Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2114/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2012 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013;
Căn cứ Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 43/2012/TT-BNNPTNT ngày 23/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2011/TT- BNNPTNT ngày 29/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 9, khoản 13 và khoản 14 Điều 2 như sau:
“4. Đơn vị được bảo hiểm: Là các xã được các tỉnh lựa chọn tham gia thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011. Trong trường hợp địa phương có số liệu thống kê về năng suất thực tế theo địa bàn thôn hoặc hợp tác xã được công bố bởi cơ quan cung cấp số liệu về năng suất thực tế, đơn vị bảo hiểm là thôn hoặc hợp tác xã”.
“9. Năng suất được bảo hiểm: Được tính bằng 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm. Bồi thường bảo hiểm chỉ được chi trả trong trường hợp năng suất thực tế thấp hơn năng suất được bảo hiểm tại đơn vị được bảo hiểm. Đơn vị tính là tạ/ha”.
“13. Thiên tai: Bao gồm các rủi ro thiên tai sau: Bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần, giông, lốc xoáy theo công bố thiên tai của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
“14. Dịch bệnh: Bao gồm các rủi ro dịch bệnh sau: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, bạc lá; dịch rầy nâu, sâu đục thân. Các loại dịch bệnh trên được công bố dịch bệnh hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
“Điều 4. Phạm vi bảo hiểm:
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm mức sụt giảm năng suất lúa gây ra bởi các rủi ro thiên tai và/hoặc sâu bệnh, bệnh/dịch bệnh trong thời hạn bảo hiểm.
Bảo hiểm bổ sung: Phạm vi bảo hiểm theo Quy tắc này được mở rộng để bảo hiểm cho chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 5 ha lúa thực tế trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm theo Quy tắc này. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm một lần với số tiền bồi thường bằng 5% số tiền bảo hiểm của diện tích lúa phải gieo cấy/sạ lại.
Hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng được gieo cấy/sạ lại.
Nếu không gieo cấy/sạ lại, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động hết hiệu lực”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1 Điều 8 như sau:
“b. Do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập:
- Văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp dịch bệnh xảy ra chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh theo quy định, phải có xác nhận dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Văn bản công bố của cơ quan cung cấp số liệu về năng suất thực tế;
- Các giấy tờ khác có liên quan đến việc giải quyết bồi thường bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định của pháp luật”.
4. Sửa đổi điểm 3 Phụ lục biểu phí bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất ban hành kèm theo Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất như sau:
“3. Tỷ lệ phí bảo hiểm: Tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng cho tất cả các vụ trong tỉnh, được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên số tiền bảo hiểm.
STT | Tỉnh | Tỷ lệ phí bảo hiểm (%) |
1 | Nam Định | 4,97 |
2 | Thái Bình | 4,97 |
3 | Bình Thuận | 4,53 |
4 | Nghệ An | 4,53 |
5 | Hà Tĩnh | 4,53 |
6 | An Giang | 2,19 |
7 | Đồng Tháp | 2,19 |
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm vật nuôi ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
1. Bỏ khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 2; khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 9.
2. Sửa đổi khoản 8 Điều 2 như sau:
“8. Sự kiện bảo hiểm: Là sự kiện vật nuôi bị chết do nguyên nhân bệnh và dịch bệnh hoặc do thiên tai trong thời hạn bảo hiểm và trong phạm vi bảo hiểm theo công bố thiên tai, dịch bệnh hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
3. Bổ sung điểm đ, điểm e, khoản 4 Điều 3 như sau:
“đ. Gà thịt, vịt thịt: Từ 2 tuần tuổi đến hết chu kỳ nuôi tùy theo từng loại.
e. Gà đẻ, vịt đẻ: Từ 2 tuần tuổi đến 60 tuần tuổi”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 4 như sau:
“1. Thiên tai: Bao gồm các rủi ro thiên tai sau: Bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần, giông, lốc xoáy theo công bố thiên tai của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2. Dịch bệnh: Bao gồm các rủi ro dịch bệnh sau:
a) Đối với trâu, bò: Bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhiệt thán.
b) Đối với lợn: Bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng; dịch tả.
c) Đối với gà, vịt: Bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn (Newcastle), gumboro, dịch tả (vịt).
Các loại dịch bệnh trên được công bố dịch bệnh hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
5. Bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:
“3. Số tiền bảo hiểm đối với lợn thịt, gà, vịt được tính trên cơ sở giá trị sản lượng của đàn theo chu kỳ chăn nuôi”.
6. Bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 7 như sau:
“4. Gà thịt, vịt thịt: Chu kỳ nuôi từ 2 tuần tuổi đến khi xuất chuồng và không vượt quá 7 tuần đối với gà, vịt chuyên thịt và 10 tuần tuổi đối với gà, vịt kiêm dụng.
5. Gà đẻ, vịt đẻ: Một năm hoặc cả chu kỳ chăn nuôi”.
7. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2; điểm b, điểm c khoản 4 Điều 10 như sau:
“2. Hồ sơ bồi thường bao gồm:
b. Do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập:
- Văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp dịch bệnh xảy ra chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh theo quy định, phải có xác nhận dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Biên bản giám định thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm không thống nhất mức độ thiệt hại, phải có xác nhận mức độ thiệt hại của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
- Quyết định tiêu hủy trong trường hợp vật nuôi phải tiêu hủy theo quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền (nếu có);
- Xác nhận nộp phí bảo hiểm.
4. Thanh toán bồi thường
b. Gà thịt, vịt thịt
Chu kỳ chăn nuôi | Tỷ lệ số tiền bảo hiểm tại thời điểm chết (STBHTĐC=X% x STBH) |
Dưới 2 tuần tuổi | 0% STBH |
Từ trên 2 tuần tuổi đến dưới 3 tuần tuổi | 40% STBH |
Từ trên 3 tuần tuổi đến dưới 4 tuần tuổi | 50% STBH |
Từ trên 4 tuần tuổi đến dưới 5 tuần tuổi | 70% STBH |
Từ trên 5 tuần tuổi | 100% STBH |
c. Gà đẻ, vịt đẻ
Chu kỳ chăn nuôi | Tỷ lệ số tiền bảo hiểm tại thời điểm chết (STBHTĐC=X% x STBH) |
Dưới 2 tuần tuổi | 0% STBH |
Từ trên 2 tuần tuổi đến dưới 4 tuần tuổi | 30% STBH |
Từ trên 4 tuần tuổi đến dưới 8 tuần tuổi | 40% STBH |
Từ trên 8 tuần tuổi đến dưới 12 tuần tuổi | 50% STBH |
Từ trên 12 tuần tuổi đến dưới 16 tuần tuổi | 60% STBH |
Từ trên 16 tuần tuổi đến dưới 18 tuần tuổi | 70% STBH |
Từ trên 18 tuần tuổi đến dưới 20 tuần tuổi | 85% STBH |
Từ trên 20 tuần tuổi đến dưới 30 tuần tuổi | 100% STBH |
Từ trên 30 tuần tuổi đến dưới 40 tuần tuổi | 70% STBH |
Từ trên 40 tuần tuổi | 50% STBH |
8. Bổ sung khoản 5 Điều 12 như sau:
“5. Doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp”.
9. Sửa đổi điểm 1, điểm 2 Phụ lục biểu phí bảo hiểm vật nuôi ban hành kèm theo Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm vật nuôi như sau:
“1. Số tiền bảo hiểm
Số tiền bảo hiểm được thỏa thuận giữa người được bảo hiểm và người bảo hiểm dựa trên cơ sở giá cả thực tế nhưng không vượt quá số tiền quy định dưới đây:
Loại vật nuôi | Số tiền bảo hiểm VNĐ/con |
Bò sữa | 60.000.000 |
Trâu, bò | 15.000.000 |
Lợn nái, lợn đực giống | 8.000.000 |
Lợn thịt | 6.000.000 |
Gà, vịt | 150.000 |
2. Biểu phí bảo hiểm
Loại vật nuôi | Thời hạn bảo hiểm | Tỷ lệ phí thuần (%) |
Trâu, bò | 1 năm | 3,6 |
Lợn nái, lợn đực giống | 1 năm | 4 |
Lợn thịt | Chu kỳ nuôi | 2,5 |
Gà thịt, vịt thịt | Chu kỳ nuôi | 3 |
Gà đẻ, vịt đẻ | 1 năm | 4 |
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm/cá ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
2. Sửa đổi khoản 5; sửa đổi, bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 2 như sau:
“5. Đối tượng được bảo hiểm: Là tôm sú, tôm thẻ chân trắng (tôm); cá tra (cá) được nuôi trồng thương phẩm tại các cơ sở nuôi trồng.
6. Dịch bệnh: Bao gồm các rủi ro dịch bệnh sau:
- Tôm sú: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV); hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS);
- Tôm thẻ chân trắng: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), bệnh hoại tử cơ hay bệnh đục cơ do vi rút (IMNV); hội chứng Taura, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS);
- Cá tra: Bệnh gan thận mủ.
Các dịch bệnh trên được công bố dịch bệnh hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
7. Thiên tai: Bao gồm các rủi ro thiên tai sau: Bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần, giông, lốc xoáy theo công bố thiên tai của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
3. Sửa đổi khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Khuyến khích người được bảo hiểm tham gia bảo hiểm toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình trên cùng một địa bàn xã. Người được bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia một hoặc một số cơ sở nuôi trồng”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Phạm vi bảo hiểm
Người được bảo hiểm sẽ được bồi thường theo tỷ lệ bồi thường quy định tại khoản 4 Điều 9 của Quy tắc này đối với các tổn thất do các nguyên nhân trực tiếp sau:
1. Tôm sú: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV); hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Tôm thẻ chân trắng: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), bệnh hoại tử cơ hay bệnh đục cơ do vi rút (IMNV); hội chứng Taura, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Cá tra: bệnh gan thận mủ.
Các dịch bệnh trên được công bố dịch bệnh hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2. Tôm/cá chết hàng loạt và/hoặc mất trắng do thiên tai được công bố thiên tai bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
5. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2 Điều 9 như sau:
“Do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập:
- Văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp dịch bệnh xảy ra chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh theo quy định, phải có xác nhận dịch bệnh của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Biên bản giám định thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm không thống nhất mức độ thiệt hại, phải có xác nhận mức độ thiệt hại của cơ quan chức năng có thẩm quyền;
- Xác nhận nộp phí bảo hiểm;
- Các giấy tờ khác có liên quan đến việc giải quyết bồi thường bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định của pháp luật.”
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Chánh Văn phòng Bộ Tài chính; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 3035/QĐ-BTC năm 2011 về quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 1042/QĐ-BTC năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm, cá ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 do Bộ Tài chính ban hành
- 1Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
- 2Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 3Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010
- 4Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Thông tư 43/2012/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Thông tư 57/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư 121/2011/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 315/QĐ-TTG thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 2114/QĐ-BTC năm 2012 sửa đổi Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp kèm theo Quyết định 3035/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 2114/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/08/2012
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trần Xuân Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/08/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra