Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/2008/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG NGÃI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại công văn số 645/SYT ngày 25/6/2008 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 814/SNV ngày 24/7/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế.

Điều 2. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai Quyết định này, đồng thời tiến hành xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Sở và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 30/9/2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 213/2008/QĐ-UBND ngày 06/8/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 1. Sở Y tế Quảng Ngãi là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, gồm: y tế dự phòng; khám, chữa bệnh; phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người; mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm; trang thiết bị y tế; dân số; bảo hiểm y tế.

Điều 2. Sở Y tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Dự thảo quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế; kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm; đề án, chương trình phát triển y tế, cải cách hành chính và phân cấp quản lý, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế ở tỉnh Quảng Ngãi;

2. Dự thảo các quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực y tế;

3. Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi cục trực thuộc Sở;

4. Dự thảo quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với trưởng, phó các đơn vị thuộc Sở Y tế; Trưởng và Phó trưởng Phòng Y tế.

Điều 4. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thuộc Sở Y tế theo quy định của pháp luật;

2. Dự thảo các quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực y tế;

3. Dự thảo quy định mối quan hệ công tác giữa Sở Y tế với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, Phòng Y tế và các đơn vị có liên quan trên địa bàn;

4. Dự thảo chương trình, giải pháp huy động, phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

Điều 5. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình và các vấn đề khác về y tế sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở.

Điều 6.

1. Về y tế dự phòng:

a) Quyết định những biện pháp điều tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh, thực hiện báo cáo dịch theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện các quy định về chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; HIV/AIDS; bệnh xã hội; bệnh không lây nhiễm; bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, vệ sinh và sức khoẻ lao động; dinh dưỡng cộng đồng; kiểm dịch y tế biên giới; hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh;

c). Thường trực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cấp tỉnh; chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

2. Về khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, phẫu thuật tạo hình, giải phẫu thẩm mỹ, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế theo phân cấp và theo phân tuyến kỹ thuật;

b) Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo quy định của pháp luật và theo phân cấp hiện hành của UBND tỉnh.

3. Về y dược cổ truyền:

a) Tổ chức thực hiện việc kế thừa, phát huy, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y dược cổ truyền tại địa phương;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh;

c) Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược cổ truyền tư nhân theo quy định của pháp luật và theo phân cấp hiện hành của UBND tỉnh.

4. Về thuốc và mỹ phẩm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng, thanh tra và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc theo quy định của pháp luật;

b) Cấp, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề dược; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; giới thiệu thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.

5. Về an toàn vệ sinh thực phẩm:

a) Tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

b) Cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký quảng cáo sản phẩm thực phẩm theo phân cấp của Bộ Y tế.

6. Về trang thiết bị và công trình y tế:

a) Hướng dẫn, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về trang thiết bị và công trình y tế;

b) Thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế chuyên môn về trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.

7. Về dân số - kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản:

a) Tổ chức triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chỉ báo thuộc lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình;

b) Tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án, mô hình liên quan đến lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản;

c) Thẩm định, quyết định cho phép thực hiện xác định lại giới tính, thực hiện sinh con theo phương pháp khoa học, các dịch vụ tư vấn đối với các cơ sở hành nghề dịch vụ tư vấn về dân số - kế hoạch hoá gia đình theo quy định của pháp luật.

8. Về bảo hiểm y tế:

a) Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

b) Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh và việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế ở địa phương.

9. Về đào tạo nhân lực y tế:

a) Tổ chức, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực y tế và chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định;

b) Quản lý các trường đào tạo cán bộ y tế theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế đối với Phòng Y tế các huyện, thành phố.

Điều 10. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực được giao.

Điều 11. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Điều 12. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở theo thẩm quyền được phân cấp; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 13. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 14. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh và của Bộ Y tế.

Điều 15. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 16. Lãnh đạo Sở

1. Sở Y tế có Giám đốc và 3 Phó Giám đốc;

2. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở;

3. Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc uỷ nhiệm điều hành các hoạt động của Sở;

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Y tế ban hành và theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Cơ cấu tổ chức

1. Các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở:

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Phòng Tổ chức cán bộ;

- Phòng Nghiệp vụ y;

- Phòng Nghiệp vụ dược;

- Phòng Kế hoạch - Tài chính.

2. Chi cục trực thuộc Sở:

- Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình;

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Các Chi cục nêu trên có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và được thành lập các Trung tâm, tổ chức đặt tại huyện, thành phố do Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:

* Tuyến tỉnh:

- Bệnh viện đa khoa tỉnh;

- Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

- Bệnh viện Tâm thần (kể cả thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần khi được trưng cầu).

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh;

- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản;

- Trung tâm Mắt;

- Trung tâm Phong - Da liễu;

- Trung tâm Nội tiết;

- Trung tâm phòng, chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng;

- Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS;

- Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ;

- Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

- Trung tâm Giám định y khoa;

- Trường Trung học Y tế.

* Tuyến huyện:

- Bệnh viện đa khoa thành phố Quảng Ngãi;

- Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Sa Huỳnh và Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm);

- Bệnh viện đa khoa huyện Mộ Đức (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Đức Thắng);

- Bệnh viện đa khoa huyện Nghĩa Hành;

- Bệnh viện đa khoa huyện Tư Nghĩa (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Nghĩa Hà và Nghĩa Thắng);

- Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Tịnh Bắc và Tịnh Khê);

- Bệnh viện đa khoa huyện Bình Sơn;

- Trung tâm y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Đức Phổ;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Mộ Đức;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Nghĩa Hành;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Sơn Tịnh;

- Trung tâm y tế dự phòng huyện Bình Sơn;

- Trung tâm y tế huyện Trà Bồng;

- Trung tâm y tế huyện Tây Trà;

- Trung tâm y tế huyện Sơn Hà (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Sơn Thành);

- Trung tâm y tế huyện Sơn Tây;

- Trung tâm y tế huyện Minh Long;

- Trung tâm y tế huyện Ba Tơ (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực Ba Vì);

- Trung tâm y tế huyện Lý Sơn.

Ngoài ra tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của tỉnh và yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong từng giai đoạn, Giám đốc Sở Y tế xây dựng đề án thành lập thêm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

* Tuyến xã:

- Trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn kỹ thuật trực thuộc Trung tâm y tế huyện hoặc trực thuộc Trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố (đối với các huyện, thành phố đã thành lập Trung tâm y tế dự phòng).

Điều 18. Biên chế

1. Biên chế hành chính của Sở Y tế do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng biên chế hành chính của tỉnh được Trung ương giao;

2. Biên chế sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo định mức biên chế và theo quy định của pháp luật.

Chương IV

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 19. Mối quan hệ giữa Sở Y tế với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố là mối quan hệ phối hợp. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có liên quan đến các Sở, ngành, địa phương hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy nhiệm giải quyết một số công việc cụ thể thì Sở phải chủ động chủ trì, phối hợp để giải quyết và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 20. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ cho Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; cán bộ theo dõi lĩnh vực y tế ở xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo việc quản lý nhà nước về y tế thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, Giám đốc Sở Y tế tập hợp, trao đổi thống nhất với các cơ quan chức năng có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 213/2008/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 213/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản