Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 216/QĐ-BHXH | Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2024 |
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và luật chuyên ngành khác; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Giám đốc và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
1. Tham mưu, giúp Tổng Giám đốc:
a) Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Ngành;
b) Xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
c) Chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
d) Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
đ) Đề xuất với các cơ quan có liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
e) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
g) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh) thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm phát hiện qua thanh tra.
2. Tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra:
a) Thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;
b) Thanh tra các vụ việc khác khi được Tổng Giám đốc giao;
c) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhung phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
d) Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp và trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh;
đ) Giám sát hoạt động thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Giám đốc;
e) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đối với vụ việc do Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết luận khi cần thiết;
g) Xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;
h) Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra theo quy định.
3. Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra:
a) Kiểm tra công tác thu, đóng và giải quyết, chi trả bảo hiểm xã hội;
b) Kiểm tra công tác thu, đóng và chi trả bảo hiểm thất nghiệp;
c) Kiểm tra công tác thu, đóng và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
d) Kiểm tra công tác cấp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;
đ) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành;
e) Xử lý các nội dung chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định;
g) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành.
4. Tổ chức thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập:
a) Tiếp nhận, quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập và xử lý các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do Vụ Tổ chức cán bộ cung cấp trong phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
b) Tổ chức xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập;
c) Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Lãnh đạo Ngành; xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
7. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định và theo yêu cầu quản lý.
8. Chủ trì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thu nhập thông tin, xử lý thông tin theo quy trình thanh tra, kiểm tra. Chịu trách nhiệm về dữ liệu trong phần mềm nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị quản lý.
9. Thực hiện các nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
10. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
11. Thực hiện chế độ thông tin, thống kê, kế hoạch, tổng hợp, báo cáo; văn thư và lưu trữ theo quy định.
12. Quản lý công chức, viên chức, người lao động và tài sản của đơn vị theo quy định.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc giao và các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Chế độ quản lý và điều hành
1. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Chánh Thanh tra quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng. Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Giúp việc cho Chánh Thanh tra có không quá 03 Phó Chánh Thanh tra. Chánh Thanh tra do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, bố trí, phân công công tác, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ; các Phó Chánh Thanh tra do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, bố trí, phân công công tác, biệt phái theo quy định.
2. Chánh Thanh tra ban hành quy định về phân công nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc, quy chế làm việc; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện theo quy định.
3. Chánh Thanh tra phân công hoặc ủy quyền cho Phó Chánh Thanh tra giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, ủy quyền.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên và viên chức.
2. Các phòng trực thuộc gồm
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp, Giám sát và xử lý sau thanh tra (gọi tắt là Phòng 1);
b) Phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo (gọi tắt là Phòng 2);
c) Phòng Thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là Phòng 3);
d) Phòng Thanh tra đóng bảo hiểm y tế và kiểm tra việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế (gọi tắt là Phòng 4);
đ) Phòng Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là Phòng 5);
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý của các phòng trực thuộc Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc quy định.
3. Biên chế của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc quyết định.
4. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của các phòng thuộc Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái theo đề nghị của Chánh Thanh tra. Số lượng Phó Trưởng phòng theo quy định của Chính phủ.
5. Thanh tra viên, viên chức của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam được bổ nhiệm, tuyển dụng theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra
1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
3. Xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế độ quản lý các phòng thuộc Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định trình Tổng Giám đốc ban hành.
4. Tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, điều hành mọi hoạt động của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Quyết định các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; quyết định các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hiện tượng tiêu cực khác trong Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm.
6. Chịu trách nhiệm quản lý con dấu và tài khoản riêng của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.
7. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.
8. Thực hiện các quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024.
Quyết định số 1717/QĐ-BHXH ngày 09/12/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Thanh tra - Kiểm tra hết hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024.
2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội tại địa phương do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 2Quyết định 1717/QĐ-BHXH năm 2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Thanh tra - Kiểm tra do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3Quyết định 178/QĐ-BHXH năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 4Quyết định 3660/QĐ-BHXH năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, trách nhiệm và chế độ quản lý của các Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 5Quyết định 993/QĐ-BNV năm 2022 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Nội vụ
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 2Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 3Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội tại địa phương do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 4Quyết định 178/QĐ-BHXH năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 5Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
- 6Quyết định 3660/QĐ-BHXH năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, trách nhiệm và chế độ quản lý của các Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 7Quyết định 993/QĐ-BNV năm 2022 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Nội vụ
Quyết định 216/QĐ-BHXH năm 2024 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Số hiệu: 216/QĐ-BHXH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/02/2024
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Thế Mạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra