Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2373/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT 20 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN (1996-2016)

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016);

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng tại Tờ trình số 1061/TTr-TM ngày 15 tháng 6 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996-2016).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để B/C);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng BQP;
- Các Thứ trưởng BQP;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, KH và ĐT, NN và PTNT, Y tế, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương;
- BTTM, TCCT, TCHC, TCKT, TCCNQP;
- Các đầu mối trực thuộc BQP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- BTL TP Hồ Chi Minh;
- Bộ CHQS các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Các Cục: Tài Chính, Quân y/BQP;
- Vụ Pháp chế/BQP, Văn phòng/BQP;
- Các Cục: Quân lực, Tác chiến, Quân huấn, DQTV/BTTM;
- Các Cục: Cán bộ, Tổ chức, Tuyên huấn, Chính sách/TCCT;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, Thông 193.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Ngô Xuân Lịch

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT 20 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN (1996-2016)
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2373/QĐ-BQP ngày 18 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong thời gian qua; làm rõ ưu điểm, hạn chế trong công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.

- Đánh giá tính thống nhất, phù hợp giữa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; những bất cập, vướng mắc trong quy định và tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên.

2. Yêu cầu

- Quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng kết toàn diện, hiệu quả, thiết thực; đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, đơn vị Quân đội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

- Nội dung tổng kết phản ánh đúng tình hình thực tế, khách quan, có số liệu chứng minh cụ thể.

- Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.

- Nghiên cứu xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những vấn đề bất cập chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; luật hóa những vấn đề đã được kiểm chứng qua thực tiễn triển khai, thực hiện bảo đảm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

II. THÀNH PHẦN, NỘI DUNG, THỜI GIAN, TỔ CHỨC, PHƯƠNG PHÁP TỔNG KẾT

1. Cấp xã

- Nội dung: Xây dựng báo cáo tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở cấp xã, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Báo cáo tổng kết về Ủy ban nhân dân cấp huyện xong trước ngày 31 tháng 7 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức tổng kết bằng hình thức xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị).

2. Cấp huyện

- Thành phần:

+ Chủ trì: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Khách mời: Đại biểu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đại biểu Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh;

+ Đại biểu: Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; Chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; 01 lãnh đạo cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhận nguồn động viên của cấp huyện.

- Nội dung: Tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở cấp huyện, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Tổng kết, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xong trước ngày 31 tháng 8 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức hội nghị tổng kết.

3. Cấp tỉnh

- Thành phần:

+ Chủ trì: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Khách mời: Đại biểu Bộ Tư lệnh và cơ quan quân khu;

+ Đại biểu: Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đại biểu là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tư lệnh); 01 lãnh đạo cấp huyện, Chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhận nguồn động viên của cấp tỉnh.

- Nội dung: Tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở cấp tỉnh, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Tổng kết, báo cáo kết quả về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân lực) xong trước ngày 31 tháng 10 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức hội nghị tổng kết.

4. Các Bộ có liên quan

- Nội dung: Xây dựng báo cáo tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở các Bộ, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, báo cáo tổng kết về Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng) xong trước ngày 30 tháng 9 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức tổng kết bằng hình thức xây dựng báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị).

5. Bộ Quốc phòng

Việc tổ chức tổng kết ở Bộ Quốc phòng được thực hiện theo 3 cấp như sau:

a) Cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và tương đương:

- Thành phần:

+ Chủ trì: Sư đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng và tương đương;

+ Khách mời: Đại biểu Thủ trưởng cấp trên trực tiếp; đại biểu Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh giao nguồn động viên;

+ Đại biểu: Căn cứ đặc điểm tình hình cụ thể từng đơn vị xác định thành phần dự hội nghị cho phù hợp, gồm: Thủ trưởng và cơ quan thuộc sư đoàn, lữ đoàn; Thủ trưởng và cơ quan cấp dưới 1 đến 2 cấp thuộc sư đoàn, lữ đoàn.

- Nội dung: Tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và tương đương, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Tổng kết, báo cáo kết quả về cấp trên trực tiếp, xong trước ngày 30 tháng 9 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức hội nghị tổng kết.

b) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ động viên, bao gồm: Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; các Quân đoàn 1, 2, 3, 4; các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân; các Binh chủng Pháo binh, Đặc công, Công binh, Tăng Thiết giáp, Hóa học, Thông tin Liên lạc; Bộ đội Biên phòng; Tổng cục Hậu cần; Tổng cục Kỹ thuật; các Binh đoàn 11, 12, 15, 16; các Tổng Công ty Đông Bắc, Thái Sơn, Vaxuco (Xăng dầu Quân đội), Lũng Lô, 319, 36; Cục Quân y; Học viện Quân y; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 175; Viện Y học cổ truyền Quân đội:

- Thành phần:

+ Chủ trì: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị;

+ Khách mời: Đối với quân khu mời lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc địa bàn quân khu;

+ Đại biểu: Thủ trưởng và cơ quan thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Biên phòng; Thủ trưởng và cơ quan Tổng Công ty, học viện, bệnh viện, viện, Cục Quân y; Thủ trưởng và cơ quan cấp dưới 1 cấp thuộc cơ quan, đơn vị.

- Nội dung: Tổng kết quá trình triển khai và tổ chức thực hiện ở cấp mình, tập trung vào các nội dung như định hướng của Đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (gửi kèm).

- Thời gian: Tổng kết, báo cáo kết quả về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Quân lực), xong trước ngày 31 tháng 10 năm 2016.

- Phương pháp: Tổ chức hội nghị tổng kết.

c) Bộ Quốc phòng: Tổ chức tổng kết hội nghị trực tuyến, thời gian xong trong quý 4 năm 2016.

(Kế hoạch tổ chức hội nghị xây dựng riêng)

III. KINH PHÍ ĐẢM BẢO TỔNG KẾT

1. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng kinh phí của Bộ, và địa phương mình chi cho công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên hằng năm và nhiệm vụ tổng kết Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (thực hiện theo Nghị định số 39/CP ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên).

2. Cục Quân lực phối hợp với Cục Tài chính dự toán kinh phí bảo đảm cho việc tổng kết trong Bộ Quốc phòng và hướng dẫn, chi tiêu, thanh quyết toán theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016), chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo, tổ chức tổng kết Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên theo Kế hoạch này.

2. Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan liên quan hướng dẫn khen thưởng thành tích 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016).

3. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo có liên quan đến công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình kiến nghị, đề xuất.

4. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch này và chủ trì, phối hợp các cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết cấp Bộ Quốc phòng.

5. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị dự, chỉ đạo hội nghị tổng kết các Quân khu 3, 5, 7 và Quân khu 9.

Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện; trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng kết có gì vướng mắc phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân lực)./.

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO

TỔNG KẾT 20 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN (1996-2016)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2373/QĐ-BQP ngày 18 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

Phần 1

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH LIÊN QUAN

Nêu những đặc điểm tình hình của Bộ, địa phương, đơn vị, thuận lợi, khó khăn liên quan đến việc thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2016

Phần 2

TỔNG KẾT THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LLDBĐV

1. Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV:

a) Quán triệt, phổ biến cho cán bộ lãnh đạo và cơ quan các cấp

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quân nhân dự bị và nhân dân

c) Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV

2. Kết quả thực hiện những quy định của Pháp lệnh về LLDBĐV trên các mặt cụ thể:

2.1. Đối với các địa phương và quân khu:

a) Thực hiện các quy định về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật:

- Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị:

+ Sự phối hợp giữa đơn vị có quân nhân xuất ngũ và địa phương;

+ Công tác tổ chức đăng ký ở địa phương;

+ Kết quả đăng ký quân nhân dự bị;

+ Quản lý quân nhân dự bị.

- Đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân:

+ Tổ chức đăng ký phương tiện kỹ thuật;

+ Kết quả đăng ký phương tiện kỹ thuật, so sánh với chỉ tiêu Chính phủ giao;

+ Quản lý phương tiện kỹ thuật đã đăng ký được.

b) Thực hiện quy định về lập kế hoạch xây dựng và huy động LLDBĐV:

- Xây dựng các văn kiện kế hoạch;

- Phê chuẩn và quản lý các kế hoạch.

c) Tổ chức xây dựng và quản lý các đơn vị dự bị động viên:

- Kết quả sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu được giao:

+ Về đầu mối tổ chức;

+ Tỉ lệ quân số đã sắp xếp được so với chỉ tiêu được giao;

+ Chất lượng đơn vị dự bị động viên, gồm: Chuyên nghiệp quân sự (đúng, gần đúng, không đúng), tuổi đời của sỹ quan dự bị, của hạ sỹ quan và binh sỹ dự bị (nhóm A, nhóm B), tỷ lệ đảng viên, đoàn viên, sức khỏe...

- Kết quả bổ nhiệm quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên;

- Kết quả phong, thăng quân hàm cho quân nhân dự bị;

- Quản lý các đơn vị dự bị động viên;

- Sự phối hợp giữa địa phương giao nguồn và đơn vị nhận nguồn trong sắp xếp, bổ nhiệm và trong quản lý các đơn vị dự bị động viên.

d) Thực hiện huấn luyện, diễn tập, kiểm tra các đơn vị dự bị động viên:

- Tổ chức huấn luyện;

- Kết quả huấn luyện từ năm 1996 đến tháng 12 năm 2015;

- Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác huấn luyện.

đ) Thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên

e) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và tài chính cho xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên:

- Bảo đảm và dự trữ hậu cần;

- Bảo đảm và dự trữ trang bị kỹ thuật;

- Kinh phí bảo đảm hằng năm.

g) Thực hiện chế độ chính sách trong xây dựng và huy động lực LLDBĐV:

- Thực hiện chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị;

- Chế độ chính sách cho chủ phương tiện có phương tiện được huy động đi làm nhiệm vụ.

h) Về chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng huy động LL DBĐV khi có lệnh

i) Thực hiện các quy định về quản lý nhà nước trong xây dựng và huy động LLDBĐV:

- Ban hành các quyết định, chỉ thị triển khai thực hiện;

- Thanh tra, kiểm tra;

- Sơ kết, tổng kết và các nội dung khác.

k) Thực hiện quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm

Chú ý: Các số liệu về thực lực quân nhân dự bị, chỉ tiêu động viên trên giao, kết quả sắp xếp, bổ nhiệm thể hiện trên báo cáo chỉ tính tỷ lệ phần trăm không báo cáo số thực.

(Có bản phụ lục số liệu cụ thể để báo cáo lãnh đạo, chỉ huy và cấp trên)

2.2. Đối với các đơn vị quân đội có chỉ tiêu tiếp nhận lực lượng dự bị động viên:

a) Thực hiện quy định về lập kế hoạch tiếp nhận LLDBĐV:

- Xây dựng các kế hoạch;

- Phê chuẩn và quản lý kế hoạch.

b) Tổ chức và quản lý đơn vị dự bị động viên:

- Phối hợp với các địa phương giao nguồn trong sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị dự bị động viên:

+ Hiệp đồng với địa phương trong sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị dự bị động viên, tổ chức phúc tra nắm nguồn;

+ Đầu mối tổ chức đã được sắp xếp, địa bàn xếp nguồn;

+ Tỉ lệ quân số đã sắp xếp được so với nhu cầu;

+ Chất lượng đơn vị dự bị động viên, gồm: Chuyên nghiệp quân sự (đúng, gần đúng, không đúng), tuổi đời của sỹ quan dự bị, của hạ sỹ quan và binh sỹ dự bị (nhóm A, nhóm B), tỷ lệ đảng viên, đoàn viên, sức khỏe...

- Phối hợp với địa phương trong bổ nhiệm quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy các đơn vị dự bị động viên;

- Phối hợp với địa phương trong quản lý các đơn vị dự bị động viên.

c) Thực hiện huấn luyện, diễn tập, kiểm tra các đơn vị dự bị động viên:

- Tổ chức huấn luyện;

- Kết quả huấn luyện từ 1996 đến tháng 12 năm 2015;

- Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác huấn luyện.

d) Thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng và huy động LLDBĐV

đ) Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và tài chính cho xây dựng và huy động LLDBĐV:

- Bảo đảm và dự trữ hậu cần;

- Bảo đảm và dự trữ trang bị kỹ thuật;

- Kinh phí bảo đảm hằng năm.

e) Thực hiện chế độ chính sách trong xây dựng và huy động LLDBĐV:

- Chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị;

- Chế độ chính sách cho chủ phương tiện có phương tiện được huy động đi làm nhiệm vụ (nếu có).

g) Thực hiện quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.

Chú ý: Các số liệu về chỉ tiêu động viên trên giao, kết quả sắp xếp, bổ nhiệm thể hiện trên báo cáo chỉ tính tỷ lệ phần trăm không báo cáo số thực.

(Có bản phụ lục số liệu cụ thể để báo cáo chỉ huy và cấp trên)

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Đánh giá ưu điểm, khuyết điểm

a) Ưu điểm

b) Tồn tại, khuyết điểm

2. Nguyên nhân:

a) Nguyên nhân ưu điểm

b) Nguyên nhân tồn tại, khuyết điểm

3. Một số bài học kinh nghiệm

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TRONG THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN VÀ ĐỀ NGHỊ, KIẾN NGHỊ

1. Những khó khăn, bất cập trong thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV

2. Đề nghị, kiến nghị

IV. CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP CHÍNH ĐỂ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Chủ trương

2. Biện pháp chính để thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong thời gian tới

Phần thứ ba

KẾT LUẬN

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2373/QĐ-BQP năm 2016 Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996-2016) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 2373/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Ngô Xuân Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản