Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 226/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2021 THEO ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017-2021”

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Căn cứ Nghị định 13/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021;

Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021;

Căn cứ Quyết định 175/QĐ-UBDT ngày 30/3/2018 của Ủy ban Dân tộc ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”;

Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-UBDT ngày 22/01/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc giao thực hiện nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 828/QĐ-UBDT ngày 28/12/2020 của Ủy ban Dân tộc về việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho Văn phòng Ủy ban;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 theo Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thứ trưởng các Vụ, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm;
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu VT, PC (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM





Lê Sơn Hải

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2021 THEO ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017-2021”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 226/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đạt được những mục tiêu của Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.

- Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật của người dân; củng cố niềm tin của người dân với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung, nhiệm vụ tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các hoạt động phải đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân; hình thức đa dạng, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền.

- Quản lý và sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tổ chức hội nghị điểm phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Đối tượng

- Bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo và người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương; tuyên truyền viên pháp luật; cán bộ, công chức huyện, xã.

- Số lượng: Dự kiến 120 đại biểu/hội nghị, trong đó, 100 đại biểu không hưởng lương từ NSNN và 20 đại biểu hưởng lương từ NSNN.

b) Nội dung phổ biến

Lựa chọn 04 - 05 chuyên đề tuyên truyền, phổ biến như: Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; Luật, pháp lệnh mới ban hành hoặc có hiệu lực năm 2020, 2021; Quy định của Hiến pháp và một số Luật, Bộ luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật căn cước công dân, Luật tiếp cận thông tin, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Biên giới quốc gia, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, pháp luật về an toàn giao thông.... trên cơ sở thống nhất với địa phương về địa điểm và nội dung.

c) Địa điểm tổ chức

Dự kiến tổ chức 03 Hội nghị điểm tại 03 huyện của 03 tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước, cụ thể:

- Khu vực phía Bắc: Dự kiến tại huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên;

- Khu vực Duyên Hải Miền Trung: Dự kiến tại huyện Bác Ái (mời thêm huyện Thuận Bắc) tỉnh Ninh Thuận;

- Khu vực phía Nam: Dự kiến tại huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

d) Thời gian thực hiện

- Quý II, III, IV/2021.

- Thời gian tổ chức mỗi hội nghị: 02 ngày/hội nghị.

- Thời gian đi công tác: 5 - 6 ngày/đoàn.

đ) Tổ chức thực hiện

- Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

- Mỗi đoàn công tác từ 4-5 người.

2. Hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Đối tượng

- Đại diện một số Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc; cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tỉnh, huyện; hòa giải viên ở cơ sở; bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo và người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Số lượng: Dự kiến 100 đại biểu/hội thảo, trong đó, 60 đại biểu không hưởng lương từ NSNN và 40 đại biểu hưởng lương từ NSNN.

b) Nội dung

- Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; trao đổi về kinh nghiệm phối hợp, lồng ghép nguồn lực triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trao đổi về nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số để tổng hợp, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.

- Dự kiến có 10 tham luận của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được trình bày tại hội thảo.

c) Địa điểm tổ chức

Dự kiến tổ chức 01 hội thảo tại tỉnh Lai Châu (mời Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên và Lào Cai tham dự).

d) Thời gian thực hiện

- Quý II, III/2021.

- Thời gian tổ chức hội thảo: 1,5 ngày/hội thảo.

- Thời gian đi công tác: 3-4 ngày/đoàn.

đ) Tổ chức thực hiện

- Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

- Mỗi đoàn công tác từ 3-4 người.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền hình Việt Nam

a) Đối tượng hướng đến

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Nội dung

- Xây dựng, phát sóng các chương trình trên VTV2, gồm: 03 bản tin pháp luật với thời lượng 05 phút/1 bản tin; 02 tiểu phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật với thời lượng 05 phút/tiểu phẩm; 03 clip ngắn về các tình huống pháp luật với thời lượng 02 phút/1 clip.

- Nội dung: Bản tin pháp luật chú trọng vào các chính sách dân tộc, văn bản pháp luật mới ban hành hoặc có hiệu lực từ năm 2021 liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các tiểu phẩm, tình huống pháp luật dựa trên các sự kiện thực tế, tình hình tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật tại địa phương (gương người tốt, việc tốt, tình trạng vi phạm pháp luật...) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp.

c) Thời gian thực hiện: Quý II, III, IV/2021.

d) Tổ chức thực hiện

Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban, các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

4. Chi biên soạn, dịch, xuất bản sách song ngữ Việt - Chăm

a) Nội dung: Biên soạn, dịch, xuất bản 01 cuốn sách song ngữ Việt - Chăm về các quy định của Hiến pháp, chính sách dân tộc, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Số lượng, chất lượng, khổ in xuất bản

- Số trang: khoảng 300 trang (bao gồm cả nội dung dịch và bản dịch) không kể trang bìa.

- Quy chuẩn chất lượng; In bìa bằng giấy Couches 300g/m2, in 4+0 màu, cán mờ một mặt, bìa mềm; In ruột bằng giấy Bãi bằng 60g/m2, độ trắng 90, in 1 + 1 màu.

- Số lượng: 1.200 - 2.000 cuốn.

- Khổ in xuất bản: 16 x 24 cm.

c) Thời gian thực hiện: hoàn thành trước tháng 12/2021.

d) Tổ chức thực hiện

Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban, các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức biên soạn, dịch, xuất bản; phát hành đến các địa phương.

5. Duy trì mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Địa điểm: xã Hướng Tân, huyện tỉnh Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

b) Nội dung hoạt động: Cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật liên quan, tập huấn và duy trì sinh hoạt định kỳ của nhóm nòng cốt, lực lượng công tác viên, tuyên truyền viên pháp luật; cung cấp tài liệu, hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức ký cam kết với các hộ dân.

c) Thời gian thực hiện: 9 tháng (mỗi tháng tập huấn, sinh hoạt 01 lần), từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2021.

d) Tổ chức thực hiện: Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện. Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện phối hợp với UBND xã nơi tổ chức mô hình xây dựng kế hoạch hoạt động của mô hình; hàng tháng phân công báo cáo viên pháp luật tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm nòng cốt; kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình, báo cáo Ủy ban Dân tộc.

6. Phát hành 02 cuốn sách đến các địa phương

a) Nội dung

- Phát hành Sách song ngữ Việt - Khmer đến Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long).

- Phát hành Sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng DTTS và miền núi đến Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Thời gian thực hiện Quý II/2021.

c) Tổ chức thực hiện

Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban, các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức phát hành đến các địa phương.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch là 1.500.000.000 (Một tỷ năm trăm triệu đồng), được giao tại Quyết định số 828/QĐ-UBDT ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Pháp chế xây dựng dự toán chi tiết; chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp và cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh tại địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tại kế hoạch này.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký văn bản trao đổi nghiệp vụ, phối hợp với các Ban Dân tộc trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động.

Các đoàn đi công tác tại địa phương (lãnh đạo và chuyên viên) bằng phương tiện máy bay, thuê xe ô tô hoặc xe công vụ của cơ quan (Văn phòng Ủy ban bố trí).

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Ủy ban thẩm định dự toán kinh phí.

3. Văn phòng Ủy ban phối hợp bảo đảm kinh phí kịp thời tổ chức triển khai các hoạt động và hướng dẫn thanh quyết toán kinh phí.

4. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị liên quan của Ủy ban Dân tộc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này; chủ động lồng ghép các hoạt động tại Kế hoạch này với các chương trình, đề án có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức các hoạt động chỉ đạo, giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh tham mưu, phối hợp chức triển khai thực hiện các hoạt động tại kế hoạch này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 226/QĐ-UBDT về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 theo Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021" do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 226/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/04/2021
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Lê Sơn Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản