Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2178/2007/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 17 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP, UỶ QUYỀN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Đầu tư ngày 29/11/2005
Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng; Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư; Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã

1. Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch ngành; quy hoạch xây dựng chi tiết các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, làng nghề và các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn.

2. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc đăng ký đầu tư (nếu nhà đầu tư có nhu cầu) và quản lý Nhà nước đối với các dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, không thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, nằm ngoài các khu du lịch, điểm du lịch đã được quy hoạch (Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Khu du lịch hồ Yên Đồng, Yên Thắng, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương), khu vực quân sự và khu di tích, lịch sử, văn hóa do Trung ương quản lý, như sau:

a. Các dự án có quy mô vừa và nhỏ, không thuộc diện phát triển ngành nghề giảm nghèo (được quy định riêng tại mục b khoản này), xây dựng trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết, có mức vốn £ 50 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng không quá 0,5 ha đối với đất 2 vụ lúa hoặc không quá 1,0 ha đối với đất 1 vụ lúa, đất màu, đất nuôi trồng thủy sản hoặc không quá 5,0 ha đối với các loại đất hoang hóa khác;

b. Các dự án phát triển ngành nghề thực hiện chương trình giảm nghèo như: Thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến cói và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ khác; sản xuất giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản; trồng nấm, trồng cây hoa màu, cây lâm nghiệp, cây cói và trồng lúa chất lượng cao...; các dự án sử dụng lao động của những hộ nghèo chiếm 30% số lao động thường xuyên hoặc xây dựng trên địa bàn các xã nghèo có nhiều khó khăn và sử dụng 50% lao động tại địa phương; các dự án xây dựng trong cụm công nghiệp (trừ cụm công nghiệp do Ban quản lý các khu công nghiệp quản lý), làng nghề và điểm công nghiệp đã có quy hoạch chi tiết; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của cấp huyện thì được phân cấp, uỷ quyền với mức đầu tư dưới 300 tỷ đồng, diện tích đất bố trí cho các dự án yêu cầu tiết kiệm, hợp lý.

3. Tổ chức bồi thường GPMB đối với tất cả các dự án trên địa bàn. Lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bồi thường GPMB (trên cơ sở khung giá của tỉnh đối với khu vực dự án hoặc vùng lân cận).

4. Tổ chức giao đất và ký hợp đồng thuê đất với các nhà đầu tư cho các dự án được phân cấp.

Điều 2. Phân cấp, uỷ quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước cho UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện) như sau:

1. Chủ trương đầu tư

a. Những dự án chưa có trong danh mục chuẩn bị đầu tư hoặc có trong danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư nhưng chưa có các nội dung sơ bộ về mục tiêu, quy mô, công suất, khái toán kinh phí, nguồn vốn và thời gian thực hiện thì phải xin chủ trương đầu tư.

b. Trình tự, thủ tục ban hành chủ trương đầu tư

Chủ đầu tư lập tờ trình xin chủ trương đầu tư đến cấp có thẩm quyền (quy định tại điểm d, khoản 1 của Điều này) và cơ quan tham mưu về kế hoạch và đầu tư cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền.

Trên cơ sở tham mưu của cơ quan kế hoạch và đầu tư phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc lĩnh vực của dự án, cấp có thẩm quyền (UBND các cấp: Tỉnh, huyện) xem xét, ban hành văn bản về chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương và dự án sử dụng vốn tài trợ quốc tế.

c. Nội dung Tờ trình xin chủ trương đầu tư: Ngoài việc nêu tóm tắt sự cần thiết phải đầu tư ra còn phải thể hiện được các nội dung: Tên dự án, địa điểm thực hiện; mục tiêu, sơ bộ về quy mô; công suất; khái toán kinh phí, nguồn vốn; chủ đầu tư; thời gian thực hiện.

d. Thẩm quyền ban hành chủ trương đầu tư

- UBND cấp huyện ban hành văn bản về chủ trương đầu tư, sau khi Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực HĐND (trong thời gian chưa tới kỳ họp) cùng cấp thông qua đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện và các dự án đã được phân cấp cho cấp huyện, nhưng có sử dụng nguồn vốn của ngân sách cấp trên không lớn hơn 10% tổng mức đầu tư dự kiến.

- UBND tỉnh ban hành chủ trương đầu tư đối với các dự án còn lại.

2. Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình

a. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, trừ các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đã uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt;

- Phê duyệt các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng các công trình có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, trừ các báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đã uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện.

b. Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và các báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình có mức vốn dưới 10 tỷ đồng (bao gồm cả các dự án đầu tư xây dựng CSHT phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất), trừ các công trình đã uỷ quyền Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt.

c. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất có mức vốn dưới 10 tỷ đồng và các báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình khác có mức vốn dưới 5 tỷ đồng, trừ các công trình đã uỷ quyền Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt.

d. Chủ tịch UBND cấp huyện sử dụng bộ máy chuyên môn để thẩm định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình được uỷ quyền.

Trong trường hợp không đủ năng lực để thẩm định, UBND cấp huyện có thể thuê các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện và năng lực để thẩm tra hoặc có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

4. Đấu thầu

a. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, trừ các gói thầu của các dự án đã phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện.

b. Chủ tịch UBND cấp huyện

- Cho phép đấu thầu hạn chế các gói thầu (theo các trường hợp quy định tại Điều 19, Luật đấu thầu) của các dự án đã được phân cấp, uỷ quyền phê duyệt.

- Tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của các dự án đã được phân cấp, uỷ quyền phê duyệt.

5. Chỉ định thầu

a. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định kết quả chỉ định thầu các gói thầu do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả chỉ định thầu;

b. Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu các gói thầu của các dự án đã được uỷ quyền phê duyệt, trừ các gói thầu do chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

c. Chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng đối với các gói thầu thuộc dự án quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 1 của Luật Đấu thầu.

6. Thẩm tra và phê duyệt quyết toán

a. Giám đốc Sở Tài chính

- Tổ chức thẩm định quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành, trừ các công trình đã phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

- Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình hoàn thành có mức vốn dưới 15 tỷ đồng.

b. Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các công trình được uỷ quyền, trên cơ sở thẩm định của phòng Tài chính - Kế hoạch.

7. Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

- Sở Xây dựng giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi toàn tỉnh. Các Sở có xây dựng chuyên ngành phối hợp với Sở Xây dựng trong việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành.

- UBND các huyện, thành phố, thị xã theo phân cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do địa phương quản lý.

Điều 3. Đối với cấp xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phân cấp, ủy quyền.

Điều 4. Các dự án đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình; thiết kế bản vẽ thi công; kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì không phải phê duyệt lại.

Những nội dung công việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực mà chưa thực hiện thì được thực hiện theo Quyết định này.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ đầu tư thực hiện các nội dung công việc phân cấp, ủy quyền quy định tại Quyết định này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về các quyết định của mình theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh.

2. Chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày ban hành các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, kết quả lựa chọn nhà thầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện phải gửi kết quả giải quyết về Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở có xây dựng chuyên ngành 01 bản để tổng hợp theo dõi.

3. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quyết định này; phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc và những vi phạm, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết kịp thời.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1188/2006/QĐ-UBND ngày 02/6/2006 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc uỷ quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Điều 7. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2178/2007/QĐ-UBND về phân cấp, uỷ quyền quản lý dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành

  • Số hiệu: 2178/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/09/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Phan Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản