BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 220-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2009 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá X;
- Xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan,
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH
1- Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định này.
2- Các cấp uỷ và tổ chức đảng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Quy chế. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
3- Quy chế này thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 77-QĐ/TW, ngày 22-6-2000 của Bộ Chính trị khoá VIII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
BẦU CỬ TRONG ĐẢNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị khoá X)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Việc bầu cử ở cấp Trung ương có quy chế riêng.
Việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán; kết quả bầu cử phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.
1. Việc bầu cử bằng phiếu kín thực hiện trong các trường hợp:
- Bầu ban chấp hành chi bộ, đảng bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
- Bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ.
- Bầu uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ.
- Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
2. Hình thức biểu quyết giơ tay (sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết) được thực hiện để bầu các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội, hội nghị Đảng (đoàn chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, chủ tịch hội nghị, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu...).
QUYỀN ỨNG CỬ, ĐỀ CỬ, BẦU CỬ, DANH SÁCH BẦU CỬ, PHIẾU BẦU CỬ
1. Tất cả đảng viên chính thức đều có quyền ứng cử để được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, dù đảng viên đó là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội đảng.
Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội ứng cử vào cấp uỷ từ cấp huyện và tương đương trở lên, chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc đại hội phải hoàn chỉnh hồ sơ ứng cử nộp cơ quan tổ chức của cấp uỷ cấp triệu tập đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có :
- Đơn xin ứng cử.
- Bản khai lý lịch được xác nhận của cấp uỷ cơ sở.
- Bản nhận xét của cấp uỷ cơ sở.
Cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt có trách nhiệm xác nhận, nhận xét về người ứng cử.
2. Cấp uỷ viên mỗi cấp có quyền ứng cử để được bầu vào ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra của cấp đó; uỷ viên thường vụ mỗi cấp có quyền ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư cấp uỷ cấp đó. Trường hợp cấp uỷ chỉ bầu bí thư, phó bí thư, không bầu ban thường vụ thì cấp uỷ viên có quyền ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư.
3. Chỉ có đảng viên chính thức (ở đại hội đảng viên) và đại biểu chính thức (ở đại hội đại biểu) mới có quyền ứng cử để được bầu làm đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp.
1. Ở đại hội đảng viên: Đảng viên chính thức, đảng viên sinh hoạt tạm thời và đảng viên dự bị đều có quyền đề cử đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ để được bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên hoặc để được bầu vào cấp uỷ cấp mình.
2. Ở đại hội đại biểu: Chỉ đại biểu chính thức mới có quyền đề cử những đảng viên là đại biểu và những đảng viên không phải là đại biểu của đại hội đảng bộ cấp mình tham gia cấp uỷ; đề cử đại biểu chính thức của đại hội cấp mình để được bầu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Khi đề cử đảng viên không phải là đại biểu của đại hội đại biểu vào cấp uỷ, người đề cử phải báo cáo bằng văn bản về sơ yếu lý lịch, tư cách của người được đề cử với cơ quan chuẩn bị nhân sự của đại hội và phải được sự đồng ý của người đó.
3. Cấp uỷ cấp triệu tập Đại hội có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự cấp uỷ khoá mới; Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo danh sách nhân sự do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị để đại hội tham khảo trước khi thông qua danh sách bầu cử.
Chỉ có đại biểu chính thức của đại hội đại biểu các cấp và đảng viên chính thức của đại hội đảng viên mới có quyền bầu cấp uỷ cấp mình và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Ở đại hội đảng viên, đảng viên sinh hoạt tạm thời và đảng viên dự bị không có quyền bầu cử.
Danh sách bầu cử gồm những người ứng cử, những người được đề cử để được bầu vào các cơ quan, các chức vụ lãnh đạo của Đảng và đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Đoàn chủ tịch đại hội (hoặc hội nghị) tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử; báo cáo đại hội (hoặc hội nghị) biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.
Nếu có người xin rút khỏi danh sách bầu cử thì giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 10; khoản 4, Điều 20; khoản 6, Điều 23; khoản 3, Điều 24; khoản 4, Điều 25 của Quy chế này.
Số lượng các thành viên trong danh sách bầu cử cấp uỷ và ban thường vụ cấp uỷ phải nhiều hơn số lượng cần bầu. Cấp uỷ triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng nhân sự cấp uỷ khoá mới theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
Danh sách bầu cử xếp thứ tự tên người theo vần A,B,C...; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên.
1. Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu cử (nơi không có điều kiện in phiếu, ban kiểm phiếu đại hội ghi danh sách bầu cử trên phiếu); đóng dấu của cấp uỷ triệu tập đại hội ở góc trái phía trên của phiếu bầu, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở thì đóng dấu của cấp uỷ cơ sở.
Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.
Trường hợp danh sách bầu không có số dư, phiếu bầu được chia làm 4 cột là: số thứ tự; họ và tên; đồng ý; không đồng ý. Người bầu cử đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong danh sách bầu cử.
2. Phiếu hợp lệ hoặc không hợp lệ:
- Phiếu hợp lệ là phiếu do ban kiểm phiếu phát ra, phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng cần bầu; trường hợp phiếu bầu mà danh sách bầu cử chỉ có một người, nếu người bầu cử đánh dấu X vào ô không đồng ý thì phiếu bầu đó vẫn hợp lệ.
- Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng quy định; phiếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử nhiều người; phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý trong danh sách bầu cử chỉ có một người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử; phiếu có đánh dấu hoặc dùng nhiều loại mực; phiếu ký tên hoặc viết thêm.
CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH VIỆC CHUẨN BỊ VÀ TIẾN HÀNH BẦU CỬ
Điều 9. Nhiệm vụ của cấp uỷ triệu tập đại hội
1. Chuẩn bị các vấn đề về nhân sự đại biểu, đề án nhân sự cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra và kế hoạch tổ chức đại hội.
2. Tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào cấp uỷ của đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội để đoàn chủ tịch đại hội báocáo đại hội xem xét, quyết định.
3. Quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày. Thông báo số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; chỉ đạo việc bầu cử đại biểu bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định.
4. Cung cấp tài liệu cho ban thẩm tra tư cách đại biểu về tình hình, kết quả bầu cử đại biểu và những vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu.
5. Cung cấp tài liệu cho đoàn chủ tịch đại hội để trả lời các vấn đề do đảng viên, đại biểu đại hội yêu cầu.
6. Chuẩn bị tài liệu cho cấp uỷ khoá mới để bầu các chức danh lãnh đạo của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra khoá mới của cấp mình trong phiên họp lần thứ nhất.
Điều 10. Đoàn chủ tịch và đoàn thư ký đại hội
1. Đoàn chủ tịch đại hội:
1.1. Đoàn chủ tịch đại hội là cơ quan điều hành công việc của đại hội, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Đoàn chủ tịch do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội giới thiệu, đại hội biểu quyết về số lượng và nhân sự cụ thể. Ở đại hội chi bộ bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch đại hội.
1.2. Số lượng đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội ở các cấp:
- Cấp chi bộ, đảng bộ cơ sở từ 1 - 5 đồng chí.
- Cấp huyện và tương đương từ 7 - 9 đồng chí.
- Cấp tỉnh tương đương từ 11 - 13 đồng chí, nhiều nhất không quá 15 đồng chí.
1.3. Nhiệm vụ của đoàn chủ tịch:
- Điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội thông qua; điều hành việc bầu cử theo quy định của Bộ Chính trị; phân công các thành viên điều hành các phiên họp của đại hội, ký các văn bản theo quy chế làm việc; chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết; điều hành các hoạt động của đại hội.
- Hướng dẫn để đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn cấp ủy viên, số lượng, cơ cấu cấp ủy; tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
- Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử cấp uỷ viên và đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên.
- Tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho một số người được rút hoặc không được rút khỏi danh sách bầu cử; trường hợp còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì đoàn chủ tịch xin ý kiến quyết định của đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua danh sách bầu cử.
- Giới thiệu số lượng, danh sách ban kiểm phiếu, trưởng ban kiểm phiếu để đại hội biểu quyết. Lãnh đạo hoạt động của ban kiểm phiếu, phổ biến quy tắc, thủ tục bầu cử trong đại hội.
- Giải đáp những thắc mắc của đại biểu về nhân sự trong quá trình chuẩn bị bầu cử.
2. Đoàn thư ký đại hội:
2.1. Đoàn thư ký đại hội gồm những đại biểu chính thức (đối với đại hội đại biểu) hoặc đảng viên chính thức (đối với đại hội đản viên). Cấp uỷ triệu tập đại hội đề xuất, giới thiệu để đại hội biểu quyết về số lượng, danh sách đoàn thư ký và trưởng đoàn thư ký. Ở đại hội chi bộ thì chi uỷ hoặc bí thư chi bộ đề xuất, giới thiệu để đại hội biểu quyết. Trưởng đoàn thư ký có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch về nhiệm vụ của đoàn thư ký.
2.2. Nhiệm vụ của đoàn thư ký:
- Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội.
- Quản lý và phát tài liệu, ấn phẩm của đại hội theo sự chỉ đạo của đoàn chủ tịch. Thu nhận, bảo quản và gửi đến cấp ủy khóa mới đầy đủ hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm của đại hội.
Điều 11. Ban thẩm tra tư cách đại biểu
1. Ban thẩm tra tư cách đại biểu là cơ quan giúp việc của đại hội, thành viên là những đại biểu chính thức am hiểu công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát, nắm vững nguyên tắc và Điều lệ Đảng. Cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu, đại hội biểu quyết số lượng và danh sách ban thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội đảng viên không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu; cấp uỷ triệu tập đại hội báo cáo với đại hội tình hình và tư cách đảng viên tham dự đại hội.
2. Nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu:
- Xem xét báo cáo của cấp uỷ về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu.
- Xem xét, kết luận các đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu do cấp uỷ các cấp giải quyết; báo cáo với đoàn chủ tịch để trình đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu, những trường hợp có đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu và việc chuyển đại biểu dự khuyết thay đại biểu chính thức đã được triệu tập.
- Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.
1. Ban kiểm phiếu là cơ quan giúp việc bầu cử của đại hội do đoàn chủ tịch giới thiệu, đại hội biểu quyết thông qua về số lượng và danh sách. Cơ cấu ban kiểm phiếu gồm một số đại biểu chính thức trong đại hội đại biểu, hoặc một số đảng viên chính thức trong đại hội đảng viên không có tên trong danh sách bầu cử.
Số lượng ban kiểm phiếu ở đại hội các cấp do đoàn chủ tịch đại hội lựa chọn, giới thiệu; đại hội biểu quyết thông qua.
2. Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ:
- Hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu), kiểm số phiếu phát ra và phiếu thu về báo cáo đại hội, kiểm phiếu bầu.
- Xem xét và kết luận về các phiếu không hợp lệ và những ý kiến khiếu nại về việc bầu cử trong đại hội.
- Lập biên bản kiểm phiếu; báo cáo với đoàn chủ tịch, công bố kết quả bầu cử và ký vào biên bản bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội để đoàn chủ tịch đại hội bàn giao cho cấp uỷ khoá mới lưu trữ theo quy định.
Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, ban kiểm phiếu được sử dụng một số nhân viên kỹ thuật không phải là đại biểu đại hội.
Ngoài ban kiểm phiếu và nhân viên kỹ thuật được đại hội sử dụng giúp làm nhiệm vụ kiểm phiếu, không ai được đến nơi ban kiểm phiếu đang làm việc.
Đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp gồm các cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội, các đại biểu do đại hội cấp dưới bầu và đại biểu được chỉ định theo quy định tại Điều 19 của Quy chế này.
Số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội quyết định theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên trước khi tiến hành đại hội. Cấp uỷ triệu tập đại hội phân bổ số lượng đại biểu cho các tổ chức đảng trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng tổ chức đảng trực thuộc và vị trí quan trọng của từng tổ chức đảng.
Đại hội đảng bộ cấp dưới phải bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; không được bầu quá số lượng quy định. Trường hợp bầu thiếu phải được đa số đại biểu biểu quyết tán thành và báo cáo với cấp uỷ cấp trên.
Điều 15. Những trường hợp không triệu tập dự đại hội
1. Không triệu tập đến đại hội những đảng viên ở đại hội đảng viên, những cấp uỷ viên, những đại biểu ở đại hội đại biểu sau khi được bầu bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, bị khởi tố, bị truy tố, tạm giam; những đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử.
2. Ở đại hội đại biểu, cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc nghỉ hưu, chuyển công tác ra ngoài đảng bộ, nếu thời điểm nghỉ hưu, thời điểm chuyển công tác trước ngày khai mạc đại hội thì không triệu tập dự đại hội cấp đó.
Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức do ban thường vụ cấp uỷ cấp triệu tập đại hội quyết định và phải được ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội xem xét, báo cáo đại hội thông qua. Đại biểu dự khuyết được chuyển thành đại biểu chính thức ở mỗi tổ chức đảng theo thứ tự số phiếu bầu từ cao xuống thấp. Trường hợp phiếu được bầu cho một số đại biểu dự khuyết bằng nhau thì chọn người có tuổi đảng cao hơn.
1. Đại biểu chính thức do đại hội cấp dưới bầu mà không thể tham dự suốt thời gian đại hội thì cấp uỷ cử đại biểu dự khuyết thay thế.
2. Đại biểu chính thức, nếu sau khi được bầu chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài đảng bộ (cấp triệu tập đại hội), thì tổ chức đảng nơi đó được cử đại biểu dự khuyết thay thế. Nếu không có đại biểu dự khuyết thay thế, nơi có điều kiện thì bầu bổ sung.
3. Đại biểu chính thức (do bầu cử) xin rút được cấp uỷ triệu tập đại hội đồng ý thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế.
4. Đại biểu chính thức vắng mặt những ngày đầu đại hội, đã có đại biểu dự khuyết thay thế, nhưng thời gian cuối đại hội có điều kiện tham dự đại hội, nếu được đoàn chủ tịch đại hội đồng ý mời dự, thì được dự theo tư cách đại biểu mời.
Điều 17. Những trường hợp không được thay thế đại biểu
1. Bầu không đủ số lượng đại biểu chính thức được phân bổ để dự đại hội cấp trên.
2. Đại biểu bị bác tư cách.
3. Cấp uỷ viên của cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội.
4. Đại biểu đã được bầu dự đại hội đảng bộ cấp trên, khi chuyển công tác sang đảng bộ khác nhưng vẫn trong đảng bộ cấp triệu tập đại hội, thì tham gia đoàn đại biểu đảng bộ cũ; nếu được cử làm trưởng đoàn đại biểu đảng bộ mới thì chuyển về sinh hoạt tại đoàn đại biểu mới; đảng bộ cũ không cử đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu đó.
Ở đảng bộ, chi bộ đã bầu xong đại biểu, nếu sau đó có quyết định tách thành một số đảng bộ, chi bộ mới, thì cấp uỷ triệu tập đại hội có thể quyết định bầu bổ sung một số đại biểu cho đảng bộ, chi bộ mới đó phù hợp với quy định của Điều lệ Đảng.
Các đảng bộ, chi bộ đang hoạt động ngoài nước, đảng bộ, chi bộ có đa số đảng viên hoạt động phân tán, đang làm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, hoặc vì thiên tai... mà không tổ chức đại hội được, nếu cấp uỷ cấp trên đồng ý thì cấp uỷ triệu tập đại hội được chỉ định đại biểu của đảng bộ cấp dưới phù hợp với tính chất, đặc điểm, số lượng đảng viên ở các đơn vị đó.
Số lượng đại biểu được chỉ định nằm trong tổng số đại biểu được triệu tập.
BẦU CÁC CƠ QUAN, CÁC CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, BẦU ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI CẤP TRÊN
1. Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo với đại hội về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng của cấp uỷ khoá mới do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị; đại hội thảo luận biểu quyết về số lượng cấp uỷ viên (theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên về khung số lượng cấp uỷ viên ở mỗi đảng bộ).
2. Đại hội thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp uỷ và tiến hành ứng cử, đề cử cấp uỷ khoá mới.
3. Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo danh sách nhân sự do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị để đại hội tham khảo trước khi biểu quyết danh sách bầu cử.
4. Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho một số người được rút hoặc không được rút khỏi danh sách bầu cử, trường hợp còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì đoàn chủ tịch xin ý kiến quyết định của đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua danh sách bầu cử.
5. Đoàn chủ tịch giới thiệu danh sách ban kiểm phiếu gồm một trưởng ban và một số uỷ viên là những đại biểu không có tên trong danh sách bầu cử cấp uỷ khoá mới. Đại hội biểu quyết thông qua danh sách ban kiểm phiếu.
6. Ban kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu; kiểm tra và niêm phong thùng phiếu trước khi bỏ phiếu. Đại hội tiến hành bầu cử; ban kiểm phiếu tiến hành kiểm tổng số phiếu phát ra, thu về báo cáo đại hội; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử cấp uỷ khoá mới.
7. Bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cấp uỷ khoá mới, có bầu tiếp hoặc không bầu nữa do đại hội xem xét, quyết định.
8. Đại hội chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) trực tiếp bầu chi uỷ, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi uỷ viên; nơi không có chi uỷ thì chi bộ trực tiếp bầu bí thư, nếu cần thì bầu phó bí thư chi bộ. Chi bộ không bầu ban thường vụ.
9. Đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở trở lên, nếu có yêu cầu hoặc hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên, thì sau khi bầu cử cấp uỷ tiến hành lấy phiếu giới thiệu của đảng viên hoặc đại biểu của đại hội đối với chức danh bí thư; tổng hợp phiếu giới thiệu, báo cáo với cấp uỷ cấp trên trước khi tiến hành bầu cử chức danh bí thư. Sau khi cấp uỷ cấp trên có ý kiến chỉ đạo mới tiến hành bầu cử chức danh bí thư.
Điều 21. Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên
1. Khi bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên, danh sách bầu đại biểu chính thức và dự khuyết được lập chung một danh sách; bầu đại biểu chính thức trước, số còn lại bầu đại biểu dự khuyết. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu nhiều hơn một nửa so với số đảng viên được triệu tập hoặc nhiều hơn một nửa so với số đại biểu được triệu tập, thì đại biểu dự khuyết được lấy trong số các đại biểu đó theo thứ tự số phiếu được bầu từ cao xuống thấp. Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp hay không bầu nữa do đại hội quyết định.
2. Danh sách bầu cử lần sau có giới thiệu bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần trước hay không do đại hội quyết định.
Điều 22. Bầu chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch hội nghị ở phiên họp đầu tiên của cấp uỷ khoá mới
1. Đồng chí bí thư hoặc phó bí thư khoá trước được tái cử hoặc đồng chí được cấp uỷ cấp trên uỷ nhiệm (nếu bí thư, phó bí thư khóa trước không tái cử) làm triệu tập viên, khai mạc và chủ trì phiên họp cho đến khi bầu xong đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch hội nghị.
2. Bầu chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch hội nghị với số lượng từ 1 đến 3 đồng chí.
3. Chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo để cấp uỷ thông qua chương trình làm việc và tiến hành các thủ tục bầu cử.
Số lượng uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ được bầu thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên, nhiều nhất không quá 1/3 số lượng cấp uỷ viên do đại hội đã bầu.
1. Chủ tịch hoặc đại diện đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo tiêu chuẩn, cơ cấu và đề nghị số lượng uỷ viên ban thường vụ cần bầu.
2. Hội nghị cấp uỷ biểu quyết số lượng uỷ viên ban thường vụ.
3. Tiến hành ứng cử đề cử.
4. Chủ tịch hoặc đại diện đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo danh sách những đồng chí được cấp uỷ khoá trước giới thiệu vào ban thường vụ khoá mới để hội nghị tham khảo.
5. Họp tổ để thảo luận (nếu cần).
6. Chủ tịch hoặc đại diện đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử, biểu quyết danh sách bầu cử ban thường vụ. Những đồng chí được rút khỏi danh sách bầu cử phải được đa số cấp uỷ viên đồng ý.
7. Cử ban kiểm phiếu gồm một số đồng chí cấp uỷ viên không có tên trong danh sách bầu cử.
8. Tiến hành bầu cử.
9. Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Nếu bầu ban thường vụ một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do hội nghị cấp uỷ quyết định.
Điều 24. Bầu bí thư, phó bí thư cấp uỷ
Những đồng chí ứng cử hoặc được đề cử vào danh sách để bầu giữ chức vụ bí thư, phó bí thư phải là những đồng chí đã trúng cử uỷ viên ban thường vụ.
Số lượng phó bí thư được bầu ở mỗi cấp uỷ thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.
1. Chủ tịch hoặc đại diện đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo với cấp uỷ về yêu cầu bầu bí thư, phó bí thư.
2. Tiến hành ứng cử, đề cử.
3. Chủ tịch hoặc đại diện đoàn chủ tịch hội nghị báo cáo với hội nghị cấp uỷ những đồng chí được cấp uỷ khoá trước và cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu giữ chức bí thư, phó bí thư; báo cáo kết quả phiếu giới thiệu của đại hội đối với chức danh bí thư (nếu có). Những đồng chí được rút khỏi danh sách bầu cử phải được đa số cấp uỷ viên đồng ý.
4. Tiến hành bầu cử (bầu bí thư trước, bầu phó bí thư sau).
5. Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
Sau khi bầu xong, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư điều hành ngay công việc của cấp uỷ khoá mới. Đồng chí bí thư cấp uỷ được ký văn bản với chức danh bí thư ngay sau khi được bầu; đồng chí bí thư khoá trước phải bàn giao công việc cho bí thư mới trong vòng 15 ngày kể từ khi có bí thư mới.
Uỷ ban kiểm tra các cấp được lập từ đảng uỷ cơ sở trở lên, do hội nghị cấp uỷ cùng cấp bầu; đại hội chi bộ không bầu uỷ ban kiểm tra mà phân công chi uỷ viên hoặc đảng viên làm công tác kiểm tra.
1. Chủ tịch hội nghị báo cáo với hội nghị cấp uỷ về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp uỷ cấp trên trực tiếp để hội nghị xem xét, quyết định.
2. Hội nghị cấp ủy biểu quyết số lượng uỷ viên ủy ban kiểm tra.
3. Tiến hành ứng cử, đề cử.
4. Chủ tịch hội nghị báo cáo với hội nghị cấp uỷ danh sách những đồng chí được cấp uỷ khoá trước giới thiệu, cấp uỷ khoá mới thảo luận và thông qua danh sách bầu cử uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra. Các thành viên uỷ ban kiểm tra gồm một số đồng chí trong cấp uỷ và một số đồng chí ngoài cấp uỷ. Những đồng chí được rút khỏi danh sách bầu cử phải được đa số cấp uỷ viên đồng ý.
5. Bầu uỷ viên uỷ ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.
6. Kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.
7. Uỷ ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra đã được bầu.
Sau khi bầu xong uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, thì chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra điều hành ngay công việc của uỷ ban kiểm tra khoá mới.
1. Đồng chí bí thư hoặc đại diện cấp uỷ chủ trì hội nghị báo cáo về yêu cầu bầu bổ sung uỷ viên ban thường vụ bí thư, phó bí thư; uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ.
2. Thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử.
3. Đồng chí chủ trì hội nghị báo cáo danh sách những đồng chí được ban thường vụ cấp uỷ hoặc cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu để được bầu bổ sung vào ban thường vụ; bí thư, phó bí thư; uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra.
4. Tiến hành các thủ tục về bầu cử theo quy định tại các khoản 6, 7, 8 Điều 23 (bầu bổ sung ban thường vụ); khoản 4, 5 Điều 24 (bầu bổ sung bí thư, phó bí thư); khoản 5, 6, 7 Điều 25 (bầu bổ sung uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra).
1. Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ; phiếu hợp lệ là phiếu được quy định tại Điều 8 của Quy chế này. Trường hợp phiếu bầu nhiều người mà không có số dư (theo khoản 1, Điều 8), người bầu cử đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý đối với người nào thì người đó không được tính vào kết quả bầu cử (phiếu đó vẫn hợp lệ).
2. Đối với đại hội đảng viên: Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập.
3. Đối với đại hội đại biểu: Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu chính thức được triệu tập trừ số cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội, đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội không có đại biểu dự khuyết thay thế.
4. Ở hội nghị cấp uỷ để bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số cấp uỷ viên.
5. Trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn.
6. Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội (hoặc hội nghị) lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội (hội nghị) bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu nữa hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.
7. Nếu bầu một lần mà không đủ số lượng quy định, có bầu nữa hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.
1. Biên bản bầu cử lập thành 03 bản cóchữ ký của đồng chí thay mặt đoàn chủ tịch và trưởng ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu niêm phong phiếu bầu để đoàn chủ tịch giao cho cấp uỷ khoá mới lưu trữ.
Đoàn chủ tịch giao lại biên bản bầu cử và phiếu bầu cho cấp uỷ khoá mới để báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, chuẩn y.
2. Nội dung biên bản:
- Tổng số đại biểu hoặc tổng số đảng viên được triệu tập.
- Tổng số đại biểu dự đại hội đại biểu hoặc tổng số đảng viên dự đại hội đảng viên.
- Số đại biểu bị bác tư cách.
- Số cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt đại hội.
- Số đại biểu chính thức vắng mặt không có đại biểu dự khuyết thay thế.
- Tổng số đại biểu dự đại hội đại biểu hoặc tổng số đảng viên dự đại hội đảng viên có mặt khi bầu.
- Số phiếu phát ra.
- Số phiếu thu về.
- Số phiếu hợp lệ.
- Số phiếu không hợp lệ.
- Số phiếu bầu đủ số lượng.
- Số phiếu bầu thiếu so với số lượng cần bầu (trong đó thiếu l, thiếu 2...).
- Số phiếu được bầu từ cao xuống thấp của từng người trong danh sách bầu cử (tính theo tỷ lệ số đại biểu trong đại hội đại biểu hoặc đảng viên trong đại hội đảng viên được triệu tập).
- Danh sách những người trúng cử.
Chậm nhất là 07 ngày sau đại hội, cấp uỷ khoá mới phải báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp biên bản bầu cử cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, danh sách trích ngang, sơ yếu lý lịch của từng thành viên.
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cấp uỷ cấp dưới về kết quả bầu cử, ban thường vụ cấp uỷ cấp trực trực tiếp chuẩn y danh sách cấp uỷ và các chức vụ đã được bầu.
Sau khi có quyết định chuẩn y của cấp có thẩm quyền, thì các đồng chí phó bí thư, uỷ viên thường vụ, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra mới được ký tên với chức danh tương ứng trong các văn bản của đảng bộ.
Điều 30. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, vi phạm quy chế bầu cử
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bế mạc đại hội, nếu có đơn, thư khiếu nại về bầu cử, thì uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ cấp trên trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra lại và báo cáo cấp uỷ cùng cấp xem xét, quyết định.
2. Nếu phát hiện thấy sự vi phạm nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì cấp uỷ cấp trên có quyền bãi bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của hội nghị cấp uỷ cấp dưới, chỉ đạo đại hội (hội nghị) tiến hành bầu lại; trường hợp cá nhân đã được bầu vào cấp uỷ cấp dưới nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định cấp uỷ cấp trên có quyền không chuẩn y công nhận cấp uỷ viên đó.
Điều 31. Xử lý vi phạm quy chế bầu cử
Người cố tình gây cản trở cho việc bầu cử, vi phạm quy chế bầu cử, thì cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định về kỷ luật trong Đảng.
Điều 32. Thời hạn lưu trữ phiếu bầu cử
Phiếu bầu cử được ban kiểm phiếu niêm phong và chuyển cho ban tổ chức của cấp uỷ cùng cấp (chuyển cho chi uỷ nếu bầu cử trong chi bộ) để lưu trữ trong thời hạn 6 tháng. Trong thời gian này, nếu không có quyết định của ban thường vụ cấp uỷ (chi uỷ), không ai được tự ý mở niêm phong. Quá 6 tháng, nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử, ban thường vụ cấp uỷ quyết định cho huỷ số phiếu đó.
Quy chế này thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 77-QĐ/TW, ngày 22-6-2000 của Bộ Chính trị khoá VIII; được phổ biến đến chi bộ và thực hiện thống nhất trong Đảng.
Những quy định về bầu cử trong Đảng trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.
Quyết định 220-QĐ/TW năm 2009 ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 220-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/04/2009
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/04/2009
- Ngày hết hiệu lực: 09/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực