Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2007/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 25 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg ngày 20/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2006 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 906/SXD-QLKTQH ngày 12/4/2007 của Sở Xây dựng về việc xin phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án: Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Phạm vi ranh giới lập đề án: Các khu đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

3. Định hướng phát triển đô thị

a) Các mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng hệ thống đô thị Khánh Hòa thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của một không gian giao lưu quốc tế, một không gian kinh tế - đô thị trung tâm vùng, điểm bứt phá của miền Trung;

- Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh đến năm 2020;

- Phân bố một hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới để tạo thế cân bằng phát triển giữa các vùng và phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng;

- Chú trọng xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật có tác dụng thúc đẩy phát triển đô thị, phân bổ cơ cấu chức năng hợp lý, bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tập trung đầu tư phát triển các đô thị hạt nhân gắn với vùng kinh tế trọng điểm;

- Đầu tư hợp lý phát triển các đô thị huyện lỵ trong điều kiện khai thác các lợi thế riêng của từng vùng;

- Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 39,6% năm 2004 lên 59% năm 2010 và 79% năm 2020;

- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại;

4. Cơ cấu tổ chức hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa

a) Mô hình liên kết hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh gồm:

- Chuỗi đô thị Bắc – Nam: Chủ yếu nằm dọc theo vùng đồng bằng ven biển, bao gồm: Cụm đô thị phía Bắc (Khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn, Vạn Giã, Lạc An, Ninh Hòa); Cụm đô thị trung tâm (thành phố Nha Trang và thị trấn Diên Khánh); Cụm đô thị phía nam (đô thị Bắc Cam Ranh – Khu du lịch quốc gia bắc bán đảo Cam Ranh và khu vực nội thị thị xã Cam Ranh).

- Tổ chức hành lang phát triển mới theo hướng Bắc – Nam, thúc đẩy phát triển và đô thị hóa khu vực phía Tây của tỉnh, kết nối thị trấn Tô Hạp với thị trấn Khánh Vĩnh, thị trấn Ninh Sim và thị trấn Vạn Giã; thúc đẩy sự phát triển của một số thị tứ trên cơ sở tạo động lực từ các hoạt động của các trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, xã hội và dịch vụ gắn với du lịch sinh thái rừng núi, các trung tâm sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

- Chuỗi đô thị Đông – Tây được kết nối bởi các đô thị nằm trên quốc lộ 26 (Ninh Hòa – Ninh Sim), các đô thị nằm trên tỉnh lộ 8 (Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh) và các đô thị nằm trên tỉnh lộ 9 (Cam Ranh – Tô Hạp).

b) Tổ chức hệ thống đô thị toàn tỉnh

- Đến năm 2010:

+ Đô thị loại 1: Thành phố Nha Trang.

+ Đô thị loại 3: Thành phố Cam Ranh.

+ Đô thị loại 4: Thị xã Ninh Hòa (thành lập đơn vị hành chính cấp huyện mới trên cơ sở tách một số xã của Ninh Hòa).

+ Đô thị loại 5: Khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn và các thị trấn (Vạn Giã, Lạc An, Ninh Sim, Diên Khánh, Suối Tân, Cam Đức, Ninh Diêm, Khánh Vĩnh, Tô Hạp).

- Đến năm 2020:

+ Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Đô thị loại 1: Thành phố Nha Trang (bao gồm cả Diên Khánh và khu vực phía Tây thành phố Nha Trang hình thành các quận).

+ Đô thị loại 2: Khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn, Cam Ranh.

+ Đô thị loại 3: Ninh Hòa, Vạn Ninh.

+ Đô thị loại 4: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Đức (huyện Cam Lâm).

+ Đô thị loại 5: Lạc An, Ninh Sim, Suối Tân, Ninh Diêm.

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình phát triển đô thị

- Tạo động lực phát triển đô thị.

- Động lực chính phát triển đô thị là sự phát triển của các ngành kinh tế, trên cơ sở phát triển tương ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

- Giải pháp quan trọng hàng đầu là các giải pháp kinh tế, mức độ phát triển kinh tế sẽ quyết định mức độ đô thị hóa.

- Tạo nguồn vốn xây dựng đô thị.

- Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh huy động được nhiều vốn hơn từ: Quỹ phát triển quốc gia, quỹ hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu...

- Giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực mới đô thị hóa.

- Các giải pháp về phát triển nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới.

- Phân phối lợi ích (về các mặt) từ phát triển đô thị.

- Các giải pháp về quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị.

- Cần ưu tiên thực hiện các đồ án quy hoạch và các dự án ưu tiên đầu tư theo kế hoạch.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

6.1. Chuẩn bị kỹ thuật

- Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện đầu mối, cung cấp nước, cung cấp điện, giảm ngập lụt tại hạ lưu các sông.

- San nền: Thống nhất quản lý cao độ nền xây dựng; giải pháp san nền phù hợp với điều kiện địa hình và cảnh quan.

- Thoát nước mưa: Hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa riêng, hạn chế xả ra các bãi tắm, hè đường, dải phân cách dự trữ cho phát triển giao thông.

6.2. Phát triển hệ thống giao thông

- Đường hàng không: Cải tạo nâng cấp Sân bay quốc tế Cam Ranh, kiến nghị chuyển đổi chức năng sử dụng đất sân bay Nha Trang.

- Đường sắt: Nâng năng lực thông qua đến 60 vạn tấn hàng và 1,5 triệu hành khách; xây dựng đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang; nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt qua thành phố Nha Trang, thị trấn Vạn Giã; xây dựng đường sắt nối đường sắt Thống nhất vào cảng trung chuyển quốc tế Đầm Môn, Ba Ngòi; xây dựng mới các ga Nha Trang, Cam Ranh, Tu Bông, Vạn Giã và các cảng; lập dự án nghiên cứu giao thông công cộng liên đô thị.

- Đường thủy: Nâng cấp các cảng hiện có (cảng Đầm Môn, cảng Hòn Khói, cảng Nha Trang, cảng Ba Ngòi, cảng Cam Ranh, cảng Nhà máy đóng tàu Hyundai – Vinashin); xây dựng các cảng mới (cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong, cảng kho xăng dầu ngoại quan dầu Mỹ Giang).

- Đường bộ: QL 1A, QL 26: lộ giới 50 – 56 m, QL 27B; đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; xây dựng các tuyến đường tránh, đường gom, tách đường giao thông quá cảnh ra khỏi giao thông đô thị, xây dựng một số tuyến đường mới hạn chế các tuyến đường qua các khu đô thị.

6.3. Phát triển hệ thống cấp nước

- Nguồn nước cấp cho các đô thị: Thành phố Nha Trang (sông Cái, hồ Suối Dầu, hồ Sông Chò), thị xã Cam Ranh (hồ Cam Ranh Thượng, hồ Suối Dầu), khu đô thị Bắc Cam Ranh (hồ Cam Ranh Thượng), khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn (hồ Hoa Sơn, hồ Đại Lãnh), thị trấn Vạn Giã (sông Hậu), đô thị Ninh Hòa (nước ngầm mạch nông ven sông Cái Ninh Hòa, hồ Tiên Du, Đá Bàn), Lạc An (từ hệ thống cấp nước đô thị Ninh Hòa), Ninh Sim (hồ Ninh Sim hoặc sông Cái Ninh Hòa), Diên Khánh (hệ thống cấp nước thành phố Nha Trang), Suối Tân (hồ Suối Dầu), Khánh Vĩnh (sông Khế), Tô Hạp (sông Tà Lương).

6.4. Phát triển hệ thống cấp điện

- Phụ tải điện: Tổng nhu cầu phụ tải đến 2020 khoảng 1.146 MV.

- Phát triển lưới điện đến 2020: Nguồn và lưới điện truyền tải: lưới điện quốc gia ổn định với độ tin cậy cao (lưới điện 500 KV, lưới điện 220 KV).

- Phát triển các dạng năng lượng khác: Năng lượng gió cho các đảo, các vùng địa hình phức tạp không sử dụng được điện lưới quốc gia; sử dụng năng lượng mặt trời hoặc thủy điện nhỏ cho khu vực vùng sâu, vùng sa.

6.5. Phát triển hệ thống thoát nước bẩn - vệ sinh môi trường

Thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị đều có hệ thống cống riêng (riêng thị trấn Ninh Sim, Khánh Vĩnh, Tô Hạp có hệ thống cống chung); có khu xử lý chất thải rắn; khu xử lý chất thải độc hại; các khu nghĩa trang được cải tạo, mở rộng, hoặc xây dựng mới; các nguồn cung cấp nước được khoanh vùng bảo vệ và không được xây dựng những công trình gây ô nhiễm; nguồn nước biển và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ.

7. Chương trình phát triển các đô thị

7.1. Thành phố Nha Trang

a) Mục tiêu - nhiệm vụ phát triển đến năm 2020

- Xây dựng thành phố thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

- Xây dựng thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, phát huy vai trò đô thị trung tâm vùng duyên hải Nam Trung bộ.

b) Động lực chính phát triển đô thị

- Hoạt động kinh tế du lịch giữ vai trò chủ đạo.

- Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

- Để quy mô dân số nội thành đạt 500.000 người năm 2020, số việc làm cần 246.000 chỗ, trong đó ngoài lao động nông lâm thủy sản, hành chính sự nghiệp, du lịch và dịch vụ, số lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cần 60.000 – 65.000 người, tương đương khoảng 600 ha đất công nghiệp.

- Sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.

7.2. Thị trấn Diên Khánh

a) Tính chất đô thị

- Là thị trấn huyện lỵ trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của huyện Diên Khánh.

- Đô thị vệ tinh - cửa ngõ của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

b) Động lực phát triển đô thị

- Hoạt động thương mại của đô thị cửa ngõ thành phố Nha Trang, trung tâm giao lưu và trung chuyển hàng hóa đi các vùng khác trong huyện và khu vực lân cận.

- Tác động của các khu công nghiệp Suối Dầu, Diên Phú, Đắc Lộc.

7.3. Thị trấn Suối Tân

a) Tính chất đô thị: Đô thị công nghiệp.

b) Động lực phát triển đô thị: Phát triển mở rộng của Khu công nghiệp Suối Dầu.

7.4. Thị xã Cam Ranh

a) Tính chất đô thị

- Là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật vùng phía Nam tỉnh Khánh Hòa, đầu mối giao thông quan trọng, khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

b) Mục tiêu phát triển

- Xây dựng thị xã thành đô thị loại III, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng phía Nam tỉnh Khánh Hòa.

c) Động lực phát triển đô thị

- Hình thành và phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.

- Thúc đẩy sự phát triển của khu du lịch Cam Ranh.

- Các trung tâm thương mại - dịch vụ tại khu vực nội thị.

- Cảng Ba Ngòi với công suất thiết kế đạt 3,44 triệu T/năm (2010) và 10,2 triệu T/năm (2020).

- Các khu công nghiệp tập trung Bắc Cam Ranh và Nam Cam Ranh; các xí nghiệp công nghiệp không gây ô nhiễm, các hoạt động TTCN.

- Một số cơ sở đào tạo nghề và giáo dục chuyên nghiệp.

- Sân bay quốc tế Cam Ranh có thể đón 1 triệu khách (2010) và khoảng 2 triệu khách (2020).

7.5. Đô thị Cam Đức (thị trấn Cam Đức – Cam Hải Tây – Khu đô thị Vĩnh Bình Cù Hin và khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh)

a) Tính chất đô thị

- Khu du lịch quốc gia tại Bắc bán đảo Cam Ranh.

- Đô thị huyện lỵ của huyện mới phía Bắc Cam Ranh.

- Đô thị chia sẻ các chức năng dịch vụ, vui chơi giải trí, nhà ở, du lịch cuối tuần và du lịch sinh thái nông nghiệp với khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.

b) Động lực phát triển đô thị

- Khai thác dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại trên bán đảo.

- Hoạt động của trung tâm hành chính huyện lỵ.

- Cần phát triển thành khu đô thị nghỉ mát, nghỉ cuối tuần cho các tỉnh lân cận và các tỉnh Đông Nam Bộ.

- Cần quảng bá, thúc đẩy và thu hút đầu tư để hình thành tại đây trung tâm du lịch mua sắm và hội nghị, hội thảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

7.6. Thị trấn Vạn Giã

a) Tính chất đô thị

- Là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện.

- Là một bộ phận của khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong.

b) Mục tiêu phát triển

- Xây dựng đô thị hiện đại, có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh để phát triển, tận dụng được lợi thế nằm trong Khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong.

c) Động lực phát triển đô thị

- Trung tâm hành chính, dịch vụ, TTCN và khu công nghiệp Vạn Thắng; trong khi các đô thị Tu Bông - Hòn Gốm chưa đáp ứng được vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn thì chức năng dịch vụ và khu ở cho các hoạt động kinh tế mới trong toàn khu vực Bắc vịnh Vân Phong của thị trấn Vạn Giã là hết sức quan trọng.

- Một số khu TTCN hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của các xã còn lại.

7.7. Khu kinh tế tổng hợp Đầm Môn (Đầm Môn - Tu Bông - Đại Lãnh)

a) Tính chất đô thị

- Là khu kinh tế tổng hợp quan trọng có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các hoạt động chính là khu cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng; du lịch nghỉ mát sinh thái biển, núi, đầm vịnh, Trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

b) Mục tiêu phát triển

- Xây dựng khu kinh tế tổng hợp tầm cỡ quốc gia và quốc tế: Khai thác được thế mạnh nổi trọi về cảng trung chuyển container quốc tế, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

c) Động lực phát triển đô thị

- Hoạt động cảng trung chuyển container quốc tế công suất đến 2010 là 1 triệu TEUs/năm, đến 2020 là 4,5 triệu TEUs/năm.

- Khu công nghiệp sạch và dịch vụ hậu cần cảng quy mô khoảng 300 ha.

- Du lịch nghỉ mát sinh thái biển (khoảng 795 ha), sinh thái núi (khoảng 300 ha), sinh thái đầm vịnh.

- Trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng, quốc gia và quốc tế với tổng diện tích khoảng 550 ha.

- Hình thành và phát triển của cảng trung chuyển quốc tế.

- Hình thành và phát triển của các khu du lịch.

- Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Khu công nghiệp Vạn Thắng.

7.8. Đô thị Ninh Hòa

a) Tính chất đô thị: Là trung tâm kinh tế phía Nam vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, khai thác các lợi thế về phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đào tạo nghề và các ngành kinh tế biển khác.

b) Mục tiêu phát triển: Xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2010 và loại III vào năm 2020.

c) Động lực phát triển đô thị

- Các hoạt động sản xuất công nghiệp: Khu công nghiệp Ninh Thủy (200 ha), Nhà máy đóng tàu Hyudai Vinashin (200 ha), một số cơ sở, khu công nghiệp có khả năng hình thành tại khu vực phía Bắc của đô thị, ven vịnh Vân Phong.

- Sản xuất TTCN khu vực phía Bắc thị trấn hiện nay.

- Các trường chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực cho khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong, hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ cho phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.

- Cảng Hòn Khói, khu du lịch Dốc Lết.

7.9. Thị trấn Ninh Sim

a) Tính chất đô thị: Thị trấn huyện lỵ, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật của các xã phía Tây huyện Ninh Hòa.

b) Động lực phát triển đô thị

- Trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, dịch vụ thương mại và dịch vụ khoa học kỹ thuật của huyện mới.

- Các dịch vụ đối ngoại gắn với tuyến đường QL 26.

- Sản xuất TTCN trong phạm vi thị trấn và tại khu vực Ninh Xuân.

- Khả năng kết nối thuận lợi với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác của vùng như: Lưới điện quốc gia khu vực duyên hải miền Trung, hệ thống bưu chính viễn thông, nguồn nước từ sông Cái Ninh Hòa.

7.10. Thị trấn Lạc An

a) Tính chất đô thị: Đô thị dịch vụ, công nghiệp phía Bắc huyện Ninh Hòa.

b) Động lực phát triển đô thị: Hoạt động dịch vụ thương mại tương hỗ cho các hoạt động công nghiệp, du lịch vịnh Vân Phong.

7.11. Thị trấn Khánh Vĩnh

a) Tính chất đô thị

- Thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế - văn hóa - giáo dục của huyện.

- Đô thị du lịch sinh thái, trung tâm dịch vụ trung gian trên tuyến du lịch Đà Lạt - Nha Trang.

b) Động lực phát triển đô thị

- Các hoạt động của trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục của huyện.

- Trục dịch vụ dọc theo tỉnh lộ 2 (phát triển không gian đô thị).

- Khu TTCN cơ khí và chế biến nông lâm sản quy mô 20 ha.

- Trung tâm dịch vụ du lịch gắn khu du lịch sinh thái trong vùng.

7.12. Thị trấn Tô Hạp

a) Tính chất đô thị

- Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của Khánh Sơn.

- Đô thị dịch vụ du lịch sinh thái núi.

b) Động lực phát triển đô thị

- Các hoạt động của trung tâm hành chính huyện.

- Các hoạt động dịch vụ thương mại đầu mối cho các xã trong huyện.

- Hoạt động dịch vụ du lịch tại khu du lịch Hòn Bà, du lịch sinh thái.

- Khu TTCN quy mô 15 ha, nghề chính là chế biến nông, lâm sản.

8. Giải pháp tạo động lực phát triển đô thị

8.1. Giải pháp tạo động lực phát triển đô thị

Động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị là sự phát triển của các ngành kinh tế, trên cơ sở phát triển tương ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Giải pháp quan trọng hàng đầu là giải pháp kinh tế, mức độ phát triển kinh tế sẽ quyết định mức độ đô thị hóa.

8.2. Giải pháp tạo nguồn vốn xây dựng đô thị

- Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn quỹ phát triển quốc gia, quỹ hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu và từ các ngân hàng thương mại.

- Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư: Vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng đánh giá về mức độ hấp dẫn đầu tư qua điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

- Sử dụng vốn ngân sách vào các dự án có khả năng kích thích các nguồn tài chính khác như: Lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng bảo vệ môi trường và các công trình không có khả năng thu hồi vốn.

- Khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

- Tăng nguồn thu tự huy động bằng cách nâng mức phí sử dụng để có thể trang trải chi phí cung cấp dịch vụ hạ tầng.

- Giá (quyền sử dụng) đất và các bất động sản khác là khá cao tại Khánh Hòa là nguồn thu tiềm năng.

- Sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách, tránh lãng phí.

- Khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tự cải thiện môi trường sống theo mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

8.3. Giải pháp về giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực mới đô thị hóa

- Quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau sạch, trồng hoa... phục vụ đô thị, các khu du lịch, thu hút lao động bị mất đất nông nghiệp.

- Chi phí đền bù hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đảm bảo người lao động mất đất nông nghiệp có thể theo học nghề mới; gồm chi phí sinh hoạt trong khoảng 2 năm và chi phí học nghề.

- Trong các khu đô thị mới cần đảm bảo mỗi đơn vị ở (tương đương một phường, quy mô trung bình 10.000 dân) phải có tối thiểu 1 chợ với bán kính phục vụ không quá 500 m; ưu tiên sắp xếp hộ gia đình mất đất nông nghiệp kinh doanh trong chợ với chi phí mua quyền sử dụng chỗ sản xuất kinh doanh và diện tích mỗi gian hàng tối thiểu theo hội đồng định giá và quy định cụ thể của tỉnh.

- Nếu không có phương án xây chợ, cần giải quyết bán cho mỗi hộ mất đất nông nghiệp một lô đất ở tái định cư trên các trục đường có lộ giới 20 m trở lên, theo quy định chặt chẽ về quản lý xây dựng.

- Thực hiện chính sách ưu đãi cho con em các gia đình bị mất đất nông nghiệp khi thi vào các trường giáo dục chuyên nghiệp trong tỉnh.

- Các hộ dân bị giải tỏa đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp được giải quyết việc làm trong các khu công nghiệp.

8.4. Giải pháp về phát triển nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới

- Cung cấp nhà ở phù hợp cho các đối tượng có khả năng chi trả: Xu hướng quá tập trung vào xây dựng các khu biệt thự và chung cư cao cấp hiện nay ở các đô thị là một xu hướng lệch lạc trong phát triển nhà ở. Một khu ở với các tiêu chí trung bình về diện tích sàn và nội thất nhưng bảo đảm tốt về dịch vụ đô thị và cảnh quan công cộng vẫn là bộ phận cần thiết của một đô thị bền vững và hiện đại. Cần xác định mục tiêu xây dựng nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong quá trình quy hoạch chung xây dựng các đô thị. Cần xác định các khu vực xây dựng nhà ở mới với chỉ tiêu phù hợp cho các đối tượng có thu nhập trung bình (cần chiếm khoảng 50% quỹ nhà ở mới) tại các vị trí phù hợp. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng đang được chỉnh sửa đã đề cập đến các loại nhà ở với chỉ tiêu trung bình 12 m2 sàn nhà chung cư/người (40 m2 đất ở liên kế/hộ). Đây là những chỉ tiêu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

- Phát triển các khu đô thị mới: Thực hiện có quy hoạch và quy hoạch cần giảm tính áp đặt, tăng khả năng đáp ứng linh hoạt, phục vụ các đối tượng khác nhau và khuyến khích đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng.

8.5. Phân phối lợi ích (về các mặt) từ phát triển đô thị

- Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án được hưởng lợi từ các hoạt động phát triển.

- Sử dụng một phần quỹ đất phát triển để tạo nguồn vốn nâng cao chất lượng môi trường sống cho các khu dân cư hiện hữu.

- Đảm bảo công bằng xã hội, tránh tạo áp lực tiêu cực lên quá trình phát triển đô thị.

8.6. Giải pháp về quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị

- Thực hiện dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý phát triển đô thị.

- Tiếp tục đổi mới việc lập và xét duyệt quy hoạch đô thị.

- Quản lý quy hoạch ở vùng ven đô cần được quan tâm đặc biêt.

- Phương pháp “điều chỉnh đất đai”

- Các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh cần ưu tiên thực hiện.

9. Vốn thực hiện chương trình

Phát triển đô thị thực chất là phát triển tổng thể tất cả các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có liên quan đến đời sống xã hội của đô thị, bao gồm tất cả các ngành kinh tế, các ngành liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính như: thủy lợi, giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, thoát nước vệ sinh đô thị.

- Vốn đầu tư ưu tiên phát triển đô thị từ ngân sách tỉnh (giai đoạn 2007-2010): 6.268 tỷ đồng.

- Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh (giai đoạn 2005-2010): 31.961 tỷ đồng.

- Dự báo nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh (giai đoạn 2011-2020): 43.678 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chủ nhiệm điều hành chương trình để xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.

2. Các sở, ban, ngành đối chiếu chương trình này với các quy hoạch chuyên ngành để khớp nối phù hợp và xây dựng các dự án đầu tư theo từng giai đoạn.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh và thành phố Nha Trang căn cứ vào chương trình này xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2007/QĐ-UBND phê duyệt đề án Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020

  • Số hiệu: 24/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/05/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản