Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2023

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1177/SNNPTNT-NTM ngày 30/3/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, với những nội dung chính sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn; nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới miền núi.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đến hết năm 2023 đạt các mục tiêu sau:

a) Cấp huyện: Huyện Mộ Đức đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 04 huyện, thành phố).

b) Cấp xã:

- 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 105 xã), cụ thể:

+ Huyện Ba Tơ (3 xã): Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì.

+ Huyện Trà Bồng (2 xã): Trà Tân, Trà Giang.

+ Huyện Sơn Hà (2 xã): Sơn Kỳ, Sơn Trung.

+ Huyện Bình Sơn (1 xã): Xã Bình An.

- 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cụ thể:

+ Huyện Bình Sơn (2 xã): Bình Trung, Bình Thanh.

+ Huyện Sơn Tịnh (2 xã): Tịnh Minh, Tịnh Sơn.

+ Huyện Tư Nghĩa (2 xã): Nghĩa Lâm, Nghĩa Hiệp.

+ Huyện Nghĩa Hành (3 xã): Hành Tín Đông, Hành Thịnh, Hành Thuận.

+ Huyện Mộ Đức (2 xã): Đức Thạnh, Đức Minh.

+ Thị xã Đức Phổ (1 xã): Phổ Thuận.

+ Thành phố Quảng Ngãi (2 xã): Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây.

- 31 thôn đạt chuẩn nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi, cụ thể cho từng huyện như sau:

+ Huyện Ba Tơ: 6 thôn.

+ Huyện Minh Long: 2 thôn.

+ Huyện Sơn Hà: 7 thôn.

+ Huyện Sơn Tây: 3 thôn.

+ Huyện Trà Bồng: 13 thôn.

- Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ,...) đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông.

II. Nội dung thực hiện

1. Đối với cấp huyện:

Thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

a) Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025).

b) Có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025).

c) Có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh.

d) Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên).

đ) Đạt toàn bộ các tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

(Theo Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao; Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

2. Đối với cấp xã:

a) Xã đạt chuẩn nông thôn mới: Là xã đạt toàn bộ chỉ tiêu, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

b) Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

- Là xã đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

- Đạt toàn bộ các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

(Theo Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

c) Thôn đạt chuẩn nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi: Là thôn đạt toàn bộ chỉ tiêu, tiêu chí thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

(Theo Quyết định số 1135/QĐ-UBND ngày 14/10/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025).

III. Dự kiến nhu cầu vốn năm 2023

Trên cơ sở Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và các Quyết định của UBND tỉnh: số 1507/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số chương trình, dự án khác (đợt 1), số 205/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 về việc phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 từ nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách tỉnh và các nguồn dự kiến phân bổ như sau:

Tổng nhu cầu nguồn vốn: 842.204 triệu đồng (Trong đó, riêng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh là 403.164 triệu đồng, bao gồm: Vốn đầu tư 320.970 triệu đồng, vốn sự nghiệp 82.194 triệu đồng). Cụ thể:

- Vốn ngân sách trung ương:

132.625 triệu đồng

Trong đó:

 

+ Vốn đầu tư:

100.970 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp:

31.655 triệu đồng

- Vốn đối ứng ngân sách địa phương:

381.001 triệu đồng

+ Ngân sách tỉnh

270.539 triệu đồng

Trong đó:

 

. Vốn đầu tư:

220.000 triệu đồng

. Vốn sự nghiệp:

50.539 triệu đồng

+ Ngân sách huyện:

97.884 triệu đồng

+ Ngân sách xã:

12.578 triệu đồng

- Vốn lồng ghép:

200.754 triệu đồng

- Vốn tín dụng:

96.500 triệu đồng

- Vốn doanh nghiệp:

20.050 triệu đồng

- Vốn huy động từ dân:

11.274 triệu đồng

IV. Nguyên tắc bố trí vốn

- Ưu tiên bố trí vốn cho xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023; huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

- Bố trí vốn cho các xã còn lại để duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí.

- Bố trí vốn thực hiện các Chương trình/đề án, kế hoạch thuộc Chương trình nông thôn mới.

V. Giải pháp thực hiện

1. Về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý:

- Tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình; sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên trách để theo dõi thực hiện, xem yếu tố con người là khâu quan trọng, then chốt trong xây dựng nông thôn mới.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện Chương trình.

2. Về tuyên truyền vận động:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức cho cán bộ các cấp và người dân về mục tiêu ý nghĩa Chương trình: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đem lại sự hài lòng cho người dân nông thôn, do đó cần có sự đồng tình hưởng ứng, tham gia của mỗi người dân.

- Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới”.

3. Về cơ chế chính sách:

Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tình hình thực tế, thiết thực và hiệu quả.

4. Về tập trung chỉ đạo để đạt được mục tiêu theo kế hoạch:

- Đối với các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện để có thể đạt và giữ vững các tiêu chí về giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự, thu nhập, hộ nghèo,... đảm bảo đạt theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

- Đối với huyện Mộ Đức: Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo theo quy định tại Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Đối với các huyện miền núi: UBND các huyện miền núi cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể và cam kết chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện để các xã nâng cao các tiêu chí nhằm tạo điều kiện các xã, thôn thuộc xã về đích nông thôn mới trong năm 2023, giữ vững và nâng cao tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm đạt kế hoạch đã đề ra. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch đạt chuẩn thôn nông thôn mới miền núi chặt chẽ, hợp lý nhằm đưa các xã khó khăn tiến đến đạt chuẩn xã nông thôn mới đúng tiến độ và hiệu quả. Tạo điều kiện nguồn lực tốt nhất có thể để cho các thôn, xã này đảm bảo về đích nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra.

5. Về huy động nguồn lực:

- Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã, thôn; tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, văn hóa thể thao.

- Tiếp tục huy động người dân đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trọng tâm là các công trình quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp như đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa và khu thể thao thôn. Việc huy động sức dân tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, không quy định bắt buộc, tăng cường tuyên truyền, vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp.

- Nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư Chương trình, tránh để mất vốn, kiên quyết không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

6. Về giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và môi trường:

- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo.

- Tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phong trào văn hóa, văn nghệ đi vào thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh xã, nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng và đa dạng các hình thức liên kết đào tạo cán bộ y tế cấp cơ sở. Kiện toàn bộ máy tổ chức và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng để thực hiện hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các địa phương thực hiện các mô hình đường hoa - cây xanh, tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân về sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác thu gom xử lý rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của Quyết định này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tại các địa phương. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Đài phát - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi,... thực hiện chuyên mục về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu, phân bổ vốn ngân sách đầu tư công thực hiện Chương trình, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư công hàng năm để thực hiện chương trình;

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư năm 2023 để thực hiện Chương trình theo kế hoạch;

- Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình dự án khác với xây dựng nông thôn mới để phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nguồn kinh phí ngân sách đối với từng nhiệm vụ cụ thể; tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình; chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí sự nghiệp cho Chương trình; tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định;

- Xây dựng Hướng dẫn, quản lý sử dụng nguồn vốn huy động khác tại địa phương để thực hiện Chương trình (nếu có).

4. Các sở, ngành liên quan:

- Chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Chương trình định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung tiêu chí theo lĩnh vực quản lý, địa bàn được phân công, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh.

- Thực hiện việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc sở ngành phụ trách với nội dung xây dựng nông thôn mới.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện báo cáo các nội dung liên quan theo yêu cầu của Trung ương và tỉnh.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, hội viên hiểu, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân, các đại phương để xây dựng Chương trình và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

- Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai có hiệu quả 5 nội dung của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo nông thôn mới ở các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các nội dung của nông thôn mới tại cơ sở để triển khai thực hiện.

- Thực hiện giám sát, phản biện xã hội để góp phần phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân cho Chương trình nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn cho phù hợp với lộ trình kế hoạch chung của tỉnh; Chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh kế hoạch của xã cho phù hợp với kế hoạch chung của huyện, thị xã, thành phố; nhất là các huyện có các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023 và huyện Mộ Đức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

- Xem xét cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện, hỗ trợ cho các xã thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch; xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực phù hợp để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

- Kịp thời thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, bộ phận tham mưu giúp việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ; phân công, phân cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, các phòng ban hỗ trợ các xã tổ chức thực hiện Chương trình.

- Tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, gắn xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời chỉ đạo, xử lý những vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình. Tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình theo quy định. Kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- BTT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, các Phòng n/cứu,
TTPV&KSTTHC, CB-TH;
- Lưu: VT, KTN(tnh154).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 235/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi năm 2023

  • Số hiệu: 235/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản