Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 05 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;

Căn cứ Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ;

Căn cứ nghị quyết 58/2006/NQ-HĐND tỉnh ngày 20/7/2006 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến 2015, tầm nhìn 2020;

Thực hiện Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam tại Tờ trình số 695/TTr-SKHCN ngày 23 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình Thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2010 - 2015 ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

CHƯƠNG TRÌNH

THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24 /QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Cung cấp rộng rãi, kịp thời và chính xác thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và vật chất của nông dân trên địa bàn Quảng Nam.

b) Từng bước xây dựng nguồn lực thông tin KH&CN đủ mạnh để phục vụ hiệu quả nhu cầu thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá;

c) Tăng cường chia sẻ, hợp tác thông tin KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữa các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh; các cơ quan ở Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, tiến đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, góp phần hình thành Thư viện thông tin điện tử về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng Thư viện điện tử về KH&CN kết hợp nâng cấp và phát triển webstie thông tin hai chiều, tạo mối liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh.

b) Đưa các ấn phẩm Thông tin KH&CN đến tận cơ sở thông qua các điểm Bưu điện Văn hoá xã trên địa bàn tỉnh, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội cơ sở.

c) Hình thành Tạp chí truyền hình về phổ biến kiến thức khoa học trên sóng của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Quảng Nam; đồng thời xây dựng chuyên mục về KH&CN trên sóng phát thanh của hệ thống đài phát thanh trên toàn tỉnh.

d) Phát triển hình thức phổ biến thông tin KH&CN thông qua tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hàng năm tổ chức từ 3 - 5 lớp tập huấn/huyện, thành phố; ưu tiên khu vực vùng núi, vùng xa, vùng sâu.

đ) Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin KH&CN về nông nghiệp cho các huyện, thành phố. Biên tập và xuất bản các bộ tài liệu thông tin KH&CN bằng ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số như C’tu, Bh’noong, Cadoong,... để chuyển tải thông tin KH&CN đến đồng bào và góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc.

II. NỘI DUNG THÔNG TIN KH&CN

1. Thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

2. Thông tin về các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất (Trồng trọt, chăn nuôi,...) có hiệu quả kinh tế và phù hợp với trình độ kỹ thuật của từng vùng, các tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi,...

3. Thông tin các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp, gồm các loại máy, thiết bị và dây chuyền thiết bị:

a) Trồng trọt

- Làm đất cho cây trồng cạn, đặc biệt là trên đất dốc;

- Gieo, trồng, cấy các loại cây trồng chính;

- Chăm sóc, tưới tiêu;

- Thu hoạch một số cây trồng chính;

- Nhà kính, nhà lưới và thiết bị trong nhà trồng;

- Khai thác, sản xuất, vận chuyển gỗ và lâm, đặc sản;

- Phòng, chống cháy rừng.

- Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng;

- Kỹ thuật xây dựng vườn ươm cây giống;

b) Chăn nuôi

- Chuồng trại chăn nuôi, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản;

- Cung cấp thức ăn, nước uống, chăm sóc vật nuôi, vệ sinh chuồng trại và ao, lồng nuôi trồng thủy sản;

- Khai thác, đánh bắt thuỷ-hải sản;

- Kỹ thuật xây dựng và các địa chỉ xây dựng hầm biogas;

4. Thông tin các công nghệ tiên tiến và thiết bị phù hợp phục vụ bảo quản, chế biến nông lâm, thuỷ sản

a) Công nghệ và thiết bị sơ chế, bảo quản nông-lâm-thuỷ sản

- Vật liệu làm bao bì và bao bì để đóng gói, bảo quản;

- Các kiểu nhà bảo quản (Packing house);

- Công nghệ và thiết bị để sơ chế, bảo quản.

b) Công nghệ và thiết bị chế biến nông-lâm-thuỷ sản

- Các loại hạt giống;

- Thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và thức ăn nhanh;

- Rau quả, cây công nghiệp quy mô nhỏ;

- Dược liệu;

- Gỗ và lâm đặc sản;

- Thịt gia súc, gia cầm và thuỷ-hải sản;

- Thức ăn chăn nuôi;

- Phân vi sinh và hữu cơ vi sinh.

c) Thông tin về công nghệ và thiết bị sản xuất các loại giống, con vật nuôi (Bao gồm cả gia súc, gia cầm và giống thủy sản).

5. Thông tin các công nghệ, thiết bị và vật liệu phục vụ phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn có quy mô vừa và nhỏ:

a) Công nghệ và thiết bị phục vụ các làng nghề chế biến nông-lâm-thủy-hải sản, …;

b) Công nghệ, thiết bị và vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm thủ công, mỹ nghệ:

- Gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

- Gốm, sứ, thủy tinh, đá;

- Kim loại;

- Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ khác.

c) Công nghệ sản xuất sạch hơn cho các cơ sở, làng nghề,...

6. Thông tin công nghệ, thiết bị và các giải pháp xử lý các chất phế thải nông nghiệp và ở nông thôn; các kiến thức về bảo vệ môi trường:

a) Công nghệ, thiết bị và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

- Làng nghề chế biến nông-lâm-thủy-hải sản;

- Làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ;

- Làng nghề thuộc da, dệt, nhuộm;

- Làng nghề tái chế phế thải, phế liệu.

b) Công nghệ, thiết bị và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nông thôn:

- Cụm đơn nghề;

- Cụm đa nghề.

c) Công nghệ, thiết bị và các giải pháp xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn:

- Các chất thải do hóa chất nông nghiệp;

- Các chất thải do hoạt động sản xuất nông nghiệp (Chăn nuôi, trồng trọt ...);

- Các chất thải do hoạt động nuôi trồng thủy sản;

- Các chất thải do các hoạt động khác.

d) Giới thiệu phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

7. Thông tin về công nghệ và thiết bị về xây dựng, vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư ở nông thôn.

8. Thông tin thị trường cho từng loại sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và hàng thủ công mỹ nghệ.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn I (Năm 2010 - 2012):

a) Tổng hợp thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân cấp huyện. Thời gian tiến hành: năm 2010.

b) Xây dựng và triển khai đề án Thư viện điện tử về KH&CN tỉnh Quảng Nam. Thời gian tiến hành: năm 2010 - 2011.

c) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho các cán bộ, hội viên nông dân và vận động các cán bộ, hội viên nông dân tích cực nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào việc tìm kiếm thông tin KH&CN trên mạng Internet. Thời gian tiến hành: năm 2011 - 2012.

d) Xây dựng Tạp chí truyền hình về KH&CN trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, chuyên mục KH&CN trên sóng phát thanh của hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các Đài Phát thanh Phát lại truyền hình các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện: năm 2010 - 2012

đ)Tổ chức biên soạn bộ tài liệu KH&CN bằng ngôn ngữ đồng bào các dân tộc thiểu số để phục vụ sản xuất và đời sống.

Thời gian thực hiện: năm 2010 - 2012

e) Xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển tiềm lực thông tin khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”

Thời gian thực hiện: năm 2010 - 2012

g) Xây dựng kế hoạch “Đưa các ấn phẩm thông tin khoa học và công nghệ chuyên ngành do các cơ quan cấp tỉnh xuất bản đến tận cơ sở ”.

Thời gian thực hiện: năm 2010 - 2012

2. Giai đoạn II (Năm 2013 - 2015):

a) Tiếp tục đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về CNTT cho các cán bộ, hội viên nông dân và vận động các cán bộ, hội viên nông dân tích cực nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào việc tìm kiếm thông tin KH&CN trên mạng;

b) Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố và trang bị nâng cấp máy tính tại các điểm Bưu điện Văn hoá xã.

Thời gian tiến hành: từ năm 2013 đến năm 2015.

c) Báo cáo đánh giá “Chương trình Thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân từ năm 2010 đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”

Thời gian thực hiện: Năm 2015

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách sự nghiệp KH&CN hàng năm (Bao gồm ngân sách chi thường xuyên và ngân sách đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN).

2. Bố trí lồng ghép kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công, kinh phí sự nghiệp về thông tin và truyền thông của tỉnh.

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để quyết định bố trí ngân sách sự nghiệp, ngân sách đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN hàng năm thực hiện chương trình.

b) Chủ trì và phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh tổ chức triển khai các nội dung chương trình được phê duyệt, trong đó chú trọng:

- Xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân;

- Xây dựng Thư viện điện tử về KH& CN của tỉnh Quảng Nam; nâng cấp trang Thông tin điện tử hai chiều về Khoa học và Công nghệ của Quảng Nam.

- Xây dựng trình Hội đồng KH&CN tỉnh xác định nhiệm vụ KH&CN hằng năm, nội dung biên soạn bộ tài liệu KH&CN bằng ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức phổ biến cho đồng bào dân tộc.

- Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học và Sáng tạo, xuất bản các ấn phẩm thông tin KH&CN chuyên ngành.

- Nâng cấp chuyên mục Thông tin KH&CN trên truyền hình thành Tạp chí KH&CN và Chuyên mục KH&CN trên Báo Quảng Nam.

c) Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với từng địa phương.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để quyết định bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm thực hiện chương trình và hướng dẫn các ngành, địa phương quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để quyết định bố trí kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN hàng năm đầu tư phát triển tiềm lực thông tin KH&CN theo chương trình được phê duyệt.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức chuyển tải thông tin KH&CN thông qua hình thức khuyến nông, khuyến ngư,..và các chương trình mục tiêu khác; ưu tiên cho nông thôn, nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phối hợp trong việc xác lập nhu cầu thông tin, biên soạn tài liệu thông tin KH&CN phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế của từng địa bàn và phù hợp với trình độ dân trí của nhân dân.

5. Sở Công thương

a) Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai chương trình khuyến công, chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ phục vụ phát triển các làng nghề truyền thống, công nghệ, thiết bị để phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo môi trường.

b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ, thiết bị để phát triển tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp, gồm: Các loại máy, thiết bị và dây chuyền thiết bị thiết yếu,... và thực hiện các hợp phần sản xuất sạch hơn ở làng nghề, khu, cụm công nghiệp.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải thông tin KH&CN, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin khoa học công nghệ một cách dễ dàng, hiệu quả.

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tin học cho cán bộ, hội viên, nông dân của các tổ chức chính trị - xã hội. Trước hết, là những cán bộ chuyên trách, cán bộ chủ chốt trở thành hạt nhân tin học ở cơ sở,...

7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Nam

a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng Tạp chí truyền hình về phổ biến KH&CN trên sóng phát thanh, phát hình và xây dựng chuyên mục KH&CN trên Báo Quảng Nam.

b) Tăng cường thông tin giới thiệu các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh hiệu quả để nhân dân biết học tập và làm theo.

8. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

a) Đẩy mạnh phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân thông qua việc tổ chức Hội thi Sáng tạo - Kỹ thuật tỉnh hàng năm.

b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao chất lượng tạp chí Khoa học và Sáng tạo.

c) Chỉ đạo và tập hợp các Hội khoa học chuyên ngành; phối hợp với các nhà khoa học và các tổ chức có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức khoa học phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

9. Các tổ chức chính trị - xã hội

a) Đề nghị các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên phát huy phong trào lao động sáng tạo, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.

b) Lồng ghép các chương trình công tác trọng tâm của Hội mình để đưa thông tin KH&CN đến tận cơ sở thông qua các hình thức sinh hoạt thường xuyên, các hoạt động đoàn thể,...

c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN, các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, các hình thức tuyên truyền về kiến thức bảo vệ môi trường để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

10. UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh

a) Chủ trì và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai thực hiện chương trình thông tin KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với địa phương mình.

b) Hàng năm, dành một khoản kinh phí sự nghiệp KH&CN của địa phương để triển khai công tác phổ biến tri thức và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện; xây dựng và phát triển thông tin KH&CN trên các Đài Phát thanh - Phát lại truyền hình của các huyện, thành phố;

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tham mưu các đề án, dự án cụ thể để triển khai thực hiện chương trình và định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo kế hoạch KH&CN hàng năm; định kỳ tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

2. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp triển khai chương trình trong ngành và địa phương mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu thấy cần sửa đổi bổ sung những biện pháp cần thiết để bảo đảm chương trình thực hiện hiệu quả, đồng bộ; các ngành, địa phương chủ động báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình Thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2010 - 2015

  • Số hiệu: 24/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản