Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2185/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 06 năm 2019:

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV số: 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và 129/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 807/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 12 năm 2020 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 được giao tại Điều 1 Quyết định này, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

1. Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đúng quy định, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ giải ngân; bảo đảm việc phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2021 tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại: Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; theo tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thứ tự ưu tiên như sau:

a) Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản;

b) Thu hồi vốn ứng trước;

c) Dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh;

d) Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;

đ) Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

e) Dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và đã được bố trí vốn hằng năm, cần tiếp tục thực hiện, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành;

g) Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch đã đủ thủ tục theo quy định tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020;

h) Sau khi đã đảm bảo điều kiện thứ tự ưu tiên nêu trên, trong phạm vi tổng mức vốn đầu tư năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí vốn cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được bố trí vốn hằng năm đủ điều kiện, thủ tục đầu tư đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

i) Đối với những nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

2. Cho phép bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án đang thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí vốn quá thời gian quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công và hoàn thành trong năm 2021. Trường hợp còn lại, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Điều 3. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn.

b) Thực hiện rà soát báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được giao; không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật đầu tư công, có ý kiến bằng văn bản cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đồng gửi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021; định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021.

d) Chủ trì tổng hợp phương án phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021, trong đó tổng hợp, rà soát nhu cầu đầu tư các dự án dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

đ) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, mức vốn giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài chính:

a) Hướng dẫn và trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí phát sinh thêm (nếu có) do chênh lệch tỷ giá thực tế với tỷ giá tính dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án mua mới, xây dựng và cải tạo trụ sở làm việc, cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các khoản thanh toán nợ nước ngoài của các dự án đầu tư theo quy định.

b) Kiểm soát và giải ngân vốn cho các ngân hàng thực hiện cấp bù lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng chính sách xã hội, vốn điều lệ, cho vay chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả thực hiện.

c) Định kỳ hằng tháng, hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, giao các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương thực hiện:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan:

- Rà soát danh mục dự án thuộc 02 Chương trình mục tiêu quốc gia được phân công phụ trách, đề xuất bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án dở dang thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư từng Chương trình, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 01 năm 2021 phương án phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để tổng hợp chung báo cáo cấp có thẩm quyền.

- Tổng hợp mức vốn bố trí cho các dự án này trong tổng số vốn dự kiến bố trí cho 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội quyết định.

- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; chủ động lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi và dự thảo Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từng chương trình.

b) Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và dự thảo Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Các bộ, cơ quan trung ương chủ chương trình chủ trì xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các chương trình ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư chương trình theo đúng quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình Quốc hội phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

4. Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021, danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới trước ngày 31 tháng 12 năm 2020; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch trước ngày 10 tháng 01 năm 2021 theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31 tháng 5 năm 2021 đối với các chương trình, dự án khởi công mới (bao gồm cả các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững) và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm có thể triển khai được ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao kế hoạch.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2021 theo quy định.

d) Trong quá trình triển khai kế hoạch, trường hợp trong năm phát sinh khoản vay mới, hoặc có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đã được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

đ) Chủ động rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và theo đúng quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ngay khi có Quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án để tổng hợp theo dõi, kiểm soát việc giải ngân, tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết đang đầu tư dở dang.

e) Chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ. Định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.

g) Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan liên quan khác về tính chính xác của thông tin số liệu của dự án, mức vốn phân bổ cho từng dự án theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam;- Các cơ quan (phụ lục kèm theo);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc