Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2140/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 23 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 796/TTr-SVHTTDL ngày 06/5/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa Bình Định, thân thiện với môi trường, đưa Bình Định trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch, thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố du lịch, và là một trong những trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

a. Về phát triển ngành:

- Khách du lịch: Năm 2020 phấn đấu đón được khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 800 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2030 phấn đấu đón được 12 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

- Tổng doanh thu từ khách du lịch: Năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm; năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.

- Số lượng cơ sở lưu trú: Năm 2020 phấn đấu có khoảng 7.500 buồng; năm 2030 phấn đấu khoảng 15.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 43% vào năm 2020 và 50% trong giai đoạn đến năm 2030.

- Sản phẩm du lịch: Đến năm 2020, phát triển Khu du lịch biển, đảo Phương Mai - núi Bà cơ bản đạt chuẩn quốc gia và một số khu du lịch địa phương; Phát triển hoàn chỉnh 3 tuyến du lịch chính: Tuyến ven biển Quy Nhơn - Nhơn Hội - Tam Quan; Tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; Tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh và tiền đề xây dựng thương hiệu cho du lịch Bình Định.

Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, mở rộng phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó phát triển điểm du lịch quốc gia gắn với di tích Tây Sơn Tam kiệt và các sản phẩm văn hóa đặc trưng khác.

- Nhu cầu đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 36.500 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), riêng giai đoạn đến năm 2020 khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương 700 triệu USD).

b. Về văn hóa - xã hội:

- Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích cảnh quan.

- Tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo. Đến 2020, tạo được 26.500 việc làm, trong đó 8.500 lao động trực tiếp, năm 2030 tạo được 68.000 việc làm, trong đó có 22.500 lao động trực tiếp.

- Góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng.

c. Về môi trường: Phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng; gắn hoạt động du lịch với mục tiêu phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

d. Về quốc phòng, an ninh: Gắn phát triển du lịch với mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh đặc biệt là vùng biển, đảo.

3. Các định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Định

a. Định hướng phát triển du lịch theo ngành:

- Tiếp tục duy trì thị trường khách truyền thống: Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ, Bắc Âu. Đẩy mạnh phát triển thị trường gần: Đông Bắc Á và ASEAN. Mở rộng khai thác thị trường mới: Đông Âu (đặc biệt chú trọng thị trường Nga) và các thị trường khách du lịch quốc tế khác.

- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo; mở rộng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái, MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện) kết hợp du lịch khoa học...

b. Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ: Hướng phát triển không gian du lịch

- Phát triển du lịch theo cụm:

+ Trung tâm du lịch chính của toàn tỉnh: Tập trung phát triển thành phố Quy Nhơn và trên các tuyến biển Quy Nhơn - Sông Cầu (Quốc lộ 1D), tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội - Nhơn Lý và các trung tâm phụ trợ: Thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn).

+ Cụm Tây Sơn, Vĩnh Thạnh: Hướng phát triển sản phẩm du lịch, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; Lễ hội, tâm linh; Giáo dục, tri ân; Tham quan, trải nghiệm làng nghề; Nghiên cứu hệ sinh thái, tham quan thắng cảnh...

+ Cụm Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão: Hướng phát triển sản phẩm du lịch Nghỉ dưỡng, tắm biển; tham quan di tích lịch sử; thể thao, vui chơi giải trí, mạo hiểm; Văn hóa ẩm thực.

- Phát triển du lịch theo khu, điểm và tuyến du lịch.

4. Đầu tư phát triển du lịch

a. Tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

Nhu cầu đầu tư khoảng 36.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước (gồm cả ODA): Khoảng 3.650 tỷ đồng, tương đương 10%; trong đó giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 1.500 tỷ đồng.

- Khu vực tư nhân (kể cả FDI): Khoảng 32.850 tỷ đồng, tương đương 90%; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 13.500 tỷ đồng.

b. Phân kỳ đầu tư:

- Từ nay đến năm 2020: Khoảng 15.000 tỷ đồng (ngân sách: 1.500 tỷ đồng).

- Giai đoạn 2021 - 2030: Khoảng 21.500 tỷ đồng (ngân sách: 2.150 tỷ đồng).

c. Các lĩnh vực đầu tư du lịch:

- Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật.

- Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.

- Đầu tư cho công tác nghiên cứu, triển khai.

- Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch.

d. Các khu vực tập trung đầu tư: Khu vực thành phố Quy Nhơn và các trung tâm phụ trợ, không gian du lịch ven biển, khu vui chơi giải trí, sinh thái…

đ. Các dự án ưu tiên đầu tư: Căn cứ kết quả tính toán tổng nhu cầu đầu tư, trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư đề xuất trong Quy hoạch 2005 và thực tế thực hiện các dự án đang được triển khai... Điều chỉnh, bổ sung công tác đầu tư gồm 45 dự án và nhóm dự án cho các khu vực và các lĩnh vực đầu tư.

5. Tổ chức thực hiện

a. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện quy hoạch này; quản lý chặt chẽ việc đầu tư các dự án phát triển du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch theo quy hoạch; đồng thời tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý các vấn đề có liên quan.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước. Phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Tổ chức phục dựng các lễ hội, các trò diễn dân gian, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, thường xuyên tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn, bố trí vốn ngân sách theo kế hoạch hàng năm để thực hiện quy hoạch.

c. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn ngân sách theo kế hoạch hàng năm để hỗ trợ phát triển hạ tầng khung các khu du lịch; theo dõi giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.

d. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, khu dịch vụ tổng hợp đáp ứng nhu cầu thăm quan của khách du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các siêu thị, trung tâm thương mại. Phối hợp tổ chức các hội chợ gắn với du lịch sự kiện.

Xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề, tổ chức sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm của tỉnh, của mỗi khu du lịch, chú trọng đến các mặt hàng lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, mua sắm sản phẩm lưu niệm của khách du lịch.

đ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép chương trình phát triển nông thôn mới, trồng rừng, nuôi trồng thủy hải sản… với phát triển du lịch.

e. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp điều tra đánh giá, tài nguyên môi trường du lịch, hướng dẫn chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch.

Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất các dự án du lịch đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh du lịch đăng ký nhu cầu sử dụng đất để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh.

g. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định các quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch theo quy định.

h. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, bãi đỗ xe vào các điểm du lịch; xây dựng phương án vận tải khách du lịch vào thời gian cao điểm của mùa du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc cấp biển hiệu xe ôtô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch và kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ôtô.

i. Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch. Định hướng và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Bình Định.

k. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lập và triển khai các dự án phát triển du lịch trong Khu kinh tế Nhơn Hội đảm bảo gắn kết phát triển Khu du lịch Phương Mai - núi Bà với phát triển khu kinh tế.

l. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh, bí mật nhà nước; đảm bảo an toàn cho khách du lịch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

m. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Định: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nội dung tuyên truyền phát triển du lịch nhằm phục vụ thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến Bình Định, đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác phát triển du lịch, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khai thác các giá trị văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch, vai trò của du lịch trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu các điểm, khu du lịch hấp dẫn của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

n. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện các chương trình dự án của ngành gắn với hoạt động du lịch. Tích cực lồng ghép các chương trình dự án của ngành với du lịch để tháo gỡ những khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.

o. Các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh

- Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh: Xây dựng phương án kinh doanh, chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư, khai thác thị trường, chú trọng đến công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên phục vụ, từng bước chuẩn hóa các dịch vụ và đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ, đẩy mạnh hoạt động liên doanh liên kết, xây dựng thương hiệu, xây dựng và phát triển các dịch vụ du lịch có chất lượng đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan vui chơi giải trí của khách du lịch.

- Hiệp hội du lịch và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh: Theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm liên kết phát triển du lịch Bình Định để cụ thể hóa thành chương trình hành động của đơn vị mình để hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho thực hiện các mục tiêu của quy hoạch. Phối hợp với ngành du lịch và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc quảng bá hình ảnh du lịch; vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về du lịch, về quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.

Tích cực tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan; bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch theo các quy hoạch.

p. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Nghiên cứu định hướng phát triển du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với các định hướng phát triển du lịch của quy hoạch.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch Bình Định; quản lý và tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn để phục vụ phát triển du lịch

 

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 138/2005/QĐ-UBND ngày 26/12/2005 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Xây dựng; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2140/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 2140/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản