Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 217/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 10 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA, TRỰC THUỘC UBND QUẬN, HUYỆN”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
Căn cứ quyết định số 90/QĐ-UB ngày 24-5-1988 của UBND thành phố về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuôc UBND quận (huyện);
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố (công văn số 284/TT ngày 10-6-1988) và Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố (tờ trình số 131/TTCQ ngày 5 tháng 10 năm 1988);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra, trực thuộc UBND quận, huyện”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây của UBND thành phố trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố, Chủ tịch UBND và Thủ trưởng các Sở, Ngành thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh
 

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-UB ngày 22 tháng 10 năm 1988 của UBND thành phố)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Chức năng:

Ban Thanh tra là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND quận, huyện, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND quận, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành của Ủy ban Thanh tra thành phố.

Ban Thanh tra có chức năng giúp UBND quận, huyện thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện công tác thanh tra trên địa bàn quận, huyện theo đúng đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ban Thanh tra quận, huyện được sử dụng con dấu riêng ; có mở tài khoản ở Ngân hàng hay không do UBND quận, huyện quyết định, phù hợp với đặc điểm tình hình từng quận, huyện.

Điều 2. Nhiệm vụ:

Ban Thanh tra quận, huyện có các nhiệm vụ sau đây:

1. Thanh tra việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của quận, huyện theo sự chỉ đạo của UBND quận huyện ; qua thanh tra kiến nghị với UBND quận, huyện những chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục những yếu kém, sai sót trong công tác chỉ đạo và quản lý ; ngăn ngừa và chống mọi biểu hiện của tệ quan liêu thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật, tệ tham ô hối lộ, cửa quyền, trù dập cán bộ, ức hiếp quần chúng, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp lệnh quy định về xét và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giúp UBND xem xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quyền hạn được giao, chú trọng thanh tra việc Thủ trưởng các ngành, các cấp thực hiện chế độ tiếp dân và trực tiếp xét giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo.

- Thường trực Hội đồng xét, giải quyết khiếu tố của quận, huyện.

3. Hướng dẫn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra hoạt động các Ban Thanh tra nhân dân phường, xã, thị trấn, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hành chánh sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện và Ban Thanh tra các đơn vị của thành phố, Trung ương đóng trên địa bàn quận, huyện (có tổ chức Đảng trực thuộc quận, huyện).

4 . Thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo công tác thuộc ngành thanh tra theo yêu cầu của UBND quận, huyện và Ủy ban Thanh tra thành phố. Xây dựng nội quy hoạt động, chương trình công tác tháng, quý, năm ; quản lý cán bộ, tài sản, con dấu, tài liệu của Ban theo quy định của Nhà nước và điều lệ công văn giấy tờ.

Điều 3. Ban Thanh tra quận, huyện có những quyền hạn sau:

- Dựa theo phương hướng, nhiệm vụ công tác được UBND quận, huyện xét duyệt và Ủy ban Thanh tra thành phố hướng dẫn, lập và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch, thanh tra, xét và giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra việc xét khiếu tố. Những cuộc thanh tra hoặc xét khiếu tố quan trọng, cần có sự phối hợp của nhiều ngành thì do UBND quận, huyện ra quyết định.

- Triệu tập hoặc đề nghị UBND quận, huyện triệu tập hội nghị bàn về công tác thanh tra, xét khiếu tố, cử đại diện tham dự các cuộc hội nghị có liên quan đến công tác thanh tra của các ngành, các cấp ở quận, huyện.

- Yêu cầu các cơ quan, đơn vị được thanh tra hoặc có liên quan đến công tác thanh tra cung cấp tài liệu, thuyết minh sự việc, báo cáo tình hình cần thiết hoặc kết luận những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình để phục vụ cho công tác thanh tra, xét khiếu tố ; gặp nhân chứng để xác minh sự việc.

- Sau mỗi cuộc thanh tra, xét khiếu tố, ra văn bản nhận xét, kết luận về những việc làm đúng, sai, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị những biện pháp sửa chữa và các hình thức khen thưởng, kỷ luật cần thiết.

- Khi thanh tra thấy các quyết định của UBND quận, huyện và các chỉ thị, quyết định của cấp trên chưa đúng, thì đề nghị UBND quận, huyện sửa đổi hoặc để UBND quận, huyện đề nghị lên cấp trên sửa đổi.

- Trong 15 ngày, kể từ khi nhận được các kết luận, kiến nghị của Ban Thanh tra quận, huyện, đơn vị được thanh tra phải đề ra các biện pháp thực hiện cụ thể. Nếu không đồng ý với kết luận, kiến nghị đó, cũng trong thời gian nói trên, phải kịp thời báo cáo cho Ban Thanh tra quận, huyện biết để trình lên UBND quận, huyện xem xét quyết định.

- Trong khi tiến hành thanh tra ở 1 đơn vị nhất định, nếu thấy đơn vị ấy có những quyết định gì không có lợi cho cuộc thanh tra và trái với quy chế chung thì Ban Thanh tra quận, huyện có quyền tạm thời đình chỉ thi hành những quyết định đó và báo cáo UBND quận, huyện xem xét quyết định.

- Trong khi tiến hành thanh tra, xét thấy cần thiết phải tạm thời đình chỉ công tác những cán bộ, công nhân viên chức thuộc đơn vị được thanh tra có những hành động cản trở cuộc thanh tra, thì Ban Thanh tra quận, huyện báo cáo với UBND quận, huyện xem xét, quyết định.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC .

Điều 4. Ban Thanh tra quận, huyện có cơ cấu tổ chức bộ máy sau đây:

- Ban Thanh tra có 1 Trưởng Ban, 1 Phó Trưởng ban và một số cán bộ, nhân viên giúp việc. Trưởng ban làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm cao nhất trước Ủy ban nhân dân quận, huyện về toàn bộ công tác của ban, đồng thời chịu trách nhiệm với Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố về chuyên môn nghiệp vụ của ngành thanh tra trong phạm vi mình phụ trách. Phó Trưởng ban là người giúp việc Trưởng ban, thực hiện một số công việc do Trưởng ban phân công, chịu trách nhiệm trực tiếp với Trưởng ban, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Trưởng ban, Phó Trưởng ban do UBND quận, huyện quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm, sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản của Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố.

Căn cứ vào nhiệm vụ nêu ở điều 2 của quy chế này, UBND quận, huyện cụ thể hóa thành nhiệm vụ chi tiết, xác định chức danh viên chức và ấn định biên chế của Ban Thanh tra theo chỉ tiêu biên chế chung do UBND thành phố giao cho quận, huyện hàng năm.

Điều 5. Mối quan hệ công tác của Ban Thanh tra quận, huyện:

1. Với UBND quận huyện: Ban Thanh tra chịu sự lãnh đạo và quản lý toàn diện của UBND quận, huyện. Trưởng ban trực tiếp nhận chỉ thị của Thường trực UBND quận, huyện và thường xuyên báo cáo với UBND về các mặt công tác được phân công.

2. Với Ủy ban Thanh tra thành phố: Ban Thanh tra chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Thanh tra thành phố. Trưởng ban Thanh tra tổ chức thực hiện và báo cáo công tác chuyên môn thuộc ngành theo yêu cầu của Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố.

3. Với các phòng, ban, tổ công tác thuộc UBND quận, huyện: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định, Ban thanh tra thực hiện mối quan hệ hợp tác và bình đẳng với các phòng, ban, tổ công tác thuộc UBND quận, huyện, Ban Thanh tra có trách nhiệm bàn bạc thống nhất, hướng dẫn nghiệp vụ, cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách của ngành có liên quan, đến các phòng, ban, tổ công tác nói trên, và quan hệ chặt chẽ với các ngành trong khối nội chính, Ủy ban kiểm tra quận, huyện về công tác thanh tra.

4. Với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng quận, huyện:

Khi thực hiện các mặt công tác có liên quan đến tổ chức đoàn thể quần chúng nào, thì Ban Thanh tra mời đại diện tổ chức đoàn thể đó cùng tham gia bàn bạc, góp ý kiến giải quyết. Khi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng yêu cầu, Ban Thanh tra có trách nhiệm trình bày và giải quyết hoặc báo cáo với UBND quận, huyện giải quyết.

5. Với UBND phường, xã, thị trấn:

Ban Thanh tra quận, huyện thực hiện sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, đôn đốc UBND phường, xã, thị trấn thực hiện công tác thanh tra, xét giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của Nhà nước và UBND thành phố. UBND phường, xã, thị trấn nghiêm chỉnh thực hiện sự hướng dẫn của Ban Thanh tra, nếu có vấn đề nào chưa thống nhất thì báo cáo với UBND quận, huyện xem xét giải quyết.

6. Với các đơn vị xản xuất, kinh doanh, sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện và những đơn vị cơ sở thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn quận, huyện mà cơ sở Đảng trực thuộc quận, huyện ủy quản lý, Ban Thanh tra thực hiện sự giúp đỡ, hướng dẫn và thanh kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước và UBND thành phố, trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch do UBND quận, huyện giao và đôn đốc giứp đỡ các đơn vị cơ sở của thành phố và Trung ương trên địa bàn quận, huyện về công tác thanh tra nhân dân.

Điều 6. Chế độ sinh hoạt và hội họp:

- Ban thanh tra hai tuần họp 1 lần để sinh hoạt kiểm điểm tình hình thực hiện công tác và phổ biến những vấn đề cần thiết có liên quan đến nhiệm vụ của Ban.

- Hàng tháng, quý, 6 tháng họp sơ kết và cuối năm tổng kết công tác, bình bầu thi đua.

- Ban Thanh tra có thể tổ chức họp bất thường để triển khai công tác cần thiết hoặc cấp bách do UBND quận, huyện hay Ủy ban Thanh tra thành phố yêu cầu.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.

UBND quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện bản quy chế này, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra thành phố có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, đồng thời trong quá trình thực hiện cùng với UBND quận, huyện tổng hợp tình hình, báo cáo lên UBND thành phố những kiến nghị, bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 217/QĐ-UB năm 1988 ban hành bản quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra, trực thuộc UBND quận, huyện của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 217/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/1988
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản