Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2023/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG; KHU VỰC ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐƯỜNG BIỂN; TUYẾN ĐƯỜNG, THỜI GIAN VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 4748/TTr-TNMT ngày 02 tháng 11 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; khu vực đổ thải, nhận chìm chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh Tiền Giang;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh Tiền Giang;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- TT HĐND các huyện, thị, thành;
- Đài PT và TH, Báo Ấp Bắc;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, Nguyên

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Trọng

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG; KHU VỰC ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐƯỜNG BIỂN; TUYẾN ĐƯỜNG, THỜI GIAN VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; khu vực đổ thải, nhận chìm chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; thải đổ, nhận chìm chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất thải rắn xây dựng là chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ).

2. Chủ nguồn thải chất thải rắn xây dựng là hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn xây dựng.

3. Vật chất nạo vét là chất thu được từ hoạt động nạo vét dưới đáy ở vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển.

4. Cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quản lý chất thải rắn từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, nông thôn

1. Hộ gia đình, cá nhân tại vùng đô thị, nông thôn khi tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng, chất thải rắn phát sinh phải được tái sử dụng tại công trình xây dựng hoặc chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu san lấp mặt bằng trên cơ sở thỏa thuận giữa các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định pháp luật. Đối với chất thải rắn không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi xử lý, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển giao cho các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.

2. Chủ công trình xây dựng chịu trách nhiệm đối với việc tái sử dụng chất thải rắn xây dựng đảm bảo theo quy định pháp luật; không được tự ý đổ chất thải ra môi trường.

Điều 5. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng

1. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến điểm tập kết, trạm trung chuyển (nếu có), cơ sở xử lý, tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng phải tuân thủ lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương.

2. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, đã được kiểm định và được phép lưu hành theo quy định.

3. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.

Điều 6. Xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các công nghệ xử lý bao gồm: nghiền, sàng; sản xuất vật liệu xây dựng; chôn lấp và các công nghệ khác. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng phải tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Khuyến khích việc xử lý chất thải rắn xây dựng tại nơi phát sinh với quy trình công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Khu vực đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển

1. Khu vực đổ thải vật chất nạo vét

Hằng năm, theo yêu cầu của công tác nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển và trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố khu vực đổ thải vật chất nạo vét trên địa bàn tỉnh. Thời điểm công bố thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh chưa công bố hoặc không bố trí vị trí đổ vật chất nạo vét, các chủ đầu tư, nhà đầu tư sẽ chủ động tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để được chấp thuận, làm cơ sở triển khai thực hiện. Việc xác định vị trí đổ thải vật chất nạo vét được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ.

2. Khu vực nhận chìm đối với vật chất nạo vét

Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội có liên quan đến nhận chìm vật chất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2019/TT- BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá vật chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm vật chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để được chấp thuận vị trí nhận chìm đối với vật chất nạo vét theo quy định.

Điều 8. Thời gian, tuyến vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại

1. Tuyến đường vận chuyển

Tuyến đường vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ nguồn phát sinh chất thải, điểm tập kết đến cơ sở xử lý chất thải hoặc điểm tự xử lý chất thải của chủ nguồn thải phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông, bảo vệ môi trường; tối ưu về cự ly vận chuyển; hạn chế tối đa vận chuyển qua các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư và vận chuyển vào giờ cao điểm tại khu vực đô thị.

2. Thời gian vận chuyển

Thời gian vận chuyển buổi sáng từ 07 giờ 30 đến 11 giờ; buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ hoặc thời gian khác phù hợp nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi việc triển khai Quy định này, định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các Sở, ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này, tổng hợp kết quả trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2023/QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; khu vực đổ thải, nhận chìm chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 24/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản