Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2178/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 09 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC NGÀNH NGHỀ, LĨNH VỰC ĐƯỢC PHÉP HOẠT ĐỘNG KHI ÁP DỤNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng; chống dịch COVID-19;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19”;

Thực hiện Thông báo số 376-TB/TU ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 73/TTr-SKHĐT ngày 09 tháng 9 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động tại các địa bàn có mức độ nguy cơ phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thuộc các huyện, thành phố: Phú Quốc, Kiên Hải, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan quản lý nhà nước, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, các Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, các đơn vị có liên quan.

2. Các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

3. Các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Điều 3. Các ngành nghề, lĩnh vực được phép tiếp tục hoạt động

1. Các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất trên cơ sở tổ chức lại hoạt động sản xuất.

2. Các hoạt động xây dựng và các cơ sở cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư xây dựng phục vụ cho hoạt động xây dựng.

3. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; các cơ sở sản xuất kinh doanh cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, cây, con giống, dịch vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

4. Các hoạt động vận tải hàng hóa lưu thông (hàng hóa thiết yếu), theo tình hình thực tế xem xét cho hoạt động vận chuyển người ở một số khu vực nhất định (taxi phục vụ cho bệnh viện để chở người).

5. Các hoạt động giáo dục, đào tạo trên cơ sở tổ chức lại (hình thức tổ chức dạy và học).

Điều 4. Điều kiện được phép hoạt động

1. Đối với các ngành, nghề/lĩnh vực được phép hoạt động nêu tại Điều 3 của Quyết định này phải tổ chức thực hiện theo phương án sản xuất an toàn phòng chống dịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mô hình “01 cung đường, 02 điểm đến” hoặc “03 tại chỗ”. Trong đó:

a) Đối với địa bàn có mức bình thường mới (vùngxanh): tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “01 cung đường, 02 điểm đến” trong phạm vi từ “vùng xanh đến vùng xanh” (nơi sản xuất, hoạt động (nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng,...) thuộc “vùng xanh” đến “nơi ở, nghỉ của người lao động” thuộc vùng xanh...).

b) Đối với các địa bàn có mức nguy cơ (vùng vàng), nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ rất cao (vùng đỏ): tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

2. Chủ cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị phải điều chỉnh hoặc xây dựng mới phương án sản xuất an toàn, cam kết và chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động theo đúng quy định, phương án được các cơ quy định tại Điều 6 phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị thi công, trong cộng đồng. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định thì phải tạm dừng hoạt động.

Điều 5. Về xác định mức độ nguy cơ

Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố tùy vào diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đánh giá, phân loại và công bố danh sách các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn theo từng mức độ nguy cơ theo quy định Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021.

Điều 6. Giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt Phương án sản xuất an toàn và quyết định cho phép hoạt động

1. Các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh): thẩm định phương án và quyết định cho phép các doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất an toàn phòng chống dịch và quyết định cho phép hoạt động, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và địa phương nơi công trình, dự án xây dựng.

2. Chủ tịch UBND huyện, thành phố tổ chức thẩm định, cho phép hoạt động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý (trừ quy định tại khoản 1 Điều này).

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc, Giám đốc các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi quản lý có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc tổ chức thực hiện theo Phương án sản xuất an toàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để xem xét sửa đổi, bổ sung.

3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Danh mục các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động quy định tại Điều 3 Quyết định này áp dụng kể từ ngày 07 tháng 9 năm 2021 cho đến khi có quy định mới.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 7;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Y tế;
- BCĐQG phòng, chống dịch COVID-19;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- TTCH phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh
(Đảng, chính quyền, đoàn thể);
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, pxquyet (02b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chín

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2178/QĐ-UBND năm 2021 quy định tạm thời các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi áp dụng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 2178/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Nguyễn Đức Chín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản