Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2257/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 17 tháng 8 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT BỘ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT BẮC QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014; Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19/6/2017;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;
Căn cứ Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư;
Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định suất vốn đầu tư xây dựng và mức phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
Căn cứ Công văn số 4221/BTNMT-TCMT ngày 07/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về góp ý Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam và Công văn số 2395/BKHCN-TĐC ngày 13/8/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về ý kiến về Bộ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý Chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 19/6/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án quản lý CTR tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thông báo số 305/TB-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban với các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngày 11/8/2020;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 411/TTr- STNMT ngày 18/6/2020 và Công văn số 1622/STNMT-BVMT ngày 10/8/2020 (kèm theo ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 963/STP-XDKTVBQPPL&TD ngày 12/6/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 490/SKHCN- QLCN ngày 16/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 879/SKHĐT- TĐDA ngày 17/6/2020, Sở Xây dựng tại Công văn số 877/SXD-QLHT ngày 17/6/2020, Sở Tài chính tại Công văn số 1663/STC-ĐT ngày 19/6/2020, UBND huyện Đại Lộc tại Công văn số 2008/UBND-TNMT ngày 18/6/2020).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, với các nội dung chính sau:
1. Tiêu chí chung
- Mục tiêu dự án: xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các huyện phía Bắc của tỉnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và sau xử lý CTRSH để tái sử dụng, tái chế ra các sản phẩm thứ cấp có ích;
- Địa điểm: thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc;
- Diện tích: < 40.000 m2 (04 ha); ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ ít sử dụng quỹ đất xây dựng nhà máy;
- Công suất xử lý: 300 tấn/ngày, có khả năng tăng công suất khi cần thiết;
- Hình thức đầu tư: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành dự án từ nguồn vốn của Nhà đầu tư và được ngân sách tỉnh hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX;
- Thời gian thực hiện dự án: chuẩn bị dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị để đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm trong thời gian không quá 12 tháng;
- Thời gian hoạt động của dự án: không quá 30 năm kể từ ngày nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm trong xử lý CTRSH, có đề xuất dự án với công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh theo công nghệ tổ hợp (có thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý để tái sử dụng, tái chế ra các sản phẩm thứ cấp có ích) trong đó công nghệ chính là công nghệ đốt, có mức đề xuất giá dịch vụ hợp lý, có tiến độ thực hiện dự án phù hợp.
Trường hợp liên danh, các nhà đầu tư phải có văn bản thỏa thuận quy định người đứng đầu của liên danh, trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.
2. Tiêu chí cụ thể
a) Tiêu chí về công nghệ:
- Thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ của máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; quy trình công nghệ, đặc điểm nổi bật của công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực và đặc điểm, tính chất, thành phần CTRSH của tỉnh (bao gồm CTRSH đã phân loại và chưa phân loại tại nguồn);
- Công nghệ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý CTRSH khuyến khích áp dụng tại Việt Nam theo quy định hiện hành;
- Khuyến khích phương án kết hợp các công nghệ cùng xử lý CTRSH: ủ, đốt, chôn lấp và Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm với phương án đề xuất cho từng loại công nghệ;
- Khuyến khích công nghệ có sơ chế CTRSH trước khi xử lý, có thu hồi các thành phần từ CTRSH và sau xử lý CTRSH để tái sử dụng hoặc tạo ra các sản phẩm có ích;
- Khuyến khích công nghệ sử dụng ít nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước…);
- Dây chuyền công nghệ phù hợp với sơ đồ công nghệ tổ hợp: phân loại - xử lý các thành phần rác thải sau phân loại - xử lý chất thải thứ cấp;
- Tỷ lệ chất thải đem chôn lấp (kể cả phần tro xỉ sau đốt): ≤ 5% tổng khối lượng CTRSH đưa đến nhà máy;
- Mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
- Máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ: bảo đảm mới 100%; khả năng cơ khí hóa, tự động hóa và nội địa hóa cao, hạn chế tối đa sử dụng lao động thủ công; có khả năng mở rộng, nâng công suất, cải tiến công nghệ; có tính năng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến; tuổi thọ, độ bền đáp ứng thời gian hoạt động của dự án.
b) Tiêu chí về môi trường và xã hội:
- Đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện hành của Việt Nam đối với bụi, khí thải, nước thải, chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng và trong suốt quá trình vận hành dự án;
- Đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng cho từng loại sản phẩm tái chế của dự án theo quy định hiện hành của Việt Nam (nếu có);
- Có phương án xử lý các loại chất thải thứ cấp phát sinh trong quá trình xử lý CTRSH và thu hồi, tái sử dụng, tái chế các thành phần có ích trong CTRSH;
- Có phương án tổ chức vận hành xử lý CTRSH tại nhà máy đảm bảo liên tục, ổn định (kể cả trong thời gian bảo dưỡng, bảo trì hệ thống); thiết kế nhà máy đảm bảo có mái che, tường chắn bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ che kín 100% khu vực lưu giữ, xử lý CTRSH và khu vực sản xuất, tái chế; không phát tán nước rỉ rác, mùi ra môi trường xung quanh; đối với bể chứa rác phải đảm bảo khép kín, có hệ thống đảo rác và thu gom nước rỉ rác, xử lý mùi, có dung tích phù hợp với công suất dự án, có phương án giảm ẩm CTRSH xuống dưới 30% để tối ưu quá trình xử lý nhiệt trong phương án đốt;
- Có phương án bảo đảm phòng ngừa, khắc phục ngay khi xảy ra sự cố kỹ thuật, sự cố môi trường; có giải pháp lưu giữ CTRSH tại nhà máy đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong mọi trường hợp (kể cả thời gian xảy ra sự cố hoặc bảo dưỡng, bảo trì hệ thống);
- Toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình vận hành dự án được thu gom, xử lý và tuần hoàn tái sử dụng 100%;
- Có cơ chế hỗ trợ phúc lợi xã hội và sử dụng lao động địa phương nơi triển khai dự án.
c) Tiêu chí về tài chính và năng lực thực hiện dự án:
- Nhà đầu tư là chủ công nghệ hoặc có hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định; ưu tiên đối với nhà đầu tư là chủ công nghệ;
- Về vốn đầu tư dự án: tổng mức đầu tư dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất) từ 500 tỷ đồng trở lên;
- Về năng lực tài chính của nhà đầu tư:
+ Nhà đầu tư phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% tổng mức đầu tư để thực hiện dự án, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp cho dự án được xác định bằng vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính trừ đi vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư cam kết thực hiện cho các dự án khác do nhà đầu tư đang tham gia đầu tư xây dựng nếu có (kèm theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán);
+ Nhà đầu tư phải cung cấp văn bản cam kết cho vay phần vốn còn lại (ngoài vốn chủ sở hữu) của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng để thực hiện đầu tư dự án.
- Có năng lực, kinh nghiệm, đã đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý CTRSH có sử dụng kết hợp các công nghệ như đề xuất tại Việt Nam hoặc các nước trên thế giới;
- Nhà đầu tư phải cam kết thời gian thi công đảm bảo tiến độ dự án, ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư và tự chịu trách nhiệm về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, vận hành thử nghiệm dự án. Trong thời gian vận hành thử nghiệm (từ 03 đến 06 tháng), UBND tỉnh sẽ mời các cơ quan liên quan thực hiện đánh giá, quan trắc môi trường theo các thông số về bụi, khí thải, nước thải, chất thải từ quá trình xử lý CTRSH và chất lượng của các sản phẩm tái chế theo quy định hiện hành của pháp luật và cam kết của Nhà đầu tư:
+ Trường hợp các thông số đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật và cam kết, Nhà đầu tư sẽ được cấp phép hoạt động và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xử lý CTRSH tại địa phương;
+ Trường hợp các thông số không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật và cam kết, Nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 02 tháng và tự chịu trách nhiệm toàn bộ về chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành thử nghiệm, chi phí tháo dỡ công trình nhà máy và các chi phí khác có liên quan.
d) Tiêu chí về kinh tế:
- Đơn giá dịch vụ xử lý CTRSH: không quá 400.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và chi phí xử lý các chất thải thứ cấp phát sinh); việc điều chỉnh đơn giá do trượt giá phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhà đầu tư tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng (được hưởng các cơ chế về hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 01//2020/NQ- HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX và các ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước);
- Có phương án tài chính khả thi theo các chỉ số: giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), tỷ số lợi ích - chi phí (B/C), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE);
- Có khả năng tiêu thụ tất cả sản phẩm từ hoạt động tái chế CTRSH của dự án. Tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhưng không bao tiêu bất kỳ chất thải thứ cấp, sản phẩm đầu ra của nhà đầu tư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Bộ tiêu chí này làm cơ sở để UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án khả thi và hiệu quả cao nhất để triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ, môi trường, đất đai, xây dựng và được ban hành kèm theo danh mục dự án được phê duyệt, công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư có năng lực quan tâm đăng ký thực hiện dự án. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm nộp hồ sơ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Bộ tiêu chí, thì thực hiện đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ và các tiêu chí nêu trên sẽ là căn cứ để lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định;
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ nội dung Bộ tiêu chí chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam theo đúng các quy định pháp luật về đấu thầu.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1872/QĐ-UBND năm 2019 quy định về trình tự thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 2Quyết định 32/2020/QĐ-UBND quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 25/2020/QĐ-UBND Quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Quyết định 04/2021/QĐ-UBND năm 2021 về giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 5Quyết định 751/QĐ-UBND năm 2021 về Bộ tiêu chí lựa chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 6Quyết định 26/2021/QĐ-UBND quy định về tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 7Nghị quyết 28/2023/NQ-HĐND về Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Luật đất đai 2013
- 2Luật đấu thầu 2013
- 3Luật bảo vệ môi trường 2014
- 4Luật Xây dựng 2014
- 5Luật Đầu tư 2014
- 6Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Thông tư 03/2016/TT-BKHCN quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 9Luật Chuyển giao công nghệ 2017
- 10Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- 11Quyết định 1354/QĐ-BXD năm 2017 về công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Xây dựng ban hành
- 12Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 13Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 14Thông tư 25/2019/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 15Quyết định 1872/QĐ-UBND năm 2019 quy định về trình tự thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 16Quyết định 32/2020/QĐ-UBND quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 17Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2030
- 18Quyết định 25/2020/QĐ-UBND Quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 19Quyết định 1662/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 20Quyết định 04/2021/QĐ-UBND năm 2021 về giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 21Quyết định 751/QĐ-UBND năm 2021 về Bộ tiêu chí lựa chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 22Quyết định 26/2021/QĐ-UBND quy định về tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 23Nghị quyết 28/2023/NQ-HĐND về Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 2257/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam
- Số hiệu: 2257/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/08/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Hồ Quang Bửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra