Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 27 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 cho các địa phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 28/02/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số nội dung và mức chi giảm nghèo về thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025;  

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 953/TTr-SXD ngày 10/5/2023 về việc đề nghị ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 2025 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang, Lâm Bình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB và XH; (báo cáo)
- Bộ Xây dựng; (báo cáo)
- Bộ KH và ĐT; (báo cáo)
- Bộ Tài chính; (báo cáo)
- Ủy ban Dân tộc; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các tổ chức
 chính trị - xã hội tỉnh;
- Như điều 2; (thực hiện)
- Báo Tuyên Quang, Đài PTTH tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- TP, PTP khối NCTH;
- Lưu: VT, THVX (Chiến).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 200 /QĐ-UBND  ngày 27/5/2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang)

I. MỞ ĐẦU

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, vị trí địa lý nằm ở giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam, tọa độ địa lý 21029’ ÷ 22042’ vĩ độ Bắc; 104050’ ÷ 105040’ kinh độ Đông. Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 165 km, cách sân bay Nội Bài 130 km.

Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.868 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 16,76%; đất lâm nghiệp có rừng 75,11%, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng (Niên gián thống kê tính đến 31/12/2020). Toàn tỉnh có có 07 đơn vị hành chính cấp huyện, với 138 xã, phường, thị trấn, trong đó có 121 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gồm có: 50 xã thuộc khu vực III, 15 xã khu vực II và 56 xã khu vực I, với 1.733 thôn, tổ nhân dân, có 570 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Địa hình chia cắt nhiều, chủ yếu là đồi núi phức tạp, khí hậu khắc nghiệt.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với sự huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66% so với năm 2021 (kế hoạch 8,3%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,7%, khu vực dịch vụ tăng 8,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,2%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.784 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Hoàn thành 227 km đường giao thông nông thôn và 39 cầu trên đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng 100,9 km.

Kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển; nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp đạt kế hoạch. Cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính; Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh phát huy hiệu quả hoạt động; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút một số nhà đầu tư lớn đến khảo sát, đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Ban hành và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; việc phân bổ nguồn lực, bổ sung vốn cho các công trình đúng quy định và kịp thời. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, thủy lợi... Nông, lâm nghiệp sản xuất từng bước được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả. Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được củng cố ở các bậc học; thực hiện dạy và học, khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được ưu tiên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; giải quyết việc làm cho người lao động. Các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo, tốc độ thu ngân sách hằng năm tăng chậm, chưa tạo ra được nhiều nguồn thu mới, tỷ lệ cân đối ngân sách từ nguồn thu tại địa phương còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng mức độ bền vững chưa cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà ở. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 tại thời điểm đầu năm 2022 toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85%, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 37,32% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Cuối năm 2022 toàn tỉnh có 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,90% và 15.996 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,46%; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 30,15% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh; toàn tỉnh có 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số hộ nghèo.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, núi cao, có nhiều sông suối, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân, đặc biệt là gây thiệt hại về nhà ở. Mặt khác do đời sống, thu nhập của hộ nghèo thấp, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, do đó việc huy động nguồn lực của gia đình để làm mới hay sửa chữa nhà ở gặp nhiều khó khăn.

.II. THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh

a) Về số lượng nhà ở: Kết quả rà soát nhà ở hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tại thời điểm đầu năm 2022 có 26.716 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, trong đó có 11.896 hộ có diện tích nhà ở bình quân dưới 8m2/người. Đa số các hộ gia đình đều có nhà ở chiếm khoảng 99,99% số hộ của tỉnh, trong đó khu vực thành thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,98% số hộ có nhà ở.

b) Về chất lượng nhà ở: Đa số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở hiện đang sống trong ngôi nhà thuộc loại không bền chắc, chưa có khả năng tự sửa chữa làm mới lại nhà ở. Hộ nghèo chủ yếu tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Hệ thống đường giao thông ở một số vùng chưa hoàn thiện, do đó việc vận chuyển vật liệu để làm nhà đối với các hộ dân gặp nhiều khó khăn, đa số nhà ở của hộ nghèo cần phải làm mới, sửa chữa đều đã xuống cấp, khung nhà đã bị mối mọt, vách nhà tạm bợ bằng bạt, tre, nứa, mái lá, mái proximăng đã cũ, bị dột nát, một số hộ có nền nhà bằng đất nên chất lượng nhà ở không cao, có nguy cơ bị đổ sập khi có bão lũ xảy ra, hoặc làm nhà ở tại những khu vực nguy hiểm cần phải di chuyển, nhiều hộ có điều kiện phải sinh sống tạm, nhiều hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân, do một số hộ đang làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận, hộ mới tách ra ở riêng nên chưa làm hồ sơ hoặc đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; một số hộ ở chung với bố mẹ chưa tách được đất, do kinh phí phục vụ công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai còn khó khăn, phân bổ chậm... Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố là 74,85%, tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ là 25,15% với 218.065 nhân khẩu sinh sống; trong đó khu vực thành thị là 5,2%; khu vực nông thôn là 28,6%. Còn một lượng nhỏ dân cư có nhà ở tạm bợ.

2. Đánh giá tác động của các yếu tố khi hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn tỉnh

Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa đông lạnh - khô hanh; mùa hè nóng ẩm - mưa nhiều. Mùa mưa tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9. Các đợt mưa vừa, mưa to thường gây ra lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Bắc tỉnh hầu như năm nào cũng xảy ra. Các hiện tượng như mưa đá, giông lốc thường xảy ra trong giai đoạn giao mùa, từ mùa đông sang mùa hè (tháng 3, tháng 4) và từ mùa hè sang mùa đông (tháng 9, tháng 10).

Tuyên Quang là một trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt do đặc điểm địa hình của tỉnh khá phức tạp, có nhiều đồi núi thấp và thung lũng chạy dọc theo các sông và bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối nên đối với vùng có địa hình núi cao và núi thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất, lũ lụt tại các thung lũng ven suối, giông, lốc, sét, mưa đá và ảnh hưởng nhẹ của hạn hán, rét đậm, rét hại do biến đổi khí hậu; các vùng thung lũng ven sông chiếm khoảng 10% diện tích toàn tỉnh.

Ngoài ra, mật độ dân cư tại huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, theo số liệu thống kê tổng điều tra tháng 10/2019 của Cục Thống kê tỉnh: Mật độ dân số của thành phố Tuyên Quang là 879 người/km2; Sơn Dương 233 người/km2; Yên Sơn 153 người/km2; Hàm Yên 135 người/km2; Chiêm Hoá 99 người/km2; Na Hang 50 người/km2; Lâm Bình 40 người/km2. Điều đó cho thấy, phân bố dân cư trong tỉnh không đồng đều, đặc biệt đối với huyện vùng núi cao như: huyện Na Hang, huyện Lâm Bình có mật độ dân số thấp hơn rất nhiều so với các huyện còn lại trong tỉnh. Việc dân cư phân bố không đồng đều và thưa trên địa bàn tỉnh, kết hợp với địa hình đồi núi chia cắt dẫn đến khó khăn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, sự đầu tư của các ngành, lĩnh vực như ngành điện, viễn thông, giao thông...

.3. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang thực hiện tại địa phương

a) Về ưu điểm

- Được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân các hộ nghèo, đã góp phần từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

- Tỉnh đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch về công tác giảm nghèo, trong đó có hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; cân đối, phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình, Kế hoạch giảm nghèo và hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn; chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực và vận động xã hội hóa nguồn lực, động viên Nhân dân góp công, góp sức hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn làm nhà ở, gắn với triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

- Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh, hằng năm đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban vận động Quỹ từ tỉnh đến cơ sở tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả; tập trung sử dụng nguồn quỹ vận động được để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở.

- Các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng, cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, sửa chữa và xây dựng nhà ở, cũng đã góp phần đáng kể trong thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giảm nghèo bền vững.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2021 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 6,6% cuối năm 2021; bình quân giảm 4,24%/năm, vượt kế hoạch đề ra (mục tiêu giảm 3%/năm).

- Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5.698 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 156.26 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước 260 triệu đồng; vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 93.000 triệu đồng; Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 27.000 triệu đồng; nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân gần 36.000 triệu đồng.

- Giai đoạn 2021-2025 tỉnh đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo 02 đề án và 02 kế hoạch, cụ thể như sau:

Đề án xoá nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định số 308/QĐ-MTTQ-BTT ngày 02/12/2021 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Mục tiêu của đề án: Hỗ trợ xoá nhà tạm dột nát cho 3.820 nhà/3.820 hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ là 167.025 triệu đồng (trong đó hỗ trợ làm mới là 2.861 nhà, kinh phí 143.050 triệu đồng và sửa chữa nhà ở là 959 nhà, kinh phí hỗ trợ là 23.975 triệu đồng).

Hỗ trợ theo Kế hoạch số 2754/KH-CAT-HC ngày 15/5/2022 của Công an tỉnh Tuyên Quang xây dựng mới nhà ở cho các hộ nghèo là 1.400 căn nhà với tổng kinh phí là 91.000 triệu đồng, trong đó nguồn của Công an tỉnh hỗ trợ là 70.000 triệu đồng, kinh phí của tỉnh hỗ trợ là 21.000 triệu đồng và kế hoạch số 1148/KH-CAT-HC ngày 02/3/2022 của Công an tỉnh Tuyên Quang xây dựng mới 100 căn nhà ở cho các hộ nghèo với tổng kinh phí là 5.000 triệu đồng.

Đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, trong đó nội dung về hỗ trợ về nhà ở theo Dự án 1 là 2.096 nhà/2.096 hộ xây dựng mới nhà ở với tổng kinh phí 104.800 triệu đồng (trong đó, có 1.428 hộ nghèo làm nhà ở mới được xác định trong danh sách hộ nghèo thuộc Đề án xoá nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 308/QĐ-MTTQ-BTT ngày 02/12/2021 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh).

b) Về hạn chế, tồn tại

- Chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nhiều hộ thoát nghèo nhưng chỉ mới lên đến cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh và số lượng hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở còn cao; trong đó chủ yếu hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

- Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện việc xóa nhà ở tạm, dột nát của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự chủ động, chưa quan tâm huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở. Việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và rà soát thực trạng nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số xã còn nhiều lúng túng, thiếu sót, chưa phản ánh đúng thực chất. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc rà soát hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở và thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo có nơi chưa chặt chẽ.

- Nguồn vốn thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở còn thiếu tính kế hoạch và tập trung nguồn lực. Phần lớn nguồn lực thông qua vận động trong cộng đồng, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu làm nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

- Việc lồng ghép giữa các nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo chưa đồng bộ, hiệu quả.

- Mức hỗ trợ làm nhà ở mới và sửa chữa nhà ở còn thấp, chưa đồng nhất, giá cả vật tư tăng theo từng năm, trong khi đó khả năng của các hộ nghèo tự đảm bảo kinh phí còn lại để xây mới rất khó khăn.

c) Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan: Kinh tế có bước phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, nguồn thu ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo còn hạn chế. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn lực.

- Nguyên nhân chủ quan:

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, chương trình ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến ở một số địa phương chưa linh hoạt, còn có tình trạng người dân chưa biết rõ hoặc không hiểu biết đầy đủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thiếu cơ chế phối hợp và chỉ đạo tập trung trong thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Trình độ, năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu, việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực trạng nhà ở của hộ nghèo còn lúng túng.

Một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng lười lao động, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo.

III. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ THỰC HIỆN NHẰM HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO

1. Về phương thức huy động nguồn lực

Để thực hiện chính sách giảm nghèo và hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực:

- Tiếp nhận và triển khai kịp thời, đầy đủ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương phân bổ cho tỉnh.

- Từ nguồn ngân sách hằng năm của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến công tác giảm nghèo, trong đó có hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo.

- Từ huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và từ các nguồn vận động, ủng hộ an sinh xã hội khác.

- Từ sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội.

- Từ nguồn hỗ trợ của ngành Công an.

2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo

Kinh phí thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương từ nguồn ngân sách tỉnh, Công an tỉnh, Quỹ “vì người nghèo” tỉnh, huyện được thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật, kinh phí từ nguồn huy động từ các nhà tài trợ thực hiện theo cơ chế của nhà tài trợ đảm bảo đúng đối tượng theo danh sách hỗ trợ được phê duyệt.

3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn cấp, vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn huy động khác

- Đối với nguồn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các hộ tham gia Chương trình, thực hiện theo quy định cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội.

- Đối với nguồn ngân sách của tỉnh thực hiện quy trình cấp phát, thanh toán theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm toán, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.

- Đối với nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ và hợp pháp khác thực hiện theo cơ chế của nhà tài trợ.

4. Về cách thức hỗ trợ

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các mức được quy định trong các Quyết định, Đề án của các chương trình, dựa trên nguyên tắc "Hộ nghèo tự làm, Nhà nước hỗ trợ"; cộng đồng, dòng họ giúp đỡ để giúp hộ nghèo giảm chi phí trong quá trình xây dựng nhà ở, phù hợp với khả năng và điều kiện của các hộ.

5. Đánh giá chung về thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thực hiện trong thời gian qua

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở của Đảng và Nhà nước giúp cho người nghèo sớm có nhà ở ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm học tập, sản xuất phát triển kinh tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội được Nhân dân đồng tình ủng hộ; do đó khi các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà được anh em, bà con dòng họ, thôn xóm tích cực giúp đỡ (trong điều kiện có thể). Việc huy động và quản lý nguồn lực của địa phương phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục, nếp sống văn hoá, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, nhằm giúp hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ

a) Mục tiêu

- Tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, đảm bảo đối tượng sau khi được tham gia chương trình sẽ có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022-2025 (từ 23,45% xuống còn 9,99%).

- Phấn đấu đến cuối năm 2025, hoàn thành việc thực hiện hỗ trợ cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trong danh sách theo Đề án và số phát sinh mới không quá 5%.

b) Nguyên tắc hỗ trợ

- Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình có tên trong danh sách của Đề án, đảm bảo đúng đối tượng và trình tự theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Đối với những hộ đang sử dụng đất ở ổn định lâu dài, không có tranh chấp về đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã đối chiếu với quy định hiện hành của nhà nước để xác nhận đủ điều kiện hỗ trợ về nhà ở.

- Đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện và dựa trên nguyên tắc "Hộ nghèo tự làm, Nhà nước hỗ trợ"; cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, để sửa chữa, xây dựng nhà ở mới phù hợp với khả năng và điều kiện của các hộ.

- Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trong đó ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 5 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đối với địa bàn từng huyện thì ưu tiên hỗ trợ trước cho các hộ thuộc địa bàn các xã có tên trong lộ trình được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới hằng năm.

2. Yêu cầu diện tích và chất lượng nhà ở

a) Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

b) Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy, cụ thể:

- “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: Vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ.

- “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.

- “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: Bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.

Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. Trường hợp sử dụng chủng loại vật liệu địa phương khác với quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Xây dựng) để báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

3. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm và chưa được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại điểm a khoản này phải là hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền – móng, khung – tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc) hoặc có diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2/người.

4. Phạm vi áp dụng

Là các hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn 02 huyện Na Hang và Lâm Bình.

5. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ là: 1.675 hộ. Trong đó:

- Số hộ nghèo cần được hỗ trợ xây mới/ sửa chữa nhà ở là 1.528 hộ (trong đó, xây mới là 699 hộ; sửa chữa là 829 hộ).

- Số hộ cận nghèo cần được hỗ trợ xây mới/ sửa chữa nhà ở là 147 hộ (trong đó, xây mới là 45 hộ; sửa chữa là 102 hộ).

(Chi tiết có biểu số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07 đính kèm)

6. Phân loại đối tượng ưu tiên

a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số: 1.462 hộ.

b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng 01 hộ.

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: 19 hộ.

d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật): 40 hộ.

e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại: 153 hộ

7. Nguồn vốn thực hiện

a) Hỗ trợ từ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ:

- Xây dựng mới nhà ở: 40 triệu đồng/hộ.

- Sửa chữa nhà ở: 20 triệu đồng/hộ.

b) Hỗ trợ từ vốn sự nghiệp ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 28/02/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh:

- Xây dựng mới nhà ở: 10 triệu đồng/hộ.

- Sửa chữa nhà ở: 05 triệu đồng/hộ.

c) Vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định Điều 17 Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ: Hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở được vay tối đa 40 triệu đồng/hộ.

8. Tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện

a) Tổng số vốn cần có để thực hiện: 218.850 triệu đồng (Bằng chữ: Hai trăm mười tám tỷ tám trăm năm mươi triệu đồng). Bao gồm:

- Kinh phí hỗ trợ nhà ở cho 1.675 hộ là: 218.243 triệu đồng. Trong đó:

Xây dựng mới nhà ở: 744 nhà x 212 triệu đồng = 157.728 triệu đồng.

Sửa chữa nhà ở: 931 nhà x 65 triệu đồng = 60.515 triệu đồng.

 (Kinh phí đầu tư xây dựng mới 01 căn nhà được xác định trên cơ sở dự toán xây dựng 01 căn nhà theo thiết kế mẫu với diện tích 43m2, chi phí xây dựng tương ứng khoảng 212 triệu đồng/01 nhà; sửa chữa nhà ở khoảng 65 triệu đồng/nhà).

- Chi phí quản lý thực hiện Đề án: Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục III Văn bản số 4861/BXD-QLN ngày 24/11/2021 của Bộ Xây dựng: Sử dụng ngân sách địa phương với mức tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định, tương ứng bằng: 121.595 triệu đồng x 0,5% = 607 triệu đồng (làm tròn).

b) Phân bổ kinh phí theo các nguồn vốn:

- Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ: 48.380 triệu đồng.

- Vốn ngân sách địa phương (gồm: Kinh phí hỗ trợ nhà ở: 12.095 triệu đồng và chi phí quản lý thực hiện Đề án là 607 triệu đồng): 12.702 triệu đồng.

- Vốn vay Ngân hàng chính sách: 61.120 triệu đồng.

- Vốn của hộ gia đình, huy động khác: 96.648 triệu đồng.

9. Cách thức thực hiện 

a) Về trình tự xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở: Việc bình xét và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo Điều 6 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

b) Cấp vốn thực hiện hỗ trợ

- Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương; vốn đối ứng ngân sách địa phương việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Thông tư 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện thủ tục, quy trình vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội; Ủy ban nhân dân huyện gửi danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ của Đề án cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay.

- Đối với vốn huy động từ các nguồn đóng góp tự nguyện và hợp pháp khác (nếu có), Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng để làm nhà và sửa nhà ở.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới, hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu xây dựng để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, đề xuất lựa chọn mẫu nhà (nếu có nhu cầu).

- Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây dựng mới hoặc sửa chữa cho các đối tượng này.

- Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (xong phần móng với hộ xây mới, hoàn thành 30% khối lượng công việc trở lên với hộ sửa chữa) để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ.

- Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, giám sát, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

10. Tiến độ thực hiện

- Năm 2023: Thực hiện hỗ trợ cho 25% số đối tượng, tương ứng với khoảng 425 hộ. Trong đó: xây mới 192 nhà, sửa chữa 233 nhà.

- Năm 2024: Thực hiện hỗ trợ cho khoảng 35% số đối tượng, tương ứng với khoảng 586 hộ. Trong đó: xây mới 260 nhà, sửa chữa 326 nhà.

- Năm 2025: Thực hiện hỗ trợ cho khoảng 40% số đối tượng, tương ứng với khoảng 664 hộ. Trong đó: xây mới 292 nhà, sửa chữa 372 nhà.

11. Tiến độ huy động vốn hàng năm

a) Năm 2023:

- Hỗ trợ cho 425 nhà/425 hộ (xây mới 192 nhà, sửa chữa 233 nhà).

- Hộ xây dựng mới nhà ở: 192 hộ x 50 triệu đồng = 9.600 triệu đồng.

- Hộ sửa chữa nhà ở: 233 hộ x 25 triệu đồng = 5.825 triệu đồng.

- Tổng kinh phí hỗ trợ: 15.425 triệu đồng (Mười lăm tỷ bốn trăm hai mươi lăm triệu đồng).

b) Năm 2024:

- Hỗ trợ cho 586 nhà/586 hộ (xây mới 260 nhà, sửa chữa 326 nhà).

- Hộ xây dựng mới nhà ở: 260 hộ x 50 triệu đồng = 13.000 triệu đồng.

- Hộ sửa chữa nhà ở: 326 hộ x 25 triệu đồng = 8.150 triệu đồng.

- Tổng kinh phí hỗ trợ: 21.150 triệu đồng (Hai mươi mốt tỷ một trăm năm mươi triệu đồng).

c) Năm 2025:

- Hỗ trợ cho 664 nhà/664 hộ (xây mới 292 nhà, sửa chữa 372 nhà).

- Hộ xây dựng mới nhà ở: 292 hộ x 50 triệu đồng = 14.600 triệu đồng.

- Hộ sửa chữa nhà ở: 372 hộ x 25 triệu đồng = 9.300 triệu đồng.

- Tổng kinh phí hỗ trợ: 23.900 triệu đồng (Hai mươi ba tỷ chín trăm triệu đồng).

12. Tổ chức thực hiện

a) Sở Xây dựng (cơ quan Thường trực thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo 2021-2025)

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

- Lập, phê duyệt thiết kế các mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định để người dân tham khảo, lựa chọn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ có báo cáo quý trước ngày 15 tháng cuối quý và báo cáo năm trước ngày 10 tháng 12 hằng năm gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Báo cáo tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân hằng năm gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan theo quy định.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện Na Hang, Lâm Bình hướng dẫn các thôn, xã, phường, thị trấn xác định thực trạng về nhà ở và chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững): Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị  liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Đề án đảm bảo theo quy định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

d) Sở Tài chính

 Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch, phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2023-2025 và hằng năm; giao mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 02 huyện Na Hang và Lâm Bình thực hiện Đề án phù hợp với mức kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu hằng năm và khả năng cân đối của ngân sách địa phương theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành, phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

đ) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để làm nhà ở, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo đúng quy định.

e) Ban Dân tộc tỉnh: Phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

g) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình, huyện Na Hang

- Tổng hợp, tổ chức thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Hằng năm phê duyệt danh sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở cấp vốn thực hiện hỗ trợ nhà ở.

- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo hoặc Ban quản lý thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở thuộc cấp quản lý để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định. Chủ động theo dõi, rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp có sự trùng lặp với các Chương trình, đề án, kế hoạch khác đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh (nếu có), kịp thời điều chỉnh danh sách và báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai, thực hiện Đề án trên địa bàn, chỉ đạo công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để trình các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Định kỳ tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 10 của tháng cuối quý, trước ngày 05 tháng 12 hằng năm.

h) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn

- Chỉ đạo, phối hợp với các thôn, tổ dân phố công bố, công khai rộng rãi các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để người dân hiểu đầy đủ các quy định của chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ, nguyên tắc hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở. Động viên hộ gia đình tự thân cố gắng vươn lên, kết hợp với hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, thôn xóm và người thân để tổ chức xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở có hiệu quả.

- Rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trình Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp, phê duyệt theo quy định.

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.

- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất nguồn lực từ cộng đồng và khả năng vận động của hộ gia đình để khai thác các vật liệu như cát, đá, gỗ hoặc ngày công lao động để tiết kiệm giá thành xây dựng nhà ở, nâng cao chất lượng nhà.

- Chỉ đạo các thôn, tổ dân phố lập danh sách và kế hoạch hỗ trợ nhà ở hằng năm gửi Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, lập phương án hỗ trợ chung của xã để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt; trực tiếp tổ chức xây dựng và nghiệm thu từng công trình nhà ở được hỗ trợ tại địa phương.

- Tổ chức triển khai cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở, đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ban quản lý cấp xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp và các Trưởng thôn, tổ dân phố tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.

- Giám sát chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có chỗ ở ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; tổ chức nghiệm thu, thanh, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời.

- Thường xuyên báo cáo tiến độ và thực hiện kế hoạch hỗ trợ nhà ở với Ủy ban nhân dân huyện.

i) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo, tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên, cộng đồng giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ vật liệu, vận động ủng hộ thêm nguồn lực để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở thuộc đối tượng trong Đề án. Phối hợp với Sở, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. 

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận:

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở sẽ giúp đồng bào nghèo, cận nghèo trên 02 huyện nghèo của tỉnh giải quyết khó khăn về nhà ở; chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước được đồng bào đồng tình ủng hộ, đặc biệt là đồng bào nghèo là người dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trong đó, nhà ở là một trong các nhu cầu cấp thiết để ổn định đời sống, tạo điều kiện tập trung vào sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nội dung Đề án được xây dựng trên cơ chế chính sách đồng bộ, ngân sách Trung ương giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt kết hợp với sự hỗ trợ của địa phương, cộng đồng và bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Đề nghị:

Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xem xét nội dung Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Tuyên Quang thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, cũng như tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, có thêm nguồn kinh phí để thực hiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan xem xét cho các đối tượng là hộ nghèo có tên trong Đề án được vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ; đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành của Trung ương tiếp tục giúp đỡ tỉnh Tuyên Quang trong công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà ở, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, an tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 200/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 200/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/05/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Hoàng Việt Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản