Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2029/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỖ TRỢ CHẾ PHẨM VI SINH XỬ LÝ RƠM RẠ TRÊN CÂY LÚA GIAI ĐOẠN 2022 - 2024.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25/11/3013;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2016 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Thông tư 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/019 của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Văn bản số 102/HĐND-KTNS ngày 01/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chấp thuận Nghị quyết xây dựng nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1625/SNN&PTNT-KHTC ngày 23/7/202; Báo cáo số 339/BC-SNN&PTNT ngày 23/7/2021 về tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022-2024 và ý kiến thống nhất của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiếu trình số 22407,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Kế hoạch hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022 - 2024.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ CHẾ PHẨM VI SINH XỬ LÝ RƠM RẠ TRÊN CÂY LÚA GIAI ĐOẠN 2022 - 2024
(Kèm theo Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ trên đồng ruộng đối với sản xuất lúa là biện pháp hữu hiệu nhất để phân huỷ nhanh lượng rơm rạ tồn dư, giảm tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, tận dụng lượng phân hữu cơ sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, cải tạo và bảo vệ môi trường đất, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, giảm sâu bệnh hại. Góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lúa gạo và phát triển nông nghiệp bền vững.

Giảm tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nghề trồng lúa theo hướng bền vững, đồng thời đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Canh tác lúa phù hợp với xu hướng hiện nay, thu gom và xử lý rơm rạ hiệu quả, tăng năng suất lúa, bảo vệ và cải tạo môi trường đất.

2. Yêu cầu:

Tập trung ưu tiên xử lý việc ngộ độc hữu cơ gây nên hiện tượng vàng lá lúa sinh lý; khuyến khích, giúp các hộ trồng lúa trên địa bàn tỉnh giải quyết được vấn đề sử dụng rơm rạ trong việc tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ và nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, góp phần phát triển nghề trồng lúa hiệu quả, bền vững và thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ:

- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ Mùa. Số lượng sử dụng chế phẩm vi sinh 28 kg/ha.

- Căn cứ hỗ trợ:

+ Vận dụng mức hỗ trợ 50% theo Điểm c, Khoản 1, Điều 29, Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

+ Theo quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa và báo giá của một số đơn vị sản xuất và cung ứng chế phẩm vi sinh.

+ Theo kết quả thực tế triển khai thực hiện hỗ trợ mô hình trên cây lúa vụ Mùa năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (do Trung tâm Khuyến nông thực hiện).

2. Hỗ trợ công tác tổ chức, triển khai thực hiện:

Hỗ trợ cho công tác quản lý nhiệm vụ khuyến nông (không quá 3% kinh phí hỗ trợ vật tư): Áp dụng Điểm b, Khoản 4, Điều 9, Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về việc Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.

3. Quy mô, địa điểm thực hiện:

- Quy mô: Hỗ trợ 5.000 ha/năm; 15.000 ha/3 năm.

- Địa điểm: 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại phụ lục 02 kèm theo)

4. Thời gian thực hiện:

Hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ Mùa trong 03 năm, từ năm 2022 - 2024 (cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 hàng năm).

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền:

- Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa, thu gom xử lý rơm rạ thông qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh (Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Cổng giao tiếp thông tin điện tử tỉnh, Website ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) và thông qua hệ thống tổ chức Nhà nước, tổ chức Chính trị, xã hội, các đoàn thể chính trị xã hội.

- Tập huấn nâng cao nhận thức trong cộng đồng và triển khai mô hình canh tác lúa có sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ cho cây lúa.

- Thông tin, tuyên truyền về nội dung kế hoạch hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa, vận động người dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ, cải tạo đất, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và tăng hiệu quả trồng lúa.

2. Ứng dụng khoa học, công nghệ, biện pháp kỹ thuật:

- Sử dụng chế phẩm vi sinh, các chủng loại vi sinh vật có lợi do các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo chất lượng, uy tín. Sản phẩm vi sinh có tác dụng phân hủy nhanh các chất hữu cơ, tăng cường vi sinh vật hữu ích giúp phòng chống các đối tượng dịch hại trên cây lúa; phân giải nhanh gốc rạ, rơm của vụ trước, đồng thời cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây lúa vụ sau; hết hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc chất hữu cơ và vàng lá sinh lý cho cây lúa, giúp cây lúa ra rễ mạnh, tăng sức đề kháng. Sử dụng chế phẩm vi sinh có thành phần: Vi khuẩn axit lactic (Lactobacillus fermentum) 20%, Lactobacillus. Spp: 1.107 CFU/g…

- Biện pháp kỹ thuật: Lúa sau khi được thu hoạch, cho nước vào ruộng giữ mức nước 2 - 3 cm, sử dụng 15 - 20kg vôi bột/sào rải đều trên mặt ruộng, dùng máy lồng qua 1 lượt ruộng cho dập gốc rạ. Dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt ruộng (lượng sử dụng: 28 kg/ha - tương đương khoảng 1 kg/sào); tiến hành phay hoặc lồng lại 1 lượt nữa, cho thêm nước vào ruộng, giữ ngập mức nước 7 - 10 cm trong vòng 10 - 15 ngày; sau đó tiến hành bừa và bón lót phân theo khuyến cáo và trang phẳng ruộng để gieo cấy.

IV. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Dự toán tổng kinh phí thực hiện: 103.260 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 43.260 triệu đồng.

+ Vốn đối ứng của người dân: 60.000 triệu đồng.

(Chi tiết tại phụ lục 01 kèm theo)

- Phân kỳ kinh phí Nhà nước hỗ trợ (trong 03 năm):

+ Năm 2022: Kinh phí dự kiến 34.420 triệu đồng; trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 14.420 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân: 20.000 triệu đồng;

+ Năm 2023: Kinh phí dự kiến 34.420 triệu đồng; trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 14.420 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân: 20.000 triệu đồng;

+ Năm 2024: Kinh phí dự kiến 34.420 triệu đồng; trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 14.420 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân: 20.000 triệu đồng.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh: Giao Sở Tài chính cân đối nguồn vốn hàng năm từ ngân sách tỉnh cho giai đoạn từ năm 2022 - 2024 để đảm bảo thực hiện Kế hoạch này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ vào nhu cầu, đăng ký của các huyện, thành phố, tổng hợp xây dựng Kế hoạch, dự toán chi tiết, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả; tổng hợp kết quả thực hiện, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính:

Căn cứ nguồn lực hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản có liên quan.

3. Các sở: Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh, từ đó làm căn cứ để nghiên cứu, ứng dụng việc sử dụng chế phẩm vi sinh trên các đối tượng cây trồng khác.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hướng dẫn các nội dung tuyên truyền trên trang thông tin điện tử.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo việc tuyên truyền Kế hoạch hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp huyện, cấp xã.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lựa chọn địa điểm, xác định quy mô hỗ trợ trên địa bàn.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế), Trạm Khuyến nông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Khuyến nông) triển khai các hoạt động hỗ trợ vật tư, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu các nội dung thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định./.