Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2023/QĐ-UBND | Bình Dương, ngày 06 tháng 7 năm 2023 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Thực hiện Thông báo số 233/TB-UBND ngày 23 ngày 6 tháng 2023 về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh lần thứ 37 - khóa X;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 176/TTr-STNMT ngày 30 tháng 5 năm 2023; Báo cáo thẩm định số 58/BC-STP ngày 27 ngày 4 tháng 2023 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2023 và thay thế Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số: 22/2023/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Quy định này quy định chi tiết một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Quy định này trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
PHÂN VÙNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Điều 3. Phân vùng bảo vệ môi trường
1. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
a) Các thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (bao gồm cả các sông, suối, kênh, rạch và hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch thuộc ranh giới hành chính của các thành phố, thị xã này);
b) Khu vực bảo vệ 1 của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các huyện bao gồm:
- Di tích khảo cổ học Dốc Chùa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên;
- Chiến khu Đ, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên;
- Miếu Bà Đất Cuốc, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên;
- Khu căn cứ Bàu Gốc, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên;
- Mộ cổ Đức Ông Trần Thượng Xuyên, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên;
- Di tích lịch sử chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên;
- Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng;
- Căn cứ cách mạng Rừng Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng;
- Danh thắng núi Cậu - Lòng hồ Dầu Tiếng, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng;
- Vườn cây cao su thời Pháp thuộc, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng;
- Đình thần Dầu Tiếng, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng;
- Chùa Hoa Nghiêm, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng;
- Di tích lịch sử chiến thắng Suối Dứa, Khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng;
- Khu căn cứ cách mạng Vườn Trầu, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng;
- Địa điểm lần đầu tiên Mỹ rải bom B52 tại Việt Nam, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng;
- Chiến khu Long Nguyên, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng;
- Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo;
- Chùa Bửu Phước, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo;
- Di tích Cầu Sông Bé, xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa, huyện Phú Giáo;
- Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng.
- Di tích lịch sử chiến thắng Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng;
- Bót Cây Trường, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng.
c) Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương;
d) Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương;
đ) Sông Bé đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương;
e) Sông Thị Tính đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát;
g) Suối Giai trên địa bàn huyện Phú Giáo;
h) Suối Cái trên địa bàn thành phố Tân Uyên;
i) Suối Sâu trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên;
k) Hồ Dầu Tiếng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng;
l) Kênh thủy lợi Phước Hòa.
2. Vùng hạn chế phát thải bao gồm:
a) Thị trấn của các huyện: Thị trấn Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng, thị trấn Tân Thành và thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, thị trấn Dầu Tiếng thuộc huyện Dầu Tiếng, thị trấn Phước Vĩnh thuộc huyện Phú Giáo, trừ các khu vực thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt;
b) Khu vực bảo vệ 2 của các di tích lịch sử - văn hóa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy định này;
c) Sông Thị Tính chảy qua địa bàn huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng và các phụ lưu đổ trực tiếp vào đoạn sông này;
d) Hành lang bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn đoạn đi qua huyện Dầu Tiếng và các phụ lưu đổ trực tiếp vào đoạn sông này, trừ các suối, kênh, rạch thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt;
đ) Hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai đoạn đi qua huyện Bắc Tân Uyên và các phụ lưu đô trực tiếp vào đoạn sông này, trừ các suối, kênh, rạch thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt;
e) Hành lang bảo vệ nguồn nước sông Bé và các phụ lưu đổ trực tiếp vào sông, trừ các suối, kênh, rạch thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt;
g) Hành lang bảo vệ suối Giai trên địa bàn huyện Phú Giáo;
i) Hành lang bảo vệ suối Sâu trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên;
k) Hành lang bảo vệ hồ Dầu Tiếng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng;
l) Hồ Đá Bàn trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, hồ suối Lùng trên địa bàn huyện Phú Giáo.
3. Vùng khác: Các khu vực còn lại.
Điều 4. Yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường
1. Dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong từng vùng bảo vệ môi trường phải xử lý nước thải, khí thải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia quy định về nước thải, khí thải tương ứng đối với từng vùng bảo vệ môi trường, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này, phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về môi trường đối với vùng bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này theo lộ trình áp dụng như sau:
a) Nước thải phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về môi trường tương ứng đối với vùng bảo vệ môi trường chậm nhất là đến ngày 31 tháng 12 năm 2025;
b) Khí thải phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về môi trường tương ứng đối với vùng bảo vệ môi trường chậm nhất là đến ngày 31 tháng 12 năm 2027.
3. Trong thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nước thải, khí thải ứng với các vùng bảo vệ môi trường thì các cơ sở, dự án áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành đối với khí thải và cột A quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành đối với nước thải.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ
Điều 5. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
1. Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất thuộc Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ (trừ dự án chế biến mủ cao su thiên nhiên; giết mổ gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia súc, gia cầm; tái chế, xử lý chất thải) chỉ được bố trí vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
2. Dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đảm bảo khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này.
3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đảm bảo khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này phải di dời đến vùng khác đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường và phù hợp phân vùng môi trường hoặc phải chấm dứt hoạt động theo lộ trình áp dụng như sau:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2027;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2030.
Điều 6. Bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chịu trách nhiệm:
1. Thường xuyên nạo vét, vệ sinh các công trình từ cửa thu, các điểm đấu nối, hố ga, các tuyến cống dẫn, các điểm xả thải ra môi trường; kiểm tra độ kín, cao độ mực nước, các tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường.
2. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đấu nối và thu gom nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp để nước thải xả vào hệ thống thoát nước mưa hoặc xả thải ra môi trường.
3. Căn cứ hồ sơ môi trường đã được phê duyệt và thiết kế hệ thống xử lý nước thải, xây dựng tiêu chuẩn xả thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiêu chuẩn đấu nối đặc thù và đơn giá xử lý gửi cơ quan quản lý giá tại địa phương để xem xét theo quy định.
4. Phối hợp với cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa có kế hoạch xây dựng hệ thống thoát nước riêng ra đến nguồn tiếp nhận hoặc có kế hoạch nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đảm bảo chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý của các cơ sở đang hoạt động vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
5. Tăng cường công tác vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải phát sinh tại các tuyến đường nội bộ, đường hành lang, vỉa hè trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
6. Chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động đầu tư khu nhà xưởng cho thuê
1. Quy định này áp dụng đối với khu nhà xưởng cho thuê bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng hoạt động sản xuất công nghiệp.
2. Yêu cầu chung về bảo vệ môi trường đối với khu nhà xưởng cho thuê:
a) Địa điểm xây dựng khu nhà xưởng cho thuê phải phù hợp với quy hoạch và ngành nghề cho thuê không thuộc Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; phải đảm bảo khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này;
b) Các phân khu chức năng trong khu nhà xưởng cho thuê phải được quy hoạch bảo đảm các điều kiện sau: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng và cộng sinh công nghiệp;
c) Các dự án trong khu nhà xưởng cho thuê có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở và các đối tượng khác xung quanh khu nhà xưởng cho thuê.
3. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu nhà xưởng cho thuê:
a) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia quy định về nước thải tương ứng đối với phân vùng bảo vệ môi trường của khu nhà xưởng;
b) Có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;
c) Có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ;
d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật;
đ) Có các công trình tập kết chất thải rắn tập trung đảm bảo các quy định về quản lý chất thải rắn;
e) Đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
4. Trách nhiệm của Chủ đầu tư khu nhà xưởng cho thuê:
a) Thực hiện các yêu cầu chung về bảo vệ môi trường và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường khu nhà xưởng cho thuê quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Việc tiếp nhận dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải vào khu nhà xưởng cho thuê phải phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án mới trong khu nhà xưởng cho thuê phải đấu nối nước thải vào điểm thu gom trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung;
c) Không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu nhà xưởng cho thuê trong các trường hợp sau: dự án mới có ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư của khu nhà xưởng cho thuê; khu nhà xưởng cho thuê không đáp ứng một trong các yêu cầu chung về bảo vệ môi trường và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong khu nhà xưởng cho thuê vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
đ) Nghiêm cấm hành vi pha loãng nước thải trước điểm xả nước thải của khu nhà xưởng cho thuê;
e) Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu nhà xưởng cho thuê theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào khu nhà xưởng cho thuê;
i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường khu nhà xưởng cho thuê phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
l) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu nhà xưởng cho thuê gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;
m) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của chủ cơ sở thuê nhà xưởng để sản xuất
a) Xử lý nước thải sơ bộ và đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư khu nhà xưởng cho thuê;
b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định;
c) Thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;
d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
đ) Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định.
1. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê thuộc đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục, quan trắc nước thải định kỳ quy định tại Phụ lục XXVIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ thì phải thực hiện quan trắc nước thải theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định tại Cột 4 Phụ lục XXVIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ phải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra sau công trình xử lý hoặc trước khi xả thải ra môi trường.
3. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê phải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra sau công trình xử lý hoặc trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê.
4. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê khi xây dựng cửa xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung phải xây dựng điểm quan trắc nước thải. Điểm quan trắc nước thải phải đáp ứng các yêu cầu như sau:
a) Đặt cạnh hàng rào ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;
b) Có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng;
c) Được thiết kế và lắp đặt sao cho dễ quan sát được nước thải bên trong, dễ dàng thao tác đóng mở nắp khi cần thiết;
d) Đường kính hoặc chiều rộng điểm quan trắc tối thiểu là 0,7m; ống dẫn nước vào điểm quan trắc cách mặt đáy tối thiểu là 0,5m; ống dẫn nước ra khỏi điểm quan trắc cách mặt đáy tối thiểu là 0,3m;
đ) Nghiêm cấm việc xây dựng các cửa xả thải ngầm.
5. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định tại Cột 4 Phụ lục XXVIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ phải lắp đặt camera giám sát đảm bảo quan sát được tình hình hoạt động của các hạng mục công trình xử lý nước thải.
6. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà xưởng cho thuê đã đi vào hoạt động nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, đồng hồ đo lưu lượng nước thải, camera giám sát, chưa xây dựng điểm quan trắc nước thải theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Điều 9. Quan trắc bụi, khí thải công nghiệp
1. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục, quan trắc định kỳ bụi, khí thải công nghiệp quy định tại Phụ lục XXIX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ thì phải thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp theo quy định tại Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường phải xây dựng điểm quan trắc bụi, khí thải công nghiệp theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các yêu cầu sau đây:
a) Ống khói, ống thải phát tán bụi, khí thải công nghiệp phải có thang leo, có sàn thao tác và có rào chắn bảo vệ để đảm bảo an toàn khi thực hiện việc lấy mẫu;
b) Vị trí lỗ lấy mẫu phải nằm trên mặt phẳng tiết diện của đoạn ống thẳng;
c) Lỗ lấy mẫu đảm bảo đường kính từ 90mm đến 110mm, có nắp để điều chỉnh độ mở rộng. Đối với ống khói, ống thải hình tròn, yêu cầu phải có ít nhất hai lỗ lấy mẫu theo hai phương vuông góc nhau.
3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng, lắp đặt điểm quan trắc bụi, khí thải công nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải thực hiện ngay khi Quy định này có hiệu lực thi hành.
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ BÙN THẢI
Mục 1. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
Điều 10. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
b) Chất thải thực phẩm;
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác, bao gồm:
c.1) Chất thải rắn cồng kềnh;
c.2) Chất thải nguy hại;
c.3) Chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý.
2. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này phải chứa đựng trong các bao bì theo quy định và lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao như sau:
a) Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chứa đựng trong các bao bì thông thường và lưu giữ bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn thì phải được chứa đựng trong bao bì có màu vàng như chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều này;
b) Chất thải thực phẩm phải được chứa đựng trong bao bì có màu xanh theo quy định đảm bảo không rò rỉ nước, phát tán mùi hôi và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
c) Chất thải rắn cồng kềnh được lưu giữ bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo thông báo của chính quyền địa phương. Hộ gia đình, cá nhân phải tự tháo rã để giảm kích thước chất thải rắn cồng kềnh trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn;
d) Chất thải nguy hại được chứa đựng trong các bao bì thông thường có màu đỏ và lưu giữ bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn;
đ) Chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý phải được chứa đựng trong bao bì có màu vàng theo quy định và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn.
3. Bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo các yêu cầu như sau:
a) Có quy cách, kiểu dáng đảm bảo dễ dàng phân biệt với các loại bao bì thông thường khác. Mỗi loại bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau;
b) Chất liệu sử dụng làm bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong và phù hợp với công nghệ xử lý chất thải. Khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân hủy sinh học;
c) Đảm bảo lưu chứa an toàn, không thẩm thấu nước mưa, không rò rỉ nước rác và phát tán mùi hôi ra môi trường;
d) Có thiết kế dễ buộc, dễ mở, bảo đảm chất thải rắn sinh hoạt không rơi vãi và thuận tiện cho việc kiểm tra.
4. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp lựa chọn cơ sở sản xuất bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân phối bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
5. Quy định việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và lựa chọn cơ sở sản xuất bao bì quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Điều 11. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
c) Đảm bảo bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý;
d) Phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và điểm tiếp nhận chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024, trừ một số trường hợp như sau:
a) Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt quy định tại khoản 1 Điều này có chức năng tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại;
b) Phương án thu gom chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại được thực hiện ngay tại hộ gia đình, cá nhân.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và đưa vào vận hành chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
c) Đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Kinh phí đầu tư xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh, điểm tiếp nhận chất thải nguy hại được lấy từ nguồn kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp xã. Kinh phí vận hành được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
5. Kinh phí đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được lấy từ nguồn kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Kinh phí vận hành được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
Điều 12. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển. Kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc các nguồn kinh phí khác theo quy định. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thì kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn cơ sở vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết, trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ vận chuyển. Kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc các nguồn kinh phí khác theo quy định.
3. Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
a) Đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Đảm bảo thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được hộ gia đình, cá nhân phân loại;
c) Có thiết bị định vị và camera giám sát để ghi lại hành trình vận chuyển, được kết nối mạng trực tuyến và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền.
4. Tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền quyết định nhưng phải đảm bảo tối thiểu như sau:
a) Đối với các xã, phường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, thị xã Bến Cát và các thị trấn thuộc huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng: tần suất thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý 01 ngày/lần; tần suất thu gom chất thải rắn cồng kềnh, chất thải nguy hại tối thiểu 02 lần/tháng;
b) Các xã thuộc huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng: tần suất thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý tối thiểu 02 ngày/lần; tần suất thu gom chất thải rắn cồng kềnh, chất thải nguy hại tối thiểu 01 lần/tháng.
5. Thời gian, địa điểm và tuyến đường thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền quyết định và thông báo rộng rãi tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, văn phòng khu phố, văn phòng Ban quản lý chung cư và các hình thức khác phù hợp. Việc thu gom,vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện khép kín trên cùng tuyến đường, trên cùng địa bàn khu phố, xã, phường, thị trấn để tối ưu về cự ly vận chuyển và phù hợp với thời gian hoạt động của điểm tập kết, trạm trung chuyển.
6. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng loa, chuông, kẻng hoặc hình thức thông báo khác đã thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp xã khi đến thu gom chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
7. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nếu không phân loại hoặc không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 10 Quy định này.
Điều 13. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ xử lý. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện các vấn đề gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường thì tiến hành lập biên bản và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định. Kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân và hoạt động kiểm tra, giám sát được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
c) Đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Phải trang bị trạm cân để xác định trọng lượng chất thải rắn sinh hoạt của xe vận chuyển trước khi đưa vào khu vực phân loại và xử lý;
đ) Phải trang bị camera giám sát tại trạm cân trọng lượng chất thải rắn sinh hoạt của xe vận chuyển và khu vực phân loại, xử lý; camera được kết nối mạng trực tuyến và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường cấp huyện.
3. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và tiên tiến, ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công và đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, công nghệ đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Không cấp phép cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư mới áp dụng công nghệ chôn lấp trực tiếp. Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ chôn lấp trực tiếp đang hoạt động phải chuyển đổi công nghệ chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi hết khả năng tiếp nhận, xử lý và đóng bãi chôn lấp phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được thay đổi công nghệ xử lý khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Điều 14. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đảm bảo theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 29 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; được điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với cự ly thu gom, vận chuyển; phù hợp với loại chất thải đã được phân loại để khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại tại nguồn.
2. Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:
a) Đối với hộ gia đình, cá nhân: thông qua giá bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt; thông qua thể tích thiết bị chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt. Giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: thông qua việc cân xác định khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định.
4. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo Quy định này được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Điều 15. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân
1. Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 10 Quy định này.
2. Chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa chọn theo đúng thời gian, địa điểm, tần suất và phương thức theo thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định và giá dịch vụ phát sinh theo thỏa thuận khác (nếu có).
4. Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định; không được vứt, đổ, thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường không đúng nơi quy định.
5. Giám sát, đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa chọn, trường hợp không đáp ứng yêu cầu và có hành vi vi phạm thì phản ánh đến chính quyền địa phương để xem xét giải quyết.
6. Hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác giám sát, điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
2. Đảm bảo đầy đủ nhân lực, phương tiện và các trang thiết bị để thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được hộ gia đình, cá nhân phân loại.
3. Không được thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có lẫn chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp ngoài phạm vi hợp đồng hoặc văn bản đặt hàng, giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý phải tuân thủ quy định kỹ thuật về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông và phòng chống dịch. Không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, phát tán mùi hôi và nước rỉ rác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
5. Hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải được kiểm soát và ghi nhận toàn bộ thông tin liên quan đến việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết, trạm trung chuyển như thời gian, khối lượng, loại chất thải và một số thông tin khác.
Điều 17. Trách nhiệm của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
2. Không được tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại khi không có chức năng theo quy định. Trường hợp tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại khi không có chức năng theo quy định thì cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc vận chuyển, xử lý lượng chất thải này đến các cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
3. Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt và tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch.
4. Trường hợp ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì phải thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước 30 ngày, trong đó nêu rõ lý do và thời gian tạm ngừng dịch vụ, đồng thời phải có phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tạm ngừng dịch vụ xử lý. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được ngừng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Lập nhật ký vận hành các hệ thống, thiết bị cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sổ theo dõi số lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn sinh hoạt (nếu có).
6. Khi phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý.
7. Phối hợp với Sở Y tế để được hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát mầm bệnh và phòng chống dịch; thực hiện phun xịt thuốc diệt côn trùng tại các vị trí và tần suất do ngành Y tế đề nghị.
Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG VÀ CHẤT THẢI NGUY HẠI
1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý theo đúng quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường. Trường hợp tái sử dụng, sử dụng trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
2. Chất thải nguy hại phải được phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý theo đúng quy định tại Điều 83, Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 68, 69, 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
1. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại không được di chuyển qua khu vực trung tâm của các đô thị, các khu dân cư đông đúc và các khu vực giao thông có mật độ cao vào các khung giờ cao điểm (buổi sáng từ 06 giờ đến 08 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ).
2. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại ưu tiên di chuyển trên các trục đường chính như đường vành đai, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Khi di chuyển qua các trục đường phụ phải lựa chọn tuyến đường ngắn nhất để nhanh chóng kết nối ra trục đường chính.
Điều 20. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại
1. Chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 66 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
2. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 71 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
1. Chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 67 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo) gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 66 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 85 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 72 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Điều 22. Phân định, phân loại, lưu giữ chất thải y tế
1. Chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế phải được phân định, phân loại, lưu giữ theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Chất thải y tế thông thường phải được phân loại và thu gom riêng với chất thải rắn sinh hoạt (trừ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm).
3. Chất thải y tế nguy hại phải được phân định, phân loại và thu gom riêng biệt với chất thải y tế thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh.
Điều 23. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế
1. Chất thải y tế phải được thu gom, vận chuyển theo từng loại sau khi đã được phân loại.
2. Chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy định này thì hình thức quản lý, chuyển giao như sau:
a) Trường hợp có tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày thì được lựa chọn hình thức chuyển giao như hộ gia đình, cá nhân hoặc chuyển giao theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Trường hợp có tổng khối lượng từ 300 kg/ngày trở lên thì thực hiện theo khoản 2 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
3. Chất thải y tế thông thường được chuyển giao cho các cơ sở đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.
4. Chất thải y tế nguy hại phải được chuyển giao cho các cơ sở đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép trong đó có hạng mục xử lý chất thải y tế. Khuyến khích các cơ sở y tế chuyển giao chất thải y tế nguy hại cho cơ sở xử lý gần nhất để hạn chế nguy cơ phát tán và lây lan mầm bệnh.
5. Các Trạm Y tế cấp xã có số lượng chất thải y tế nguy hại dưới 05 kg/ngày trong trường hợp thu gom tập trung về Trung tâm Y tế cấp huyện trước khi chuyển giao cho cơ sở xử lý thì phải có phương án do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
6. Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở y tế
1. Thực hiện quản lý chất thải y tế bên trong cơ sở theo đúng quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT và chuyển giao cho các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Sử dụng sổ giao nhận chất thải và chứng từ chất thải nguy hại cho mỗi lần chuyển giao và lập hồ sơ quản lý chất thải y tế theo đúng quy định.
3. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Sở Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước khác tổ chức để thực hiện tốt các quy định về quản lý chất thải y tế.
4. Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế và bố trí kinh phí để thực hiện công tác quản lý chất thải y tế hàng năm.
5. Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo) gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 66 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Mục 4. QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC
Điều 25. Quản lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng
1. Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
c) Nước thải phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định tại Điều 26 Quy định này;
g) Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động xây dựng của hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại, lưu giữ, chuyển giao, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định tại Điều 10, 12, 14 Quy định này.
2. Khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ hoạt động xây dựng. Nghiêm cấm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
3. Khi cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng phải bảo đảm các công trình, hạng mục công trình, thiết bị xử lý chất thải, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ quan cấp phép xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã giám sát việc quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng đối với các công trình đã cấp phép và các hoạt động xây dựng khác.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện lồng ghép việc bố trí các địa điểm đổ thải chất thải từ hoạt động xây dựng trên địa bàn phù hợp với quy hoạch đô thị và công bố rộng rãi để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện.
5. Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điều 26. Quản lý bùn thải từ bể phốt, hầm cầu
1. Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nghiêm cấm xả thẳng bùn thải từ bể phốt, hầm cầu vào hệ thống thoát nước, kênh rạch, ao hồ, sông suối và môi trường xung quanh. Khuyến khích xử lý bùn thải từ bể phốt, hầm cầu tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhà máy sản xuất phân compost trên cơ sở khả năng tiếp nhận của nhà máy, các điều kiện về môi trường và chi phí xử lý hợp lý.
2. Phương tiện vận chuyển bùn thải từ bể phốt, hầm cầu phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển bùn thải từ bể phốt, hầm cầu:
a) Lập hồ sơ quản lý khách hàng và ký hợp đồng với cơ sở xử lý bùn thải từ bể phốt, hầm cầu;
b) Sử dụng biên bản bàn giao bùn thải từ bể phốt, hầm cầu khi chuyển giao cho cơ sở xử lý theo Mẫu số 03 Phụ lục III bàn hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Xử lý sự cố khi làm phát tán, rò rỉ bùn thải từ bể phốt, hầm cầu ra môi trường xung quanh hoặc gây ô nhiễm môi trường.
4. Trách nhiệm của cơ sở xử lý bùn thải từ bể phốt, hầm cầu:
a) Lập hồ sơ quản lý khách hàng và ký hợp đồng với cơ sở chuyển giao bùn thải từ bể phốt, hầm cầu;
b) Sử dụng biên bản bàn giao bùn thải từ bể phốt, hầm cầu khi tiếp nhận từ cơ sở vận chuyển theo Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Xử lý sự cố khi làm phát tán, rò rỉ bùn thải từ bể phốt, hầm cầu ra môi trường xung quanh hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Điều 27. Quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước
1. Bùn thải từ hệ thống thoát nước được quản lý theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải. Trường hợp bùn thải từ hệ thống thoát nước có các thành phần nguy hại thì phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
2. Trách nhiệm của đơn vị quản lý hạ tầng thoát nước:
a) Thực hiện theo quy định tại Điều 37 Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chiếu sáng đô thị, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số 33/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
b) Lập hồ sơ quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước;
c) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải theo quy định;
d) Khảo sát, đánh giá nhu cầu và khả năng sử dụng bùn thải sau xử lý, lập kế hoạch sử dụng bùn thải sau xử lý trình chủ sở hữu phê duyệt;
đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch đã phê duyệt.
3. Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 28. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định tại Khoản 7 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đối với đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
4. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Điều 29. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
2. Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường trên Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương.
3. Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật các nguồn thải vào hệ thống kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn; định kỳ tổng hợp, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.
4. Thông báo, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn lộ trình chuyển đổi áp dụng quy chuẩn xả thải, lộ trình di dời.
5. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 30. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
2. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 7 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 3 Điều 63 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Điều 31. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Công thương
1. Tổ chức thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; các chương trình đề án, dự án khác thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương.
2. Phối hợp tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý hóa chất, xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý môi trường cụm công nghiệp; ứng phó sự cố môi trường.
Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Xây dựng
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy định tại điểm c Khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định tại điểm d Khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp với văn phòng, tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp; hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
2. Tổ chức hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
3. Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.
4. Xây dựng quy trình và hướng dẫn chi tiết việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
6. Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Điều 34. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Giao thông vận tải
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Điều 35. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Y tế
1. Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khuôn viên bệnh viện và cơ sở y tế; bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch bệnh.
2. Quy định, tổ chức thực hiện quy định về mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ con người theo quy định của pháp luật.
3. Hướng dẫn, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường.
Điều 37. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan thẩm định nội dung và quy trình giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.
2. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường.
Điều 38. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Tổ chức lồng ghép nội dung kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường trong xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo các cấp bậc học và trình độ đào tạo.
2. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo.
Điều 39. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Tài chính
1. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hải quan.
Điều 40. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển bảo đảm yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nguồn lực bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư; hướng dẫn, thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư (nếu có) đối với lĩnh vực xử lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới thu hút đầu tư.
3. Trên cơ sở nhu cầu vốn thực hiện của chương trình, dự án đầu tư công liên quan đến dự án xử lý chất thải, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của Trung ương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn phù hợp tình hình thực tế.
1. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Tiếp nhận và trả lời báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm của các dự án đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các Khu công nghiệp đã được ủy quyền.
3. Tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp.
4. Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường trên Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương.
5. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường.
6. Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
7. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp.
8. Xây dựng Quy chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp.
9. Phát hiện và kịp thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại các khu công nghiệp.
Điều 42. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Công an tỉnh
1. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống các tội phạm trong lĩnh vực môi trường; ứng phó sự cố môi trường.
2. Điều tra, khởi tố, xử lý hình sự các hành vi vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 43. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến và tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.
- 1Quyết định 13/2016/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương
- 2Quyết định 1385/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 2396/QĐ-UBND năm 2023 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định
- 4Quyết định 17/2023/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải
- 3Thông tư 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 6Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 7Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 9Quyết định 33/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chiếu sáng đô thị, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 10Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 11Thông tư 10/2021/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 12Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 13Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 14Quyết định 1385/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 15Quyết định 2396/QĐ-UBND năm 2023 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định
- 16Quyết định 17/2023/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang
Quyết định 22/2023/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- Số hiệu: 22/2023/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/07/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Mai Hùng Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/08/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra