Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2349/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 27 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TIỀN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2018 của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 06 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công chức, viên chức và quản lý nhà nước về hội thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tiền Giang (Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Nội vụ gửi Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính kèm theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt về Bộ Nội vụ theo quy định.

Điều 3. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát TTHC);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- VPUB: CVP, PVP Trần Văn Đồng, P. KSTTHC;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Đức

 

PHƯƠNG ÁN

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỰC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2349/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

I. LĨNH VỰC CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Nhóm thủ tục:

Thi tuyển viên chức

Thi tuyển công chức

1.1. Nội dung đơn giản hóa

Về thành phần hồ sơ: Đề nghị quy định hồ sơ dự tuyển chỉ bao gồm đơn đăng ký dự tuyển.

Các thành phần hồ sơ khác đề nghị mẫu hóa trong đơn đăng ký dự tuyển để cá nhân ghi đầy đủ các thông tin như văn bằng chứng chỉ, thông tin cá nhân...

Lý do: khi thí sinh trúng tuyển mới hoàn chỉnh hồ sơ, nhằm không lãng phí thời gian, chi phí cho thí sinh không trúng tuyển khi thực hiện các hồ sơ và làm cơ sở cho việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trong thời gian tới.

1.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi Điều 2 của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP;

- Sửa đổi Điều 2 của Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 65,071,350 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 18,544,100 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm 46,527,250 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 72 %

Nội dung đơn giản hóa không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

II. LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI

Nhóm thủ tục:

Thành lập hội

Phê duyệt điều lệ hội

Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội

Báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội

1. Nội dung đơn giản hóa

- Đề nghị bỏ yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp đối với người đứng đầu hội thay thế bằng bản khai lý lịch do cơ quan quản lý đảng viên, công chức xác nhận hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã đối với người không phải là cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong thành phần hồ sơ xin phép thành lập hội, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội và báo cáo kết quả Đại hội.

Lý do: trong những thành phần hồ sơ xin phép thành lập hội, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội và báo cáo kết quả Đại hội có nội dung yêu cầu phải có Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu hội.

- Đề nghị có quy định cụ thể cho từng trường hợp nếu người dự kiến bầu và người được bầu chức danh lãnh đạo hội là một người thì hồ sơ báo cáo kết quả đại hội và phê duyệt Điều lệ Hội không cần sơ yếu lý lịch, lý lịch tư pháp.

Lý do: Khi chuẩn bị hồ sơ tổ chức Đại hội và khi báo cáo kết quả Đại hội, đề nghị phê duyệt Điều lệ Hội, hồ sơ của hai thủ tục đã yêu cầu phải có sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp người đứng đầu hội. Mặt khác, trường hợp nếu người dự kiến bầu và người được bầu chức danh lãnh đạo hội không cùng một người, mới cần có sơ yếu lý lịch, lý lịch tư pháp khi báo cáo kết quả đại hội, phê duyệt Điều lệ Hội.

1.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi Khoản 5, Điều 7 của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

- Sửa đổi Điểm d, Khoản 2, Điều 2 và Khoản 2, Điều 8 của Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 88,062,750 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 18,822,750 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 69,240,000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 79 %

Nội dung đơn giản hóa không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.