Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2386/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ GIÁ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Quản lý giá là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý giá là đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành:

a) Các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về giá và thẩm định giá.

b) Định hướng điều hành giá hàng năm, 5 năm, 10 năm; chiến lược và kế hoạch phát triển dịch vụ thẩm định giá.

2. Về bình ổn giá

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền:

- Quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; chủ trương và các biện pháp bình ổn giá; hướng dẫn điều kiện thực hiện và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

- Điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh mục mặt hàng được lập Quỹ bình ổn giá.

b) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính:

- Hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ lập Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

- Thông báo danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá tại Bộ Tài chính; hướng dẫn và giám sát thực hiện đăng ký giá theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ ngành liên quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ.

3. Về định giá

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền:

- Quy định về phân cấp quản lý giá, cơ chế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

- Quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

b) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính:

- Quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.

- Quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính; hướng dẫn việc quy định mức giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá theo quy định của pháp luật.

- Thẩm định phương án giá đối với hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả khung giá các loại đất) do các Bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước xây dựng thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Là đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc định giá đối với hàng hóa, dịch vụ:

- Giá cụ thể đối với: Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm dịch vụ đăng kiểm thiết bị giao thông vận tải và các công trình khai thác, vận chuyển dầu khí biển);

- Khung giá đối với: Nước sinh hoạt; dịch vụ kiểm nghiệp thuốc dùng cho động, thực vật; dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chuẩn đoán thú y;

- Giá tối đa đối với: Sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại các cơ sở y tế công lập; giá mua tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công lập trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành và đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ theo quy định; hàng hóa dịch vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt hàng, giao kế hoạch;

- Giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho dự trữ quốc gia và chi phí xuất tối đa ngoài cửa kho, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước;

- Giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với giá cho thuê tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

- Khung giá, giá tối đa hoặc giá cụ thể đối với dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

d) Tham gia ý kiến về phương án giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của các Bộ, ngành khi có yêu cầu.

đ) Theo dõi, giám sát, phối hợp trong việc định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá cả các Bộ, ngành.

e) Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự toán và quyết toán kinh phí chi từ nguồn ngân sách nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính (bao gồm cả chi phí xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ quốc gia chưa có định mức).

4. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức hiệp thương giá. Tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá theo quy định của pháp luật; chủ trì, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính thông báo danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá ở trung ương; hướng dẫn kê khai giá thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giám sát thực hiện kê khai giá.

6. Xây dựng, ban hành báo cáo về tình hình giá cả thị trường, dự báo biến động của giá thị trường trong nước và quốc tế một số mặt hàng bình ổn giá theo quy định hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

7. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh về giá; hành vi bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

8. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Sở Tài chính các tỉnh, thành phố thực hiện các chính sách, biện pháp về giá và các quyết định giá, các biện pháp bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; báo cáo giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ chủ yếu; tổ chức điều tra các yếu tố hình thành giá, giá mua, giá bán, chi phí sản xuất các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.

9. Về lĩnh vực thẩm định giá

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; quy định về kiểm tra, giám sát, đánh giá xếp hạng các doanh nghiệp thẩm định giá; quy định điều kiện dự thi, tổ chức thi và điều kiện để cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

b) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá; chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá.

c) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu, cấp và và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đình chỉ việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quy định về đăng ký và quản lý hành nghề thẩm định giá; công khai danh sách thẩm định viên về giá hành nghề và danh sách các doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá trong cả nước.

d) Thực hiện việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật; tổng kết, đánh giá về hoạt động thẩm định giá; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá và đánh giá, xếp loại các doanh nghiệp thẩm định giá.

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thẩm định giá tài sản nhà nước do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thẩm định giá đối với tài sản của Nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

10. Về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về giá

a) Phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm.

b) Kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá (bao gồm các yếu tố hình thành giá) và thẩm định giá.

c) Thanh tra theo kế hoạch; thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý giá hoặc theo yêu cầu của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra những vụ việc khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.

d) Kiểm tra việc thực hiện các quyết định giá của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác.

đ) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về giá và thẩm định giá; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý.

12. Xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định Luật giá; tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn về giá và thẩm định giá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

13. Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan báo cáo, cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết về giá, thẩm định giá phục vụ cho nhiệm vụ của Cục; ban hành các thông báo giá, các văn bản hướng dẫn, giải thích chính sách chế độ về quản lý giá, thẩm định giá theo phân cấp hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

14. Chủ trì hoặc tham gia các Hội đồng liên quan đến nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giá theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính; là thành viên của Hiệp hội Thẩm định giá thế giới và khu vực.

15. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế; tiếp nhận và tổ chức thực hiện các dự án, chương trình hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu, xây dựng chính sách trong lĩnh vực quản lý giá và thẩm định giá theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

16. Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành theo kế hoạch và nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

17. Chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá; xuất bản các ấn phẩm; rà soát, kiểm tra, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá và thẩm định giá.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng Cục Quản lý giá:

a) Văn phòng Cục.

b) Phòng Chính sách Tổng hợp;

c) Phòng Quản lý thẩm định giá;

d) Phòng Giá hàng Công nghiệp tiêu dùng.

đ) Phòng Giá hàng Nông lâm, thủy sản.

e) Phòng Giá hàng Tư liệu sản xuất.

2. Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Dịch vụ về giá.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Dịch vụ về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

3. Cục Quản lý giá làm việc theo tổ chức phòng kết hợp với chế độ chuyên viên.

Nhiệm vụ của Văn phòng, các Phòng do Cục trưởng Cục Quản lý giá quy định.

Đối với công việc thực hiện chế độ chuyên viên, Cục trưởng phân công nhiệm vụ cho công chức, viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

4. Cục Quản lý giá được bố trí kế toán trưởng tại các đơn vị dự toán theo quy định hiện hành của pháp luật và của Bộ Tài chính.

5. Biên chế của Cục Quản lý giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Điều 4. Lãnh đạo Cục

Cục Quản lý giá có Cục trưởng và không quá (03) ba Phó Cục trưởng.

Cục trưởng Cục Quản lý giá chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Cục; quản lý cán bộ, công chức, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 789/QĐ-BTC ngày 17/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý giá.

Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- VP Đảng ủy, Công đoàn;
- Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
- Lưu VT, Vụ TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2386/QĐ-BTC năm 2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 2386/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/11/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản