VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 233/QĐ-VKSTC | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, QUẢN LÝ ĐƠN NGOÀI LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Căn cứ Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | VIỆN TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, QUẢN LÝ ĐƠN NGOÀI LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 233 /QĐ-VKSTC ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn, xếp lưu đơn, theo dõi kết quả xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu, đề nghị ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi chung là đơn).
Đối với đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện theo quy định khác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động; các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát liên quan đến đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu, đề nghị ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; không áp dụng đối với các Viện kiểm sát quân sự.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn trong hoạt động tư pháp là đơn trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thủ tục phá sản, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạm giữ, tạm giam, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và những việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp; đơn có nội dung xuất phát từ việc xử lý, giải quyết các đơn nêu trên.
2. Đơn về công tác tổ chức, cán bộ là đơn có nội dung về việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
3. Đơn về công tác thi đua, khen thưởng là đơn có nội dung về việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân.
4. Đơn về việc thực hiện nhiệm vụ là đơn có nội dung về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ, trừ đơn trong hoạt động tư pháp.
5. Đơn khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật là đơn đề nghị xem xét lại quyết định về việc kỷ luật công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân khi cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
6. Đơn có nội dung khác là đơn không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Đơn có nhiều nội dung là đơn có chứa từ 02 nội dung trở lên được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
8. Đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm đơn có các nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này được phân cấp thẩm quyền giải quyết theo Quy chế công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân.
9. Xử lý đơn là việc nghiên cứu, phân loại, xếp lưu đơn, chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn
1. Bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời.
3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác của Viện kiểm sát nhân dân.
4. Bảo đảm sự kiểm tra, đánh giá kết quả việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn.
5. Bảo đảm sự phối hợp giữa Thanh tra và các đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết và thông tin, báo cáo kết quả giải quyết đơn.
Điều 4. Đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn
1. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ tiếp nhận đơn do Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị chuyển đến, thực hiện phân loại, xử lý đơn, theo dõi, tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả xử lý đơn, giải quyết đơn theo các quy định tại Quy chế này.
2. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đơn vị đầu mối của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quản lý đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chương II
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN
Điều 5. Tiếp nhận đơn
1. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi tiếp nhận các bì thư gửi đích danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì chuyển đến Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phân loại, xử lý.
2. Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi tiếp nhận đơn có nội dung về công tác tổ chức, cán bộ; Vụ Thi đua – Khen thưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi tiếp nhận đơn có nội dung về công tác thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì tham mưu xử lý, giải quyết; đồng thời chuyển bản sao đơn đến Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, quản lý.
3. Các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân khi tiếp nhận đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhưng không có trách nhiệm tham mưu giải quyết thì chuyển đến Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xử lý.
4. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc bóc bì thư gửi đích danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tiếp nhận đơn do các đơn vị chuyển đến theo khoản 1, 2 và 3 Điều này, đóng dấu “Văn bản đến”, vào sổ hoặc nhập dữ liệu điện tử các đơn đã tiếp nhận.
Điều 6. Xử lý đơn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc xử lý đơn như sau:
1. Đơn trong hoạt động tư pháp, đơn có nội dung khác được chuyển đến Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để giải quyết.
2. Đơn về công tác tổ chức, cán bộ được chuyển đến Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết.
3. Đơn về công tác thi đua, khen thưởng được chuyển đến Vụ Thi đua - Khen thưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết.
4. Đơn về việc thực hiện nhiệm vụ, đơn khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu giải quyết.
5. Đối với đơn có nhiều nội dung; đơn có nội dung khác nhưng chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định giao đơn vị cụ thể tham mưu giải quyết.
6. Việc chuyển đơn được thực hiện bằng văn bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, có chữ ký của người giao, nhận, kèm theo danh sách đơn, cùng toàn bộ đơn, tài liệu đã nhận và bì thư.
7. Xếp lưu đơn đối với các trường hợp sau đây: a) Bì thư bên trong không có đơn (lưu bì thư); b) Đơn không đủ điều kiện thụ lý, bao gồm:
- Đơn không dùng chữ viết là tiếng Việt; đơn được viết bằng tiếng nước ngoài nhưng không kèm bản dịch được công chứng; đơn không ghi rõ ngày, tháng, năm và họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.
- Đơn khiếu nại không ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.
- Đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
- Đơn kiến nghị, phản ánh, yêu cầu, đề nghị không ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh, yêu cầu, đề nghị.
- Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.
Điều 7. Trách nhiệm thông báo cho người gửi đơn
1. Đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đơn vị cuối cùng tham mưu giải quyết có trách nhiệm thông báo cho người gửi đơn biết.
2. Đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, được chuyển đến cơ quan, tổ chức khác thì đơn vị cuối cùng chuyển đơn có trách nhiệm thông báo cho người gửi đơn biết.
3. Trường hợp lưu đơn, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo cho người gửi đơn biết, trừ trường hợp không rõ họ tên, địa chỉ người gửi đơn.
Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC THÔNG TIN, BÁO CÁO
Điều 8. Trách nhiệm của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng văn bản về nội dung kết quả đề xuất phân loại, xử lý theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 6; đồng thời, theo dõi,
tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả xử lý, giải quyết đơn được quy định tại Điều 6 Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị có liên quan
Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị khác (trừ Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp) đã tiếp nhận đơn do Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển đến có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin về kết quả xử lý, giải quyết đơn cho Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 10. Cách thức cung cấp thông tin
1. Khi có kết quả xử lý, giải quyết đơn các đơn vị theo quy định tại Điều 8 Quy định này thực hiện chuyển bản sao kết quả xử lý, giải quyết đơn cho Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Trường hợp đột xuất, phục vụ báo cáo theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản đề nghị đến đơn vị phối hợp cung cấp thông tin. Đơn vị được đề nghị có trách nhiệm cung cấp thông tin về kết quả xử lý, giải quyết đơn theo nội dung, thời hạn ghi trong văn bản đề nghị.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thi hành Quy định này.
2. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 12. Sửa đổi, bổ sung Quy định
Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới cần phản ánh về Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 559/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Quyết định 201/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định về quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Hướng dẫn 14/HDLN-BCA-VKSNDTC năm 2022 về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Quyết định 214/QĐ-VKSTC năm 2022 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- 1Luật khiếu nại 2011
- 2Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014
- 3Luật Tố cáo 2018
- 4Quyết định 559/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Quyết định 201/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định về quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 6Hướng dẫn 14/HDLN-BCA-VKSNDTC năm 2022 về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Quyết định 214/QĐ-VKSTC năm 2022 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Quyết định 233/QĐ-VKSTC năm 2022 quy định về tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn ngoài lĩnh vực hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Số hiệu: 233/QĐ-VKSTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/09/2022
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Lê Minh Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực