Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2221/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH THÍ ĐIỂM NHẬP KHẨU DƯỢC LIỆU QUA CỬA KHẨU SONG PHƯƠNG CHI MA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 111/NQ-CP NGÀY 23/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Dược ngày 06/4/2016;

Căn cứ Luật Biên phòng Việt Nam ngày 10/11/2020;

Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;

Căn cứ Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;

Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ về việc thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tại Tờ trình số 2906/TTr-HQLS ngày 09/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành, được áp dụng trong thời gian thực hiện thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma quy định tại Nghị quyết số 111/NĐ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật Vùng Lạng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình và Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y Tế, Tổng cục Hải quan;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban Pháp chế, Ban KT - Ngân sách (HĐND tỉnh);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: CT, NgV, TT&TT, TP;
- CA tỉnh, Cục QLTT tỉnh, Cục Thuế tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, TTTH-CB;
- Lưu VT, KT(LC).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đoàn Thu Hà

 

QUY TRÌNH

THÍ ĐIỂM NHẬP KHẨU DƯỢC LIỆU QUA CỬA KHẨU SONG PHƯƠNG CHI MA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 111/NQ-CP NGÀY 23/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 13/11/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Đảm bảo kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh như điều kiện khi thực hiện nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu quốc tế.

- Phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu; đảm bảo thực hiện thí điểm thành công việc nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma được thực hiện theo đúng quy định của Luật Dược năm 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ.

- Thủ tục hải quan đối với mặt hàng dược liệu nhập khẩu được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Hải quan năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

- Thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng thực hiện theo Quyết định số 802/QĐ-BTL ngày 10/3/2021 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về quy trình thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại cửa khẩu biên giới đất liền.

- Các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu dược liệu đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về dược liệu nhập khẩu và Nghị quyết số 111/NQ-CP.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng

1. Phạm vi

Quy trình này áp dụng trong việc thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.

2. Đối tượng

- Các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhập khẩu dược liệu, các lái xe vận chuyển hàng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.

- Các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, địa điểm tại cửa khẩu song phương Chi Ma.

- Sở Y tế, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7, Chi cục Kiểm dịch động vật Vùng Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại cửa khẩu song phương Chi Ma.

Chương II

QUY TRÌNH THỰC HIỆN NHẬP KHẨU DƯỢC LIỆU

Điều 3. Sơ đồ Quy trình nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma

(Phụ lục kèm theo)

Điều 4. Diễn giải Quy trình nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma

1. Bước 1. Kiểm soát phương tiện nhập cảnh tại Barie kiểm soát số 1 (Cổng tiếp giáp với Trung Quốc, trước khi phương tiện vận tải Trung Quốc chở hàng hóa là dược liệu nhập khẩu nhập cảnh vào Việt Nam)

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu:

- Thực hiện khai báo trước với cơ quan hải quan thông tin liên quan đến phương tiện vận tải, thông tin chi tiết về hàng hóa nhập khẩu (Bản kê khai thông tin hàng hóa nhập khẩu) theo quy trình thủ tục hải quan.

- Đăng ký với cơ quan hải quan và lực lượng bộ đội biên phòng về địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (gọi tắt là kho, bãi) để phương tiện vận tải nhập cảnh đi vào địa điểm tập kết sang tải hàng hóa.

- Thực hiện khai báo về phương tiện vận tải, giấy tờ của phương tiện vận tải và giấy tờ của người điều khiển phương tiện vận tải với lực lượng bộ đội biên phòng.

- Thực hiện khai báo y tế với lực lượng kiểm dịch y tế về phương tiện vận tải, khai báo y tế sức khỏe lái xe.

b) Đối với cơ quan hải quan: tiếp nhận thông tin khai báo từ doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu.

c) Đối với lực lượng bộ đội biên phòng: thực hiện kiểm soát về phương tiện (kiểm tra sơ bộ giấy tờ của phương tiện vận tải, giấy tờ của người điều khiển phương tiện); giám sát đảm bảo an ninh và hướng dẫn vào khu vực nhập cảnh theo quy định.

d) Đối với lực lượng kiểm dịch y tế: thu thập thông tin, kiểm tra y tế, phun khử trùng phương tiện vận tải.

2. Bước 2. Giám sát phương tiện vận tải hàng hóa tại kho, bãi

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu:

- Xuất trình Bản kê khai thông tin hàng hóa nhập khẩu với cơ quan hải quan, thực hiện việc sang tải, hạ hàng hóa tại kho, bãi hàng hóa.

- Xuất trình hồ sơ hải quan và hàng hóa với cơ quan hải quan để làm các thủ tục hải quan theo quy định.

b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi:

- Bố trí kho, bãi đáp ứng đủ điều kiện lưu giữ hàng hóa, sang tải, kiểm tra, giám sát hàng hóa đối với mặt hàng dược liệu.

- Phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu thực hiện bốc xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải xuống kho, bãi.

- Thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Điều 41 của Luật Hải quan năm 2014 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan.

c) Đối với cơ quan hải quan: tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu và thực hiện giám sát quá trình bốc xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải xuống kho, bãi để làm thủ tục theo quy trình thủ tục hải quan.

d) Đối với lực lượng bộ đội biên phòng: hướng dẫn, điều tiết, giám sát phương tiện ra, vào đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, thông thoáng trong khu vực cửa khẩu; giám sát người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch. Trường hợp các phương tiện lưu trú lại qua đêm trong khu vực kho, bãi tại cửa khẩu thì người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện phải tiến hành đăng ký tạm trú với bộ đội biên phòng.

3. Bước 3. Thực hiện đăng ký kiểm dịch, kiểm nghiệm

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu:

- Thực hiện đăng ký với lực lượng kiểm dịch thực vật để làm thủ tục kiểm dịch thực vật theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.

- Thực hiện đăng ký với lực lượng kiểm dịch động vật để làm thủ tục kiểm dịch động vật theo quy định của Luật thú y năm 2013 (nếu hàng thuộc đối tượng của kiểm dịch động vật và có công văn đồng ý nhập khẩu của Cục Thú y).

- Khai báo kiểm dịch y tế đối hàng hóa dược liệu theo quy định của Nghị định số 89/2018/NĐ-CP.

- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đảm bảo về chất lượng, chủng loại hàng hóa theo quy định về dược liệu nhập khẩu tại Luật Dược năm 2016, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Thông tư số 13/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác có liên quan.

b) Đối với các lực lượng kiểm dịch y tế, thực vật, động vật: tiếp nhận thông tin đăng ký từ các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu và tổ chức thực hiện theo quy định thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của ngành quản lý.

4. Bước 4. Kiểm tra, giám sát, lấy mẫu

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu: xuất trình hàng hóa để các lực lượng kiểm dịch (y tế, thực vật, động vật), Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế và cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, giám sát và thực hiện lấy mẫu đối với các lô hàng thuộc đối tượng phải lấy mẫu theo quy định.

b) Lực lượng kiểm dịch y tế: kiểm tra thực tế lô hàng, xử lý y tế, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế theo quy định.

c) Lực lượng kiểm dịch thực vật: thực hiện kiểm tra, lấy mẫu, phân tích giám định và trả kết quả theo quy định.

d) Lực lượng kiểm dịch động vật: kiểm tra thực tế lô hàng và lấy mẫu, trả kết quả theo quy định.

đ) Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm: phối hợp với cơ quan hải quan xác định lô hàng nhập khẩu theo đề nghị của cơ quan hải quan, lấy mẫu đánh giá chất lượng dược liệu khi có nghi ngờ hoặc không xác định được tên hàng, chủng loại thì lấy mẫu theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

e) Đối với cơ quan hải quan:

- Trường hợp lô hàng thuộc đối tượng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng xanh, luồng vàng): cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định.

- Trường hợp lô hàng thuộc đối tượng kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ): trong quá trình kiểm tra thực tế, nếu cơ quan hải quan không xác định được tên hàng, chủng loại thì cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu lấy mẫu giám định (kiểm nghiệm) để xác định tên hàng, chủng loại làm cơ sở thông quan hàng hóa theo quy trình thủ tục hải quan. Trong thời gian chờ kết quả giám định (kiểm nghiệm) lô hàng sẽ lưu giữ tại cửa khẩu theo quy định của Luật Hải quan năm 2014.

- Riêng đối với mặt hàng phải lấy mẫu gửi giám định (kiểm nghiệm) xác định tên hàng, chủng loại theo yêu cầu của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo cho các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo quản, lưu giữ mặt hàng dược liệu trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm của Sở Y tế.

5. Bước 5. Xử lý kết quả kiểm dịch, kiểm nghiệm (Khi có kết quả kiểm tra, giám định của các lực lượng kiểm tra chuyên ngành: kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm)

a) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu: xuất trình các kết quả kiểm dịch, kiểm nghiệm để cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ hải quan; xuất trình hồ sơ đã hoàn thành thủ tục hải quan cho cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phương tiện đi qua Barie kiểm soát số 2 (Cổng tiếp giáp nội địa).

b) Đối với cơ quan hải quan: thực hiện kiểm tra, đối chiếu các kết quả kiểm dịch, kiểm nghiệm với khai báo hồ sơ hải quan

- Trường hợp các kết quả phù hợp: thực hiện giám sát quá trình bốc xếp, sang tải hàng hóa từ phương tiện Trung Quốc, từ kho, bãi, địa điểm lên phương tiện chở hàng nhập khẩu của Việt Nam và thông quan hàng hóa theo quy định; thực hiện giám sát phương tiện vận tải chở hàng hóa nhập khẩu khi phương tiện đi qua Barie kiểm soát số 2.

- Trường hợp các kết quả không phù hợp: cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Đối với lực lượng bộ đội biên phòng:

- Kiểm tra giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện, đối chiếu thông tin thực tế với thông tin đã được đăng ký, thực hiện kiểm soát phương tiện ra khỏi cửa khẩu (Barie kiểm soát số 2) theo quy định.

- Trường hợp chưa đảm bảo thủ tục thì yêu cầu hoàn chỉnh theo quy định; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa giải quyết ra khỏi Barie kiểm soát số 2, phối hợp với cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

d) Đối với Sở Y tế: trường hợp lô hàng dược liệu có yêu cầu lấy mẫu gửi để kiểm nghiệm có vi phạm (không đúng chủng loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa), Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu, cơ quan hải quan, đồng thời báo cáo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế để thực hiện các bước xử lý tiếp theo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Cục Hải quan tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình của cán bộ, công chức, chiến sĩ trong ngành; đảm bảo kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh trong quá trình thực hiện Quy trình.

2. Tổ chức niêm yết công khai nội dung Quy trình tại địa điểm làm thủ tục của cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng, Trung tâm Quản lý cửa khẩu để các tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu biết, thực hiện.

Điều 6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Quy trình; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tại cửa khẩu giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động biên phòng tại cửa khẩu theo đúng quy định và chức năng nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Sở Y tế

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bố trí đầy đủ máy móc, thiết bị đáp ứng đầy đủ điều kiện, thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu; chỉ đạo lực lượng kiểm dịch y tế thực hiện công tác kiểm tra y tế và phun khử trùng theo quy định.

Điều 8. Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7, Chi cục Kiểm dịch động vật Vùng Lạng Sơn, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế

Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm dịch, phòng dịch tại cửa khẩu theo đúng quy định và chức năng nhiệm vụ được giao.

Điều 9. Các đơn vị có liên quan khác

1. Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu triển khai thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong quá trình thực hiện Quy trình.

2. Các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi chuẩn bị tốt về kho, bãi đáp ứng yêu cầu về kiểm tra, giám sát hàng hóa dược liệu nhập khẩu.

3. Các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định về nhập khẩu dược liệu; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi để đảm bảo tốt việc sang tải, hạ hàng, bảo quản hàng hóa dược liệu nhập khẩu.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời cho các cơ quan chức năng tại cửa khẩu hoặc Cục Hải quan tỉnh tổng hợp, rà soát, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy trình phù hợp với thực tế./.

 

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THÍ ĐIỂM NHẬP KHẨU DƯỢC LIỆU QUA CỬA KHẨU SONG PHƯƠNG CHI MA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 111/NQ-CP NGÀY 23/9/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 13/11/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2221/QĐ-UBND năm 2021 về Quy trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 2221/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản