Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2367/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 51/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 616/QĐ-UBTC ngày 08/11/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:

1. Vị trí, chức năng:

a) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật;

b) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh; trụ sở làm việc đặt tại số 04 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

c) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động và các nguồn lực của Sở Y tế; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chức năng Bộ Y tế.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên cơ sở định hướng, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Bộ Y tế và tình hình thực tế của địa phương trình Sở Y tế phê duyệt: giám sát, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các bệnh xã hội; kiểm dịch y tế; sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, sức khỏe trường học; chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; xét nghiệm an toàn thực phẩm; dinh dưỡng cộng đồng; vệ sinh phòng bệnh; quản lý, sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; an toàn sinh học; phòng chống tai nạn thương tích; các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe; khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng đối với trung tâm y tế các huyện, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế và trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh;

c) Triển khai các hoạt động truyền thông nguy cơ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe thuộc lĩnh vực y tế dự phòng;

d) Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo liên tục về chuyên môn, kỹ thuật cho công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm; tham gia đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng theo kế hoạch của tỉnh, Trung ương trên địa bàn; là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên địa bàn và của Trung ương trong lĩnh vực y tế dự phòng;

đ) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng;

e) Đề xuất, quản lý và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình mục tiêu y tế quốc gia và hợp tác quốc tế về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh khi được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt;

g) Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm;

h) Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh;

i) Thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật;

k) Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật;

l) Thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ khác do Sở Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

3. Cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và số lượng người làm việc

a) Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng:

- Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm;

- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là người phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành hoạt động của Trung tâm;

- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

b) Các phòng chức năng:

- Phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Phòng Tổ chức - Hành chính.

c) Các khoa chuyên môn:

- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm;

- Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng;

- Khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học;

- Khoa Sức khỏe nghề nghiệp;

- Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng;

- Khoa Kiểm dịch y tế;

- Phòng Khám tư vấn và điều trị dự phòng;

- Khoa Xét nghiệm.

d) Vị trí việc làm và số lượng người làm việc:

Vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của Trung tâm được xác định trên cơ sở đề án vị trí việc làm của Trung tâm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Ngoài nhân lực được giao, Giám đốc Trung tâm được ký hợp đồng lao động để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ và khối lượng công việc theo quy định của pháp luật.

đ) Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng phòng, khoa thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng tại Quyết định số 616/QĐ-UBTC ngày 08/11/1988 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TKCT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2367/QĐ-UBND năm 2015 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 2367/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản