Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2329/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “KHẨN CẤP BẢO TỒN VOI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC KIỂM SOÁT BUÔN BÁN NGÀ VOI Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020”

2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Chủ đầu tư: Tổng cục Lâm nghiệp

4. Mục tiêu dự án:

- Mục tiêu chung: Bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã hiện có ở Việt Nam kết hợp với khôi phục, bảo vệ các nguồn gien động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi. Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và các bộ phận dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trong nước và trên thế giới.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Bảo tồn được các tiểu quần thể voi có số lượng đàn ít, sinh cảnh sống bị cô lập và bảo tồn các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm trong cùng vùng sinh cảnh.

+ Phòng ngừa và ngăn chặn hành vi săn bắn, xâm hại voi, buôn bán, vận chuyển, lưu giữ trái phép ngà voi và các bộ phận, dẫn xuất của voi, kể cả các mẫu vật voi có nguồn gốc nước ngoài; giảm thiểu các tác động tiêu cực của con người lên sự sinh tồn tự nhiên của voi hoang dã.

+ Quản lý, giám sát cơ sở dữ liệu về bảo tồn voi trong cả nước

+ Giảm thiểu các thiệt hại do xung đột voi/người.

+ Xây dựng được kho lưu trữ, bảo quản mẫu vật quốc gia

+ Nâng cao năng lực quản lý, giám sát bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn voi và động vật hoang dã cho các cán bộ Khu rừng đặc dụng có voi sinh sống.

+ Hợp tác, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để bảo tồn voi.

4. Quy mô dự án: Các khu rừng, sinh cảnh nơi voi rừng cư trú, hành lang di chuyển của các quần thể voi hoang dã hiện có ở Việt Nam; tập trung ở các khu rừng đặc dụng và các khu rừng khác trên địa bàn các tỉnh trong cả nước có voi hoang dã phân bố (không bao gồm các tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai); các địa phương có các hoạt động mua bán trái phép ngà và mẫu vật voi.

5. Nội dung dự án:

a) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các thông tin bảo tồn voi trong cả nước thông qua các hoạt động như điều tra đánh giá quần thể, phạm vi phân bố, sinh cảnh tự nhiên, tình hình sinh sản của các đàn voi nhỏ, lẻ ngoài 3 tỉnh đã lập dự án là: Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An.

b) Thực hiện kế hoạch bảo tồn tại chỗ các tiểu quần thể voi gắn với quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững với các khu rừng đặc dụng có voi phân bố thông qua các hoạt động như: Quy hoạch vùng sinh cảnh sống và hành lang di chuyển cho voi; liên kết công tác bảo tồn voi với bảo tồn các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm khác; thực hiện các biện pháp nhằm cải tạo môi trường sống của voi và hạn chế xung đột voi/người.

c) Thực hiện kế hoạch di chuyển các cá thể voi đơn lẻ và đàn nhỏ chỉ có toàn voi cái, thiếu sinh cảnh sinh sống về các khu bảo tồn voi cấp quốc gia và phục vụ sinh sản.

d) Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kiểm soát, lập hồ sơ quản lý và điều tra tội phạm về săn bắn, buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

đ) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát cơ sở dữ liệu voi, động vật hoang dã và phòng chống xung đột voi/người.

e) Xây dựng kho lưu trữ quốc gia quản lý mẫu vật ngà voi và các loài động vật hoang dã quý, hiếm khác.

g) Tăng cường năng lực cán bộ quản lý khu bảo tồn, liên quan khác trong công tác quản lý thông tin dữ liệu, giám sát giết hại voi bất hợp pháp (MIKE), giám sát buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi (ETIS).

h) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng các vùng phân bố của loài voi, nhằm nâng cao ý thức bảo tồn voi và hạn chế mâu thuẫn voi/người.

i) Trao đổi kinh nghiệm trong khu vực về bảo tồn loài voi và các vấn đề xuyên biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.

k) Xây dựng mạng lưới liên ngành trong việc trao đổi thông tin, phối hợp thực thi pháp luật, xử lý các hành vi giết hại, buôn bán ngà voi.

6. Thời gian thực hiện: từ năm 2014 đến năm 2020

7. Tổng ngân sách dự án:

- Tổng vốn đầu tư dự án: 50.818.570.000 đồng, trong đó:

+ Vốn sự nghiệp kinh tế đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực quản lý của cán bộ và cộng đồng địa phương dự kiến là 16.580.700.000 đồng;

+ Vốn đầu tư dự án theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP , đầu tư cho các hoạt động điều tra, khảo sát xây dựng dự án, thực hiện dự án, mua sắm trang thiết bị là: 29.618.000.000 đồng.

+ Chi phí quản lý dự án (10% đầu tư dự án) 4.619.870.000 đồng.

- Phân theo giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (2014-2015): Tổng vốn đầu tư 24.853.934.000 đồng;

+ Giai đoạn 2 (2016-2020): Tổng vốn đầu tư 25.964.636.000 đồng.

(chi tiết dự án Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020 kèm theo)

Điều 2. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng dự án và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung quy định tại Điều 1 của Quyết định này và nội dung của tài liệu dự án đã được phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Tài chính, Kế hoạch; Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình; Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Thủ trưởng các cơ quan/đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tài Nguyên và Môi trường;
- UBND các tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai;
- Lưu: VT, TCLN. (20 bản)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2329/QĐ-BNN-TCLN năm 2013 phê duyệt Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2329/QĐ-BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản