Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2025/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ĐỘC LẬP THEO QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 206/2025/QH15 VỀ CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT XỬ LÝ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC DO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 63/2025/QH15;
Căn cứ Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ĐỘC LẬP THEO QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 206/2025/QH15 VỀ CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT XỬ LÝ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC DO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
(Kèm theo Quyết định số 23/2025/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật (sau đây gọi là Hội đồng).
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết bằng phiếu, quyết định theo ý kiến đa số (trên 50% tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập Hội đồng); trường hợp ý kiến biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
2. Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp.
3. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
4. Hội đồng chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng.
Điều 3. Thành lập Hội đồng
1. Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15.
2. Thành phần Hội đồng gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Tư pháp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định;
c) Thành viên Hội đồng là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Căn cứ nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mời đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm phù hợp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng thẩm định độc lập;
d) Thư ký Hội đồng là công chức của đơn vị thuộc Bộ Tư pháp được giao chủ trì tham mưu việc thực hiện thẩm định.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực của Hội đồng
1. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định dự thảo nghị quyết của Chính phủ về xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng
a) Chỉ đạo việc tổ chức thẩm định;
b) Chủ trì cuộc họp Hội đồng;
c) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng trong quá trình hoạt động;
d) Ký Báo cáo thẩm định, Biên bản họp thẩm định.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng
a) Giúp Chủ tịch Hội đồng trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động của Hội đồng;
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng, ký Biên bản cuộc họp của Hội đồng khi được ủy quyền;
c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của thành viên Hội đồng.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng
a) Nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết, tham gia cuộc họp thẩm định, phát biểu và chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 206/2025/QH15;
b) Biểu quyết bằng phiếu về việc dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ và các nội dung khác theo yêu cầu của Hội đồng (nếu có);
c) Trường hợp không thể tham gia cuộc họp thẩm định thì phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Hội đồng (qua cơ quan Thường trực là Bộ Tư pháp) trước khi cuộc họp thẩm định diễn ra. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Ý kiến thẩm định có thể được gửi bằng hình thức điện tử;
d) Bảo lưu ý kiến thẩm định nếu không đồng ý với kết luận của Hội đồng (nếu có).
5. Bộ Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng;
b) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng.
Điều 5. Chuẩn bị cuộc họp của Hội đồng
1. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết gửi Bộ Tư pháp văn bản đề nghị thẩm định kèm hồ sơ thẩm định theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 206/2025/QH15 bằng bản điện tử và 01 bản giấy. Trong đó, dự thảo nghị quyết được đóng dấu giáp lai, các tài liệu khác được đóng dấu treo.
2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ gửi thẩm định. Trường hợp hồ sơ gửi thẩm định không đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tư pháp phải thông báo ngay cho cơ quan chủ trì soạn thảo để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
3. Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ và có Quyết định thành lập Hội đồng, Hội đồng gửi Giấy mời họp cho cơ quan chủ trì soạn thảo; gửi Giấy mời họp và hồ sơ dự thảo nghị quyết đến các thành viên Hội đồng, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
4. Thành viên Hội đồng phải xác nhận việc tham dự cuộc họp, trường hợp không tham dự được phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng, nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến bằng văn bản theo quy định tại Quy chế này.
Điều 6. Cuộc họp của Hội đồng
1. Cuộc họp của Hội đồng được tiến hành trong ngày làm việc, trường hợp cần thiết, tổ chức họp ngoài giờ làm việc hoặc ngày nghỉ.
2. Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp của Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
3. Lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tham dự cuộc họp của Hội đồng và trình bày về nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu có liên quan đến dự thảo nghị quyết.
4. Thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15. Thư ký Hội đồng đọc ý kiến thẩm định bằng văn bản của thành viên Hội đồng vắng mặt.
Trường hợp thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ vắng mặt và không có ý kiến bằng văn bản thì được hiểu là nhất trí với dự thảo nghị quyết; trường hợp thành viên Hội đồng là đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ vắng mặt và không gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản thì Bộ Tư pháp gửi văn bản cho Bộ trưởng các Bộ về việc này, kèm theo báo cáo thẩm định.
5. Thư ký Hội đồng ghi biên bản cuộc họp Hội đồng. Biên bản cuộc họp thẩm định, gồm những nội dung cơ bản sau: Căn cứ pháp lý thành lập Hội đồng; số lượng, thành phần dự họp của các thành viên Hội đồng; nội dung cuộc họp, ý kiến của thành viên Hội đồng; ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo; kết quả biểu quyết của Hội đồng gồm: kết quả thẩm định, ý kiến bảo lưu của thành viên Hội đồng (nếu có), kiến nghị của Hội đồng; họ và tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.
Trường hợp ý kiến của thành viên Hội đồng tại cuộc họp thẩm định và ý kiến bằng phiếu khác nhau thì ý kiến bằng phiếu là ý kiến chính thức.
6. Báo cáo thẩm định của Hội đồng phải thể hiện rõ dự thảo nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; việc tham gia ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan của Quốc hội là thành viên Hội đồng. Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận dự thảo nghị quyết chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện. Báo cáo thẩm định được gửi đến Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời gửi đến các thành viên Hội đồng.
Trường hợp dự thảo nghị quyết chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo và gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Bộ Tư pháp để thực hiện việc thẩm định lại. Việc thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 và quy định tại Quy chế này.
Điều 7. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Hội đồng do cơ quan Thường trực của Hội đồng bố trí theo quy định của Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và văn bản hướng dẫn.
Quyết định 23/2025/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định độc lập theo quy định của Nghị quyết 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 23/2025/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/07/2025
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra