Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2159/QĐ-BNN-KH | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2013 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/ 2008/NĐ-CP, ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;
Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân công trách nhiệm các đơn vị và một số quy định về quản lý các mặt hàng dự trữ quốc gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chi tiết như phụ lục kèm theo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 538/QĐ-BNN-KH ngày 4/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Tài chính; Cục trưởng các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Thú y; Thủ trưởng các đơn vị dữ trữ và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. /.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
(Phụ lục kèm theo Quyết định số 2159/QĐ-BNN-KH ngày 23 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
- Quản lý tốt Quỹ dự trữ quốc gia, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và thiên tai, bảo đảm an toàn và ổn định cho sản xuất nông nghiệp.
- Quá trình quản lý, điều hành Quỹ dự trữ quốc gia phải tuân thủ đúng Luật Dự trữ quốc gia, Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia và các quy định liên quan khác nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước.
- Xác định rõ trách nhiệm; phân công phối hợp thống nhất, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các Cục, Vụ trong Bộ và các đơn vị làm nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia (sau đây gọi là đơn vị dự trữ).
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CỤC, VỤ VÀ ĐƠN VỊ DỰ TRỮ
1. Các Cục chuyên ngành
a. Phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia
Các Cục chuyên ngành được phân công nhiệm vụ quản lý hàng dự trữ quốc gia, gồm:
- Cục Thú y, quản lý mặt hàng vắc xin và hóa chất sát trùng phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Cục Bảo vệ thực vật, quản lý mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật.
- Cục Trồng trọt, quản lý mặt hàng hạt giống cây trồng.
b. Trách nhiệm của các Cục
- Đề xuất kế hoạch mua tăng từng mặt hàng dự trữ quốc gia về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, số lượng và chất lượng.
- Trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương (Trường hợp khẩn cấp và được phân cấp theo quy định của pháp luật, Cục chuyên ngành trình Bộ trưởng quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương); hướng dẫn các địa phương sử dụng hàng dự trữ được nhà nước hỗ trợ theo đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.
- Đề xuất bổ sung hoặc loại bỏ đơn vị dự trữ không đáp ứng yêu cầu; đề xuất bổ sung chủng loại các mặt hàng dự trữ quốc gia và loại bỏ những mặt hàng không phù hợp với thực tiễn.
- Tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng mua tăng, mua bù, hợp đồng bảo quản hàng dự trữ theo quy định của pháp luật và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo các đơn vị dự trữ thực hiện đúng quy trình xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ quốc gia (hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia); thường xuyên kiểm tra đơn vị dự trữ về các điều kiện bảo quản, số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
- Chủ trì trình Bộ trưởng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo quản hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận; đồng thời gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt làm cơ sở cho việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
- Chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định định mức kinh tế-kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và tổ chức kiểm tra định kỳ việc thực hiện định mức.
2. Vụ Tài chính
- Tổ chức quyết toán dự trữ quốc gia hàng năm.
- Tổng hợp báo cáo quyết toán dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
- Hướng dẫn các đơn vị dự trữ thực hiện chế độ tài chính, kế toán.
- Kiểm tra, theo dõi tình hình tăng, giảm nguồn vốn dự trữ quốc gia hàng năm; ngăn chặn kịp thời việc sử dụng vốn dự trữ không đúng mục đích.
- Tham gia với Bộ Tài chính thẩm định phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia.
3. Vụ Kế hoạch
- Là cơ quan đầu mối tổng hợp chiến lược; kế hoạch dự trữ quốc gia hàng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia theo từng quý, 6 tháng và cả năm. Chủ trì làm việc với các Bộ, Ngành tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về hoạt động dự trữ quốc gia.
- Trình Bộ trưởng phương án triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ dự trữ quốc gia (Mua tăng, mua bù, xuất, nhập, luân chuyển hàng dự trữ, vốn mua, phí xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ... ) để các Cục chuyên ngành và đơn vị dự trữ thực hiện.
- Chủ trì trình Bộ trưởng định mức kinh tế-kỹ thuật, phí bảo quản, nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính thẩm định và phê duyệt.
- Thực hiện các thủ tục gửi Bộ Tài chính thẩm định phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia. Sau khi có quyết định về phương án giá của Bộ Tài chính, trình Bộ trưởng ban hành giá cụ thể.
- Trình Bộ trưởng quyết định bổ sung hoặc loại bỏ đơn vị dự trữ và chủng loại các mặt hàng dự trữ sau khi xem xét đề xuất của các Cục chuyên ngành.
- Chủ trì xây dựng quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia trình Bộ trưởng phê duyệt, theo dõi đầu tư kho dự trữ quốc gia.
- Tham gia với Bộ Tài chính và các Cục chuyên ngành kiểm tra tình hình dự trữ của các đơn vị dự trữ; tham gia thẩm định phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu với Bộ Tài chính; tham gia quyết toán dự trữ quốc gia hàng năm.
4. Các đơn vị dự trữ
a. Tiêu chuẩn lựa chọn đơn vị dự trữ
Theo quy định tại Điều 53, Luật Dự trữ quốc gia, đơn vị dự trữ phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuộc chuyên ngành phù hợp với danh mục mặt hàng và nhiệm vụ dự trữ được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Nông nghiệp và PTNT giao, có tư cách pháp nhân.
- Là doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia; có khả năng luân chuyển để đảm bảo chất lượng hàng dự trữ; doanh số mặt hàng kinh doanh luôn lớn hơn giá trị hàng dự trữ.
- Đảm bảo đủ kho chứa, trang thiết bị phục vụ công tác nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Đội ngũ nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm quản lý, chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Để việc quản lý quỹ dự trữ quốc gia theo hướng tập trung, có hiệu quả; Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tối đa cho mỗi nhóm hàng dự trữ không vượt quá 4 đơn vị dự trữ. Việc chọn lựa đơn vị dự trữ mới để thay thế đơn vị cũ không đủ điều kiện dự trữ được thực hiện theo phương thức đấu thầu.
b. Nhiệm vụ của đơn vị dự trữ
- Đảm bảo đủ chủng loại, đặc tính kỹ thuật, số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia được cấp có thẩm quyền giao, không để thất thoát vốn và hàng dự trữ.
- Bố trí kho đủ tiêu chuẩn để bảo quản hàng dự trữ quốc gia; thực hiện bảo quản hàng dự trữ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; chủ động kế hoạch luân chuyển hàng dự trữ để đảm bảo chất lượng. Trường hợp luân chuyển khó khăn (hoặc không thể luân chuyển), hàng dự trữ có nguy cơ xuống cấp, Thủ trưởng đơn vị dự trữ phải kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, Ngành liên quan tìm biện pháp giải quyết theo quy định.
- Xây dựng phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ sát giá thị trường từng thời điểm và theo luật định; cung cấp hồ sơ, số liệu cho cơ quan nhà nước để làm căn cứ cho việc thẩm định giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của những tài liệu này.
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch dự trữ để Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời gian hoàn thành kế hoạch dự trữ chậm nhất là ngày 30/6 trước năm kế hoạch.
- Trước khi đưa hàng vào kho dự trữ, đơn vị dự trữ phải kiểm tra các thủ tục pháp lý, trong đó có chứng nhận chất lượng hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền.
- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia, các loại chi phí để Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định trước khi gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt. Trong định mức kinh tế-kỹ thuật cần có định mức tiêu hao hàng bảo quản trong thời gian lưu kho làm cơ sở cho việc thanh quyết toán.
- Khi Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản xuất hàng dự trữ; đơn vị dự trữ được chỉ định phải triển khai các thủ tục xuất hàng cho các địa phương ngay trong ngày nhận được văn bản, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng dự trữ. Phối hợp với các địa phương để giao hàng kịp thời; địa điểm giao hàng tại trung tâm tỉnh, thành phố (riêng hạt giống cây trồng giao tại huyện, quận).
- Hàng dự trữ quốc gia phải được tổ chức hạch toán riêng, bố trí ở kho và lô hàng riêng biệt. Đơn vị dự trữ cần đăng ký số kho, địa điểm kho dự trữ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khi xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương cần ghi chữ”hàng dự trữ quốc gia” trên bao bì.
- Hàng năm, đơn vị dự trữ phải thực hiện quyết toán kịp thời vốn, phí hàng dự trữ để Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức phê duyệt và báo cáo các Bộ, Ngành liên quan.
- Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo thống kê định kỳ (hàng quý, 6 tháng và cả năm), báo cáo về tình hình xuất, nhập hàng dự trữ quốc gia; kịp thời báo cáo và phản ánh những vướng mắc với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, Ngành liên quan; lưu giữ, quản lý hồ sơ về dự trữ quốc gia theo chế độ mật, tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra của nhà nước.
III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ XỬ LÝ CÔNG VIỆC
1. Trình tự xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia
- Vào đầu tháng 6 hàng năm; các đơn vị dự trữ xây dựng kế hoạch dự trữ theo quy định gửi Vụ Kế hoạch và Cục chuyên ngành.
- Vụ Kế hoạch mời đại diện các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ dự họp nghe các đơn vị dự trữ báo cáo kết quả thực hiện dự trữ và dự kiến kế hoạch năm sau. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, đơn vị dự trữ hoàn thiện kế hoạch gửi Vụ Kế hoạch và Cục chuyên ngành.
- Cục chuyên ngành có văn bản báo cáo Bộ (qua Vụ Kế hoạch) về kế hoạch mua tăng hàng dự trữ và những kiến nghị đề xuất khác, thời gian vào đầu tháng 7 hàng năm.
- Căn cứ đề xuất của đơn vị dự trữ, báo cáo của Cục chuyên ngành và nguồn ngân sách dự kiến được giao; Vụ Kế hoạch tổng hợp kế hoạch dự trữ năm sau báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi các Bộ, Ngành liên quan.
2. Trình tự xuất hàng dự trữ
a. Xuất hàng phòng chống dịch bệnh và thiên tai
- Căn cứ báo cáo của UBND tỉnh, thành phố về tình hình thiên tai, dịch bệnh; Cục chuyên ngành chủ trì tổ chức rà soát và thảo văn bản trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương, Vụ Kế hoạch thảo văn bản trình Bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị dự trữ xuất hàng kịp thời cho các địa phương.
- Trong trường hợp khẩn cấp và được phân cấp theo quy định của pháp luật, Cục chuyên ngành trình Bộ trưởng phê duyệt xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương. Quyết định xuất hàng dự trữ cần gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Dự trữ nhà nước và Vụ Kế hoạch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đơn vị dự trữ kịp thời báo cáo kết quả xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương gửi Vụ Kế hoạch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
b. Xuất luân chuyển hàng
- Xuất luân chuyển hàng dự trữ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Trường hợp đơn vị dự trữ chủ động xuất luân chuyển để bảo đảm chất lượng hàng dự trữ, nhất thiết phải đảm bảo nhập hàng mới vào kho sau đó xuất hàng cũ ra khỏi kho với số lượng, chủng loại tương ứng.
3. Trình tự nhập hàng dự trữ
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định mua tăng, mua bù hàng dự trữ, Vụ Kế hoạch thảo văn bản trình Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các Cục chuyên ngành và đơn vị dự trữ triển khai thực hiện.
- Các đơn vị dự trữ xây dựng phương án giá gửi Vụ Kế hoạch để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá mua tối đa hàng dự trữ quốc gia.
- Sau khi có quyết định giá mua tối đa của Bộ Tài chính; Vụ Kế hoạch trình Bộ quyết định giá mua hàng dự trữ cụ thể, làm cơ sở cho việc đấu thầu.
- Cục chuyên ngành tổ chức đấu thầu mua hàng dự trữ theo quy định của pháp luật. Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, Cục chuyên ngành ký hợp đồng với đơn vị dự trữ để mua và bảo quản hàng.
- Cục chuyên ngành tổ chức kiểm tra số lượng, chất lượng hàng dự trữ.
- Đơn vị dự trữ hoàn tất hồ sơ mua hàng dự trữ để Vụ Kế hoạch trình Bộ trưởng văn bản đề nghị Bộ Tài chính cấp vốn.
4. Trình tự phê duyệt giá mua, giá bán hàng dự trữ
- Đơn vị dự trữ xây dựng phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ gửi Vụ Kế hoạch để trình Bộ gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt.
- Sau khi có Quyết định của Bộ Tài chính, Vụ Kế hoạch trình Bộ quyết định giá mua, giá bán cụ thể.
- Sau khi có quyết định của Bộ, Cục chuyên ngành tổ chức đấu thầu mua hàng theo quy định.
- Trường hợp bán hàng; đơn vị dự trữ tổ chức bán hàng theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành luật, cũng như các văn bản nhà nước có liên quan. Đơn vị dự trữ có trách nhiệm báo cáo kịp thời kết quả mua bán hàng dự trữ quốc gia cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. Trình tự tổ chức đấu thầu mua hàng dự trữ
- Cục chuyên ngành chủ trì xây dựng kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ gửi Vụ Kế hoạch trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
- Cục chuyên ngành tổ chức đấu thầu mua hàng dự trữ theo quy định của pháp luật.
- Cục chuyên ngành phê duyệt kết quả đấu thầu mua hàng dự trữ nếu được Bộ Nông nghiệp và PTNT ủy quyền trong quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu.
- Sau khi hoàn tất hồ sơ đấu thầu, Cục chuyên ngành ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu mua và bảo quản hàng dự trữ.
6. Trình tự cấp vốn, phí dự trữ
- Cục chuyên ngành tổ chức kiểm tra (có lập biên bản) số lượng, chất lượng hàng đã mua đưa vào kho dự trữ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, đơn vị dự trữ có văn bản gửi Vụ Kế hoạch để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính cấp vốn.
- Về phí nhập, xuất: Đơn vị dự trữ xây dựng dự toán gửi Vụ Kế hoạch để báo cáo Bộ trưởng gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi có quyết định của Bộ Tài chính, Vụ Kế hoạch sẽ hoàn tất các thủ tục gửi Bộ Tài chính để cấp kinh phí.
- Về phí bảo quản đã có định mức và dự toán trong kế hoạch nhà nước giao từ đầu năm, đơn vị dự trữ có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị cấp theo quy định.
7. Trình tự xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo quản hàng dự trữ
- Đơn vị dự trữ xây dựng quy chuẩn bảo quản hàng dự trữ gửi Cục chuyên ngành.
- Cục chuyên ngành tổ chức Hội đồng thẩm định.
- Đơn vị dự trữ hoàn thiện quy chuẩn theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định.
- Cục chuyên ngành thảo văn bản trình Bộ trưởng gửi Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận, đồng thời gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt.
8. Trình tự xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ
- Đơn vị dự trữ xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia gửi các Cục chuyên ngành.
- Cục chuyên ngành tổ chức Hội đồng thẩm định.
- Đơn vị dự trữ hoàn thiện định mức theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định.
- Vụ Kế hoạch thảo văn bản trình Bộ trưởng gửi Bộ Tài chính thẩm định và ban hành quyết định.
9. Trình tự quyết toán hàng dự trữ
- Hàng năm, các đơn vị dự trữ báo cáo kết quả thực hiện và quyết toán hàng dự trữ quốc gia gửi Vụ Tài chính.
- Vụ Tài chính tổ chức thẩm định quyết toán hàng dự trữ, có đại diện các Bộ, Ngành, Vụ Kế hoạch và Cục chuyên ngành tham gia.
- Vụ Tài chính trình Bộ phê duyệt quyết toán gửi Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành liên quan.
Các Cục, Vụ và đơn vị dự trữ có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo phân công trên. Trong quá trình thực hiện; nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Vụ Kế hoạch) để nghiên cứu, chỉnh./.
- 1Quyết định 21/2006/QĐ-BTC ban hành Quy chế xây dựng, ban hành và quản lý định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn 2591/BNN-KH về rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 1524/QĐ-BNN-TY năm 2013 Quy trình kỹ thuật nhập, xuất tại cửa kho và bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuốc thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông tư 20/2014/TT-BNNPTNT về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 21/2006/QĐ-BTC ban hành Quy chế xây dựng, ban hành và quản lý định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 3Nghị định 75/2009/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4Công văn 2591/BNN-KH về rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Luật dự trữ quốc gia 2012
- 6Quyết định 1524/QĐ-BNN-TY năm 2013 Quy trình kỹ thuật nhập, xuất tại cửa kho và bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuốc thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Nghị định 94/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia
- 8Thông tư 20/2014/TT-BNNPTNT về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 2159/QĐ-BNN-KH năm 2013 về phân công trách nhiệm đơn vị và quy định quản lý hàng dự trữ quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Số hiệu: 2159/QĐ-BNN-KH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/09/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra