Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2058/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP CỦA NHÂN LOẠI - HÁT XOAN PHÚ THỌ (GIAI ĐOẠN 2013 - 2020)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 241/TTr-BVHTTDL ngày 17 tháng 10 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013-2020),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013-2020) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên đề án: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013 - 2020).

2. Mục tiêu của Đề án:

a) Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

b) Đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đầu tư tu bổ, phục hồi 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ đạt 40%; bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.

c) Phấn đấu đến năm 2020, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại gắn với Hát Xoan; nâng tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ lên 70%; hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa.

3. Nhiệm vụ và nội dung thực hiện

a) Giai đoạn 2013-2015:

- Tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các bài Hát Xoan, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa Hát Xoan;

- Phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành Hát Xoan trong cộng đồng địa phương;

- Tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm gắn với Hát Xoan tại các phường Xoan gốc; phục hồi không gian diễn xướng Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương;

- Triển khai chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng Hát Xoan;

- Thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương;

- Quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Hát Xoan trong nước và với bạn bè quốc tế;

- Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các phường Hát Xoan.

b) Giai đoạn 2016-2020

- Phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường Hát Xoan, các di tích Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương;

- Tiếp tục đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến Hát Xoan; truyền dạy Hát Xoan, khôi phục các tục lệ, lễ hội truyền thống ở các địa phương có Hát Xoan lan tỏa;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương có phường Xoan gốc và vùng lân cận để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Hát Xoan;

- Tăng cường đưa Hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể.

4. Các dự án thành phần

a) Dự án "Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan";

b) Dự án "Truyền dạy các bài Xoan cổ trong cộng đồng";

c) Dự án "Phục hồi, bảo tồn các diễn xướng Hát Xoan; các tục lệ, nghi thức, lễ hội Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ";

d) Dự án "Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích liên quan đến Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ";

đ) Dự án "Nâng cao năng lực quản lý cho các phường, câu lạc bộ Xoan; xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan";

e) Dự án "Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ".

5. Thời gian thực hiện:

a) Giai đoạn 2013 - 2015: Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan; truyền dạy các bài Xoan cổ trong cộng đồng các phường Xoan gốc; quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích liên quan đến Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; phục hồi, bảo tồn các diễn xướng Hát Xoan, các tục lệ, nghi thức, lễ hội Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; nâng cao năng lực quản lý cho các phường, câu lạc bộ Xoan; xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của các dự án Giai đoạn 2013 - 2015; đầu tư khôi phục, hỗ trợ tu bổ các di tích và các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các địa phương có Hát Xoan lan tỏa; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan; đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình dịch vụ nhằm phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Xoan.

6. Kinh phí thực hiện Đề án

a) Dự kiến kinh phí thực hiện: 165 tỷ đồng

b) Nguồn kinh phí:

- Nguồn ngân sách Trung ương: nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa;

Đối với phần hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án sẽ được xác định căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành;

- Nguồn ngân sách địa phương lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội;

- Nguồn vốn huy động xã hội hóa;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn, các đơn vị có liên quan trên địa bàn triển khai các nội dung, nhiệm vụ của đề án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ;

b) Chỉ đạo thực hiện khai thác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn nữa giá trị lịch sử - văn hóa di sản Hát Xoan và các di tích liên quan đến Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương làm cơ sở cho việc lập, tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần;

c) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đề án theo đúng nội dung đã được phê duyệt và quy định hiện hành;

d) Trên cơ sở Đề án được duyệt triển khai lập và phê duyệt các dự án thành phần theo từng giai đoạn và tổ chức triển khai thực hiện;

đ) Chủ động cân đối phần vốn thuộc trách nhiệm ngân sách địa phương để thực hiện các dự án thành phần theo tiến độ Đề án được duyệt; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội cùng đầu tư thực hiện đề án.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm

- Chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Đề án bảo đảm đúng tiến độ, mục tiêu đề ra;

- Thẩm định, hướng dẫn về chuyên môn đối với các dự án thành phần có liên quan, các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích liên quan đến Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ phù hợp với quy định của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất lựa chọn danh mục các dự án thành phần phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn hàng năm và theo từng giai đoạn; xác định mức hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện các nhóm dự án thành phần được phê duyệt trong phạm vi Đề án này phù hợp với các quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ sử dụng và thanh quyết toán các nguồn vốn theo quy định hiện hành; nghiên cứu ban hành các cơ chế về tài chính nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để thực hiện Đề án.

5. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước về di sản văn hóa Hát Xoan; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan thực hiện đưa Hát Xoan vào chương trình giảng dạy của các trường đào tạo về văn hóa - nghệ thuật và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

7. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh; Phú Thọ, Vĩnh Phúc để thực hiện đề án trong phạm vi, thẩm quyền của mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban UNESCO Việt Nam (Bộ NG);
- Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- Hội Di sản văn hóa Việt Nam;
- UBND các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc;
- Sở VHTTDL các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHQT, V.III, TKBT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2058/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013-2020) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2058/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản