Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2274/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2013 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020.

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình tại Tờ trình số 52 TTr/TĐ ngày 30/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 - 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ TƯ CT MTQG XDNTM;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Ban Bí thư TW Đoàn;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Huyện ủy các huyện, thành phố;
- Các huyện, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc;
- Văn phòng Điều phối;
- Lưu VT, CVNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2013 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2274/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của UBND tỉnh Quảng Bình)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh thiếu niên trong tuyên truyền và tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Phát huy tính sáng tạo của các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh, huy động nội lực của thanh niên tỉnh Quảng Bình đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Đề án xây dựng nông thôn mới.

- Tăng tỷ lệ tập hợp và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thanh thiếu nhi. Tiếp tục nâng cao chất lượng cả về tổ chức và phong trào hành động cách mạng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trên địa bàn nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân tích cực tham gia, đạt hiệu quả cao.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Đến năm 2015

- 100% các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (Chương trình).

- 100% Đoàn xã triển khai Chương trình, có mô hình, công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới hàng năm.

- 100% Đoàn xã triển khai các loại hình đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, đội thanh niên xung kích an ninh hoạt động có hiệu quả, bền vững; 100% Chi đoàn thôn đăng ký và đảm nhận “Đoạn đường Thanh niên tự quản”.

- 100% thanh niên tại các xã được tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; hàng năm, xã Đoàn phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ ít nhất một mô hình thanh niên phát triển kinh tế có hiệu quả và bền vững.

- 100% Đoàn xã tổ chức lực lượng đóng góp ngày công tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.

- Hàng năm, 100% cơ sở Đoàn - Hội tại các xã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt vững mạnh.

b. Đến năm 2020

Tiếp tục duy trì, phát huy các chỉ tiêu đạt được năm 2015 và phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả một số chỉ tiêu như sau:

- 100% các xã có mô hình Đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

- 100% thanh niên nông thôn tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; không có hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ.

- Mỗi năm, Đoàn cơ sở các xã tham gia sửa chữa, bảo dưỡng ít nhất 20 km đường giao thông nông thôn, 20 km thủy lợi nội đồng.

- Có ít nhất 90% thanh niên nông thôn được trang bị kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình; 90% thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể.

II. NỘI DUNG GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền về chủ trương, nội dung xây dựng nông thôn mới

- Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cấp cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền đến đoàn viên, thanh thiếu niên và toàn dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền các Đề án quy hoạch và các nội dung triển khai xây dựng nông thôn mới của địa phương với các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu niên.

- Tổ chức các diễn đàn, hội thảo với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về hoạt động của đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện truyền thông, các bảng tin, website của tổ chức Đoàn.

- Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên trẻ về xây dựng nông thôn mới.

- Phổ biến rộng rãi các ấn phẩm, các tài liệu hướng dẫn tổ chức Đoàn và thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới đến đông đảo đoàn viên thanh niên và nhân dân.

- Thành lập và duy trì hoạt động các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng lồng ghép với tuyên truyền về các mặt đời sống xã hội, phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn; tổ chức Hội thi “Thanh niên với xây dựng nông thôn mới”.

- Định kỳ hai năm/lần tổ chức các hoạt động tuyên dương, vinh danh các điển hình thanh niên nông thôn vượt khó làm giàu thông qua trao các giải thưởng, liên hoan thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.

2. Tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn

- Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp ngày công đối với các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới; thường xuyên tổ chức các hoạt động tu sửa, dọn vệ sinh đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương nội đồng.

- Vận động và xây dựng mô hình mẫu từ các hộ gia đình trẻ đi đầu trong cải tạo nhà cửa, vườn ao, chuồng, trại, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng nhà...

- Tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, vận động thanh thiếu nhi tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Vận động nhân dân thay đổi thói quen, sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải; đồng thời triển khai có hiệu quả Chương trình “Bảo vệ dòng sông quê hương”, “Giữ sạch cánh đồng quê hương”.

- Thường xuyên phát động phong trào “Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh” và phong trào “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường nông thôn” trong đoàn viên thanh niên, tổ chức đảm nhận các đoạn đường thanh niên tự quản, bến đò an toàn - sạch - đẹp, nhà tiêu hợp vệ sinh, làng xã xanh - sạch - đẹp; thành lập các tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường, đội tình nguyện xanh, lực lượng tình nguyện viên thu gom rác thải ở nông thôn.

- Đẩy mạnh, nhân rộng và vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các thành phần xã hội và bà con nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt Chương trình “Thắp sáng đường quê”.

- Tập trung cao điểm các hoạt động xây dựng nông thôn mới trong “Tháng Thanh niên” và “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè” hàng năm.

3. Thanh niên tham gia phát triển kinh tế nông thôn

- Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, tin học, kiến thức về môi trường, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu mới cho đoàn viên thanh niên nông thôn.

- Phối hợp với các cấp ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo của thanh niên để xây dựng những mô hình phát triển kinh tế.

- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ, đội, nhóm hỗ trợ vốn giúp nhau lập nghiệp trong thanh niên, phát huy nội lực và đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, tích lũy trong đoàn viên, thanh niên, động viên đông đảo thanh niên nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Tổ chức các hình thức giúp đỡ các hộ gia đình thanh niên vươn lên thoát nghèo, xóa hộ đói do thanh niên làm chủ hộ và hàng năm tiến hành giúp đỡ các hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.

4. Tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa nông thôn

- Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong thanh thiếu nhi. Phối hợp khai thác và sử dụng có hiệu quả các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi ở cơ sở. Hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học.

- Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động lễ, hội lành mạnh; tham gia tu sửa, làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

- Vận động thanh niên nông thôn gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; vận động thanh niên đi đầu trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

- Tiếp tục duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ kỹ năng xã hội và các câu lạc bộ sở thích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh thiếu nhi ở nông thôn; chú trọng thành lập và duy trì hoạt động của các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng ở các địa phương.

- Hỗ trợ cơ sở Đoàn ở nông thôn thành lập các tổ, trung tâm tư vấn pháp lý cung cấp kiến thức, thông tin về pháp luật, tình yêu, hôn nhân, gia đình, tệ nạn xã hội và cách phòng tránh trong thanh niên nông thôn.

- Vận động thanh niên đi đầu trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, khôi phục các phong tục tập quán đẹp đang có nguy cơ mai một ở các địa phương.

5. Thanh niên xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn

- Hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương về nghề nghiệp và việc làm và các hoạt động hòa nhập với cộng đồng, các Đoàn xã có kế hoạch giúp đỡ thanh niên chậm tiến trở nên tiến bộ.

- Duy trì và tổ chức hoạt động của các đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở; đồng thời xây dựng các đội hình thanh niên nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn.

- Vận động đoàn viên thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, thường xuyên nêu gương đoàn viên, thanh niên có thành tích tiêu biểu trong việc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, phát trên đài truyền thanh thôn, xã.

6. Tổ chức kết nghĩa giữ các đơn vị Đoàn trực thuộc và các xã điểm xây dựng nông thôn mới

- Khảo sát nhu cầu, nắm bắt số lượng các xã trong tỉnh là xã điểm tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức Đoàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xác định nhu cầu của các xã điểm để tham mưu đề xuất phù hợp, nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của các đơn vị kết nghĩa cho quá trình xây dựng nông thôn của các địa phương.

7. Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn

- Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ Bí thư Chi đoàn; thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên mới và quản lý đoàn viên trên địa bàn.

- Xây dựng các hình thức câu lạc bộ, đội, nhóm ở các xã để tập hợp thanh thiếu nhi; có cơ chế quy định đoàn viên đang học tập trong các nhà trường, công tác trong các cơ quan về sinh hoạt và tham gia hoạt động của Đoàn trên địa bàn nông thôn.

- Lựa chọn, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu phát triển đảng. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và giám sát hoạt động của chính quyền trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nguồn lồng ghép của chương trình, dự án, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa.

Căn cứ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhiệm vụ và dự toán thực hiện Kế hoạch từng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh Đoàn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Sở Tài chính xây dựng nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo từng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về nội dung và quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Kịp thời đề xuất, kiến nghị các vấn đề phát sinh, cần điều chỉnh, báo cáo UBND tỉnh; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết (hai năm một lần) và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới

Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Tỉnh Đoàn trong việc xây dựng nhiệm vụ, lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch hàng năm để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình thực hiện Kế hoạch.

4. Các sở, ban, ngành liên quan khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch đảm bảo đạt hiệu quả.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã phối hợp triển khai thực hiện Kế tại địa phương, cơ sở.

- Chủ động bố trí nguồn kinh phí cho các huyện, thành đoàn và tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thành Đoàn tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2274/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 2274/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Văn Tuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản