Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2048/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 20 tháng 7 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông báo số 1623-TB/TU ngày 24/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 1627/TT-KHĐT ngày 10/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH
1. Phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tiên Yên phải được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng kinh tế và các tỉnh vùng Đông Bắc.
2. Phát huy những lợi thế so sánh, huy động cao nhất các nguồn nội lực kết hợp với tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.
3. Phát triển kinh tế lấy nông - lâm nghiệp - thủy sản làm nền tảng, dịch vụ - thương mại làm khâu "đột phá", kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
4. Phát triển kinh tế kết hợp với khai thác hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên.
5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh về nguồn lực tự nhiên và vị trí địa lý của huyện, lấy nông - lâm nghiệp - thủy sản làm nền tảng, dịch vụ - thương mại làm khâu "đột phá" để tạo bước phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu xây dựng Tiên Yên trở thành đô thị loại IV vào năm 2016 - 2017, tiến tới tái lập thị xã Tiên Yên có chức năng tổng hợp - liên kết vùng của vùng biên giới Việt - Trung, khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, khu vực tập kết trung chuyển hàng hóa qua biên giới và là cơ sở hậu cần cho các khu kinh tế mở. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá trị gia tăng) giai đoạn 2016-2020 đạt 14%. Giai đoạn 2021 -2030 đạt khoảng 12,7%/năm.
- Cơ cấu giá trị tăng thêm: Năm 2020, nông nghiệp chiếm 40%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21%; dịch vụ chiếm 39%. Năm 2030, nông nghiệp chiếm 35%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25%; dịch vụ chiếm 40%.
- Giá trị gia tăng bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 4.000 USD; năm 2030 đạt khoảng 14.000 USD.
- Phấn đấu mức tăng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 18%/năm; giai đoạn 2021 -2030 bình quân đạt 20%/năm.
b) Về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo:
- Tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2016-2020 khoảng 1,0%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia mới) còn dưới 2% giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đưa 04 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi tiêu chí xã đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 65% (trong đó có ít nhất 50% người dân tộc được đào tạo nghề) và đến năm 2030 đạt khoảng 80%.
- Đến năm 2020: tỷ lệ bác sỹ đạt 10 bác sỹ/vạn dân, số giường bệnh đạt mức 45 giường/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 8%; 99% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
- Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã có điểm hoạt động thể thao và vui chơi giải trí. Số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt từ 30-40%.
- Tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở của huyện. Phấn đấu đến năm 2020: Duy trì 100% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 95% số trường tiểu học và 85-90% số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; sau năm 2020: 100% các trường đạt chuẩn quốc gia. Duy trì và phát triển hệ thống nội trú dân nuôi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
c) Về bảo vệ môi trường:
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020: 100% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đến năm 2030 tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đạt 98%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt 98% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn và xử lý y tế đạt 98% vào năm 2020 và đạt 100% vào năm 2030.
d) Về xây dựng nông thôn mới; Phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt đủ tiêu chuẩn nông thôn mới.
e) Về đảm bảo an ninh - quốc phòng: Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chủ động phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Tiên Yên trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh.
III. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực:
1. Phát triển nông nghiệp:
- Tập trung phát triển kinh tế thủy sản và lâm nghiệp tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp (GTGT) giai đoạn 2016-2020 đạt 6,6%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 4%/năm.
- Trồng trọt: Nâng cao hệ số sử dụng đất, nghiên cứu chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây hiệu quả kinh tế cao hơn. Ổn định vùng an ninh lương thực. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa, tập trung đầu tư các mô hình sản xuất chuyên canh; phối hợp với các địa phương lân cận phát triển vùng nguyên liệu Ba kích, vùng nguyên liệu sản xuất Miến rong, dược liệu.
- Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp với chu trình khép kín gắn với phòng trừ dịch bệnh và kiểm soát được môi trường, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh và thương hiệu,... Đối với chăn nuôi gà: Tiếp tục thực hiện quy trình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Tiên Yên.
- Lâm nghiệp: Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn xây dựng và bảo vệ vốn rừng với khai thác, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khai thác rừng phải gắn với bảo vệ môi trường. Khai thác rừng phải gắn với bảo vệ môi trường. Đối với rừng phòng hộ, tăng nhanh độ che phủ, chất lượng rừng nhằm đảm bảo tối đa các yêu cầu phòng hộ. Phát triển cây đa mục đích vừa có chức năng phòng hộ, vừa có hiệu quả kinh tế. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn; Đối với rừng sản xuất: Tạo các vùng nguyên liệu gỗ tập trung theo hướng thâm canh gắn với công nghiệp chế biến. Chuyển dần diện tích trồng keo hiệu quả thấp sang trồng thông nhựa, cây gỗ lớn và cây bản địa có hiệu quả kinh tế cao; trồng xen canh dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng.
- Thủy sản: Ưu tiên nuôi trồng thủy sản nước lợ, kết hợp với bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn. Tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao như tôm, cua. Phát triển các vùng nuôi tập trung theo hướng thâm canh (tại 4 xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng, Đồng Rui), xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản theo hướng gia tăng giá trị, giảm việc xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu. Sản xuất thủy sản theo hướng bán thâm canh và thâm canh, tiến tới phát triển theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường) an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng bước quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ tại xã Hải Lạng.
2. Phát triển công nghiệp, xây dựng
- Phát triển công nghiệp theo hướng “phát triển xanh” tạo không gian phát triển dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng (GTGT) giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 17,0%/năm; giai đoạn 2021- 2030 đạt khoảng 14,8%/năm.
- Khai thông đường cao tốc ở phía Nam Tiên Yên, nút giao lập thể được xây dựng ở vùng giao với quốc lộ 4B. Khu công nghiệp Tiên Yên được xây dựng ở khu vực phía Nam giao giữa thị trấn Tiên Yên và xã Đông Ngũ (phía Đông Bắc nút giao lập thể), sẽ tập trung thu hút các ngành chế biến nông lâm sản và được kết hợp với chức năng dịch vụ logistics, dịch vụ kho vận dự trữ tạm thời hàng hóa ở Tiên Yên sản xuất ra, thu gom hàng nông sản, lâm sản được chuyển từ Lạng Sơn và các khu vực xung quanh tới, trung chuyển hàng hóa qua biên giới, đồng thời là cơ sở hậu cần cho các khu kinh tế mở tương lai.
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với các nguồn nguyên liệu tại địa phương như: gạch không nung, gạch tuynel, đá xay, cát, đá sỏi,...Thu hút các doanh nghiệp phát triển các cơ sở may gia công xuất khẩu nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện và Công nghiệp sửa chữa cơ khí, máy móc, phương tiện vận tải phục vụ cho khu công nghiệp và khu kinh tế mở trong tương lai.
3. Phát triển dịch vụ
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ (GTGT) giai đoạn 2016-2020 đạt 18,0%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 15,3%/năm.
- Thương mại: Giai đoạn từ 2015-2020, giữ nguyên chợ Trung tâm Tiên Yên; nghiên cứu mở rộng không gian thương mại, dịch vụ ở khu vực trung tâm các xã dọc Quốc lộ 18A, 18C, 4B; xây dựng điểm dừng chân kết hợp với trung tâm thương mại với quy mô liên kết vùng tại nút giao quốc lộ 4B và quốc lộ 18A; cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ hiện có, nghiên cứu xây dựng mới chợ Hải Lạng, chợ Đông Ngũ. Sau năm 2020 chuyển đổi chợ trung tâm Tiên Yên theo hình thức quản lý doanh nghiệp; nghiên cứu di chuyển chợ xã Đông Hải và đầu tư mới chợ tại các xã Phong Dụ, Đồng Rui; nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm logisctisc gắn với khu công nghiệp Tiên Yên.
- Du lịch: Phát triển các dịch vụ du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái miền núi - ven biển. Tôn tạo các điểm du lịch văn hóa lịch sử gắn với nền văn hóa bản địa; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các lễ hội và bảo tồn văn hóa một các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Hình thành các khu phố ẩm thực tại trung tâm đô thị. Nghiên cứu xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới; khai thác suối nước nóng tại xã Đại Thành và thác Pạc Sủi (nước trắng) tại xã Yên Than thành nơi tham quan, nghỉ dưỡng.
- Dịch vụ vận tải: Mở rộng, nâng cấp cảng Mũi Chùa thành cảng chuyên dùng cho công nghiệp và trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Lạng Sơn. Đầu tư xây dựng bến xe mới tại thị trấn Tiên Yên, phát triển vận tải hàng khách công cộng bằng xe Taxi. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các loại hình dịch vụ.
4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội
a. Giáo dục - đào tạo:
- Củng cố và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; quan tâm đến giáo dục ở vùng nông thôn, các xã khó khăn. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và nâng cao trình độ giáo viên. Tiếp tục xã hội hóa giáo dục và đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đào tạo. Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc đào tạo lao động kỹ thuật, có tay nghề và đào tạo để xuất khẩu lao động, đảm bảo lao động được đào tạo kỹ năng phù hợp, được làm công việc đúng với chuyên môn được đào tạo.
- Phấn đấu đến năm 2020 huy động trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt trên 95-98%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học trung học cơ sở đạt 99% trở lên; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông đạt 70-75% trở lên số còn lại được tư vấn, định hướng học nghề và vào học hệ bổ túc văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Duy trì và phát triển hệ thống nội trú dân nuôi để cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện được học hành.
b. Y tế
- Nâng cấp, mở rộng bệnh viện đa khoa khu vực Tiên Yên, hình thành một số khoa chuyên sâu, kỹ thuật cao và điều trị đông - tây y kết hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các trạm y tế xã để chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội.
- Khuyến khích phát triển các phòng khám đa khoa tư nhân tại các cụm dân cư. Phát triển các dịch vụ chữa bệnh kỹ thuật cao, tư vấn sức khỏe, mô hình “bác sỹ gia đình”.
c. Văn hóa - thông tin - thể dục thể thao
- Văn hóa: Tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa huyện đồng bộ đến cơ sở xã, thôn, bản theo hướng đa năng, đa dạng về loại hình. Bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội. Xây dựng trung tâm Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh tại Tiên Yên trở thành nơi tập trung văn hóa dân tộc các vùng miền của các khu vực lân cận.
- Thể dục, thể thao: Bảo tồn phát huy các môn thể thao dân tộc gắn liền với hội thi văn hóa thể thao dân tộc. Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng với mạng lưới rộng khắp, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ vận động viên thể thao thành tích cao, phấn đấu đến năm 2020 đạt 10% thành tích cao thể thao của tỉnh.
- Thông tin truyền thông: Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ xem được truyền hình Trung ương và địa phương đạt 100%; tỷ lệ hộ nghe được đài phát thanh Trung ương và địa phương đạt 100%; 100% khu dân cư có hệ thống loa truyền thanh, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền. Cơ bản các khu dân cư được sử dụng Internet.
5. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:
a) Hạ tầng giao thông
- Đường bộ: Nâng cấp đường 4B đoạn nối quốc lộ 1A với quốc lộ 18A; hệ thống huyện lộ: đường kết nối từ quốc lộ 18C đến QL4B qua sông Phố cũ; đấu nối giữa quốc lộ 18A sang đường 4B qua trung tâm xã Tiên Lãng; nâng cấp đường từ quốc lộ 18A vào xã Đồng Rui. Phấn đấu đến năm 2020: 100% đường trục thôn, bản ngõ, xóm của 11 xã được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông gắn với chỉnh trang đô thị tại các xã Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Yên Than, Hải Lạng để đạt các tiêu chí của đô thị loại IV và tái lập thị xã Tiên Yên.
- Về đường thủy: Nâng cấp, mở rộng cảng Mũi Chùa; đầu tư xây dựng các cảng nhỏ kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền, phát triển hệ thống giao thông liên kết giữa đường bộ và đường biển.
b) Hạ tầng cấp điện
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trạm biến áp của hệ thống lưới điện hạ áp cho khu vực thị trấn và các xã khi nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2016-2020: nâng công suất trạm 110kV Tiên Yên lên 2x25MVA - 110/35/22kV. Tiếp tục phát triển lưới 22kV cáp điện cho thị trấn, khu vực thị trấn mở rộng (xã Tiên Lãng, Yên Than), KCN Tiên Yên và CCN Tiên Lãng, lưới 35kV cấp điện cho các xã còn lại.
c) Mạng lưới cấp, thoát nước
- Nghiên cứu xây dựng thêm nhà máy nước sạch từ nguồn nước sông Phố Cũ, hồ Khe Cát để thay thế cho nguồn nước sông Tiên Yên; xây dựng đập dâng tạo hồ chứa, trạm xử lý cấp thoát nước để phục vụ cho Khu công nghiệp Tiên Yên và cảng Mũi Chùa. Xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải công nghiệp theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia.
- Hoàn thành xây dựng hồ chứa nước Khe Cát, xã Hải Lạng. Nâng cấp và kiên cố hóa các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, tu bổ hệ thống đê biển, đảm bảo an toàn chống bão, sóng biển.
6. Bảo vệ môi trường
- Đối với tiểu vùng nông - lâm nghiệp đồi núi thấp: Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn; Quy hoạch hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Giảm thiểu xói mòn đất trên các đồi, núi và vùng xâm thực. Phòng tránh nguy cơ tai biến sạt lở đất, nguy cơ lũ quét dọc thung lũng sông Tiên Yên và lũ bùn đá dọc khe suối.
- Đối với tiểu vùng phát triển đô thị và bảo vệ hệ sinh thái cửa sông, ven biển trung tâm Tiên Yên: Thực hiện tốt thu gom và xử lý rác thải. Quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường đối với các xí nghiệp sản xuất nhỏ trên địa bàn huyện. Quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản hợp lý, quy hoạch khu dân cư nhằm phòng tránh thiệt hại do lũ quét, ngập lụt xói lở dọc bờ sông Tiên Yên.
7. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng
- Tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng. Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Từng bước đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật trong khu vực phòng thủ và các công trình theo quy hoạch thế trận khu vực phòng thủ. Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng trên địa bàn. Tăng cường công tác nắm tình hình, giữ vững an ninh trật tự trong mọi tình hình huống.
IV. Tổ chức không gian kinh tế -xã hội
1. Phát triển kinh tế theo các tiểu vùng
- Vùng miền núi: Gồm 5 xã Hà Lâu, Điền Xá, Phong Dụ, Đại Dực, Đại Thành: tập trung phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng phòng hộ để duy trì nguồn nước, thâm canh rừng sản xuất kết hợp với các loài cây gỗ quý bản địa, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình là chủ yếu, khuyến khích các hộ có điều kiện kinh tế và năng lực tổ chức sản xuất, phát triển các trang trại, gia trại. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên hệ thống sông ngòi, hồ chứa.
- Vùng trung tâm: gồm thị trấn và các xã: Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng, Yên Than, Hải Lạng và thị trấn Tiên Yên: Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Là đô thị dịch vụ có chức năng tập kết trung chuyển hàng hóa qua biên giới và là cơ sở hậu cần cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Phát triển kinh tế biển, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái gắn với làng du lịch ở những vùng quy hoạch các khu du lịch, nghỉ dưỡng.
2. Định hướng phát triển không gian đô thị
- Không gian phát triển đô thị Tiên Yên là thị trấn Tiên Yên và các xã: Đông Hải, Đông Ngũ, Hải Lạng, Tiên Lãng, Yên Than. Các khu vực còn lại là các khu vực bảo tồn và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp,
- Nghiên cứu khu vực ranh giới giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn, xây dựng cổng chào mang tính biểu trưng cho 02 tỉnh, bố trí xây dựng cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa tại khu vực giao của quốc lộ 4B, quốc lộ 18.
- Xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc tại phía Bắc đường 18A khu vực thị trấn Tiên Yên. Phát triển, xây dựng Khu công nghiệp Tiên Yên tại phía Đông Bắc nút giao giữa quốc lộ 4B và đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, xây dựng đô thị mới phía Tây Khu công nghiệp.
V. Danh mục các dự án ưu tiên:
Danh mục các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được trình bày trong phụ lục kèm theo.
VI. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
1. Giải pháp về nguồn lực
a) Huy động các nguồn đầu tư
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 là 7.410 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án ưu tiên đầu tư dự kiến khoảng 2.674 tỷ đồng. Trong đó: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu vốn đầu tư của huyện vào năm 2020, chủ yếu tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp vốn vay trong các chương trình giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án giảm nghèo. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn này cho các công trình thủy lợi, giao thông, các công trình xã hội quan trọng khác. Trong quá trình triển khai quy hoạch cần rà soát tổng thể các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch cho phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Xem xét, cụ thể hóa và tăng cường các giải pháp thực hiện quy hoạch, thực hiện sâu rộng và triệt để cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung huy động vốn đầu tư từ bên ngoài theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu quy hoạch đề ra.
- Nghiên cứu xây dựng các chính sách thích hợp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất; củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nhằm cùng với hệ thống ngân hàng huy động tốt vốn nhàn rỗi trong dân, đa dạng hóa loại hình huy động vốn, các hình thức tạo vốn; thu hút nguồn vốn từ dân cư và nguồn vốn khác cho công tác trồng rừng, xây dựng dựng giao thông nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
b) Phát triển nguồn nhân lực
- Tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết 19-NQ/TU, ngày 03/3/2015 và Quyết định số 1876-QĐ/TU, ngày 28/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án 25 đối với huyện Tiên Yên, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ.
- Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục phổ thông. Thực hiện phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xây dựng kế hoạch đào tạo cho người dân tộc, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ cấp thôn, bản, xã, huyện để đào tạo nguồn nhân lực cấp cơ sở. Chủ động nghiên cứu đề xuất với tỉnh kế hoạch và cơ chế chính sách đào tạo cán bộ các lĩnh vực theo nhu cầu và quy hoạch của huyện.
- Đào tạo nghề: Tập trung đào tạo ngắn hạn cho các hộ nông dân, hướng cho người lao động tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nông nghiệp thủy sản với những ngành mà Tiên Yên đang có lợi thế và tiềm năng...
c) Sử dụng đất
Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất huyện Tiên Yên đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê để bổ sung thêm diện tích các loại đất để phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất theo quy hoạch, đảm bảo cấp đất sạch kịp thời cho các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư. Thực hiện đánh giá hiệu quả đất thường xuyên, liên tục, kịp thời.
2. Giải pháp về tổ chức sản xuất
- Phát triển kinh tế hộ, trang trại: Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đối với các ngành nghề có lợi thế. Đầu tư và cho vay vốn gắn với các chương trình phát triển sản xuất vùng nguyên liệu.
- Phát triển kinh tế hợp tác xã: Ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức hiệp hội ngành hàng nhằm liên kết phối hợp các hộ gia đình, các trang trại, tăng cường liên kết sản xuất của các hộ dân với doanh nghiệp và thị trường.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng kết hợp bao tiêu sản phẩm.
- Thực hiện liên kết: Các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân thông qua đại diện các hợp tác xã; doanh nghiệp bao tiêu được đầu ra với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài, đảm bảo đầu vào và đảm nhận công tác hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất, quản lý tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư về giống, phân bón...UBND huyện thực hiện vai trò hỗ trợ và kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng đã ký.
3. Giải pháp về liên kết vùng
- Xây dựng vùng nguyên liệu: Đẩy mạnh sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nâng cao được chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, thu hút được các nhà đầu tư. Liên kết với các huyện lân cận (Ba Chẽ, Đầm Hà, Vân Đồn, Bình Liêu) để thống nhất xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản ổn định, bền vững.
- Xây dựng các tour du lịch: phối hợp chặt chẽ các huyện lân cận để xây dựng nên những tuyến du lịch mới, đồng thời phối hợp giúp đỡ nhau trong công tác quảng cáo tuyên truyền thu hút khách du lịch và kêu gọi nhà đầu tư.
4. Giải pháp cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước
- Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội của chính quyền các cấp (huyện, xã). Thực hiện quy chế, chương trình công tác, tập huấn, đào tạo để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo tính chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ cả về quan điểm, nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý, chế độ trách nhiệm, bộ máy và con người.
5. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Định hướng phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng thời kỳ. Gắn khoa học, công nghệ với sản xuất ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và các lĩnh vực quản lý, điều hành...
- Đẩy mạnh ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, khả năng chịu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các khâu chế biến nông sản và các lĩnh vực khác, có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất.
VII. Tổ chức giám sát thực hiện Quy hoạch:
1. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tiên Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, huyện cần tổ chức công bố, công khai, phổ biến đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện. Căn cứ nội dung Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và giám sát kiểm tra đạt kết quả.
2. Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy hoạch cấp huyện theo quy định, xây dựng các kế hoạch để thực hiện quy hoạch đạt kết quả và hiệu quả cao. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
3. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch cần được đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực với cơ chế quản lý mạnh và độc lập để triển khai thực hiện thành công công cuộc đổi mới của huyện Tiên Yên và của tỉnh Quảng Ninh.
1. Quy hoạch chung xây dựng phát triển đô thị và các quy hoạch, đề án của huyện, quy hoạch các điểm dân cư, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư trên các lĩnh vực để đảm bảo sự phát triển toàn diện và đồng bộ.
2. Nghiên cứu xây dựng đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo luật pháp của Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
3. Lập các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể ưu tiên để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 24/02/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Yên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 85/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang
- 2Quyết định 86/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
- 3Quyết định 569/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030
- 4Quyết định 845/QĐ-UBND năm 2023 về danh mục Quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 85/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang
- 5Quyết định 86/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
- 6Quyết định 569/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030
Quyết định 2048/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 2048/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/07/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Đức Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra