Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2404/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 20 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2018-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 về việc ban hành Quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020;

Xét đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 53/TTr-VPĐP ngày 04 tháng 12 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020.

2. Quan điểm:

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là quá trình triển khai thực hiện liên tục chỉ có điểm bắt đầu và không có thời gian kết thúc, kết quả xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo bền vững và hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

- Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nhằm nâng chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn theo hướng đồng bộ, bền vững và được người dân hài lòng.

- Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Mục tiêu:

3.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhằm đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; có kinh tế- xã hội phát triển; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự đảm bảo; nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Lựa chọn 06 xã làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu hoàn thành năm 2020:

+ Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng nổi trội về Giáo dục và văn hóa;

+ Xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên nổi trội về Tổ chức sản xuất;

+ Xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý nổi trội về Tổ chức sản xuất gắn với du lịch;

+ Xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm nổi trội về Môi trường;

+ Xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân nổi trội về Văn hóa;

+ Xã An Đổ, huyện Bình Lục nổi trội về Tổ chức sản xuất.

- Các xã còn lại lựa chọn các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2020 đạt từ 5/13 chỉ tiêu trở lên trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

4. Phạm vi và nguyên tắc thực hiện:

4.1. Phạm vi thực hiện: Các xã trên phạm vi toàn tỉnh.

4.2. Nguyên tắc thực hiện:

- Đảm bảo công khai dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Người dân là chủ thể thực hiện Chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cán bộ xã, thôn là người trực tiếp tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp là cơ quan hỗ trợ.

- Xã chọn làm điểm là đơn vị thực hiện trước để rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã còn lại; các xã còn lại căn cứ vào điều kiện thực tế lựa chọn các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu để thực hiện theo phương châm: chỉ tiêu, tiêu chí nào dễ, phù hợp với nguyện vọng của người dân và có nguồn lực thì thực hiện trước, tiêu chí nào khó, cần nhiều nguồn lực thì thực hiện từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đảm bảo tính bền vững lâu dài, hiệu quả cao.

4.3. Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu:

Là xã đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

4.4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018-2020.

5. Nội dung của Đề án:

5.1. Tiêu chí Sản xuất - Thu nhập - Hộ nghèo:

a) Tổ chức sản xuất: Có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; có ít nhất 02 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả.

b) Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người xã đạt chuẩn nông thôn mới cùng thời điểm.

c) Không có hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, hoặc do bệnh him nghèo).

5.2. Tiêu chí Giáo dục - Y tế - Văn hóa:

a) Tỷ lệ huy động trẻ đi học mẫu giáo đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt từ 98% trở lên, số trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt từ 95% trở lên.

b) Trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; dân số thường trú trên địa bàn xã được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt từ 90% trở lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.

c) Có mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, thu hút từ 60% trở lên số người dân thường trú trên địa bàn xã tham gia. Mỗi thôn có ít nhất 01 đội hoặc 01 câu lạc bộ văn hóa- văn nghệ hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

5.3. Tiêu chí Môi trường:

a) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên.

b) Có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến.

c) Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.

d) Có từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

đ) 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững.

5.4. Tiêu chí An ninh trật tự- Hành chính công:

a) Trong 03 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn xã: không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; không có công dân thường trú ở xã phạm tội; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm.

b) Công khai minh bạch, đầy đủ các thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân đảm bảo có hiệu quả; có mô hình điển hình về cải cách thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu các xã có kế hoạch cụ thể để thực hiện củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được đảm bảo đạt chuẩn bền vững.

6. Nhiệm vụ và giải pháp:

6.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp và bổ sung thêm nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Triển khai sâu rộng Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.

- Các tổ chức, hội, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động hội viên tham gia thực hiện vào nội dung sinh hoạt định kỳ tháng, quý, năm và là tiêu chí xét thi đua cuối năm.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và Ủy ban nhân dân các xã xây dựng Đề án triển khai thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.

- Ban hành cơ chế, quy định nội dung hỗ trợ cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

6.2. Về tuyên truyền vận động:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở về chủ trương xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều hình thức để mọi người dân hiểu và tự giác thực hiện.

- Các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã tổ chức các hội thi liên quan đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; cấp tỉnh tổ chức Hội thi tuyên truyền vận động xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào đầu năm 2020.

- Triển khai các giải pháp tuyên truyền vận động thực hiện xã hội hóa Chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

6.3. Về cơ chế chính sách hỗ trợ:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các xã được chọn làm điểm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ cho xã làm điểm và xã không làm điểm nhưng đạt chuẩn.

- Các Sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện của các xã để xây dựng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án.

- Mức hỗ trợ cho xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018- 2020 là 02 tỷ đồng/xã; 300 triệu đồng/thôn của xã với tổng kinh phí dự kiến là 21,9 tỷ đồng (6 xã x 2 tỷ đồng = 12 tỷ đồng và 33 thôn x 0,3 tỷ đồng = 9,9 tỷ đồng) để hỗ trợ thực hiện các nội dung tiêu chí của xã và thôn để đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu:

+ Hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có liên kết chuỗi giá trị; ....

+ Hỗ trợ thực hiện vệ sinh môi trường thôn, khu dân cư như: hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị thu gom, tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt (thùng đựng rác, xe đẩy rác...); hỗ trợ di dời chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh của hộ gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm.

+ Hỗ trợ làm rãnh thoát nước trên các tuyến đường xã, thôn; xây dựng hàng rào, hàng rào xanh; trồng hoa, cây bóng mát trong khuôn viên nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn và ở các tuyến đường; điện chiếu sáng các tuyến đường.

+ Hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học, y tế, văn hóa, đường giao thông nông thôn...

+ Hỗ trợ lắp biển báo giao thông đầu các tuyến đường chính của xã, thôn; hỗ trợ lắp pano, áp phích tuyên truyền.

+ Hỗ trợ mua sắm một số dụng cụ tập thể dục, thể thao ở khu thể thao xã, thôn; sửa chữa chỉnh trang nhà văn hóa xã, khu vệ sinh nhà văn hóa xã, thôn; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa xã, thôn; công tác văn hóa, văn nghệ; công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội... và các nội dung cần thiết, phù hợp khác để thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

+ Mức hỗ trợ cho từng nội dung công việc của xã, thôn được cụ thể hóa trong Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của xã.

Ngoài phần hỗ trợ trên, các nội dung liên quan của các đề án, dự án đầu tư, mô hình sản xuất ... đã phê duyệt thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.

7. Nguồn vốn hỗ trợ:

Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình giảm nghèo bền vững; ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác.

8. Tổ chức thực hiện:

8.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phi nông thôn mới tỉnh):

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Nam chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020; định kỳ báo cáo và thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án, phát hiện kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, tham mưu các giải pháp tháo gỡ với Ban Chỉ đạo.

8.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất kinh phí, định mức hỗ trợ, bố trí kế hoạch vốn Chương trình nông thôn mới và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện Đề án.

8.3. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Đề án; hướng dẫn các đơn vị thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

8.4. Các sở, ngành có liên quan:

Theo chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo sở, ngành phụ trách; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng để cán bộ và nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực.

8.5. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh:

Tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, thành viên, nhân dân thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

8.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Chỉ đạo xã được chọn làm điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018- 2020 xây dựng Đề án và Kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các xã không làm điểm lựa chọn các chỉ tiêu của tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu để triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện, thành phố; hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Đề án, kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu của các xã; kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và báo tiến độ thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để theo dõi, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

8.7. Ủy ban nhân dân các xã:

Tham mưu Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành, thôn xóm tổ chức thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định.

Điều 2. Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ TW Chương trình MTQGXDNTM;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Văn phòng Điều phối TWCTMTQGXDNTM;
- Thường trực TU, Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 4;
- VPUB: LĐVP, NN;
- Lưu VT.
C-NN2018

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Minh Hiến