ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2324/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 03 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC VẬN HÀNH CÁC CỐNG ĐẦU MỐI PHỤC VỤ CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 463/TTr-SNN-TL ngày 22 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác vận hành các cống đầu mối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC VẬN HÀNH CÁC CỐNG ĐẦU MỐI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2324/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc trách nhiệm và nội dung quan hệ phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác vận hành các cống đầu mối trong vùng Dự án Nam Măng Thít (sau đây gọi là các cống đầu mối) đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác vận hành các cống đầu mối đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, bao gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương.
2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác vận hành các cống đầu mối phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.
3. Hoạt động phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị; tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác vận hành các cống đầu mối đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong phạm vi quản lý của đơn vị.
4. Bảo đảm khách quan trong quá trình phối hợp, cùng phát hiện những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ, bảo đảm được yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp. Phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm để công tác quản lý, vận hành các cống đầu mối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
5. Cơ quan phối hợp khi nhận được yêu cầu phối hợp của cơ quan chủ trì trong công tác quản lý, vận hành các cống đầu mối trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về lĩnh vực, chuyên môn quản lý của đơn vị.
Điều 4. Nội dung quản lý, phối hợp chung
Phối hợp quản lý, khai thác, vận hành các cống đầu mối trên địa bàn tỉnh đảm bảo được nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
1. Đảm bảo thống nhất trong việc quản lý, vận hành các cống đầu mối theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh.
2. Trình tự giải quyết công việc theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị và Quy chế phối hợp làm việc giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
3. Tạo điều kiện để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin, báo cáo đúng theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định.
Điều 5. Phương pháp phối hợp khi giải quyết công việc
1. Khi cần phối hợp để giải quyết công việc có liên quan trực tiếp đến việc vận hành các cống đầu mối, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mời Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, các đơn vị trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh và các đơn vị có liên quan phối hợp thảo luận, bàn bạc giải quyết. Nếu vượt quá thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.
2. Trong trường hợp cần giải quyết công việc mà không có thời gian tổ chức họp hoặc không cần phải tổ chức họp thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể gửi bằng hình thức văn bản hoặc qua điện thoại để trao đổi thông tin liên lạc, thống nhất ý kiến về nội dung cần giải quyết.
Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Trách nhiệm, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thông báo về quy hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, xây dựng và tham mưu, ban hành lịch xuống giống; phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo bà con nông dân từng khu vực xuống giống đồng loạt đúng khung lịch thời vụ đã ban hành; phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, kiểm tra, chỉ đạo theo lĩnh vực chuyên môn thuộc trách nhiệm quản lý của ngành phụ trách.
2. Trách nhiệm, quyền hạn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh: Lập kế hoạch quản lý, vận hành và chỉ đạo các đơn vị thành viên của Công ty vận hành điều tiết đóng mở cống đầu mối đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo đúng khung kế hoạch từng mùa vụ chung của tỉnh.
3. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị có liên quan của huyện bố trí sản xuất từng mùa vụ đúng khung lịch thời vụ chung của tỉnh; chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con nông dân xuống giống sản xuất đồng loạt, khoa học theo đúng lịch thời vụ đã ban hành; phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu mùa vụ; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh quản lý, kiểm tra, chỉ đạo theo chức năng quản lý của địa phương.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VẬN HÀNH
Điều 7. Hệ thống công trình thuỷ lợi Nam Măng Thít là hệ thống công trình thuỷ lợi liên tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, có nhiệm vụ:
1. Kiểm soát mặn, lấy nước và giữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn 171.626 ha đất canh tác và 225.682 ha đất tự nhiên (trong đó tỉnh Vĩnh Long là 49.020 ha, tỉnh Trà Vinh 176.662 ha).
2. Cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
3. Kết hợp khai thác nguồn lợi thuỷ sản.
4. Góp phần phát triển giao thông thủy bộ, cải tạo môi sinh, môi trường.
Điều 8. Mọi hoạt động có liên quan đến quản lý vận hành khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi Nam Măng Thít phải tuân thủ Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, các tiêu chuẩn của ngành và các quy định khác có liên quan.
Điều 9. Việc vận hành các công trình được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống và không chia cắt theo địa giới hành chính.
Điều 10. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh được chủ động vận hành các công trình trong hệ thống theo đúng các chỉ tiêu thiết kế, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các huyện trong tỉnh Trà Vinh.
Điều 11. Việc vận hành các cống tưới, tiêu, ngăn lũ, ngăn mặn, kiểm soát mặn, giao thông thuỷ, cải tạo môi sinh, môi trường nước phải tuân thủ Quy trình vận hành cơ khí, vận hành điện và quy trình đóng mở cửa cống.
Điều 12. Kế hoạch vận hành thống nhất các cống đầu mối được xây dựng cụ thể, riêng theo từng mùa vụ sản xuất nông nghiệp theo đúng khung lịch thời vụ đã ban hành.
Điều 13. Trường hợp đặc biệt có xảy ra dịch bệnh trên cây lúa cần phải vận hành điều tiết các cống để kết hợp dập dịch, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị trực tiếp chỉ đạo vận hành.
Chương III
VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH TRONG MÙA KHÔ
Điều 14. Mùa khô tại tỉnh Trà Vinh diễn ra từ đầu tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau (tính theo dương lịch).
Đây là thời điểm sản xuất vụ lúa Đông Xuân của tỉnh, điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của khô hạn và mặn xâm nhập, các cống đầu mối có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt kết hợp dẫn nước ngọt từ sông Măng Thít, sông Hậu, sông Cổ Chiên về nhằm nâng mực nước hiệu dụng trong hệ thống công trình lên để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giao thông thuỷ, cải tạo môi sinh, môi trường nước, cấp nước sinh hoạt,...
Điều 15. Phương án vận hành các cống đầu mối trong mùa khô
1. Khi mặn xuất hiện và có xu hướng lấn dần từ biển vào đất liền, các cống đầu mối ven sông Cổ Chiên, sông Hậu trên địa bàn tỉnh chuyển sang chế độ vận hành cửa cống theo hướng ngăn mặn, tích ngọt, hạn chế tiêu xổ (chủ động lấy nước vào và hạn chế tiêu xả ra) sao cho mực nước trong nội đồng khi tích nước ≥ + 0,5 m để đảm bảo có nguồn nước ngọt đệm trong nội đồng.
2. Tiến hành đóng khoá cửa (không cho vào, ra) các cống không còn khả năng lấy nước ngọt để vận hành theo chế độ ngăn mặn, trữ ngọt (đóng khoá dần các cửa cống theo thứ tự từ phía biển lên, mặn đến đâu đóng đến đó) (trừ một số cống phục vụ nuôi thủy sản của huyện Cầu Ngang, như: Bến Chùa, Thâu Râu, Chà Và, Vinh Kim nhưng phải kiểm soát chặt chẽ khả năng xâm nhập mặn qua các cống nội đồng).
3. Thực hiện việc vận hành tiếp ngọt chủ yếu từ sông Măng Thít dẫn về qua kênh Trà Ngoa kết hợp tranh thủ tiếp nước ngọt từ các cống: Láng Thé, Cái Hóp, Cần Chông, Rạch Rum, Mỹ Văn khi độ mặn cho phép; khi độ mặn tại vàm sông của các cống vượt ngưỡng 1.0 ‰ thì đóng cửa cống để ngăn mặn; Đảm bảo được mực nước đệm hiện hữu trong nội đồng tại các điểm cống đầu mối ≥ + 0,5 m, riêng mực nước bên trong tại cống Cần Chông ≥ +0,8m và chất lượng nước trên các kênh trục chính có độ mặn ≤ 1,0 ‰ .
4. Tăng cường kiểm tra độ phèn, mặn, cột nước trên các trục kênh chính nội đồng các huyện, riêng tại các điểm cống trọng yếu thì việc kiểm tra mặn, cột nước được thực hiện 1 ngày 2 lần vào lúc đỉnh triều (cống Trà Cú, Vàm Buôn, Bắc Trang, vàm Bắc Trang huyện Trà Cú; cống Cần Chông, Trẹm, Vàm Cầu Quan huyện Tiểu Cần; cống Mỹ Văn, Rạch Rum, vàm Bông Bốt, Tân Dinh huyện Cầu Kè; cống Rạch Kinh, Bà Trầm, Nhà Thờ, Ngãi Hoà, Ngãi Hiệp, Đa Lộc, Tầm Phương, Vàm Hưng Mỹ huyện Châu Thành; cống Rạch Cầu Kinh, Điệp Thạch, vàm Trà Vinh thành phố Trà Vinh; cống Láng Thé, Cái Hóp huyện Càng Long).
5. Việc vận chuyển hàng hoá, nông sản và đi lại bằng giao thông thuỷ được thực hiện ngày 1 lần vào thời điểm giao nhau giữa nước lớn và nước ròng (ban ngày) tại các điểm cống (Cần Chông mở: 2 cửa, Cái Hóp mở: 2 cửa, Láng Thé mở: 2 cửa).
6. Tăng cường kiểm tra các công trình, nhất là công trình cống đầu mối xung yếu, các điểm cống, bọng có nguy cơ rò rỉ xâm nhập mặn để phát hiện và xử lý kịp thời; Thực hiện tốt việc bôi trơn, bảo dưỡng các bộ phận công trình đáp ứng yêu cầu vận hành nhanh và an toàn; Kết hợp khai thông, giải phóng các chướng ngại vật trong hệ thống công trình, nhất là trong các hệ thống kênh trục chính, kênh cấp 2,...
7. Các phương án vận hành các cống đầu mối nêu trên còn tuỳ điều kiện thực tế cụ thể từng năm và số liệu dự báo để quyết định thời điểm đóng mở các cống cũng như số lượng cửa cống cần đóng, mở cho phù hợp.
Chương IV
VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH TRONG MÙA MƯA
Điều 16. Mùa mưa tại tỉnh Trà Vinh được diễn ra từ đầu tháng 5 đến hết tháng 11 (tính theo dương lịch). Đây là thời điểm sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông - Mùa của tỉnh, điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi, chịu ảnh hưởng của khô hạn và mặn xâm nhập từ biển Đông vào đầu vụ Hè Thu; ngập úng, mưa lũ, triều cường vào vụ Thu Đông - Mùa.
Điều 17. Phương án vận hành các cống đầu mối trong mùa mưa
1. Đầu mùa mưa ( tháng 5 dương lịch), các cống đầu mối có nhiệm vụ tiếp ngọt từ sông Măng Thít, sông Hậu, sông Cổ Chiên, trữ nước ngọt và chống xâm nhập mặn trở lại. Định kỳ tiêu thoát nước để giảm mặn và rửa phèn nhằm đảm bảo chất lượng nước trong hệ thống.
2. Các tháng tiếp theo của mùa mưa, các cống đầu mối vận hành theo hướng cung cấp nước, đảm bảo giao thông thuỷ, tiêu mặn, rửa phèn, cải tạo môi sinh, môi trường nước, ngăn lũ, ngăn triều cường và tiêu úng cho nội đồng khi mưa lớn tập trung.
3. Cuối mùa mưa (khoảng tháng 11 dương lịch), các cống đầu mối có nhiệm vụ ngăn lũ, ngăn triều cường, tiêu úng cho nội đồng. Đồng thời, tuỳ tình hình thực tế của từng năm cần có biện pháp trữ nước ngọt, đề phòng xâm nhập mặn sớm cho các vùng hạ lưu, vùng giáp biển.
4. Trong thời gian các cống đầu mối đang lấy nước, nếu xảy ra áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, triều cường có khả năng gây ngập, úng phải ngừng lấy nước và chuẩn bị các phương án vận hành tiêu thoát úng cho nội đồng.
5. Các phương án vận hành các cống đầu mối nêu trên còn tuỳ điều kiện thực tế cụ thể từng năm và số liệu dự báo mà quyết định thời điểm đóng mở các cống cũng như số lượng cửa cống cần đóng, mở cho phù hợp.
6. Tăng cường kiểm tra các công trình nhất là công trình cống đầu mối xung yếu, các điểm cống, bọng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn để phát hiện và xử lý kịp thời; Thực hiện tốt việc bôi trơn, bảo dưỡng các bộ phận công trình đáp ứng yêu cầu vận hành nhanh và an toàn; Kết hợp khai thông, giải phóng các chướng ngại vật trong hệ thống công trình nhất là trong các hệ thống kênh trục chính, kênh cấp 2,... để đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, hiệu quả.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Chế độ hội họp và báo cáo
1. Định kỳ hàng tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị phối hợp để đánh giá kết quả thực hiện; lập kế hoạch và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
2. Hàng tuần, tháng, quý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh có cập nhật báo cáo cụ thể về công tác quản lý, vận hành các cống đầu mối, các khó khăn, vướng mắc,... về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và có hướng chỉ đạo chung.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; hàng năm, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, tiếp thu các ý kiến đề xuất của các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, báo cáo đề xuất kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời./.
- 1Quyết định 03/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 2Quyết định 04/2015/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 3Quyết định 3378/2014/QĐ-UBND Quy định thu lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 4Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2016 triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông và phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp do tỉnh Nam Định ban hành
- 5Quyết định 137/QĐ-UBND năm 2023 về Quy trình vận hành các cống dưới đê do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Luật Đê điều 2006
- 3Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định 03/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh An Giang
- 6Quyết định 04/2015/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 7Quyết định 3378/2014/QĐ-UBND Quy định thu lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 8Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2016 triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông và phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp do tỉnh Nam Định ban hành
- 9Quyết định 137/QĐ-UBND năm 2023 về Quy trình vận hành các cống dưới đê do tỉnh Bắc Ninh ban hành
Quyết định 2324/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế phối hợp trong công tác vận hành các cống đầu mối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- Số hiệu: 2324/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
- Người ký: Nguyễn Văn Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực