Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2023/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 15 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1434/TTr-STNMT ngày 14 tháng 4 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp (kiểm tra);
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng: TH, KT, TCĐT;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Tam

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Quyết định s 21/2023/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phải thực hiện theo Quy định này và các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn y tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải rắn y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.

2. Chất thải rắn y tế là chất thải y tế ở thể rắn hoặc bùn thải phát sinh từ các hoạt động của các cơ sở y tế.

3. Chất thải rắn y tế nguy hại là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải có chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại; bao gồm chất thải rắn y tế lây nhiễm và chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm.

4. Chất thải rắn y tế lây nhiễm là chất thải thấm, dính, chứa máu của cơ thể hoặc vi sinh vật gây bệnh.

5. Thu gom chất thải y tế là quá trình tập hợp chất thải y tế từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế tạm thời hoặc về nơi xử lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

6. Vận chuyển chất thải y tế là quá trình chuyên chở chất thải y tế từ nơi lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế đến nơi xử lý chất thải của cơ sở xử lý chất thải y tế cho cụm cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế.

7. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.

Điều 4. Nguyên tắc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế

1. Theo các quy định chung của Pháp luật hiện hành về quản lý chất thải rắn y tế.

2. Chất thải rắn y tế phải được phân định, phân loại theo quy định tại nguồn, tại thời điểm pháp sinh và được thu gom, lưu giữ đúng thời gian quy định.

3. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, không làm thất thoát chất thải rắn y tế ra bên ngoài.

4. Chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn được tập trung xử lý tại các cụm cơ sở y tế, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế; chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm và chất thải rắn thông thường chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Phân định, phân loại chất thải rắn y tế

1. Chất thải rắn y tế nguy hại được phân định như sau:

a) Chất thải rắn y tế lây nhiễm bao gồm chất thải rắn y tế lây nhiễm sắc nhọn, chất thải rắn y tế lây nhiễm không sắc nhọn, các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải giải phẫu.

b) Chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm.

2. Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và các loại chất thải rắn khác phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế.

3. Phân định chất thải rắn y tế và chất thải rắn thông thường được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

4. Chất thải rắn y tế phải được phân định, phân loại ngay tại nơi phát sinh, tại thời điểm phát sinh và được lưu giữ trong bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như sau:

a) Bao bì đựng chất thải rắn y tế nguy hại (vỏ cứng hoặc vỏ mềm) phải đảm bảo lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ; có khả năng chống được ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với chất thải rắn y tế nguy hại chứa bên trong; có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, rò rỉ; bao bì mềm có ít nhất 02 lớp vỏ; chịu va chạm, không hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng bình thường; miệng bao bì phải được buộc kín (bao bì mềm) hoặc có nắp đậy kín (bao bì cứng) đảm bảo ngăn chất thải rò rỉ, bay hơi; chất thải, bùn thải có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải được chứa trong bao bì cứng không vượt quá 90% dung tích chứa của bao bì.

b) Thiết bị lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại phải có kết cấu cứng chịu va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải lưu giữ trong quá trình sử dụng; có khả năng chống được ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với chất thải nguy hại chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu; chất thải, bùn thải có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải được chứa trong thiết bị có nắp đậy kín và không vượt quá 90% dung tích chứa của thiết bị; có dấu hiệu cảnh báo theo quy định; thiết bị lưu giữ có dung tích từ 02 m3 trở lên có thể được đặt ngoài trời nhưng phải đảm bảo kín khít, không bị nước mưa thấm vào bên trong.

Điều 6. Quản lý hoạt động thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế

1. Hoạt động thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế trong khuôn viên cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế.

2. Chất thải rắn thông thường phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế nguy hại; chất thải rắn thông thường (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) được quản lý như đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại Mục 3 Chương IV của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chất thải rắn thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải rắn thông thường không phục vụ cho mục đích tái chế phải được thu gom riêng. Khu vực lưu giữ chất thải rắn thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như sau:

a) Thiết bị, dụng cụ chứa chất thải rắn thông thường phải đảm bảo lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ. Miệng bao bì phải được buộc kín (bao bì mềm) hoặc có nắp đậy kín (bao bì cứng) đảm bảo ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường. Thiết bị, dụng cụ lưu giữ phải có kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.

b) Kho hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn thông thường trong nhà có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có mái che kín mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ; nhà kho phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo quy định của pháp luật.

c) Khu vực lưu giữ chất thải rắn thông thường ngoài trời phải có bờ bao, hệ thống thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có cao độ nên bảo đảm không bị ngập lụt; nền bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng chất thải được lưu giữ và phương tiện vận chuyển; có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ (đối với loại chất thải có phát sinh bụi).

3. Chất thải rắn y tế lây nhiễm và chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ trong khuôn viên cơ sở y tế. Khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại đối với cơ sở y tế phát sinh chất thải phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như sau:

a) Khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại phải có mặt sàn đảm bảo kín, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ; có biện pháp cách ly các loại chất thải nguy hại có khả năng phản ứng hóa học với nhau; đảm bảo không chảy tràn nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ.

b) Khu vực lưu giữ phải trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị, vật liệu phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn nước thải phát sinh từ quá trình lưu giữ chất thải rắn nguy hại; có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải nguy hại được lưu giữ theo tiêu chuẩn Việt Nam về dấu hiệu cảnh báo liên quan đến chất thải nguy hại và có kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều.

4. Khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại đối với cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm hoặc đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như sau:

a) Khu vực lưu giữ chất thải có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, chịu ăn mòn, không có khả năng phản ứng hoá học với chất thải được lưu giữ; sàn có đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng chất thải lưu giữ cao nhất theo tính toán; tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy.

b) Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ chất thải bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.

c) Có phân chia các ô hoặc bộ phận riêng cho từng loại chất thải rắn y tế nguy hại hoặc nhóm chất thải nguy hại có cùng tính chất để cách ly với các loại chất thải nguy hại hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có khả năng phản ứng hoá học với nhau bằng vách không cháy cao hơn chiều cao xếp chất thải nguy hại.

d) Trường hợp khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại được xây dựng theo dạng nhà kho thì phải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà kho.

đ) Khu vực lưu giữ phải có đê hoặc gờ bao quanh toàn bộ hoặc từng phần của khu vực lưu giữ và có rãnh thu nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải về hố ga tránh chảy tràn ra bên ngoài.

e) Khu vực lưu giữ phải trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy; vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải nguy hại; hộp sơ cứu vết thương; thiết bị xếp dỡ (thủ công hoặc cơ giới); thiết bị thông tin liên lạc; thiết bị báo động (như còi, kẻng, loa); sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm (ký hiệu EXIT hoặc ký hiệu chỉ lối thoát) đặt ở các điểm đầu mối của lối đi; các bảng hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn khu vực lưu giữ, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan: Ủy ban nhân dân cấp xã, công an, cấp cứu về y tế, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương), có kích thước và ở vị trí bảo đảm thuận tiện quan sát, theo dõi.

g) Trong từng ô hoặc phân khu của khu vực lưu giữ phải có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải nguy hại được lưu giữ theo tiêu chuẩn Việt Nam về dấu hiệu cảnh báo liên quan đến chất thải nguy hại và có kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều; vật liệu và mực của dấu hiệu và các dòng chữ nêu trên không bị mờ hoặc phai màu.

5. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ sở y tế phải được thu gom, lưu giữ riêng biệt với chất thải rắn thông thường khác, chất thải rắn y tế nguy hại và được quản lý theo các quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Mục 2 Chương V của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tại Mục 2 Chương IV của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Quản lý hoạt động chuyển giao, vận chuyển chất thải rắn y tế

1. Chuyển giao chất thải rắn y tế từ cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm hoặc cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế phải tuân thủ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế.

2. Vận chuyển chất thải rắn y tế từ khu vực lưu giữ của cơ sở y tế có phát sinh chất thải đến cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm hoặc cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế phải đảm bảo theo lộ trình vận chuyển do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, hạn chế tối đa việc lưu thông vào giờ cao điểm.

3. Vận chuyển chất thải rắn thông thường

a) Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn thông thường phải hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển để tiến hành thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định.

b) Quản lý chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế; chất thải rắn y tế nguy hại sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường được quản lý như chất thải rắn thông thường nhưng không được tái chế để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.

c) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải; chất thải rắn thông thường được lưu chứa trong thiết bị lưu giữ chất thải hoặc lưu chứa trực tiếp trên các phương tiện vận chuyển. Thiết bị lưu giữ chất thải được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 của Quy định này. Phương tiện vận chuyển phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, phát tán bụi, mùi trong quá trình vận chuyển. Trong trường hợp phương tiện vận chuyển là xe tải thùng hở phải phủ bạt kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải. Phương tiện vận chuyển đang hoạt động phải có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI THÔNG THƯỜNG” ở hai bên thành của phương tiện với chiều cao ít nhất là 15 cm, kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

d) Số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi nhận đầy đủ bằng biên bản theo quy định tại Mẫu số 03, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4. Vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm

a) Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm phải hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải về nơi xử lý.

b) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Thiết bị lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại được lắp cố định hoặc tháo rời trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 42 của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phương tiện vận chuyển phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, phát tán bụi, mùi trong quá trình vận chuyển. Trong trường hợp phương tiện vận chuyển là xe tải thùng hở phải phủ bạt kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải; phương tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy phải có thùng chứa, được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy và kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

c) Phương tiện vận chuyển khi đang hoạt động phải được trang bị các thiết bị, dụng cụ, vật liệu như sau: có đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định; vật liệu thấm hút (như cát khô hoặc mùn cưa) và dụng cụ cần thiết để sử dụng trong trường hợp rò rỉ nước thải phát sinh từ quá trình vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại; hộp sơ cún vết thương; thiết bị thông tin liên lạc; dấu hiệu cảnh báo lắp linh hoạt tùy theo loại chất thải nguy hại được vận chuyển ít nhất ở hai bên của phương tiện, có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI Y TẾ” không bị mờ và phai màu với chiều cao chữ ít nhất 15 cm kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ (trường hợp vận chuyển bằng xe mô tô, xe gắn máy thì kích thước dấu hiệu cảnh báo được lựa chọn cho phù hợp với thực tế); có bảng hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn phương tiện vận chuyển và xếp dỡ chất thải, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hỏa của địa phương trên địa bàn hoạt động), đặt ở cabin hoặc khu vực điều khiển theo quy định của pháp luật, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.

d) Chuyển giao, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại để xử lý phải có chứng từ chất thải nguy hại theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sổ giao nhận chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế.

5. Vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm

a) Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế lây nhiễm với tổng khối lượng từ dưới 05 kg/ngày có thể lựa chọn một trong các hình thức vận chuyển như sau:

Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế lây nhiễm tự vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm đến cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm.

Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế lây nhiễm hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý.

Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế lây nhiễm hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải về nơi xử lý.

b) Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế lây nhiễm, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải về nơi xử lý.

c) Vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm ưu tiên lựa chọn các trục giao thông chính trên địa bàn, đảm bảo lộ trình tối ưu về khoảng cách, thời gian, an toàn giao thông, thuận lợi cho phòng ngừa ứng phó với sự cố môi trường xảy ra trong quá trình vận chuyển và phù hợp với quy định của cơ quan thẩm quyền về phân luồng giao thông. Các tuyến giao thông đường bộ được ưu tiên lựa chọn để vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm như sau:

- Quốc lộ (QL) gồm 4 tuyến là QL.60, QL.57, QL.57B và QL.57C: QL.60 là đoạn kéo dài từ cầu Rạch Miễu đến Thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông và cầu Cố Chiến; QL.57 là đoạn đi qua các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và điểm cuối tại đồn biên phòng Khâu Băng thuộc địa bàn xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; QL.57B là đoạn có điểm đầu tại huyện Chợ Lách, đi qua huyện Châu Thành và điểm cuối tại huyện Bình Đại; QL.57C có điểm đầu tại huyện Châu Thành, đi qua thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm và điểm cuối tại huyện Ba Tri.

- Đường tỉnh (ĐT) gồm 4 tuyến đường tỉnh là ĐT.882, ĐT.883, ĐT.885 và ĐT.886: ĐT.882 là điểm đầu giao QL.60 tại ngã ba Chợ xếp đến điểm cuối giao QL.57 tại ngã Ba Vát xã Hưng Khánh Trung A; ĐT.883 là điểm đầu giao QL.57C tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành đến điểm cuối tại Vòng xoay Tượng đài 516, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri; ĐT.885 là điểm đầu giao Ngã ba Chợ Giữa, xã Phú Hưng, Thành phố Bến Tre đến điểm cuối giao QL.57C tại ranh huyện Giồng Trôm và Ba Tri; ĐT.886 là có điểm đầu giao QL.57B tại ngã ba Đê Đông thuộc địa bàn xã Thạnh Phước huyện Bình Đại đến điểm cuối tại bãi biển Thừa Đức huyện Bình Đại.

- Các tuyến đường huyện, đường nội thị và giao thông nông thôn có thể phục vụ cho vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm của các trạm Y tế cấp xã, cơ sở y tế ngoài công lập.

- Sơ đồ cụm xử lý và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Bến Tre tại Phụ lục II (kèm theo).

d) Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm đảm bảo đáp ứng các quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 4 Điều này.

đ) Chuyển giao, vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm để xử lý theo mô hình cụm phải được ghi đầy đủ vào Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế và thay thế cho chứng từ chất thải nguy hại.

e) Chuyển giao, vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ, khoản 5 Điều này, phải có chứng từ chất thải nguy hại theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sổ giao nhận chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế.

Điều 8. Quản lý hoạt động xử lý chất thải rắn y tế

1. Xử lý chất thải rắn thông thường

a) Chất thải rắn thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa.

b) Cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường phải có công trình bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật môi trường và yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật như đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

c) Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn thông thường hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm

Cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm phải hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế nguy hại hoặc đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm

a) Cơ sở y tế không thuộc phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý của mô hình cụm hoặc cơ sở y tế thuộc phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý của mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm) đã được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm đảm bảo đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường thì được phép tự xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế đó.

b) Cơ sở y tế không thuộc phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý của mô hình cụm và chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm đảm bảo theo các quy định về bảo vệ môi trường thì phải chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc cơ sở y tế có đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bảo đảm đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường hoặc các cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm trên địa bàn tỉnh tại Phụ lục I (kèm theo).

c) Cơ sở y tế thuộc phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý của mô hình cụm lựa chọn ký hợp đồng với các cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm trên địa bàn tỉnh tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quy định này hoặc lựa chọn chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại tại khoản 2 Điều này.

d) Các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm theo mô hình cụm được phép thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với công suất của hệ thống xử lý và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chất thải rắn y tế lây nhiễm sau khi được xử lý đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường phải thực hiện quản lý như chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại Mục 3, Chương IV, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

đ) Quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng hình thức tự xử lý quy định tại điểm a khoản 3 Điều này hoặc xử lý theo mô hình cụm quy định tại điểm d khoản 3 Điều này đảm bảo thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế và đáp ứng các yêu cầu như sau:

- Các cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm phải định kỳ thực hiện kiểm định chất lượng chất thải sau xử lý tối thiểu 01 lần/năm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành; kết quả kiểm định chất lượng chất thải sau xử lý được lồng ghép vào báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Y tế để theo dõi, giám sát và thực hiện công tác quản lý nhà nước.

- Quá trình vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tuân thủ các quy trình về an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh lao động và các quy định về vận hành chất thải theo quy định hiện hành.

- Nhân viên vận hành hệ thống xử lý chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, bảo hộ lao động; có kiến thức và kỹ năng phòng ngừa lây nhiễm bệnh được lây truyền qua chất thải y tế.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Tần suất báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được lập 01 năm một lần, tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm thực hiện báo cáo.

2. Hình thức báo cáo:

a) Báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị hoặc bản điện tử hoặc qua phần mềm báo cáo. Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.

b) Báo cáo bằng văn bản điện tử theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được số hóa từ văn bản giấy, có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền và đóng dấu điện tử của đơn vị.

3. Nội dung báo cáo:

a) Các cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tại Mục A, Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế, gửi về Sở Y tế trước ngày 16 tháng 12 của kỳ báo cáo.

b) Các cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được lồng ghép trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường; cơ sở y tế thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thực hiện báo cáo theo mẫu quy định tại Mẫu số 05.A Phụ lục VI; cơ sở y tế thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường thực hiện báo cáo theo mẫu quy định tại Mẫu số 05.B Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo.

c) Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn, gửi về Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Điều 10. Trách nhiệm cơ sở y tế

1. Thực hiện quản lý chất thải rắn y tế theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Phân công lãnh đạo cơ sở y tế phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí người của cơ sở y tế hoặc đơn vị bên ngoài thực hiện vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

3. Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế hoặc tích hợp trong kế hoạch hoạt động chung hằng năm của cơ sở y tế; bố trí kinh phí thực hiện.

4. Thực hiện việc xác định các loại chất thải y tế phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế và áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp theo Quy định này.

5. Xây dựng kế hoạch, trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế theo quy định của pháp luật (bao gồm cả phương án xử lý trong trường hợp lượng chất thải y tế tăng đột biến do dịch bệnh bùng phát hoặc lý do bất khả kháng).

6. Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến cho viên chức, người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải y tế.

7. Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.

Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị, tổ chức vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế

1. Đảm bảo nhân viên vận chuyển được đào tạo đầy đủ kiến thức và kỹ năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế, đặc biệt là chất thải rắn y tế lây nhiễm; đảm bảo phương tiện vận chuyển đầy đủ phương tiện, trang bị đúng quy định; tuân thủ đúng quy định về vận chuyển chất thải y tế nguy hại; thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong quá trình vận chuyển và xử lý chất thải.

2. Tuân thủ các quy định về xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm theo quy định; chịu trách nhiệm đối với kết quả xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm; đảm bảo vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, hướng dẫn; tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; định kỳ thực hiện quan trắc môi trường, kiểm định chất lượng chất thải sau xử lý theo đúng quy định; tuân thủ các quy định về duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo hệ thống xử lý chất thải y tế vận hành có hiệu quả, hiệu suất cao.

3. Đảm bảo nhân viên thực hiện xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, bảo hộ lao động và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định (bao gồm cả test xét nghiệm dịch bệnh định kỳ).

4. Đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư và nhân viên có khả năng xử lý các sự cố môi trường do chất thải rắn y tế gây ra.

5. Chuyển giao, vận chuyển chất thải rắn y tế đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Điều 7 của Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

6. Hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh cho người tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế của đơn vị và các đối tượng có liên quan.

7. Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Y tế

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế và các quy định tại Quy định này.

b) Tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng có liên quan trên địa bàn quản lý.

c) Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất kinh phí đầu tư, nâng cấp, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế, cơ sở vận chuyển, cơ sở xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế; gửi về Bộ Y tế theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, truyền thông và phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong công tác quản lý chất thải rắn y tế, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán kinh phí thực hiện việc quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

4. Công an tỉnh

a) Tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế, đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã

a) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng có liên quan trên địa bàn quản lý.

c) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn quản lý.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Quy định này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.

2. Đối với các chủ nguồn thải đã thực hiện ký kết hợp đồng với các cơ sở cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế, trong đó có nội dung chưa đúng với Quy định này thì phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung hoặc ký kết lại hợp đồng cung ứng dịch vụ theo đúng Quy định này.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện Quyết định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC I

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ Y TẾ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ LÂY NHIỄM THEO MÔ HÌNH CỤM CƠ SỞ Y TẾ
(Kèm theo Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2023 ca Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Thông tin về cụm xử lý

Địa điểm

Phạm vi thực hiện

Phương thức thu gom, vận chuyển

1

Cụm 1: Trên địa bàn thành phố Bến Tre

1.1

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu

Số 109, Đoàn Minh Hoàng, Phường 5, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện Minh Đức và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố Bến Tre.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

1.2

Bệnh viện Y học Cổ truyền

Số 44, Đoàn Minh Hoàng, Phường 6, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại bệnh viện Y học Cổ truyền và dự phòng trong trường hợp chất thải lây rắn y tế nhiễm phát sinh do dịch bệnh hoặc sự cố xảy ra tại các lò đốt của Cụm 1

1.3

Trung tâm y tế thành phố Bến Tre

ấp Mỹ An C, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm y tế thành phố Bến Tre và Trạm y tế cấp xã trên địa bàn.

2

Cụm 2: Trên địa bàn huyện Châu Thành

2.1

Trung tâm Y tế huyện Châu Thành

Khu phố 2, Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Châu Thành.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

2.2

Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - Cơ sở Hàm Long

Xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - Cơ sở Hàm Long và các cơ sở y tế còn lại trên địa bàn huyện Châu Thành; dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh (COVID-19) hoặc có sự cố của lò đốt tại Cụm 2.

2.3

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Ấp 2, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, bệnh viện Tâm thần và dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh hoặc có sự cố của lò đốt tại Cụm 2.

 

3

Cụm 3: Trên địa bàn huyện Bình Đại

3.1

Trung tâm Y tế huyện Bình Đại

Khu phố 1, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Bình Đại và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Bình Đại; dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

4

Cụm 4: Trên địa bàn huyện Giồng Trôm

4.1

Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm

ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm và cơ sở y tế trên địa bàn huyện Giồng Trôm; dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

5

Cụm 5: Trên địa bàn huyện Ba Tri

5.1

Bệnh viện đa khoa khu vực Ba Tri

Số 29, Phan Ngọc Tòng, khu phố 6, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Ba Tri

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ba Tri, Trung tâm y tế huyện Ba Tri và cơ sở y tế trên địa bàn huyện Ba Tri; dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

6

Cụm 6: Trên địa bàn huyện Ch Lách

6.1

Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách

Khu phố 3, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách và cơ sở y tế trên địa bàn huyện Chợ Lách.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

7

Cụm 7: Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc

7.1

Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh

Quốc lộ 57, ấp Tân Lộc, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh, Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam; dự phòng trong trường hợp chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh (COVID-19).

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

7.2

Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc

ấp Phước Hậu, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

8

Cụm 8: Trên địa bàn huyện Thạnh Phú

8.1

Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú

Số 98/4, đường Đồng Văn Dẫn, Khu Phố 4, thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre

Tiếp nhận và xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Thạnh Phú.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

 

PHỤ LỤC II

SƠ ĐỒ CỤM XỬ LÝ VÀ TUYẾN THU GOM, VẬN CHUYỂN THẤT THẢI Y TẾ LÂY NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2023 ca Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2023/QĐ-UBND quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 21/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/05/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Ngọc Tam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản