Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TÀI NĂNG THỂ THAO VÀ NHÂN LỰC THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO ĐẾN NĂM 2035”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2013/NQ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01 ngày 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Vận động viên: Là những trẻ em có năng khiếu thể thao đặc biệt; học sinh, vận động viên đang theo học tại các trường thể dục, thể thao trên cả nước; vận động viên đang tập luyện, thi đấu tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, quân đội, công an, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức xã hội về thể thao và vận động viên là người Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài.

2. Huấn luyện viên: Là các vận động viên đỉnh cao hết khả năng thi đấu; các vận động viên xuất sắc, đam mê nghề nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong tập luyện, thi đấu, có phẩm chất nhân cách, đạo đức tốt, có khả năng trong học tập, rèn luyện, đào tạo trở thành huấn luyện viên cấp cao.

3. Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao: Là sinh viên của các trường đại học thể dục, thể thao trong nước đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt; các vận động viên xuất sắc, có nguyện vọng đi học để trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể thao trong nước được cử đi học nâng cao trình độ về thể thao thành tích cao.

II. QUAN ĐIỂM

1. Chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển các tài năng thể thao là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó ngành văn hóa, thể thao và du lịch là nòng cốt; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của các tài năng thể thao.

2. Xác định đúng đối tượng cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội dung trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo tài năng thể thao thành tích cao.

3. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao phải trên cơ sở khoa học, đáp ứng nhu cầu cấp thiết; áp dụng các mô hình tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo các vận động viên tài năng đạt thành tích thi đấu cao ở trong và ngoài nước, trình độ huấn luyện chuyên môn cao ở cấp quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới.

4. Hệ thống tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao cần được đổi mới, hoàn thiện, thống nhất quản lý theo hướng tiên tiến, chuyên nghiệp, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất của vận động viên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

b) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao:

Phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện vận động viên tài năng, đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng của các môn thể thao được xác định theo Đề án, cụ thể như sau:

- Tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế;

- Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao:

- Tuyển chọn và đào tạo khoảng: 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ.

- Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.

IV. NỘI DUNG

1. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng

a) Đối với vận động viên: Đào tạo, huấn luyện tập trung, dài hạn ở trong nước, có thời gian huấn luyện ở nước ngoài hoặc đào tạo, huấn luyện dài hạn toàn thời gian ở nước ngoài;

b) Đối với huấn luyện viên, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao: Đào tạo, bồi dưỡng tập trung, dài hạn ở trong nước, có thời gian bồi dưỡng, tập huấn ở nước ngoài hoặc đào tạo, bồi dưỡng dài hạn toàn thời gian ở nước ngoài.

2. Các bộ môn, ngành đào tạo, huấn luyện, tập huấn

a) Các bộ môn đào tạo, tập huấn vận động viên, huấn luyện viên

- Căn cứ lựa chọn các môn thể thao ưu tiên đào tạo, huấn luyện:

+ Các môn thể thao thường xuyên có thành tích tốt, có huy chương tại các giải thể thao quốc tế;

+ Các môn thể thao trong chương trình thi đấu của các đại hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới và thế vận hội Olympic mùa hè;

+ Các môn thể thao thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia và có sức lan tỏa rộng khắp.

- Cụ thể, Đề án lựa chọn các môn thể thao trong tổng số 32 môn thể thao trọng điểm hiện nay gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Bắn cung, Vật, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Đua thuyền, Karatedo, Pencak Silat, Bóng đá, Wushu. Số lượng các môn thể thao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế.

b) Các ngành đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao

Tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhân lực thể thao thành tích cao ở 03 ngành: Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao và Huấn luyện thể thao; ưu tiên các ngành, chuyên ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo còn thấp so với nước ngoài trong khi có nhu cầu cấp thiết về nhân lực.

3. Tiêu chuẩn và phương thức đào tạo, huấn luyện, tập huấn

a) Đào tạo, huấn luyện vận động viên tài năng

- Đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước: Vận động viên được tuyển chọn từ các Trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc đã giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án;

- Đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài: Vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; Châu lục, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao).

b) Đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng

- Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước: Là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đang tham gia thi đấu hoặc không còn khả năng thi đấu đã từng đạt huy chương tại các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, các giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, từ 25 đến 35 tuổi;

- Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài: Là huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic. Độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Đề án.

c) Đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao

- Đào tạo trình độ đại học ở trong nước và nước ngoài cho các đối tượng sau:

+ Là sinh viên của các trường đại học thể dục, thể thao trong nước có kết quả học tập các môn chuyên ngành đạt loại giỏi trở lên và kết quả rèn luyện đạt loại khá trở lên, được cử đi học nâng cao trình độ về thể thao thành tích cao;

+ Vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, có nguyện vọng đi học để trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu thể dục, thể thao trong nước;

+ Vận động viên đã đạt huy chương SEA Games, Asiad, Châu lục, Olympic, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, có nguyện vọng đi học đại học.

- Đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ngoài cho các đối tượng sau:

+ Giảng viên, huấn luyện viên giỏi, đã có vận động viên đạt huy chương SEA Games, Asiad, Châu lục, Olympic, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic;

+ Nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, thi đấu, cơ quan, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao ở trong nước, có kinh nghiệm, nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài các chuyên ngành khó, Việt Nam chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo chưa cao.

- Đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài cho các đối tượng sau:

Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đơn vị nghiên cứu, trung tâm huấn luyện, thi đấu, cơ quan, đơn vị lĩnh vực thể thao thành tích cao ở trong nước, có kinh nghiệm, nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài với các chuyên ngành khó, Việt Nam chưa có khả năng đào tạo (như: Phân tích hình ảnh 3D, 4D; công nghệ đào tạo vận động viên trình độ cao, ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ trong tuyển chọn, huấn luyện...).

d) Huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài

- Vận động viên, huấn luyện viên thuộc các môn thể thao được lựa chọn của Đề án có thời gian huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn ở trong nước và nước ngoài; tối thiểu từ 3 tuần hoặc 1 tháng trở lên;

- Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên thể thao thành tích cao đi tập huấn (thực tập), bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian không quá 06 tháng.

Trong quá trình thực hiện Đề án, căn cứ vào tình hình thực tế về số lượng đăng ký dự tuyển, điều kiện của ứng viên, có thể tăng hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo hằng năm từ 10% - 15%, bảo đảm tổng chỉ tiêu đào tạo không vượt quá số lượng quy định của Đề án.

4. Cơ sở đào tạo

a) Cơ sở đào tạo ở trong nước

- Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao được tổ chức thực hiện tại các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, có uy tín về chất lượng đào tạo trong lĩnh vực thể thao;

- Hàng năm hoặc định kỳ theo khóa đào tạo, bồi dưỡng, có sự rà soát, đánh giá các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng.

b) Cơ sở đào tạo ở nước ngoài

Lựa chọn các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín, chất lượng cao, có thế mạnh đào tạo về ngành, chuyên ngành, bộ môn thể thao thành tích cao được lựa chọn của Đề án ở các nước tiên tiến như: Nga, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và một số nước khác, trong đó ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đã ký thoả thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam.

5. Thời gian thực hiện và chỉ tiêu tuyển chọn hàng năm

a) Thời gian thực hiện

Bắt đầu tuyển chọn, cử đi đào tạo, huấn luyện dài hạn, huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn từ năm 2019 và bảo đảm khóa đào tạo, huấn luyện, tập huấn ngắn hạn cuối cùng hoàn thành vào năm 2035 khi Đề án kết thúc.

b) Chỉ tiêu tuyển chọn hàng năm

- Đào tạo ở trong nước và nước ngoài

+ Vận động viên:

Tuyển chọn và đào tạo từ năm 2019 đến năm 2035, mỗi năm khoảng 220 vận động viên thuộc 16 môn thể thao được xác định theo Đề án.

+ Huấn luyện viên:

Tuyển chọn và đào tạo từ năm 2019 đến năm 2035, mỗi năm khoảng 35 huấn luyện viên thuộc 16 môn thể thao được xác định theo Đề án.

+ Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên thể thao thành tích cao được đào tạo ở nước ngoài:

. Trình độ đại học, tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2031 (13 khóa), mỗi năm khoảng 30 người;

. Trình độ thạc sĩ, tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2033 (15 khóa), mỗi năm khoảng 20 người;

. Trình độ tiến sĩ, tuyển sinh từ năm 2019 đến năm 2032 (14 khóa), mỗi năm khoảng 10 người.

- Huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng ở nước ngoài:

+ Vận động viên, huấn luyện viên:

. Đội tuyển trẻ quốc gia: Từ 100 - 140 người;

. Đội tuyển quốc gia: Từ 60 - 100 người;

. Tập trung tập huấn, huấn luyện theo chế độ đặc biệt đội tuyển quốc gia: Từ 15 - 30 người.

+ Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên thể thao thành tích cao: khoảng 40 người.

Trong quá trình thực hiện Đề án, căn cứ vào tình hình thực tế về số lượng đăng ký dự tuyển, điều kiện của ứng viên, có thể tăng hoặc giảm chỉ tiêu tuyển chọn hằng năm từ 10% - 15%, bảo đảm tổng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng không vượt quá số lượng quy định của Đề án.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng thể thao thành tích cao của các môn thể thao được lựa chọn theo Đề án;

b) Rà soát, đề xuất xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển sinh, chế độ ưu đãi đối với vận động viên, huấn luyện viên tài năng thể thao thành tích cao trong quá trình học tập, đào tạo, tham gia thi đấu ở trong và ngoài nước;

c) Nghiên cứu, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền quy định đặc thù về thu hút, sử dụng vận động viên sau khi nghỉ thi đấu; chính sách ưu đãi đối với huấn luyện viên, chuyên gia, nhà khoa học tham gia đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao;

d) Đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động đào tạo vận động viên; hỗ trợ phát triển các hoạt động thể thao, đào tạo vận động viên trẻ trong các trường học để tạo nguồn tuyển chọn vận động viên tài năng thể thao.

2. Nâng cao năng lực của các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao ở trong nước

a) Về đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên

- Sử dụng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao, có tài năng, uy tín nghề nghiệp, kinh nghiệm, tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao;

- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và năng lực ngoại ngữ đối với đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo, huấn luyện các tài năng thể thao thành tích cao;

- Có kế hoạch mời các chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài, tài năng thể thao từ nước ngoài tham gia vào công tác tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu cho thể thao Việt Nam;

- Nâng cao năng lực tiếng Anh và các ngoại ngữ khác đối với đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao;

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, huấn luyện, giảng viên, nghiên cứu viên thể thao; mời các đoàn thể thao quốc tế vào Việt Nam giao lưu, tập huấn và thi đấu.

b) Tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và nguồn học liệu, phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, bảo đảm các yêu cầu về thực hành, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống và ứng xử văn hóa trong chương trình đào tạo; thường xuyên cập nhật, bổ sung nguồn học liệu ở trong nước và nước ngoài đối với các lớp đào tạo tài năng thể thao thành tích cao;

c) Đánh giá toàn diện về đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên; rà soát, xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao phù hợp với đặc thù môn thể thao trong Đề án;

d) Tổ chức tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao, định kỳ đánh giá trình độ vận động viên, huấn luyện viên nhằm phát hiện và điều chỉnh kịp thời đáp ứng các mục tiêu đào tạo và huấn luyện thể thao phục vụ các giải đấu trong nước và quốc tế;

đ) Tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế và các cuộc thi tài năng cho các vận động viên thể thao tại Việt Nam;

e) Từng bước đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ thiết yếu bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao;

g) Tăng cường công tác kiểm định, đánh giá chất lượng tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới;

h) Đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao ở trong nước.

3. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong đào tạo và phát triển tài năng thể thao thành tích cao

a) Tăng cường hợp tác với các tổ chức, trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, câu lạc bộ thể thao có uy tín của nước ngoài;

b) Tuyển chọn và cử các vận động viên, huấn luyện viên tài năng tham gia các giải đấu quốc tế theo kế hoạch của các liên đoàn thể thao Việt Nam và thế giới. Tham khảo, sử dụng kế hoạch huấn luyện, tài liệu của nước ngoài để xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo phù hợp với thực tế huấn luyện tại Việt Nam;

c) Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và các huấn luyện viên, vận động viên tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế;

d) Mời chuyên gia huấn luyện có trình độ cao, trọng tài có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và làm việc tại Việt Nam;

đ) Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác tuyển chọn, huấn luyện vận động viên tài năng; triển khai xây dựng và thực hiện các dự án, đề tài khoa học - công nghệ, y sinh học, chuyển giao và ứng dụng để phát triển thể thao thành tích cao.

4. Phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao

a) Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức các hoạt động thi đấu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế;

b) Huy động các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao tham gia hoạt động tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao thành tích cao;

c) Đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển một số môn thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp.

5. Về nguồn lực tài chính

Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và thu hút, đa dạng hoá nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án. Kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng theo quy định của pháp luật.

VI. KINH PHÍ VÀ LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án:

Nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề án được huy động từ nhiều nguồn bao gồm: ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Kinh phí từ các nguồn tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao tài năng trong số các môn thể thao được xác định của Đề án.

Kinh phí triển khai Đề án từ năm 2019 đến năm 2035 từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và trên cơ sở dự toán của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chi đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Ngân sách nhà nước bố trí thực hiện những nhiệm vụ như sau:

a) Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao;

b) Mua tài liệu, biên dịch các tài liệu của nước ngoài phục vụ tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao;

c) Tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai thực hiện các đề tài, đề án, dự án, chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ: Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao; đào tạo vận động viên; hoạt động tác nghiệp huấn luyện viên và nhà khoa học thể thao;

d) Bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa đội ngũ huấn luyện viên, cán bộ quản lý và nhân lực có liên quan tham gia tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao ở trong nước và nước ngoài;

đ) Mời chuyên gia của các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, tổ chức, câu lạc bộ thể thao có uy tín ở trong nước và nước ngoài tham gia tuyển chọn, huấn luyện;

e) Đầu tư, tăng cường, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo vận động viên, hoạt động tác nghiệp huấn luyện viên và nhà khoa học thể thao;

g) Đầu tư, hoàn thiện hệ thống các trang thiết bị phục vụ tuyển chọn, đào tạo: Phòng thí nghiệm huyết học (gồm các thiết bị phân tích máu, xác định nồng độ các thành phần của máu); Phòng thí nghiệm y - sinh học (gồm các thiết bị đo và xác định khả năng chức phận của hệ tuần hoàn, hô hấp và thần kinh cơ...); Phòng thí nghiệm phục hồi chức năng (hệ thống ENRAF); Phòng thí nghiệm thể lực - thể hình (hệ thống NAUNIUS); Phòng thí nghiệm lưu động (Mobile Biomedical Laboratory) và các trang thiết bị, phòng tập luyện, máy móc chuyên dụng khác;

h) Chi phí tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao ở trong nước, bao gồm: các chi phí thực hiện kiểm tra (test), tổ chức tuyển sinh, đào tạo, học phí, học bổng, chính sách ưu đãi cho vận động viên, huấn luyện viên, chi phí đi lại, ăn, ở, lương, bảo hiểm, chi phí hỗ trợ cho vận động viên, huấn luyện viên tài năng trong quá trình đào tạo, huấn luyện, tập huấn và thi đấu và các chi phí khác theo quy định hiện hành trong suốt quá trình đào tạo, huấn luyện và thi đấu; thực hiện các chế độ đãi ngộ, ưu đãi cho người dạy và người học;

i) Chi phí đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, gồm:

- Học phí, phí liên quan đến khóa học bắt buộc, sinh hoạt phí, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế ở mức tối thiểu, một vé máy bay khứ hồi (đi và về) cho lưu học sinh trong khóa học; bồi dưỡng bổ sung lý luận chính trị cho lưu học sinh trước khi ra nước ngoài học tập và nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ sở đào tạo nước ngoài cho lưu học sinh;

- Chi phí tổ chức tuyển sinh và giải quyết các thủ tục cần thiết để đưa lưu học sinh ra nước ngoài học tập;

- Chi phí xử lý rủi ro, các trường hợp bất khả kháng xảy ra đối với lưu học sinh trong thời gian khóa học;

- Chi phí về liên kết hợp tác đào tạo với các trung tâm huấn luyện và các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; kiểm tra, đánh giá việc học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của lưu học sinh ở nước ngoài; chi phí quản lý lưu học sinh; khen thưởng lưu học sinh đạt giải thưởng, thành tích cao và chi phí quản lý Đề án.

k) Chi phí các khóa huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài;

l) Chi phí tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao ở trong nước và nước ngoài để đánh giá chất lượng, kết quả tuyển chọn, đào tạo tài năng; chi phí thực hiện khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên tài năng đạt huy chương, giải thưởng, thành tích cao trong các giải đấu.

2. Lộ trình triển khai

a) Giai đoạn 2019 - 2025, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai, tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính sau đây:

- Lựa chọn các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao theo Đề án;

- Xây dựng hệ thống tiêu chí và kế hoạch tuyển chọn, đào tạo tài năng;

- Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn;

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ huấn luyện viên, cán bộ quản lý và nhân lực có liên quan tham gia Đề án;

- Đầu tư, tăng cường, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo vận động viên, hoạt động tác nghiệp huấn luyện viên và nhà khoa học thể thao;

- Liên kết, hợp tác đào tạo với các trung tâm huấn luyện và các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để cử tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao đi đào tạo, huấn luyện, tập huấn dài hạn và ngắn hạn ở nước ngoài theo nội dung của Đề án;

- Triển khai tuyển chọn, đào tạo tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao ở trong nước và nước ngoài theo nội dung của Đề án;

- Cử vận động viên xuất sắc tham gia các giải thể thao quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở trong nước.

b) Giai đoạn 2026 - 2035, tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính sau đây:

- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2019 - 2025; xem xét, điều chỉnh những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn;

- Cử vận động viên xuất sắc tham gia các giải thể thao quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở trong nước;

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc triển khai Đề án.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan đầu mối tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch tổng thể và hằng năm triển khai Đề án;

- Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo tài năng; hằng năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, đánh giá các cơ sở được lựa chọn đào tạo tài năng để điều chỉnh, bổ sung (nếu cần thiết);

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng theo Đề án này;

- Tiến hành sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng tài năng thuộc các môn thể thao trong Đề án; giới thiệu các cơ sở đào tạo nước ngoài đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có dành ưu tiên cho sinh viên Việt Nam;

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tuyển chọn ứng viên đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài theo kế hoạch đã được phê duyệt; quản lý lưu học sinh ở nước ngoài thuộc đối tượng của Đề án; theo dõi, đánh giá chất lượng lưu học sinh thuộc đối tượng của Đề án.

3. Bộ Công an

- Có trách nhiệm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng theo chức năng, nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng thể thao thành tích cao;

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cử ứng viên đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài theo kế hoạch đã được phê duyệt; quản lý lưu học sinh ở nước ngoài thuộc đối tượng của Đề án.

4. Bộ Quốc phòng

Có trách nhiệm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng theo chức năng, nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng thể thao thành tích cao.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hướng dẫn xây dựng dự toán; cân đối, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi đầu tư của Đề án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trung ương trong từng thời kỳ.

6. Bộ Tài chính

Hướng dẫn về cơ chế tài chính thực hiện Đề án; hướng dẫn xây dựng dự toán và bố trí ngân sách thường xuyên để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thống nhất các biện pháp quản lý tài chính;

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, chế độ ưu đãi trong đào tạo, sử dụng học sinh, vận động viên, huấn luyện viên thể thao tài năng.

7. Bộ Y tế

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo nhân lực ngành y sinh học thể thao chất lượng cao.

8. Bộ Nội vụ

Hướng dẫn, quy định vị trí việc làm cho đội ngũ viên chức, huấn luyện viên chuyên môn, huấn luyện viên thể lực, tâm lý thể dục, thể thao, y sinh học thể dục, thể thao (tuyển chọn, hồi phục, dinh dưỡng và giám định khoa học huấn luyện...), bác sĩ (chăm sóc y tế)... để đảm bảo nhân lực phục vụ trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

9. Các bộ, ngành khác

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng, nhân lực trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ các tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao sau khi được đào tạo trở về phục vụ địa phương;

- Chỉ đạo các trường năng khiếu thể thao tổ chức tuyển chọn, đào tạo nhằm tạo nguồn tuyển sinh cho các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia thuộc Đề án này;

- Bảo đảm vị trí việc làm cho đội ngũ viên chức, huấn luyện viên chuyên môn, huấn luyện viên thể lực, tâm lý thể dục, thể thao, y sinh học thể dục, thể thao (tuyển chọn, hồi phục, dinh dưỡng và giám định khoa học huấn luyện...), bác sĩ (chăm sóc y tế)...

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b). XH

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 223/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 223/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/02/2019
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: 09/03/2019
  • Số công báo: Từ số 277 đến số 278
  • Ngày hiệu lực: 22/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản