Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 21/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 31 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỘ MỚI THOÁT NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo;
Căn cứ Thông tư số 78/2007/TT-BNN ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội bằng 3% mức lương tối thiểu chung;
Theo đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 12/TTr-SLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2009 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với hộ mới thoát nghèo trong 2 năm;
Trên cơ sở Công văn số 184/HĐND-CTHĐ ngày 23 tháng 3 năm 2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc cho ý kiến về nội dung một số chính sách đối với hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định một số chính sách đối với hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Cụ thể như sau:

1. Đối tượng thụ hưởng:

Hộ có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận thoát nghèo trên cơ sở danh sách hộ thoát nghèo được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt hàng năm (sau đây gọi là hộ mới thoát nghèo).

2. Các chính sách:

a) Về giáo dục:

Học sinh thuộc hộ gia đình mới thoát nghèo, nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh thì được miễn 100% học phí và được hưởng các chính sách về ưu đãi trong giáo dục như chính sách đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo theo các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

b) Về bảo hiểm y tế:

Các thành viên trong hộ thuộc diện mới thoát nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc diện hộ mới thoát nghèo bằng mệnh giá của đối tượng thuộc diện hộ nghèo;

c) Về vay vốn ưu đãi:

Hộ thuộc diện mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mức vay và lãi suất vay vốn bằng mức vay và lãi suất ưu đãi đối với hộ nghèo được quy định tại từng thời điểm;

d) Về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

Hộ mới thoát nghèo được trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để biết bố trí và áp dụng vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Nội dung và mức hỗ trợ được áp dụng theo Thông tư Liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

3. Thời gian thụ hưởng chính sách:

Các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này được thụ hưởng các chính sách nêu tại khoản 2 Điều này trong thời gian 02 năm (24 tháng). Thời gian thụ hưởng được tính kể từ ngày được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận hộ thoát nghèo.

4. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí thực hiện các chính sách về giáo dục, bảo hiểm y tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do ngân sách tỉnh cân đối trong kế hoạch hàng năm;

b) Kinh phí thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cân đối trong kế hoạch chung hàng năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận hướng dẫn thực hiện các chính sách quy định tại Điều 1 Quyết định này.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan tính toán, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm để bảo đảm thực hiện các chính sách đối với hộ mới thoát nghèo.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, xét duyệt công nhận hộ thoát nghèo hàng năm theo đúng quy trình.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các chính sách đối với hộ mới thoát nghèo theo Điều 1 Quyết định này và hướng dẫn của các sở, ngành chức năng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Bình Thuận, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2009/QĐ-UBND quy định một số chính sách đối với hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 21/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/03/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 14/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản