HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 207-HĐBT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA CHẤT LƯỢNG HÀNG XUẤT KHẨU
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh đối với chất lượng hàng hoá xuất khẩu, đồng thời bảo đảm uy tín của Nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh doanh trực tiếp ký hợp đồng mua bán với nước ngoài về hàng xuất khẩu phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước khách hàng về chất lượng hàng xuất khẩu của mình.
Trường hợp xuất khẩu theo phương thức uỷ thác thì đơn vị uỷ thác phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng xuất khẩu.
Điều 2. Hàng xuất khẩu theo bất kỳ phương thức nào, đều phải được kiểm tra chất lượng và phải có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền mới được cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất qua cửa khẩu.
Điều 3. Bộ, Tổng cục có hàng xuất khẩu, được phép chỉ định các cơ quan kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu theo ngành kinh tế kỹ thuật để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng xuất khẩu, sau khi có sự nhất trí bằng văn bản của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng).
Điều 4. Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thể cho phép những cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp xuất khẩu được quyền tự kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá xuất khẩu, sau khi có sự nhất trí bằng văn bản của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng).
Điều 5. Các tổ chức làm nhiệm vụ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá xuất khẩu ở điều 3 và điều 4 phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có đủ tư cách pháp lý để chịu trách nhiệm đối với những kết luận về chất lượng hàng do mình kiểm tra.
- Có cán bộ đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để kiểm tra chất lượng hàng hoá.
- Có đầy đủ trang thiết bị cần thiết để kiểm tra chất lượng hàng hoá.
Điều 6. Các tổ chức làm nhiệm vụ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng xuất khẩu phải bảo đảm sự chính xác và trung thực; chịu trách nhiệm về hành chính và kinh tế đối với hoạt động của mình; chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ và thanh tra của cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng, theo các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá; bị huỷ bỏ quyền tự kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng xuất khẩu khi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cấp giấy chứng nhận và khi hàng xuất khẩu do mình cấp giấy chứng nhận bị khách hàng khiếu nại nhiều lần.
Điều 7. Cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có trách nhiệm thanh tra giám sát hoạt động của các tổ chức trên theo sự phân cấp quản lý của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm trong hoạt động kiểm tra của các tổ chức này và kiến nghị với Bộ, Tổng cục hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu về hình thức xử lý.
Điều 8. Những cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được quyền tự kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hàng xuất khẩu có thể ký hợp đồng uỷ thác cho các tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hàng hoá nói ở Điều 3 và Điều 4.
Điều 9. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thi hành Quyết định này ở các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.
Điều 10. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 11. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; những điều quy định trước đây trái với Quyết định này đều bỏ.