Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2093/QĐ-UBND | Huế, ngày 15 tháng 9 năm 2007 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 15/6/2007 của Tỉnh uỷ khoá XIII về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007của Tỉnh uỷ khoá XIII về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Điều 2. Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố và các huyện ven biển, đầm phá trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Chương trình hành động này, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cấp mình; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm vào cuối quý IV, báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND thành phố Huế và các huyện ven biển, đầm phá; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 06-NQ/TU NGÀY 15/6/2007 CỦA TỈNH ỦY KHÓA XIII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ ĐẦM PHÁ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020.
( Ban hành kèm theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/05/2007 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (khóa XIII) ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động để cụ thể hoá trong chỉ đạo và điều hành thực hiện với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục đích
Chương trình này xác định nhiệm vụ của các cơ quan hành chính các cấp thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Tỉnh ủy nhằm phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, góp phần giữ vững chủ quyền Quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Yêu cầu
Các cấp, các ngành cần quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết của Tỉnh uỷ, xây dựng chương trình hành động của ngành, cấp mình gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII, các quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm được phân công.
Các địa phương vùng biển, đầm phá theo Chương trình này được xác định gồm: các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế.
1. Nhiệm vụ tổng quát
Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015. Đến năm 2020, Thừa Thiên Huế trở thành một trong nhóm 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu cả nước (với các trung tâm kinh tế phát triển ở thành phố Huế, Chân Mây- Lăng Cô), trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực, đủ sức chủ động hội nhập đầy đủ với các nước trong khu vực và thế giới.
2. Các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể
a) Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đầm phá đến 2020
- Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng phát triển. Phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 15 - 16%/năm thời kỳ 2006 - 2010 và trên 12 - 13%/năm cho thời kỳ sau năm 2010. Nhanh chóng đuổi kịp và vượt mức GDP bình quân đầu người so cả nước ngay trong thời kỳ 2006 - 2010 (đạt trên 1000 USD vào năm 2010, đến năm 2020 đạt trên 2.200 USD).
- Đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại Dịch vụ - Công nghiệp
- Nông nghiệp để phát huy các lợi thế so sánh, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm hàng hoá. Tỉ trọng Công nghiệp trong cơ cấu GDP tăng từ 35,9% năm 2005 lên 42% năm 2010; 46,6% năm 2015. Tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 43,1% năm 2005 lên 45,9% năm 2010; 47,4% năm 2020.
- Tích cực tạo thêm nguồn thu mới cho ngân sách. Phấn đấu đạt tỷ lệ thu ngân sách từ 13-14% GDP vào năm 2010 và trên 14% năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2010, thu ngân sách đạt 2500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD.
- Tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng thành phố Huế, trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tập trung chỉ đạo các công trình trọng điểm sau:
Đường bộ cao tốc Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng, đường Hồ Chí Minh phía Đông đoạn qua tỉnh, hầm đường bộ đèo Phú Gia, Phước Tượng; nâng cấp, mở rộng đường 49A, 49B, đầu tư mới đường 71,74... Phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài; đầu tư mở rộng, nâng công suất, xây dựng thêm các cầu cảng mới tại Chân Mây và hệ thống đê chắn sóng. Hoàn thành công trình hồ Tả Trạch, hệ thống thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà. Hoàn thành dự án chống xói lở bờ sông, bờ biển.
- Đảm bảo phát triển bền vững về xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển văn hoá, xã hội; gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội nhằm trước hết tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan tâm thoả đáng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội đối với khu vực nông thôn. Gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá truyền thống, phát huy các giá trị văn hoá lịch sử của vùng đất cố đô Huế, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Phát huy nhân tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là nguồn lực phát triển quan trọng của Thừa Thiên Huế. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung, cả nước và khu vực.
- Đảm bảo phát triển bền vững về môi trường, phát triển kinh tế xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cho phát triển du lịch.
- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc an ninh nội địa, đảm bảo phòng thủ vững chắc tuyến biên giới trên đất liền và trên biển.
- Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ trong xã hội,...
- Phát huy tối đa lợi thế so sánh của Cố đô Huế, tập trung xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước, thành phố Festival của Việt Nam, một trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học của miền Trung và cả nước; trung tâm thương mại và dịch vụ có sức cạnh tranh với các trung tâm khác trong nước và khu vực.
- Xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một trung tâm kinh tế và đô thị lớn và đô thị phía Nam của tỉnh, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước với các khu chức năng: Cảng và dịch vụ cảng, khu phi thuế quan, khu công nghiệp tập trung, khu du lịch, từng bước xây dựng thành phố Chân Mây hiện đại, văn minh.
b) Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biển và đầm phá (tập trung 42 xã có biển và đầm phá) từ nay đến năm 2012
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vừa là một vùng đặc thù kinh tế, vừa là vùng sinh thái ngập mặn, vừa là khu dự trữ môi trường sinh quyển. Do đó hướng phát triển kinh tế tổng hợp ở Phá Tam Giang - Cầu Hai là bảo vệ nuôi trồng đánh bắt hợp lý, lấy du lịch làm mũi nhọn để phát triển. Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 11 của Tỉnh uỷ (khoá XI), thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 06 (khoá XIII), từ nay đến năm 2012, trên địa bàn 42 xã có biển và đầm phá tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
b.1. Về phát triển kinh tế
- Phát triển thủy sản: Hoàn thành các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Lập đề án phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hoàn thành quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung. Hòan thành quy hoạch các vùng trọng điểm khai thác đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô gắn với việc giao quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý.
Ổn định diện tích nuôi cao triều trên cơ sở đảm bảo hạ tầng vùng nuôi. Chuyển đổi đối tượng nuôi theo hướng đa dạng đối tượng và thân thiện với môi trường. Phát triển và nuôi trồng các loại thủy đặc sản quý hiếm. Đầu tư đồng bộ các hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tập trung (xử lý môi trường, cấp nước, giống, các trung tâm kiểm dịch,…)
+ Ban hành các giải pháp, cơ chế chính sách hữu hiệu để xử lý dứt điểm việc tháo dở nò sáo, gắn với chính sách ”dồn điền, đổi thửa” để tạo thông thoáng luồng lạch, có chính sách hỗ trợ thích hợp để nhân dân chuyển đổi nghề:
+ Xử lý kiên quyết đối với nạn đánh bắt bằng các công cụ và phương tiện huỷ diệt; từng bước chuyển lực lượng khai thác ven bờ ra xa bờ, nâng cao năng lực trong nghề đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ; có lộ trình giải thể các phương tiện khai thác vùng bờ và ven bờ.
+ Xây dựng chính sách ” Treo thuyền” trong mùa cá, tôm sinh đẻ để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, coi đây là hướng bảo tồn bền vững, là một nét đẹp văn hoá của người dân sống trên đầm phá.
+ Nâng cấp cảng cá Thuận An, đầu tư đồng bộ cảng cá Tư Hiền, các bến neo đậu tàu thuyền Phú Hải, Cầu Hai, Tam Giang gắn với mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng cơ sở hạ tầng một số làng cá ven biển; xây dựng các trạm thông tin liên lạc với các tàu cá và hệ thống phương tiện ứng cứu bão lụt.
+ Xây dựng các làng nghề chế biến thủy hải sản có thương hiệu ở Phong Hải, Phú Tân, Lộc Vĩnh, Thuận An,…
- Phát triển nông nghiệp bền vững:
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng.
Ổn định diện tích sản xuất lúa, tăng tỷ lệ giống lúa xác nhận, thâm canh đối với diện tích rau màu. Đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhỏ, nâng cấp các đê nội đồng để ổn định cấp nước cho sản xuất lúa và một số cây trồng khác.
Đầu tư chiều sâu cho phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, gia trại, trang trại gắn với chế biến và tiêu thụ. Hình thành các vùng nuôi tập trung an toàn dịch bệnh.
Bảo vệ vốn rừng hiện có, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng phòng hộ đặc biệt là trồng rừng chắn sóng ven biển, chống sạt lỡ và chống cát bay cát lấp, trồng rừng phòng hộ ở vùng ngập mặn.
- Phát triển du lịch dịch vụ biển và đầm phá
Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế. Lập quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm, điểm du lịch; quy hoạch các điểm dịch vụ phục vụ du lịch trên đầm phá, ven biển.
Khai thác các loại hình du lịch văn hoá, lễ hội dân gian gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sản phẩm du lịch như
”Lăng Cô huyền thoại biển”, ”Thuận An biển gọi”, lễ hội "Cầu Ngư"... Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ, thương mại, hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, sản xuất và bán hàng lưu niệm.
Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu du lịch Quốc gia Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân; hình thành khu du lịch tổng hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Cảnh Dương - Hải Vân - Đảo Sơn Chà. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khai thác du lịch rừng ngập mặn Rú Chá, Cù Dù, Tràm Chim, du lịch sinh thái và đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai, du lịch làng nghề, đầu tư khai thác các bãi tắm biển đẹp ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.
Chú trọng khai thác khách du lịch đường biển, khách du lịch đường bộ theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Quảng bá tiềm năng du lịch biển, đầm phá. Ưu tiên kêu gọi đầu tư vào khu du lịch Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An.
- Phát triển công nghiệp - TTCN, nghề và làng nghề: Đầu tư cơ sở hạ tầng khôi phục và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề, làng nghề truyền thống; gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch
Đầu hạ tầng kỹ thuật hình thành một số khu, cụm công nghiệp tập trung. Khuyến khích hình thành các cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm thủy sản.
b2. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng
Ưu tiên đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, các thiết chế văn hoá - thể thao, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, các khu tái định cư, trụ sở UBND cấp xã, hạ tầng các đô thị tiểu Vùng.
Hoàn thành việc xây dựng các công trình cầu Tư Hiền, Thuận An, đường và cầu Ca Cút, thông tuyến Quốc lộ 49B, đường Lộc Bình - Cảnh Dương; phấn đấu khởi công cầu Vĩnh Tu; nghiên cứu dự án cầu Hà Trung.
Hoàn thành kiên cố hoá kênh mương, và bê tông hoá giao thông nông thôn. Hoàn thành nâng cấp đê Đông Tây - Ô Lâu, đê Tây phá Tam Giang, hệ thống thủy lợi tưới tiêu Điền Hòa, Điền Hải, nâng cấp hệ thống đê sông Thiệu Hóa, Đại Giang, hệ thống kênh tưới tự chảy hồ Truồi, nâng cấp trạm bơm Sư Lỗ; xây mới hệ thống thuỷ lợi Tây Hưng (hệ thống trạm bơm Quảng Lợi, Quảng Thái) giải quyết vấn đề nước tưới cho các xã Quảng Lợi, Quảng Thái. Xây mới hồ Thủy Yên, Thủy Cam kết hợp cấp nước sinh hoạt và sản xuất.
Tầng hoá hệ thống trường học, trạm y tế xã. Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp nước sạch; phấn đấu 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; nâng cấp, cải tạo, nâng cao chất lượng cung cấp điện.
Triển khai công trình kè Tư Hiền, công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương - Thuận An - Hoà Duân và chỉnh trị cảng Thuận An giai đoạn II - hợp phần I.
Lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, các dự án ODA, NGO, nguồn lực trong nhân dân để hoàn thành sớm các công trình, dự án ưu tiên đầu tư.
b3. Phát triển KHCN
Nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của các công trình hồ chứa thượng nguồn ảnh hưởng đến môi trường vùng đầm phá, các vấn đề về tài nguyên vùng đầm phá. Nghiên cứu phương án vận hành, khai thác, sử dụng nguồn nước đầm phá; quy trình vận hành liên hồ chứa thượng nguồn.
Điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vùng ven biển, đầm phá.
Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và quản lý.
b4. Phát triển nguồn nhân lực
Ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông, tạo chuyển biến rõ trong việc nâng cao trình độ dân trí của các xã vùng ven biển, đầm phá; nhất là đối với dân cư thủy diện.
Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để nâng cao khả năng chuyển đổi nghề cho người lao động trong Vùng. Chú trọng đào tạo các nhà quản lý, và đội ngũ nhân viên phục vụ có tính chuyên nghiệp cao.
b5. Phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường
Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý tổng hợp vùng ven bờ đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 18/09/2004. Xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên vùng đầm phá. Ban hành quy định thiết lập hệ thống tự giám sát về môi trường đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh.
Bảo tồn và phát triển dải rừng sinh thái ven biển ngập mặn dọc sông Ô Lâu, Rú Chá (Hương Trà), cửa sông Bù Lù, Quảng Lợi... Bảo tồn nguồn gen thủy đặc sản đầm phá. Bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên.
Xúc tiến xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, khu bảo tồn biển Sơn Chà - Hải Vân.
Xử lý bồi lắng cửa sông, cửa biển, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Xử lý các vấn đề môi trường phát sinh do biến động của các cửa biển, chống xâm thực sông biển. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quan trắc môi trường, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và dự báo, cảnh báo phòng tránh thiên tai, ưu tiên đầu tư các trạm quan trắc ở Chân Mây - Lăng Cô và Thuận An.
b6. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội
Chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng làng, xã, đơn vị, gia đình văn hoá gắn với cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, "đền ơn đáp nghĩa". Tập trung công tác xóa nhà tạm và tái định cư cho đồng bào nghèo cho vùng đầm phá và bãi ngang; phấn đấu mỗi năm giảm 2 -3% tỷ lệ hộ nghèo.
Hoàn thành công tác tái định cư 2.700 hộ dân thủy diện. Cân đối, bố trí giải quyết đất ở đối với các hộ bình quân từ 150 - 200 m2/hộ; đất sản xuất từ 400 – 500 m2/hộ. Có chính sách hỗ trợ nhà ở, ổn định đời sống cho các hộ dân thủy diện sau định cư. Hòan thành hạ tầng thiết yếu ở các khu tái định cư bao gồm điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, âu neo đậu tàu thuyền…
Tăng cường nguồn nhân lực và kỹ thuật y tế cho các trạm y tế xã. Khuyến khích xã hội hóa y tế. Tăng cường truyền thông, vận động thay đổi hành vi, lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ
sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức giảm sinh vững chắc, giảm nhanh tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá – thể thao cơ sở. Xây dựng huyện văn hóa Quảng Điền.
b7. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh
Đẩy mạnh phong trào quốc phòng tòan dân và phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, đưa công tác xây dựng đơn vị cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu đi vào thực chất. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Tăng cường phương tiện ứng cứu, chủ động phòng chống lụt bão.
c) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin
Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIII về Chiến lược biển đến năm 2020 làm cho cán bộ, công chức, viên chức, và tòan dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của biển, đầm phá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm phấn đấu đưa tỉnh ta trở thành tỉnh mạnh về biển của cả nước; tạo sự chuyển biến thực sự trong ý thức của tất cả các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy.
3. Các chương trình dự án trọng điểm
1. Chương trình phát triển khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.
2. Chương trình phát triển du lịch ven biển và đầm phá.
3. Chương trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
4. Chương trình bảo tồn gen và bảo vệ môi trường biển và đầm phá.
5. Chương trình tái định cư và XĐGN dân thủy diện, ven biển và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai.
6. Chương trình sắp xếp nò sáo và chuyển nghề trên đầm phá Tam Giang -Cầu Hai.
7. Chương trình phát triển nông nghiệp tòan diện, trọng tâm là thủy lợi, đê điều.
1. Để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế tiềm năng, cần tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và cụ thể hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; tổ chức lập các quy hoạch chi tiết làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất, kinh doanh.
2. Về vốn: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 15 - 16%, thời kỳ 2006 - 2010 cần huy động trên 40 nghìn tỷ đồng (giá thực tế năm 2006) - tương đương trên 2 tỷ USD, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng (bao gồm cả ODA) chiếm khoảng 38%, nguồn tín dụng 36%, vốn doanh nghiệp và nhân dân đầu tư 15%, vốn đầu tư thực hiện trực tiếp nước ngoài 11%. Thời kỳ 2011-2015 khoảng 100 nghìn tỷ đồng (giá thực tế năm 2006) - tương đương khoảng 6 tỷ USD, thời kỳ 2016-2020 khoảng 200 nghìn tỷ đồng (giá thực tế năm 2006) - tương đương khoảng 12 tỷ USD.
Để có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển, cần thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đặc biệt và tạo lập một môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng để huy động nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế, thu hút vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài;
Vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ có tính đột phá, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước, thuỷ lợi... Do nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn, vì vậy, cần khai thác hợp lý quỹ đất và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng theo các hình thức BOT, BT... để triển khai nhanh các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương để xúc tiến sớm các dự án của Trung ương trên địa bàn và các nguồn lực của Trung ương đầu tư cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao. để chuyển dần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng dịch vụ sang đầu tư chăm lo thực hiện các chính sách xã hội khác.
3. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ, tạo chuyển biến căn bản về giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích và hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý sản xuất - kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gắn các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ với các hoạt động của doanh nghiệp; từng bước hình thành thị trường khoa học, công nghệ.
4. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, sử dụng và phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ, các nghệ nhân và công nhân lành nghề.
5. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá đặc sản; quan tâm phát triển thị trường nông thôn, xây dựng mạng lưới trao đổi hàng hoá với các địa phương trong vùng, trong tỉnh và cả nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch. Xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh.
6. Thực hiện cải cách hành chính. Đơn giản hoá và công khai hoá các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường công tác phân công, phân cấp, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật hành chính, tạo chuyển biến đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là từ các đơn vị cơ sở.
1. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn hiệu lực thi hành thuộc phạm vi điều chỉnh trên vùng biển, đầm phá; đồng thời triển khai thực hiện các đề án, dự án để từng bước thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình này (Phụ lục phân công kèm theo).
2. Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU và Chương trình này, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cấp mình; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm vào cuối quý IV, báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm điều phối bảo đảm thực hiện thống nhất Chương trình này, đồng thời phối hợp Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả lên UBND tỉnh./.
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2093 /QĐ-UBND, ngày 15 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh)
STT | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Nhiệm vụ chủ yếu | Thời gian trình |
1 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Huế | - Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và đầm phá | Năm 2008 |
- Xây dựng kế hoạch huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đầm phá hàng năm. | Hàng năm | |||
2 | Sở Tài chính | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện | - Xây dựng đề án Rà soát và chính sách miễn, giảm các loại phí và lệ ở nông thôn.D36 | 2008 |
3 | Sở Xây dựng | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện | Lập quy hoạch phát triển dải đô thị ven biển | 2008 - 2010 |
4 | Sở Du lịch | Các sở ngành liên quan, UBND TP Huế | Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2020 | 2008 - 2010 |
5 | Sở Thuỷ sản | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện | - Lập đề án Chương trình phát triển tổng thể khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá | Quý I/ 2008 |
- Lập đề án Chương trình sắp xếp nò sáo và chuyển đổi nghề trên vùng đầm phá. Xây dựng chính sách "Treo thuyền" | Năm 2008 | |||
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển thuỷ sản | Năm 2008 | |||
- Đề án ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng, chế biến thuỷ sản | Năm 2008 | |||
6 | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và TP Huế | - Lâp đề án Chương trình Tái định cư và XĐGN dân thuỷ diện vùng biển, đầm phá và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai | Quý I/2008 |
- Lập đề án Chương trình Phát triển hệ thống thuỷ lợi, đê điều gắn với nước sinh hoạt vùng ven biển và đầm phá | Quý IV/2008 | |||
- Xây dựng quy trình vận hành liên hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền và đập Thảo Long | 2008 - 2010 | |||
- Xây dựng đề án chính sách miễn và giảm thuỷ lợi phí | Quý IV/2007 | |||
7 | Sở Công nghiệp | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và TPHuế | - Xây dựng chương trình dự án phát triển nghề và làng nghề trong nông nghiệp, nông thôn vùng ven biển, đầm phá | Quý IV/2007 |
9 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và TP Huế | - Điều tra tài nguyên và môi trường biển | 2008 - 2009 |
- Đề án thành lập Trung tâm quản lý tài nguyên và môi trường biển, theo dõi và cảnh báo thiên tai cấp Vùng | 2009 | |||
10 | Sở Khoa học và Công nghệ | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và TP Huế | - Lập đề án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học biển tại Huế | Năm 2008 |
- Lập đề án Bảo tàng thiên nhiên Vùng Duyên hải miền Trung | Năm 2009 | |||
- Đề án bảo tồn gen, phát triển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản | Năm 2009 | |||
11 | Sở Lao động - TB&XH | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện | Xây dựng đề án đào tạo nghề và chuyển đổi nghề - vùng ven biển và đầm phá | Năm 2008 |
12 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện và TP Huế | - Xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng ven biển và đầm phá | Năm 2008 |
13 | Ban Quản lý Dự án Sông Hương | Các sở ngành liên quan, UBND các huyện | Đánh giá tác động môi trường tổng hợp các công trình hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền đến đầm phá Tam Giang - Cầu Hai | 2008 - 2010 |
Xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên vùng đầm phá | 2008 - 2009 | |||
Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ nguồn nước đầm phá | 2008 - 2010 | |||
14 | UBND các huyện và thành phố Huế |
| Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện kế hoạch này. | Quý IV năm 2007 |
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết 01/2009/NQ-HĐND về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 3Quyết định 1660/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020
Quyết định 2093/QĐ-UBND năm 2007 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020
- Số hiệu: 2093/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/09/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra