Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2314/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 14 tháng 12 năm 2007 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008 - 2015
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BCN ngày 23/6/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2005/BTC-BCN ngày 23/6/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công;
Căn cứ Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2007/CT-BCT ngày 14/11/2007 của Bộ Công thương về việc triển khai thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 08 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tỉnh Yên Bái tại Tờ trình số 75/TTr-SCN ngày 27 tháng 11 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chương trình Khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 -2015 với các nội dung cụ thể như sau:
1.1. Mục tiêu chung:
- Ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp nông thôn có lợi thế, sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại chỗ, nhất là các nguyên liệu từ nông, lâm, khoáng sản; Các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, tranh đá quý. Chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp nông thôn… phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2015.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá công nghiệp nông thôn.
- Động viên và huy động các nguồn lực trong tỉnh, trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy định của Chính phủ và tỉnh Yên Bái.
- Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% vào năm 2015. Thu hút mạnh lao động nông nghiệp sang công nghiệp nông thôn tạo tiền đề cho việc tăng năng suất và thu nhập cho lao động nông thôn.
- Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với việc bảo vệ môi trường.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% vào năm 2015.
- Đào tạo nghề cho 5.000 lao động trở lên (Trong đó: đào tạo nghề cho lao động mới là 4.000 người; đào tạo nâng cao tay nghề là 1.000 người; đào tạo thợ giỏi 100 người).
- Đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh và các chuyên đề về quản trị doanh nghiệp là 800 lượt người; tập huấn cán bộ khuyến công bình quân 1 năm 1 lần.
- Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 100 doanh nghiệp.
- Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hội thảo giới thiệu một số công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổng số là 25 mô hình; Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho 160 cơ sở.
- Hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho 200 cơ sở.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm do Trung ương và tỉnh tổ chức, 12 lần cho 125 cơ sở tham hội chợ triển lãm.
- Hỗ trợ thành lập 02 hiệp hội ngành nghề công nghiệp nông thôn.
- Xây dựng 04 mô hình liên kết công nghiệp nông thôn với du lịch.
- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 05 cụm, điểm công nghiệp và làng nghề truyền thống.
2. Nội dung chương trình khuyến công giai đoạn 2008 - 2015:
2.1. Hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức, tạo sự quan tâm chú ý đối với việc thành lập các loại hình kinh doanh như Doanh nghiệp tư nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Hợp tác xã… cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
- Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả các lớp đào tạo này, tiếp tục thực hiện các nội dung: Tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện dự án, kế hoạch kinh doanh về các khía cạnh có liên quan như quy trình công nghệ, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tổ chức quản lý doanh nghiệp, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư,… để thành lập được doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Sau khi thành lập: hỗ trợ để các doanh nghiệp mới thành lập có thể đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.
2.2.Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn :
- Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
- Tổ chức các khóa đào tạo về quản lý, tổ chức hội thảo, tổ chức tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm.
2.3. Nâng cao năng lực sản xuất và phát triển sản phẩm mới của các cơ sở công nghiệp nông thôn :
- Hướng dẫn, tư vấn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn xây dựng dự án đầu tư dây chuyền sản xuất và phát triển sản phẩm mới; mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.
- Hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư quy trình công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tại các vùng nông thôn.
2.4. Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề:
- Điều tra khảo sát nhu cầu cụ thể về đào tạo nghề của các cơ sở công nghiệp nông thôn, các địa phương để lập kế hoạch tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với các trường, Trung tâm dạy nghề và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biên soạn giáo trình giảng dạy cho lao động công nghiệp nông thôn.
- Tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động mới và đào tạo nâng cao tay nghề. Đào tạo các thợ giỏi, nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.
2.5. Cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường: Tổ chức các hoạt động tư vấn tại cơ sở: tư vấn hoặc hỗ trợ thuê tư vấn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Cung cấp thông tin nhằm giới thiệu các hoạt động khuyến công, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
2.6. Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát; Hỗ trợ liên danh, liên kết, hợp tác kinh tế phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn:
- Hỗ trợ thành lập các hiệp hội ngành nghề: Hỗ trợ để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hình thành các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp cấp xã, huyện, tỉnh, vùng nhằm tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị.
- Hỗ trợ phát triển các liên kết vệ tinh: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại lớn trong và ngoài tỉnh để giảm chi phí đầu tư, giá thành sản phẩm, tăng năng lực sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển ổn định và bền vững.
- Hỗ trợ hình thành các điểm công nghiệp, làng nghề. Xây dựng mô hình liên kết cụm, điểm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp truyền thống với hoạt động du lịch. Giúp quảng bá sản phẩm, thương hiệu, thúc đẩy sự tiêu thụ sản phẩm với khách du lịch trong và ngoài nước.
2.7. Xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ:
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới, sản phẩm mới.
- Xây dựng các mô hình trình diễn chế biến nông sản. Các mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè, quế; Các mô hình chế biến gạo chất lượng cao; Các mô hình trình diễn kỹ thuật sấy, bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch (Chế biến sắn lát khô); Các mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến miến đao, măng tre Bát Độ
- Xây dựng các mô hình trình diễn chế biến lâm sản. Các mô hình cải tạo nâng cấp các cơ sở sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng. Các mô hình về dây chuyền, công nghệ sản xuất đồ gỗ gia dụng theo phương pháp công nghiệp. Các mô hình chế biến nguyên liệu tập trung phục vụ ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ.
2.8. Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công:
- Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các đề án khuyến công của cán bộ làm công tác khuyến công thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ khuyến công trên địa bàn để thực hiện khuyến công có hiệu quả đến tận cơ sở tại các địa phương.
- Kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị, trụ sở làm việc. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại, tập huấn cán bộ, bổ xung cán bộ nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khuyến công đã thành lập. Hình thành mạng lưới liên kết để thực hiện các hoạt động khuyến công từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công.
3. Các giải pháp cơ bản thực hiện chương trình:
3.1. Cơ sở về khung pháp lý: Hoàn thiện quy chế hoạt động khuyến công cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bao gồm: Quy chế phối hợp chỉ đạo và thực hiện chương trình khuyến công; Quy chế hoạt động của Trung tâm Khuyến công; Quy chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ khuyến công; Cơ chế huy động các nguồn vốn và thanh quyết toán chi phí cho hoạt động khuyến công. Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công có trách nhiệm giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2008 - 2015.
3.2. Cơ chế chính sách: Có chính sách về sử dụng đất, về khuyến khích phát triển làng nghề, ưu đãi về vốn, ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo thu hút nhân lực, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện thực tế tỉnh Yên Bái và các quy định của Nhà nước.
3.3. Giải pháp về cải cách hành chính: Thực hiện cơ chế “ Một cửa, một chỗ “ trong việc cấp giấy phép sử dụng đất, thuê đất, cấp phép xây dựng, kinh doanh và ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ... Nhưng phải chịu sự kiểm tra hàng năm định kỳ của các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
3.4. Giải pháp về nguồn vốn: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, đầu tư vào các lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp trong các đề án được duyệt. Khuyến khích các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vào các dự án có quy mô nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất bột giấy và giấy, chế biến chè, sản xuất nước hoa quả, chế biến gỗ, chế biến khoáng sản, và gốm sứ... Tranh thủ tối đa các nguồn vốn trong nước, nước ngoài, đầu tư cho các đề án sản xuất nước sạch, năng lượng, tái tạo thuỷ điện nhỏ, năng lượng mặt trời (cho các vùng cao, vốn đầu tư lớn, không đưa lưới điện quốc gia đến được). Sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (mức lãi suất thấp £ 3%/năm), vốn hỗ trợ đầu tư cho các đề án phát triển công nghiệp nông thôn của chính phủ ban hành .
3.5. Giải pháp xúc tiến thương mại: Giới thiệu hàng hoá xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp Yên Bái ra thị trường trong nước và thế giới như Tranh đá quý, hàng mây tre đan, hàng dệt thổ cẩm, Sản phẩm đá trắng , Maket bằng đá quý, Chè đặc sản, Đệm bông lau, Miến đao...
3.6. Giải pháp về thi đua khen thưởng: Để khuyến khích thực hiện tốt các hoạt động khuyến công, cần đẩy mạnh công tác thi đua và khen thưởng đối với các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công hàng năm.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2015 là: 18,485 tỷ đồng.
(Mười tám tỷ, bốn trăm tám mươi lăm triệu đồng chẵn)
Trong đó :
- Kinh phí khuyến công quốc gia: 2,940 tỷ đồng.
- Kinh phí khuyến công địa phương: 15,545 tỷ đồng.
(Kinh phí khuyến công địa phương phân bổ theo địa bàn huyện, thị, thành phố theo phụ lục đính kèm).
5.1. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Công nghiệp Yên Bái nghiên cứu kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống khuyến công. Tổ chức lại Trung tâm Khuyến công Tư vấn đầu tư công nghiệp theo hướng: Thành lập Trung tâm Khuyến công và thành lập Công ty cổ phần tư vấn đầu tư công nghiệp.
- Kiện toàn lại Trung tâm Khuyến công theo hướng chuyên môn hoá. Tách và thành lập Trung tâm Khuyến công trực thuộc Sở Công nghiệp tỉnh Yên Bái. Trung tâm Khuyến công được hưởng định mức kinh phí theo cơ quan quản lý Nhà nước, kinh phí hoạt động được cân đối từ nguồn Ngân sách Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Về biên chế được bố trí 7 cán bộ chuyên trách: Có 01 Giám đốc và 01 Phó giám đốc để chỉ đạo thực hiện công tác khuyến công.
- Tăng cường cho mỗi huyện, thị, thành phố 01 biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ khuyến công, các bộ khuyến công thuộc biên chế Phòng Hạ tầng kinh tế (Phòng Kinh tế đối với TP Yên Bái và Thị xã Nghĩa Lộ). Cán bộ khuyến công cấp huyện chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Trung tâm Khuyến công tỉnh. Kinh phí cho cán bộ khuyến công được cân đối từ nguồn Ngân sách địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm theo quy định của Nhà nước.
- Thành lập Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư công nghiệp được tách ra từ Trung tâm Khuyến công Tư vấn đầu tư công nghiệp, để có đầy đủ tư cách pháp nhân, có điều kiện phát triển công tác tư vấn đầu tư công nghiệp, nâng cao năng lực tư vấn và các hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
5.2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Công nghiệp Yên Bái và Trung tâm Khuyến công rà soát lại các quy định về hồ sơ thanh quyết toán kinh phí khuyến công, tháo gỡ những vướng mắc trong thanh toán, bố trí kịp thời kinh phí hàng năm để đảm bảo tiến độ giải ngân.
5.3. Sở Công nghiệp: Là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khuyến công trên địa bàn toàn tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện thành công các mục tiêu nội dung chương trình khuyến công.
- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công phối kết hợp với Phòng Hạ tầng Kinh tế các huyện (Phòng Kinh tế đối với TP Yên Bái và Thị xã Nghĩa Lộ) tổ chức triển khai thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 – 2015 theo đúng quy định hiện hành.
5.4. Các ngành Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố phối hợp cùng Sở Công nghiệp cụ thể hoá thành các kế hoạch, dự án, chính sách cụ thể trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo kế hoạch hàng năm.
5.5. Các tổ chức, cá nhân: Phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp và Trung tâm Khuyến công thực hiện các mục tiêu nội dung chương trình.
5.6. Trung tâm Khuyến công: Là cơ quan thường trực, trực tiếp xây dựng các kế hoạch, dự án cụ thể thực hiện chương trình khuyến công.
6. Thời gian thực hiện: Từ năm 2008 đến năm 2015.
Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cụ thể hoá chương trình bằng các dự án kế hoạch hàng năm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và đầu tư, Công nghiệp, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT CHỦ TỊCH |
TỔNG HỢP KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008 – 2015
ĐVT: triệu đồng
STT | Nội dung | Kinh phí khuyến công Địa phương | Kinh phí khuyến công Quốc gia | Cộng |
1 | Khởi sự doanh nghiệp, lập dự án | 1.120 | 260 | 1.380 |
2 | Đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực quản lý | 140 | 250 | 390 |
3 | Hỗ trợ nâng cao năng lựục sản xuất | 8.430 | 800 | 9.230 |
4 | Đào tạo nghề, truyền nghề | 1.620 | 540 | 2.160 |
5 | Quảng bá sản phẩm, hội chợ | 560 | 340 | 900 |
6 | Tham quan học hỏi | 725 | 260 | 985 |
7 | Xây dựng mô hình trình diễn, Chuyển giao công nghệ | 950 | 490 | 1.400 |
8 | Kinh phí Trung tâm Khuyến công và quản lý | 2.000 |
| 2.000 |
| Tổng cộng | 15.454 | 2.940 | 18.485 |
ĐVT: triệu đồng
Năm thực hiện | Kinh phí khuyến công Địa phương | Kinh phí khuyến công Quốc gia | Cộng |
2008 | 1.905 | 240 | 2.145 |
2009 | 2.135 | 280 | 2.415 |
2010 | 2.070 | 310 | 2.380 |
2011 | 1.965 | 330 | 2.295 |
2012 | 1.765 | 350 | 2.115 |
2013 | 1.795 | 370 | 2.165 |
2014 | 2.050 | 490 | 2.540 |
2015 | 1.860 | 570 | 2.430 |
Tổng cộng | 15.545 | 2.940 | 18.485 |
- 1Quyết định 1454/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010 - 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
- 3Quyết định 45/2010/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn năm 2010 – 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4Quyết định 499/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015
- 5Nghị quyết 170/2008/NQ-HĐND về Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2008-2012
- 1Thông tư liên tịch 36/2005/TTLT-BTC-BCN hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công do Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Thông tư 03/2005/TT-BCN hướng dẫn thưc hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn do Bộ Công nghiệp ban hành
- 3Luật Doanh nghiệp 2005
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
- 6Quyết định 136/2007/QĐ-TTg phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 02/2007/CT-BCT thực hiện quyết định 136/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình khuyến công Quốc gia đến năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 8Quyết định 1454/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010 - 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành
- 9Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
- 10Quyết định 45/2010/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn năm 2010 – 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 11Quyết định 499/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015
- 12Nghị quyết 170/2008/NQ-HĐND về Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2008-2012
Quyết định 2314/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt chương trình Khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 -2015
- Số hiệu: 2314/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Nguyễn Văn Ngọc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/12/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra