Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2019/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 17 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, XÓM, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 01 tháng 8 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chức danh, bố trí số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 287/TTr-SNV ngày 04 tháng 9 năm 2019 về dự thảo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 và thay thế Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 20/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, xóm, bản, tổ dân phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Như Điều 3 (thi hành);
- TT Huyện ủy; Thành ủy;
- TT HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học - Công báo, VP UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Trưởng phòng, PTP Nội chính;
- Lưu: VT, NC (Thg).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Minh Huấn

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, XÓM, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 24/2019/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, xóm (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

b) Những nội dung không quy định tại Quy chế này thì thực hiện theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (sau đây viết tắt là Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

Trong quá trình thực hiện, khi các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ

Điều 3. Tổ chức của thôn, tổ dân phố

Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố.

Điều 4. Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố

Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 5. Hội nghị và quy trình tổ chức hội nghị của thôn, tổ dân phố

1. Hội nghị của thôn, tổ dân phố

a) Hội nghị của thôn, tổ dân phố thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung.

b) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về thời gian, địa điểm họp và mời cán bộ, công chức cấp xã được phân công phụ trách thôn, tổ dân phố tham dự Hội nghị thôn, tổ dân phố.

2. Quy trình tổ chức Hội nghị thôn, tổ dân phố; việc tổ chức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 6. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

1. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là 2,5 năm (hai năm rưỡi).

2. Trường hợp do thành lập thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày có quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.

3. Trường hợp Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác không điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố thì Bí thư Chi bộ (nơi Bí thư Chi bộ không kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố) hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận (nơi Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố) điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố đến khi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố hoặc đến khi kiện toàn được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới theo quy định.

4. Trường hợp Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố không điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố quá 03 tháng vì lý do được nêu tại khoản 3 Điều này mà không có đơn xin miễn nhiệm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chỉ đạo Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố chủ trì tổ chức Hội nghị cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố để xem xét miễn nhiệm. Việc miễn nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 10 Hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 7. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc có thành tích trong công tác thì được biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp ủy đảng; vi phạm pháp luật và các quy định của cấp trên thì sẽ bị xem xét bãi nhiệm theo quy định. Quy trình bãi nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 11 Hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung và quy định tại Quy chế này; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn bảo đảm đúng quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung và quy định tại Quy chế này.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan

1. Sở Nội vụ: Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy chế này; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Các cơ quan, đơn vị liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ tổng hợp), để xem xét, giải quyết theo quy định./.