Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2045/2004/QĐ-UB

Quảng Ninh, ngày 18 tháng 06 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29/3/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục A, B, C ban hành kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 264/KH-TH ngày 08/4/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định một số chính sách khuyến khích các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3339/2002/QĐ-UB ngày 24/9/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh "Về việc ban hành một số chính sách khuyến khích các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh".

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TTHĐND tỉnh (b/c)
- Các Ban của Tỉnh ủy.
- Các Sở, ban, ngành.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Đài PTTH, Báo QN
- Như Điều 3 (thực hiện).
- V0, V1, V2, V3, V4 và các chuyên viên VP HĐND và UBND tỉnh
- Lưu: TM1, VP/UB.

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quynh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2045/2004/QĐ-UB ngày 18/6/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Điều 1. Những quy định chung:

1.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm các hoạt động đầu tư sau đây:

Các hoạt động đầu tư trong nước của các Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; Các Hợp tác xã, Các cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục, dân lập, bán công, cơ sở y tế tư nhân, dân lập được thành lập và hoạt động hợp pháp (sau đây gọi tắt là các Nhà đầu tư) có hoạt động đầu tư vào các ngành nghề quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

1.2. Tất cả các hoạt động đầu tư quy định tại khoản 1.1 trên đây ngoài việc được hưởng các ưu đãi quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc "Quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi)", các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước và của tỉnh còn được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Chính sách khuyến khích đầu tư:

2.1. Miễn nộp tiền thuê đất:

2.1.1. Các dự án đầu tư vào các ngành nghề quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định này ngoài các ưu đãi còn được miễn nộp tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP còn được miễn nộp tiền thuê đất thêm 02 năm (trên các địa bàn: Thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí, huyện Yên Hưng và huyện Đông Triều); Được miễn nộp tiền thuê đất thêm 04 năm (trên các địa bàn: Thị xã Móng Cái và các huyện: Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn) và được miễn nộp tiền thuê đất thêm 06 năm (trên địa bàn các huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu).

Riêng các dự án đầu tư vào các ngành nghề quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định này tại địa bàn huyện Cô Tô được miễn nộp tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP.

2.1.2. Các dự án đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án thì được hưởng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung giá thuê đất hiện hành theo quy định của Nhà nước.

2.2. Hỗ trợ đào tạo lao động, sử dụng lao động:

2.2.1. Các dự án đầu tư mà ngành nghề sản xuất phải đào tạo mới lao động thì được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề (thông qua các hợp đồng đào tạo nghề với các trường dạy nghề) theo mức chi phí đào tạo cùng ngành nghề hiện hành do Nhà nước quy định cho những lao động được tuyển dụng mà chưa có nghề phù hợp theo yêu cầu của dự án, mức hỗ trợ tối đa không quá 01 triệu đồng/ 01 lao động học nghề.

b) Trường hợp tự đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề (đối với các nghề truyền thống như: Sản xuất gốm, sành, sứ; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, than đá, đá và các vật liệu khác; Mây tre đan, thêu ren; Sản xuất tranh sơn mài, trạm trổ, khảm trai) thì được hỗ trợ theo mức:

- Dự án có trên 200 lao động: Hỗ trợ 600.000 đồng/ 01 lao động học nghề.

- Dự án có từ 100 lao động đến dưới 200 lao động: Hỗ trợ 500.000 đồng/ 01 lao động học nghề.

- Dự án có từ 20 lao động đến dưới 100 lao động: Hỗ trợ 400.000 đồng/ 01 lao động học nghề.

2.2.2. Đối với các dự án có sử dụng lao động nữ được hỗ trợ thêm cho mỗi lao động 100.000 đồng; Sử dụng lao động thuộc diện chính sách xã hội (thương, bệnh binh, người tàn tật), học viên từ các Trung tâm cai nghiện, Trung tâm phục hồi nhân phẩm trở về làm việc tại cộng đồng được hỗ trợ thêm cho mỗi lao động thuộc diện này 200.000 đồng.

Việc hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ sử dụng lao động chỉ giải quyết một lần và trong khoảng thời gian 02 năm đầu kể từ khi dự án đầu tư đi vào hoạt động.

2.3. Khuyến khích các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu; Sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn ISO, giải vàng tại các Hội chợ quốc gia và quốc tế; sản phẩm tham gia Hội chợ:

2.3.1. Tất cả những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu sản xuất trên địa bàn tỉnh được xét thưởng khuyến khích xuất khẩu như sau:

- Mặt hàng xuất khẩu lần đầu.

- Mặt hàng có thị trường xuất khẩu mới (là thị trường lần đầu tiên có doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu vào thị trường đó).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm sau cao hơn năm trước từ 15% trở lên đối với hàng hóa tại địa bàn các huyện: Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Cô Tô, thị xã Móng Cái và từ 20 % đối với các địa bàn còn lại.

Mức thưởng là 2% giá trị doanh thu xuất khẩu tính theo giá FOB (đối với mặt hàng xuất khẩu lần đầu và mặt hàng có thị trường xuất khẩu mới) và của phần vượt kim ngạch xuất khẩu so với năm trước (đối với mặt hàng xuất khẩu có thị trường ổn định).

Mức thưởng tối đa không quá 100 triệu đồng.

2.3.2. Thương nhân tạo được thị trường mới để xuất khẩu sản phẩm hàng hóa đạt doanh thu xuất khẩu tính theo giá FOB từ 100.000 USD/năm trở lên thì được hỗ trợ tiền vé phương tiện (máy bay, ô tô, tàu thủy, tàu hỏa) đi và về để thực hiện xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Mức hỗ trợ tối đa cho mỗi thương nhân không quá 10 triệu đồng/lần.

2.3.3. Các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO được hỗ trợ 20 triệu đồng/01 sản phẩm; Sản phẩm đạt giải vàng (cúp vàng, huy chương vàng) tại các Hội chợ quốc gia và quốc tế được thưởng cho mỗi sản phẩm là 20 triệu đồng.

2.3.4. Các sản phẩm tham gia các Hội chợ quốc gia và quốc tế được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng. Mức tối đa không quá 10 triệu đồng/ cho 1 lần/ trong 1 năm/ cho 1 doanh nghiệp.

2.4. Thưởng cho việc giới thiệu, môi giới đầu tư:

Các tổ chức, cá nhân (ngoài các cơ quan chức năng) giới thiệu, môi giới được các Nhà đầu tư thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ đồng trở lên (dự án được đưa vào hoạt động) thì được thưởng 20 triệu đồng/ 01 dự án đầu tư.

2.5. Hỗ trợ đầu tư công nghệ cao:

Các dự án đầu tư sản xuất mới có công nghệ cao, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao được thưởng khuyến khích với mức thưởng từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng tùy theo hiệu quả kinh tế - xã hội và mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- "Công nghệ cao" là công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo ra sự đột biến về năng suất lao động, tính năng, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, hình thành các ngành sản xuất hoặc dịch vụ mới có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

- "Sản phẩm công nghệ cao" là sản phẩm được tạo ra nhờ áp dụng công nghệ cao.

Điều 3. Trình tự, thủ tục xét duyệt các ưu đãi khuyến khích đầu tư:

3.1. Nhà đầu tư khi làm đơn đăng ký ưu đãi đầu tư thì ngoài việc đăng ký những ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP của Chính phủ cần đăng ký thêm các ưu đãi quy định tại Quyết định này gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cấp ưu đãi đầu tư.

3.2. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, Nhà đầu tư xét thấy đã đảm bảo thực hiện đúng các quy định tại Quyết định này thì Nhà đầu tư làm hồ sơ xin hưởng ưu đãi đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Hồ sơ gồm:

- Đơn xin hưởng ưu đãi đầu tư.

- Bản sao Quyết định cấp ưu đãi đầu tư (nếu có).

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao hợp lệ).

- Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư.

- Các tài liệu liên quan chứng minh việc thực hiện đảm bảo các điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư.

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các Nhà đầu tư về thủ tục đăng ký ưu đãi đầu tư và xin hưởng ưu đãi đầu tư như quy định tại khoản 3.1 và 3.2 của Điều 3 trên đây. Thời gian giải quyết cho các công việc này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư không quá 15 ngày làm việc.

4.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thẩm định Hồ sơ xin hưởng ưu đãi đầu tư của các Nhà đầu tư và đề xuất cụ thể các mức ưu đãi theo các quy định tại Quyết định này báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thời gian giải quyết cho các công việc này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư không quá 15 ngày làm việc.

4.3. Các dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp ưu đãi đầu tư theo các quy định tại Quyết định số 1169/2000/QĐ-UB ngày 09/5/2000 nếu vẫn còn trong thời hạn được hưởng ưu đãi đầu tư thì tiếp tục được hưởng các ưu đãi đã cấp. Đối với các dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp ưu đãi đầu tư theo các quy định tại Quyết định số 3339/2002/QĐ-UB ngày 24/9/2002 nhưng trái với các quy định tại Quyết định này không còn hiệu lực thi hành./.

 

DANH MỤC

CÁC NGÀNH NGHỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2045/2004/QĐ-UB ngày 18/6/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa có mức xuất khẩu đạt giá trị (tính theo giá FOB) trên 30% tổng giá trị hàng hóa sản xuất, kinh doanh của dự án trong năm tài chính.

2. Đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia (có quy mô từ 150 tỷ đồng trở lên); Xây dựng khu công viên văn hóa bao gồm có đủ các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí; Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái (có quy mô từ 50 tỷ đồng trở lên).

3. Dịch vụ bảo quản nông, lâm, thủy hải sản; Dịch vụ Thủy sản; Dịch vụ bảo vệ vật nuôi, nhân và lai tạo giống; Dịch vụ hỗ trợ trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp và cây lâm nghiệp.

4. Mở trường học bán công, dân lập, tư thục ở các bậc học: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đào tạo trình độ cao đẳng và trình độ đại học.

6. Thành lập cơ sở dạy nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân.

7. Thành lập bệnh viện dân lập, bệnh viện tư nhân khám chữa bệnh.

8. Đầu tư xây dựng cơ sở, công trình kỹ thuật: Phòng thí nghiệm trạm thí nghiệm nhằm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sản xuất vật liệu mới, vật liệu quý hiếm.

9. Ứng dụng công nghiệp kỹ thuật cao; Ứng dụng công nghệ mới về sinh học trong phục vụ y tế, sản xuất cây, con giống, phân bón sinh học thuốc trừ sâu sinh học.

10. Cung cấp các dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực thông tin.

11. Đầu tư công trình xử lý chất thải để bảo vệ môi trường; Thu gom rác thải; Xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, tái chế phế liệu, phế thải.

12. Đầu tư xây dựng chợ loại 2 ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

13. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

14. Chế biến lâm sản, nông sản, thủy sản (có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên).

15. Trồng và chăm sóc rừng (có diện tích từ 50 ha trở lên); Trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả trên đất hoang, đồi núi trọc; Trồng chè phục vụ công nghiệp chế biến; Trồng cây dược liệu; Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi…

16. Hoạt động hỗ trợ chăn nuôi, lâm nghiệp.

17. Sản xuất bột giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trong nước.

18. Khai hoang phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

19. Nuôi trồng các loại thủy sản ở vùng nước chưa được khai thác.

20. Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

21. Đóng và sửa chữa tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ.

22. Phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt.

23. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

24. Đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội thị, nội thành.

25. Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, gồm:

- Công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ phần mềm tin học.

- Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế.

- Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa.

- Công nghệ vật liệu mới.

- Công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2045/2004/QĐ-UB về chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 2045/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Quynh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản