Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2088/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 20 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP…;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP…”;

Thông tư số 21/2007/TT-BNN ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 193/2006/QĐ-TTg…”;

Căn cứ Quyết định 122/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV;

Căn cứ Công văn 178/TB-VPCP ngày 05 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về việc hướng dẫn xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đề cương hướng dẫn xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh thời kỳ 2011-2020 tại Công văn số 6069/BKH-CLPT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Trên cơ sở các văn bản của UBND tỉnh Phú Yên: Quyết định 1740/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2010 “Về việc bổ sung dự toán ngân sách năm 2010 cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định 1771/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2010 “Về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020”; Thông báo 695/TB-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 về ý kiến kết luận của đồng chí Lê Kim Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, Thông báo số 726/TB-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2010 về việc ý kiến kết luận của đồng chí Lê Kim Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

Trưởng ban chỉ đạo tại cuộc họp thông qua dự thảo “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 282/SKHĐT- KTXH ngày 13 tháng 12 năm 2010),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh Phú Yên thời kỳ 2011-2020 với các nội dung sau:

I. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN

Diện tích tự nhiên 5.060 km2, dân số năm 2010: 880 nghìn người; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2010 bình quân 12,3 %/năm, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 1994 năm 2010 đạt 4.642 tỷ đồng, giá thực tế đạt 13.765 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 15,8 tr.đồng/năm.

Cơ cấu nền kinh tế ngành Nông - lâm - thủy sản 29,2%, ngành Công nghiệp - xây dựng 34,4%, ngành Dịch vụ 36,4 %.

Cơ cấu lao động theo ngành, lĩnh vực: Nông - lâm - thủy sản 64,9 %, Công nghiệp - xây dựng 13,4 %, Dịch vụ 21,7 %.

1. Hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực

Số người trên 15 tuổi là 641.000 người, trong đó có 78,5 % tham gia lực lượng lao động. Số người đang tham gia lực lượng lao động hiện tại hầu hết là lao động giản đơn; cụ thể:

Phân loại nhanh theo tiêu chí thành thạo về chuyên môn:

- Lao động giản đơn: 62,00%.

- Công nhân kỹ thuật chưa lành nghề: 18,20%.

- Công nhân kỹ thuật lành nghề: 7,80%.

- Kỹ thuật viên (trung cấp, cao đẳng): 6,10%.

- Đại học trở lên: 5,90%.

Phân theo trình độ học vấn:

TT

Chỉ tiêu

2000

2005

2010

I

Tổng số (1.000 người)

518,59

579,84

641,40

1

Chưa bao giờ đi học (không biết chữ)

51,04

38,76

26,36

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

109,55

83,73

57,68

3

Tốt nghiệp tiểu học

192,12

187,31

182,42

4

Tốt nghiệp trung học cơ sở

112,28

176,71

241,60

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

53,60

93,33

133,34

II

Cơ cấu (%)

100

100

100

 

Trong đó:

 

 

 

1

Chưa bao giờ đi học (không biết chữ)

9,84

6,68

4,11

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

21,12

14,44

8,99

3

Tốt nghiệp tiểu học

37,05

32,30

28,44

4

Tốt nghiệp trung học cơ sở

21,65

30,48

37,67

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

10,34

16,10

20,79

2. Hiện trạng các cơ sở đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh

2.1. Mạng lưới cơ sở đào tạo:

Hệ đại học: Trường Đại học Phú Yên quy mô đào tạo 3.053 sinh viên với khoảng 25 chuyên ngành ở 3 cấp học; tập trung cho các lĩnh vực: sư phạm, kinh tế, nông - lâm nghiệp, tin học,…

Hệ cao đẳng:

- Trường Cao đẳng Xây dựng số 3: quy mô đào tạo 4.859 học sinh, sinh viên với 18 chuyên ngành ở các cấp học, tập trung lĩnh vực: Xây dựng, kiến trúc, kinh tế xây dựng, …

- Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa: quy mô đào tạo 6.281 học sinh, sinh viên với khoảng 30 chuyên ngành ở các cấp học, tập trung lĩnh vực: Công nghiệp, kinh tế, môi trường, địa chất, trắc địa, tin học…

Hệ khác:

- Học viện Ngân hàng: quy mô đào tạo 1.068 học sinh, sinh viên với 3 chuyên ngành ở các cấp học, tập trung lĩnh vực: tài chính - ngân hàng.

- Trường Trung học Y tế: quy mô đào tạo 1.200 học viên với 3 chuyên ngành.

- Ngoài các trường nêu trên, Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh liên kết với các trường đại học trong nước đào tạo với quy mô 2.259 học viên với 25 chuyên ngành ở các cấp học, tập trung lĩnh vực: xây dựng, kinh tế, tin học, ngoại ngữ, quản lý hành chính, luật, …

2.2. Mạng lưới dạy nghề:

- Hệ thống dạy nghề: hiện tại có 20 cơ sở dạy nghề (17 cơ sở công lập, 3 cơ sở ngoài công lập); trong đó: 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề (đang được đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2011), 9 trung tâm dạy nghề và 9 cơ sở khác có tham gia dạy nghề với quy mô đào tạo 13.200 người/năm (kể cả các trường đại học, cao đẳng có dạy nghề). Hiện tại các cơ sở dạy nghề chỉ mới đào tạo được các nghề đơn giản có thời gian đào tạo ngắn hạn; các nghề kỹ thuật cao rất hạn chế; các cơ sở dạy nghề vừa yếu về vật chất, vừa thiếu về giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động.

3. Nhân lực đào tạo

Hiện trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường thuộc mạng lưới đào tạo và dạy nghề của tỉnh vừa thiếu vừa yếu; số giáo viến cơ yếu có học vị là tiến sĩ ít, chưa có giáo viên được phong hàm giáo sư hoặc phó giáo sư cụ thể:

Đối với các cơ sở đào tạo:

Chỉ tiêu

Tổng số giáo viên cơ hữu

Trình độ

Tiến sĩ

Thạc sĩ
(sau đại học)

Đại học

Cao đẳng

Tổng số

 

 

 

 

 

Các cơ sở trực thuộc địa phương

 

 

 

 

 

- Trường Đại học Phú Yên

144

6

71

67

2

- Trường Trung cấp Y tế

27

 

10

10

 

Các cơ sở trực thuộc Trung ương

 

 

 

 

 

- Trường Cao đẳng Xây dựng số 3

145

2

37

105

1

- Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (7 đang nghiên cứu sinh tiến sĩ)

200

 

92

131

7

- Học viện ngân hàng

43

 

20

23

 

Đối với các cơ sở dạy nghề:

Chỉ tiêu

Số cơ sở DN

Tổng số CBGV

Số GVDN

Số GVD VH

Tổng số GV

Tổng số

20

784

615

0

615

1. Cơ sở trực thuộc địa phương

17

340

243

0

243

- Công lập

15

315

210

0

210

- Ngoài công lập

3

40

33

0

33

2. Cơ sở trực thuộc Trung ương

02

429

362

0

362

Giáo viên dạy nghề có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 62%; trình độ trên đại học chiếm 21%; còn lại là trình độ khác (trung cấp, CNKT, thợ lành nghề).

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo chất và lượng.

- Đầu tư phát triển nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của xu thế toàn cầu hóa, phục vụ các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cần xem yếu tố con người là trọng tâm. Đào tạo gắn liền với nhu cầu của xã hội.

- Xem nâng cao trình độ dân trí là yếu tố nền tảng để phát triển nguồn nhân lực và triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Xem giáo dục đào tạo là “Quốc sách hàng đầu”, là chìa khóa để nâng cao trình độ dân trí và phát triển nhân lực.

- Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục đào tạo cần được xem là giải quyết cơ bản để phát triển ngành giáo dục đào tạo, khắc phục được những khó khăn về ngân sách và khả năng có hạn của nhà nước.

- Coi trọng và đề cao vai trò của tầng lớp trí thức, trong đó đặc biệt chú trọng những người có năng khiếu, có tài năng.

- Tạo mọi điều kiện để phát triển dân chủ, đề cao vai trò cá nhân trong hoạt động sáng tạo, phát minh sáng chế.

- Quá trình nâng cao dân trí và phát triển nhân lực phải đảm bảo công bằng xã hội, trong đó hết sức chú ý đến tầng lớp thu nhập thấp.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

- Đào tạo, nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho kinh tế trí thức phát triển.

- Xây dựng các cơ chế động lực, cơ chế tuyển chọn, bố trí, đánh giá, thăng tiến và kích thích để sử dụng tốt những người tài, khai thác tốt nhất yếu tố con người.

- Duy trì phổ cập giáo dục THCS, nâng cao trình độ học vấn của nguồn nhân lực, tiến tới phổ cập THPT.

- Đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2011-2015: 13,5 %/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 38,4 triệu đồng/năm.

- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP giai đoạn 2011-2015: nông - lâm - thủy sản: 19,9%, công nghiệp - xây dựng: 41,1%, dịch vụ 39%.

- Giai đoạn 2016-2020: GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 3.000 USD/năm, cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP giai đoạn 2015-2020: nông - lâm - thủy sản: 10%, công nghiệp - xây dựng: 47%, dịch vụ 43%.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% (trong đó đào tạo nghề 41%), đến năm 2020 đạt 67% (trong đó đào tạo nghề 51%).

IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC THỜI KỲ 2011-2020

1. Phương hướng phát triển chung

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí vai trò quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị các cơ sở đào tạo nghề hiện có; đồng thời bố trí mạng lưới giáo dục, đào tạo hợp lý đảm bảo phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn với đổi mới công tác quản lý, chương trình dạy và học; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý.

- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

- Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp trong công tác giáo dục - đào tạo.

- Có chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tạo ra nhiều ngành nghề, việc làm mới; gắn với việc mở rộng và đa dạng các loại hình thông tin về thị trường lao động…

2. Dự báo cung và cầu lao động

a) Dự báo nhu cầu lao động và cơ cấu lao động cho các lĩnh vực đến năm 2020:

TT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Dự báo 2015

Dự báo 2020

I

Tổng số

1.000 người

526.887

560.000

1

Công nghiệp - xây dựng

 

123.818

173.600

2

Nông, lâm, ngư nghiệp

 

231.830

156.800

3

Dịch vụ

 

171.238

229.600

II

Cơ cấu

%

100,00

100,00

1

Công nghiệp - xây dựng

 

23,50

31

2

Nông, lâm, ngư nghiệp

 

44,00

28,00

3

Dịch vụ

 

32,50

41,00

b) Dự báo cung lao động:

Giai đoạn 2011-2015 bình quân đào tạo 25 nghìn lao động /năm (kể cả lao động thay thế do nghỉ hưu, chết, chuyển sang ngành nghề khác; đào tạo lại nâng cao, …), trong đó dạy nghề 18 – 20 nghìn lao động/năm..

Giai đoạn 2016-2020 bình quân đào tạo 21 nghìn lao động/năm, trong đó đào tạo dạy nghề 18 nghìn lao động/năm (Số lượng đào tạo ít hơn giai đoạn 2011-2015 nhưng thời gian đào tạo dài hơn do giai đoạn này chuyển sang đào tạo chuyên sâu dài hạn).

3. Phương hướng, nhiệm vụ cụ thể

a) Nâng cao trình độ học vấn của nhân lực:

Phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với chuẩn hóa về cơ sở vật chất và phân bố dân cư. Tập trung đầu tư để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu để mọi thành viên của cộng đồng đều được hưởng thụ giáo dục, nâng cao dân trí.

- Đến năm 2020: Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ >50%. Tỷ lệ trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 90%. Riêng trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 11-15 đến trường PTCS: 99%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 16-18 đến trường THPT trên 70% và trung học nghề trên 20%.

- Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lực lượng giáo viên, giữ vững 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ sư phạm.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học, phấn đấu đến năm 2020 có 100% trường phổ thông trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia và các trường đều có đủ phòng học để học 2 buổi/ngày /lớp.

Coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, chú trọng giáo dục trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng ven biển.

Coi trọng chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên cơ sở nắm bắt, dự báo đúng theo xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước, cũng như xuất khẩu lao động trong tương lai.

b) Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân lực:

- Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật:

Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để đào tạo đội ngũ lao dộng có chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế. Gắn kế hoạch đào tạo nghề với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh dạy nghề, công nhân kỹ thuật, phát huy vai trò của các trường cao đẳng và các trường trung học có dạy nghề hiện có của tỉnh. Mở rộng các ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa các phương thức đào tạo và cho phép các thành phần kinh tế mở trường đào tạo nghề.

Đầu tư trường Đại học Phú Yên phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của tỉnh và khu vực. Hỗ trợ các trường Cao đẳng Xây dựng số 3, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đầu tư, nâng cấp thành các trường đại học; mở rộng và nâng cấp Phân viện Học viện Ngân hàng, nâng cấp trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng Y tế sau đó thành khoa y - dược của trường Đại học Phú Yên.

Đầu tư có chiều sâu trường Cao đẳng nghề, Trường trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi; phấn đấu mối trường có từ 3 - 5 nghề đào tạo đạt trình độ quốc tế.

Ngành nghề đào tạo:

- Coi trọng đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, kỹ sư thực hành và nhà quản lý kinh doanh giỏi; đặc biệt chú trọng nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn như: công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng điện (thủy điện, phong điện,…), du lịch, dịch vụ, ngoại ngữ, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành liên quan đến kinh tế biển (đánh bắt thủy sản, chế biến, nuôi trồng,…).

- Các ngành nghề đào tạo để cung cấp cho khu công nghiệp, khu kinh tế: điện công nghiệp; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; công nghệ ô tô; chế biến thực phẩm; kế toán doanh nghiệp; hàn; cắt gọt kim loại; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; kiểm nghiệm chất lượng lương thực, thực phẩm; may thời trang; quản trị doanh nghiệp…

Nhóm nhân lực đặc biệt:

- Đội ngũ cán bộ, công chức: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng và vận hành hệ thống chính trị hiệu quả, xây dựng và thực hiện nền công vụ ở địa phương hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2011-2015: 100% Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức quản lý chương trình chuyên viên cao cấp; 100% cán bộ giữ chức Trưởng phòng cấp sở, cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính. 100% cán bộ công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội ở địa phương, 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn.

Giai đoạn 2016-2020: 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước; kỹ năng giao tiếp, thực thi công vụ.

Nhân lực khu vực sự nghiệp: Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao.

Cơ cấu lao động qua đào tạo đến năm 2020:

TT

Chỉ tiêu

2011

2015

2020

I

Tổng số lao động

495.517

526.887

560.000

II

Nhu cầu lao động qua đào tạo

 

 

 

1

Tống số

201.285

289.788

375.200

2

Tỷ lệ so tổng số lao động làm việc (%)

40,60

55,00

67,00

3

Theo các trình độ

 

 

 

a

Dạy nghề

140.138

216.024

285.600

-

Đào tạo ngắn hạn

54.507

52.689

43.680

-

Sơ cấp nghề

40.632

79.033

107.520

-

Trung cấp nghề

40.632

73.764

106.400

-

Cao đẳng nghề

4.366

10.538

28.000

b

Trung cấp chuyên nghiệp

16.848

22.656

27.328

c

Cao đẳng

14.717

17.976

23.520

d

Đại học

29.087

32.562

38.080

e

Trên đại học

496

606

672

III

Cơ cấu lao động qua đào tạo

100 %

100 %

100 %

a

Dạy nghề

28,30

41,00

51

 

Đào tạo ngắn hạn

11,00

10,00

7,80

 

Sơ cấp nghề

8,20

15,00

19,20

 

Trung cấp nghề

8,20

14,00

19,00

 

Cao đẳng nghề

0,90

2,00

5,00

b

Trung cấp chuyên nghiệp

3,40

4,30

4,88

c

Cao đẳng

2,97

3,41

4,20

d

Đại học

5,87

6,18

6,80

e

Trên đại học

0,10

0,115

0,12

c) Tạo việc làm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực:

Phát triển việc làm và nâng cao chất lượng việc làm, cải thiện cơ cấu việc làm. Cần phải chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, đến năm 2020 lao động nông lâm ngư nghiệp chỉ cần khoảng 27 - 29%, phần còn lại chuyển sang ngành nghề mới, mặt khác hằng năm cần phải tạo việc làm mới cho số thanh niên bước vào tuổi lao động.

Dự báo cơ cấu lao động theo ngành nghề vào năm 2015, lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 23,5%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 44% và dịch vụ chiếm 32,5%; tương ứng đến năm 2020 tỷ lệ này là 31%, 28%, 41%.

d) Hợp lý hóa phân bố nhân lực theo lãnh thổ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn trong tỉnh:

Phân bổ nhân lực theo thành thị - nông thôn

- Thành thị: Với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực công nghiệp và dịch vụ, tốc độ đô thị hoá đến năm 2020 cũng sẽ diễn ra rất nhanh. Qua tính toán dự báo, tỷ lệ đô thị hóa sẽ nâng từ 23% năm 2010 lên 50% vào năm 2020. Kinh tế của các đô thị này sẽ hình thành và phát trển với cơ cấu kinh tế mà tỷ trọng lớn là công nghiệp-TTCN và dịch vụ, phát triển kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Nông thôn: Kinh tế của khu vực nông thôn sẽ hình thành và phát triển với cơ cấu kinh tế mà tỷ trọng lớn là nông nghiệp - công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ.

Phân bổ nhân lực theo vùng tự nhiên, đơn vị hành chính

+ Vùng ven biển và biển: Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, phát triển công nghiệp, dịch vụ (tập trung các ngành: y tế, giáo dục đào tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, viễn thông…), du lịch, bảo vệ môi trường, công nghiệp đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản… và là tiểu vùng kinh tế động lực của tỉnh, do vậy đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải cao.

+ Vùng đồng bằng: Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái.

+ Vùng trung du, miền núi: Nhu cầu nguồn nhân lực chủ yếu phục vụ để phát triển mạnh nông, lâm nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân vi sinh, khai thác gỗ và chế biến giấy, lâm sản…

3. Các chương trình, dự án ưu tiên

a) Chương trình đào tạo nhân lực (đào tạo mới):

Xác định nhu cầu đào tạo mới về nguồn nhân lực theo các đối tượng lao động chưa qua đào tạo nghề; đối tượng lao động chuyển đổi nghề, các ngành các cấp xây dựng Chương trình đào tạo nhân lực giai đoạn 2011-2015 và Chương trình đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020. Từ đó hàng năm đánh giá và lập kế hoạch đào tạo mới nguồn nhân lực.

b) Chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân lực:

Mỗi doanh nghiệp và người sử dụng lao động, các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải lập chương trình 5 năm 2011-2015 và 2016-2020 về đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ công nhân viên và người lao động của cơ quan, đơn vị mình, từ đó hàng năm có kế hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng sát với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

c) Chương trình, dự án phát triển nhân lực các nhóm đặc thù:

- Chương trình phát triển nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

- Chương trình/dự án phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.

- Chương trình/dự án phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.

- Chương trình/dự án phát triển nguồn nhân lực là công nhân kỹ thuật phục vụ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

- Dự án đào tạo lao động các nghề đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các làng nghề truyền thống.

- Chương trình đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ.

- Chương trình phát triển nhân lực công nghệ thông tin.

d) Chương trình, dự án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực.

- Về hệ thống giáo dục phổ thông:

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hoá trường, lớp học; chỉ đạo xây dựng trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia ở các ngành học, bậc học. Phấn đấu 100% số trường phổ thông trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia và các trường đều có đủ phòng học để học 2 buổi/ngày/lớp.

* Các dự án ưu tiên trong giai đoạn quy hoạch:

- Hoàn thành Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2011-2015.

- Thành lập và xây mới các dự án trường THCS, trường THPT theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng mới Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đạt chuẩn quốc gia.

- Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp.

- Về hệ thống đào tạo chuyên nghiệp:

Hình thành hệ thống trung học chuyên nghiệp, đại học và cao đẳng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý. Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế. Gắn kế hoạch đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng các ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa các phương thức đào tạo và cho phép các thành phần kinh tế mở trường đào tạo nghề.

Khuyến khích các trung tâm giáo dục thường xuyên liên kết với các trường, trong và ngoài tỉnh tham gia đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

* Các dự án ưu tiên đầu tư (xếp theo thứ tự ưu tiên) trong giai đoạn quy hoạch:

+ Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường Đại học Phú Yên phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp.

+ Đầu tư nâng cấp thành các trường đại học nâng cấp trường Trung học Y tế thành trường Cao đẳng Y tế và sau đó thành khoa y - dược của Trường Đại học Phú Yên.

+ Xây dựng ký túc xá sinh viên (giai đoạn 2011-2015).

+ Đầu tư hoàn thiện hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố (giai đoạn 2011-2020).

+ Hỗ trợ đầu tư xây dựng: Nâng cấp trường Cao đẳng Xây dựng số 3 thành trường Đại học Xây dựng Miền Trung, trường Cao đẳng Công nghiệp thành trường Đại học Công nghiệp Tuy Hòa, đầu tư chiều sâu và mở rộng Phân viện Học viện ngân hàng.

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề:

Tiếp tục đầu tư chiều sâu và đầu tư mở rộng trường cao đẳng dạy nghề, Trường trung cấp dạy nghề thanh niên các dân tộc Phú Yên (Sơn Hòa).

Đầu tư nâng cấp trung tâm dạy nghề thị xã Sông Cầu và huyện Đông Hòa thành các trường Trung cấp nghề.

Sau năm 2015 các trung tâm dạy nghề các huyện khác nâng cấp phát triển thành các trường dạy nghề, tiếp tục đầu tư chiều sâu, trang thiết bị hoàn chỉnh.

Dự kiến năng lực các cơ sở dạy nghề trên địa bàn (tỉnh) hoặc trực thuộc Bộ ngành quản lý đến năm 2020: 25,4 nghìn người/năm, đáp ứng trên 75%, nhu cầu học nghề của người lao động.

Dự kiến năng lực các cơ sở đào tạo trên địa bàn (tỉnh) hoặc trực thuộc Bộ ngành quản lý đến năm 2020: 20 nghìn người/năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu học nghề của người lao động.

V. NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC

1. Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

- Nhu cầu vốn cho đào tạo nhân lực thời kỳ 2011-2020: 12.890 tỷ đồng. Trong đó: thời kỳ 2011-2015: 5.360 tỷ đồng; thời kỳ 2016-2020: 7.530 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực thời kỳ 2011-2020: 8.526 tỷ đồng. Trong đó: thời kỳ 2011-2015: 4.696 tỷ đồng; thời kỳ 2016-2020: 3.830 tỷ đồng.

* Dự kiến cơ cấu huy động vốn đầu tư:

- Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (kể cả các chương trình, dự án): 75 - 80%.

- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh: 15-16%.

- Nguồn vốn từ dân và các doanh nghiệp: 7-8%.

2. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

- Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực:

- Hoàn thiện pháp luật về phát triển nhân lực.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lí, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý.

- Cải tiến, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành để nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích phát triển nhân lực

- Chính sách đầu tư và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực.

- Chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội.

- Chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực.

- Chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài.

- Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động.

4. Mở rộng, tăng cường hợp tác phát triển nhân lực

- Mở rộng hợp tác với các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học của Trung ương và các trung tâm kinh tế lớn trong nước để đào tạo nhân lực trình độ cao, nhân lực các ngành, lĩnh vực mà các cơ sở trong tỉnh chưa đào tạo. Phối hợp giữa Phú Yên với các Bộ, ngành Trung ương trong đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao. Liên kết đào tạo với các trường đại học lớn của quốc gia để đào tạo bậc đại học và sau đại học (đại học Huế, đại học Đà Nẵng, đại học TP Hồ Chí Minh…)

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên để trao đổi, hợp tác cùng phát triển nguồn nhân lực đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đồng thời điều hoà tốt năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo trên từng địa bàn tỉnh.

- Tranh thủ tối đa các mối quan hệ với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài để đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch sau khi phê duyệt; hướng dẫn các ngành, địa phương cụ thể hóa quy hoạch đưa vào kế hoạch 5 năm, hàng năm.

- Các sở ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào định hướng quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh để xây dựng thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành, địa phương và triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch nhân lực để bổ sung các chính sách và giải pháp mới cho phù hợp với điều kiện.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch; hướng dẫn các ngành, địa phương cụ thể hóa quy hoạch đưa vào kế hoạch hàng năm, 5 năm.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; chủ quy hoạch; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Kim Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2088/QĐ-UBND năm 2010 về quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 2088/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Kim Anh
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản