Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 15 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH OCOP TỈNH BẮC NINH” GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc;

Căn cứ Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề cương đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã phường một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát;

Căn cứ Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát;

Căn cứ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5 năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 499/TTr-KHCN ngày 19/5/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025, với những nội dung sau:

1. Tên Đề án: “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025.

2. Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo.

- Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và các sản phẩm hàng hóa khác trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3.2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2021 - 2025 tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối các sản phẩm thuộc sở hữu chung của cộng đồng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và các sản phẩm của cộng đồng chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ; thiết lập cơ chế quản lý và khai thác dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này.

- Triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho toàn bộ các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh; áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo đảm việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.

- Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của tỉnh đã được bảo hộ.

4. Phạm vi của Đề án

Đề án tập trung ưu tiên xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thuộc sở hữu chung của cộng đồng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và các sản phẩm của cộng đồng chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại đối với 11 sản phẩm của tỉnh; trong đó:

- Bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu chứng nhận cho 06 sản phẩm;

- Bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu tập thể cho 05 sản phẩm.

 

Danh mục sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 để xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu giai đoạn 2021 - 2023

TT

Tên sản phẩm bảo hộ SHTT

Địa phương

Thời gian thực hiện

Dự kiến hình thức đăng ký bảo hộ SHTT

I

Nhóm sản phẩm nông nghiệp

1

Cà rốt Lương Tài

Huyện Lương Tài

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

2

Tỏi một nhánh Gia Bình

Huyện Gia Bình

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

3

Chuối Cảnh Hưng

Huyện Tiên Du

2021-2023

Nhãn hiệu tập thể

II

Nhóm thực phẩm, đồ uống

4

Mỳ gạo (Tử Nê) Tân Lãng

Xã Tân Lãng, huyện Lương Tài

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

5

Giò, chả, nem chua Tân Hồng

Phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

6

Dưa gang muối Quế Tân

Xã Quế Tân, huyện Quế Võ

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

7

Rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên

Phường Đồng Nguyên thị xã Từ Sơn

2021-2023

Nhãn hiệu chứng nhận

III

Nhóm thủ công, mỹ nghệ

8

Đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê

Xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn

2021-2023

Nhãn hiệu tập thể

9

Đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn

Xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn

2021-2023

Nhãn hiệu tập thể

10

Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc

Xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn

2021-2023

Nhãn hiệu tập thể

11

Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên

Phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh

2021-2023

Nhãn hiệu tập thể

Đối với các nhãn hiệu sản phẩm khác không thuộc sở hữu chung của cộng đồng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh, đề án sẽ thực hiện tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hồ sơ đăng ký bảo bộ và các nội dung hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo các quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-UBND, ngày 20/5/2009 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Quyết định số 282/2014/QĐ-UBND ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc sửa đổi Quy chế hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 74/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Nội dung và tiến độ thực hiện

5.1. Nội dung đề án

5.1.1. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP

a) Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

b) Xác định phạm vi địa lý bảo hộ của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

c) Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

d) Phân tích, đánh giá chất lượng đặc thù của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận;

e) Xác định mối liên hệ giữa đặc thù của chất lượng sản phẩm với các điều kiện tự nhiên, con người vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận;

f) Xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận:

- Điều tra, khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

- Tổ chức thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm;

- Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

- Thành lập các tổ chức quản lý phục vụ việc đăng ký, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm;

- Tra cứu khả năng bảo hộ, nộp và theo đuổi đơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong nước và đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho một số sản phẩm đặc sản, chủ lực quan trọng khi cần thiết.

5.1.2. Quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP

a) Xây dựng các quy trình quản lý, khai thác, chế biến, bảo quản, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

b) Xây dựng Quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;

c) Xây dựng và tổ chức áp dụng mô hình quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý; xây dựng và vận hành quy trình, quy định, tiêu chuẩn;

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn về mô hình quản lý, các công cụ quản lý;

e) Áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

f) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương;

g) Tổ chức hội thảo, tập huấn về tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu tại các địa bàn vùng sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản, chủ lực.

5.1.3. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại

a) Xây dựng các phương tiện, công cụ nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh cho các tổ chức sử dụng, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Cụ thể:

- Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Hệ thống tem - nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, poster, biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, gian hàng trưng bày sản phẩm, hệ thống văn phòng giao dịch, hệ thống các biểu mẫu,...;

- In ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng nhãn hiệu;

- Xây dựng website, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

b) Nghiên cứu, đánh giá thị trường, ngành hàng, xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

c) Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

5.1.4. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc và phát triển sản phẩm. Xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh, triển khai việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và một số nhóm sản phẩm đặc trưng của tỉnh;

b) Nghiên cứu thống nhất quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

c) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, kết nối thị trường trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

d) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về hoạt động truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc; khuyến khích người sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp chủ động áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

5.2. Tiến độ triển khai thực hiện Đề án

Việc triển khai Đề án được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ, tình hình thực tế triển khai và nhu cầu sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đề án sẽ triển khai đồng bộ việc thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống các công cụ quản lý cho tổng thể 11 sản phẩm từ năm 2020, các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác và quảng bá sản phẩm sẽ thực hiện trong các năm tiếp theo. Cụ thể:

- Năm 2020 - 2021: Xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 11 sản phẩm, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá.

- Năm 2021 - 2022: Tập trung khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, tập huấn về các nội dung quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ sở, hộ dân, đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Năm 2022 - 2023: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm; đánh giá sự phù hợp của các quy chế, quy trình, mô hình quản lý sau thời gian áp dụng để điều chỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 - 2025 đẩy mạnh thực hiện tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hồ sơ đăng ký bảo bộ và các nội dung hỗ trợ khác đối với các nhãn hiệu sản phẩm khác không thuộc sở hữu chung của cộng đồng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh. Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP của tỉnh.

6. Giải pháp tổ chức thực hiện

6.1. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án sẽ lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm do UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện 11 sản phẩm (gồm 06 nhãn hiệu chứng nhận, 05 nhãn hiệu tập thể) của Đề án là: 9.313 triệu đồng; Trong đó:

- Chi cho các nội dung thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 01 Nhãn hiệu tập thể dự kiến là: 803 triệu đồng.

- Chi cho các nội dung thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 01 Nhãn hiệu chứng nhận dự kiến là: 883 triệu đồng.

(Theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020).

Các nội dung chi khác căn cứ vào tình hình thực tế từng năm xây dựng kế hoạch báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Việc phân bổ nguồn vốn trong quá trình triển khai Đề án giao Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào nội dung triển khai thực hiện xây dựng chi tiết từng năm, bảo đảm hiệu quả và tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Hàng năm tổng hợp vào Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt.

6.2. Phương thức quản lý và phân công trách nhiệm

6.2.1. Phương thức quản lý

- Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý Đề án; công tác quản lý Đề án bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tổ chức triển khai các nội dung Đề án đã được phê duyệt, nghiên cứu lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phù hợp với quy định; sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Đề án; mỗi đối tượng, sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm được lập một đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ riêng để tổ chức quản lý, triển khai thực hiện.

- Công tác quản lý Đề án gồm: Tuyển chọn đơn vị chủ trì, đơn vị tư vấn thực hiện, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định; hoặc tổ chức tuyển chọn các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện theo quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Đề án, quản lý kinh phí; nghiệm thu kết quả thực hiện; sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện; bàn giao kết quả cho các ngành, địa phương quản lý.

- Công tác quản lý thực hiện theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

6.2.2. Phân công trách nhiệm

a) Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

- Tổ chức triển khai xây dựng, quản lý và thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh;

- Tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm cần xây dựng thương hiệu và các nội dung liên quan đến thực hiện Đề án.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thực hiện nhiệm vụ thường trực Chương trình OCOP đã được UBND tỉnh giao; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các điều kiện nhằm triển khai hiệu quả nội dung của Đề án.

- Gắn kết xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

- Quản lý và hỗ trợ các tổ chức sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất.

c) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm để thực hiện Đề án theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách cho các ngành, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao thuộc phạm vi Đề án theo quy định;

- Căn cứ vào dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ được UBND tỉnh giao, thực hiện nhiệm vụ phân bổ dự toán cho các đơn vị và cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt;

- Hướng dẫn quản lý, sử dụng tài chính của Đề án theo quy định.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất việc bố trí ngân sách hàng năm cho các nội dung của Đề án.

- Xây dựng thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư phát triển du lịch và giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.

e) Sở Công Thương

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh;

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ mạng lưới tiêu thụ cho các sản phẩm.

f) Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức Hội nghề nghiệp bảo đảm theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy mô sản xuất từng sản phẩm, đồng thời phối hợp thực hiện giám sát hoạt động của tổ chức này theo quy định.

g) Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

h) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh và các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ vào chương trình phát triển du lịch, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch tâm linh, làng nghề của tỉnh; khuyến khích các khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, các nhà hàng nổi tiếng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm quảng bá rộng rãi và đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước;

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trong các hoạt động tuyên tuyền, quảng bá của ngành; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp cho các đối tượng lao động, chủ cơ sở sản xuất,... tại các địa phương nhằm tạo thuận lợi cho du khách muốn trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh của tỉnh, phát triển du lịch của địa phương.

i) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh

Tăng cường hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh và các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh.

k) Hội Nông dân tỉnh

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý và khai thác hiệu quả các hình thức bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; Tổ chức hướng dẫn hoạt động của các tổ chức hội cấp huyện tham gia đề án phục vụ mục tiêu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và báo cáo định kỳ.

l) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với các sở, ngành trong việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu;

- Tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương;

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP theo quy mô của địa phương; tổ chức tiếp nhận và quản lý các sản phẩm của đề án, gắn kết với xây dựng làng nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp để phát huy thương hiệu của các sản phẩm.

m) Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật kiểm tra nhanh các chỉ tiêu đánh giá mức độ an toàn thực phẩm cho các hộ dân, các cơ sở sản xuất thực phẩm; hướng dẫn nghiệp vụ giám sát an toàn thực phẩm cho các đối tượng để nâng cao hiệu quả hoạt động;

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và tự công bố sản phẩm;

- Thực hiện công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm.

n) Các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia thực hiện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN.XDCB, NN.TN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong