... theo mọi hình thức.

- Thực hiện cơ chế một cửa trong việc cấp chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, nhân rộng hình thức đăng ký cấp phép qua mạng.

- Các bộ quản lý chuyên ngành: Công nghiệp, y tế nghiên cứu ban hành bổ sung tiêu chuẩn các sản phẩm đặc thù của ngành để quản lý chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

- Nghiên cứu ban hành khung giá thuê đất và phí hạ tầng trong các khu công nghiệp chuyên ngành với các mức phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư chọn mặt bằng sản xuất theo đúng chuyên ngành.

b) Giải pháp về vốn đầu tư:

- Công bố danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên: danh mục nhóm A - các công trình trọng điểm; nhóm B khuyến khích đầu tư...

- Huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau:

+ Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư phù hợp với các cam kết gia nhập WTO.

+ Áp dụng nhiều hình thức huy động vốn một cách linh hoạt nhằm khai thác các nguồn vốn nội lực trong dân. Mở rộng hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu được áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp, thí điểm loại trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phần doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp được bổ sung vốn từ phần thuế thu nhập nộp tăng thêm so với năm trước.

* Đối với các dự án nhóm I: Thành phố lựa chọn chủ đầu tư hoặc giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư hoặc liên doanh với nước ngoài; Ngân sách hỗ trợ một phần hoặc huy động vốn ODA, phần còn lại cho vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển. Nếu kêu gọi đầu tư thì có cơ chế ưu đãi như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... cho chủ đầu tư.

* Đối với các dự án nhóm II: Ủy ban nhân dân thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư huy động vốn từ mọi nguồn.

c) Đào tạo nguồn nhân lực:

- Các Sở thuộc Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với các trường Đại học chuyên ngành trong thành phố về đào tạo chuyên sâu đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong giai đoạn tới.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật.

- Khuyến khích các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại thành phố theo các chương trình nghiên cứu và sản xuất sản phẩm nhóm I.

- Phối hợp với các hội nghề nghiệp thành lập các trường nghề chuyên ngành. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và quản lý hiện đại ngắn ngày cho cán bộ quản lý của các doanh nghiệp thuộc các chuyên ngành hóa chất ưu tiên phát triển thông qua kinh phí khuyến công và Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của thành phố.

- Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

d) Giải pháp về xúc tiến thương mại:

- Giới thiệu doanh nghiệp tham gia chương trình đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố thông qua các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại của Chính phủ, của thành phố, hiệp hội nghề nghiệp và qua các hội chợ triển lãm.

- Hỗ trợ doanh nghiệp kêu gọi đầu tư. Hỗ trợ xác minh đối tác hợp tác đầu tư, thương mại cho doanh nghiệp.

- Kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn đối với người sử dụng và sức khỏe cộng đồng.

e) Giải pháp về nghiên cứu khoa học công nghệ:

- Vốn nghiên cứu khoa học của thành phố ưu tiên dành cho chương trình nghiên cứu hóa dược, xây dựng phòng thí nghiệm trung tâm hoặc tăng cường trang thiết bị, nâng cấp các phòng thí nghiệm hiện có của thành phố hoặc các trường Đại học, Viện nghiên cứu có xây dựng kế hoạch gắn kết với thành phố.

- Thành lập Trung tâm nghiên cứu triển khai gắn liền với phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế (vốn Nhà nước + doanh nghiệp + tư nhân + đầu tư nước ngoài) với nhiệm vụ nghiên cứu các cây, con có đặc tính sinh hóa phục vụ cho hóa dược; công nghệ gen và protein; kiểm định chất lượng sản phẩm của ngành theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, liên kết các Hội hóa học, cao su, nhựa thành phố với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trên địa bàn và các doanh nghiệp.

- Hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.

- Đối với các dự án đầu tư mới cần áp dụng công nghệ tiên tiến, kiên quyết không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu.

- Hỗ trợ tài chính cho phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin ngành, cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm trên địa bàn thành phố để phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, quản lý vĩ mô và hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tổ chức đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp về quản lý công nghệ thông qua quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm hóa chất trọng điểm:

+ Hỗ trợ về thiết kế sản phẩm và lựa chọn công nghệ (Tư vấn về thiết kế sản phẩm, đổi mới công nghệ; mua hoặc cải tiến thiết bị, công nghệ).

+ Hỗ trợ việc tổ chức các hoạt động tư vấn và một phần chi phí tư vấn.

+ Hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp (Hướng dẫn tham gia chương trình xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại (ISO 9000, ISO 14000, HACCP, CMM…).

+ Hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp.

- Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ thành phố để hỗ trợ nhanh và hiệu quả việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới.

- Thực hiện các chương trình trọng điểm về khoa học - công nghệ song song với việc tạo lập và phát triển thị trường khoa học - công nghệ.

g) Các biện pháp bảo vệ môi trường:

- Đẩy nhanh tiến độ di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư hoặc chuyển đổi sản xuất.

- Thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để Quyết định số 200/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung đối với ngành hóa chất gồm: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón, luyện cán cao su.

- Bố trí các dự án sản xuất hóa chất vào khu công nghiệp tập trung. Khi cấp chứng nhận đầu tư phải xem xét kỹ công nghệ sản xuất và đề án xử lý môi trường. Mọi cơ sở sản xuất phải xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào hệ thống chung của thành phố.

- Khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất đạt “Giải thưởng xanh” của thành phố.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Sở Công nghiệp thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Công bố quy hoạch sau khi phê duyệt và chủ trì tổ chức thực hiện quy hoạch này; Phối hợp với các Sở - Ban - Ngành khác tổ chức tuyển chọn chủ đầu tư các dự án trọng điểm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

+ Chủ trì, kết hợp với các Sở chức năng của thành phố, nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố cơ chế ưu đãi đối với dự án sản xuất nhóm I.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối vốn ngân sách thành phố để đầu tư dự án đặc biệt trong chương trình trọng điểm của thành phố.

- Sở Tài chính: Chủ trì, kết hợp với các Sở - Ban - Ngành của thành phố nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi cho các dự án nhóm I.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Ưu tiên phân bổ vốn nghiên cứu khoa học cho chương trình hóa dược và bào chế thuốc, vắc xin phòng chống dịch bệnh như: HIV/AIDS, cúm gia cầm,... Tuyển chọn và giao nhiệm vụ cho các tổ chức chủ trì nghiên cứu chương trình hóa dược của thành phố. Tuyển chọn các phòng thí nghiệm trên địa bàn đủ điều kiện để đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nguồn nhân lực để có đủ khả năng kiểm tra chất lượng sản phẩm hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển ngành.

Tổ chức thông tin khoa học và công nghệ miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trợ giúp tư vấn đổi mới công nghệ...

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Xem xét đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

- Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp: Bố trí mặt bằng cho các dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp chuyên ngành theo quy hoạch không gian của thành phố. Nghiên cứu, đề xuất khung giá đất và phí hạ tầng các khu công nghiệp chuyên ngành để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Lập chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật tại các trường trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển công nghiệp hóa chất.

Giao các Sở nghiên cứu đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Chính phủ các việc sau:

- Sở Tài chính đề xuất về việc cho phép doanh nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm các chi phí đào tạo nguồn nhân lực.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất về bố trí vốn ODA cho dự án hóa dược và sản xuất thuốc kháng sinh làm nòng cốt phát triển ngành trong tương lai.

- Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất về việc ưu tiên phân bổ vốn khoa học - công nghệ đầu tư tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm của các trường Đại học, Viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố để tham gia chương trình nghiên cứu hóa dược quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu sản phẩm mới, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất về việc nghiên cứu, điều tra, lập quy hoạch phát triển các vùng cây dược liệu tập trung làm cơ sở cho phát triển công nghiệp dược khu vực phía Nam trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2436/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hóa chất thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2436/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/06/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: 15/06/2007
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản