Hệ thống pháp luật

Khoản 2 Điều 1 Quyết định 2378/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030 nhằm thu hút đầu tư, phát triển về chất lượng doanh nghiệp theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phát triển Khu Kinh tế Định An, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trước mắt, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 03 nhóm ngành: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển và ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70-75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

- Đến năm 2025 giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn/năm (trong đó nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn).

- Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng của toàn ngành.

- Thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đạt các tiêu chí đô thị loại III; thị trấn Cầu Ngang đạt tiêu chí đô thị loại IV; các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải đạt tiêu chí huyện Nông thôn mới trước năm 2025. Các xã đảo có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi; các xã ven biển giữ vững nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

- Phấn đấu đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện (điện than, gió, mặt trời, sinh khối....) đạt khoảng 9GW; đến năm 2045 đạt khoảng 12GW.

- Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các khu chức năng, hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Định An; tiếp tục hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu các khu chức năng còn lại trong Khu kinh tế theo đồ án Quy hoạch chung được duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 05/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Định An tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10% đến 15%. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Định An chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá Chương trình số 30-CTr/TU ngày 26/12/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Chương trình số 21-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tập trung phát triển Khu Kinh tế Định An với một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới

a) Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí, điện sinh khối, điện rác) trên vùng biển của tỉnh phục vụ sản xuất, sinh hoạtbảo đảm quốc phòng, an ninh.

b) Phát huy tối đa tiềm năng sử dụng đất bãi bồi ven biển, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, phát triển rừng và du lịch sinh thái biển, ven biển.

c) Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, ưu tiên phát triển dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí hóa lỏng phục vụ phát triển kinh tế biển.

2. Phát triển công nghiệp và đô thị ven biển

a) Công nghiệp ven biển

- Phát triển ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Chú trọng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn,...

- Thu hút đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông ven biển, sản xuất, thương mại - dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Định An, các khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp ven biển, các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, lợi thế cạnh tranh, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ.

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, giải quyết được nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu. Tổ chức, sắp xếp lại ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Kinh tế hàng hải

- Mở rộng, nâng cấp các cảng biển, phát huy tối đa lợi thế về vị trí của cảng biển Khu bến tổng hợp Định An để phát triển Khu Kinh tế Định An, thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa, thu hút nguồn hàng thông qua cảng biển Khu bến tổng hợp Định An, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh.

- Phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ logistics để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế biển.

c) Đô thị ven biển

- Tăng cường công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, phù hợp quy hoạch, hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã Duyên Hải hoàn thành tiêu chí đô thị loại III, định hướng đến năm 2030 trở thành đô thị ven biển.

- Tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khung đô thị kết nối đô thị đạt chuẩn quy định trên địa bàn thị xã Duyên Hải như: Các trục đường giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến cống thu gom nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải, tuyến thông tin viễn thông, công trình xử lý chất thải, nhà tang lễ, cây xanh đô thị và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị; đầu tư hạ tầng kỹ thuật chuẩn cấp đô thị cho 02 xã: Dân Thành và Trường Long Hòa để bảo đảm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật trở thành phường; phấn đấu thị xã Duyên Hải hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV và đt tiêu chí đô thi ̣loi III. Tập trung đầu tư huyện Tiểu Cần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã; thị trấn Cầu Ngang và thị trấn Càng Long đạt chuẩn đô thị loại IV.

Quyết định 2378/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030 nhằm thu hút đầu tư, phát triển về chất lượng doanh nghiệp theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2378/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quỳnh Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra