Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2011/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 15 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC CÁT, ĐẤT ĐỂ SAN LẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp tại Tờ trình số 164/TTr-STN&MT và Báo cáo thẩm định số 32/BCTĐ-STP ngày 11 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thí điểm đấu giá quyền khai thác cát, đất để san lấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan; các tổ chức, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC CÁT, ĐẤT ĐỂ SAN LẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh Hà Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

Quy định này áp dụng đối với việc thí điểm đấu giá quyền khai thác cát, đất để san lấp (sau đây gọi tắt là đấu giá) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 2. Nguyên tắc đấu giá.

1. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về đấu giá.

2. Đảm bảo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

3. Cuộc đấu giá chỉ được tiến hành khi có từ hai (02) tổ chức, hộ kinh doanh tham gia (sau đây gọi tắt là người tham gia đấu giá) trở lên.

Điều 3. Đối tượng, điều kiện được đăng ký tham gia đấu giá.

Tổ chức, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định của pháp luật được đăng ký tham gia đấu giá khi có đủ điều kiện sau:

1. Có đơn đề nghị được tham giá đấu giá theo mẫu do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp phát hành do người đại diện theo pháp luật của tổ chức, hộ kinh doanh ký tên và đóng dấu.

2. Có hồ sơ năng lực tài chính và điều kiện về kỹ thuật, nhân lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều kiện tham dự cuộc đấu giá.

1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn là người đủ điều kiện tham gia đấu giá

2. Đã nộp phí tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo quy định.

3. Khi có sự thay đổi về tư cách pháp lý của người đã đăng ký tham gia đấu giá phải nộp bổ sung văn bản, tài liệu có liên quan cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá trước khi tiến hành cuộc đấu giá.

Điều 5. Điều kiện để các khu vực được tổ chức đấu giá.

- Không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản;

- Phù hợp với Quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Đã có phương án đấu giá được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ

Điều 6. Niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá.

1. Sau khi phương án đấu giá được phê duyệt, trước khi tiến hành đấu giá 30 ngày, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp phải tiến hành thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam, Website Sở Tư pháp, Website Sở Tài Nguyên và Môi trường; niêm yết công khai tại địa điểm tổ chức đấu giá, trụ sở của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có vị trí cát, đất đấu giá.

2. Nội dung thông báo gồm: Thông tin về vị trí đấu giá; hiện trạng về cơ sở hạ tầng; trữ lượng đã được phê duyệt; phương án giá và tiền đặt trước; địa điểm và thời gian tổ chức đấu giá; thời điểm nhận, kết thúc nhận hồ sơ tham gia đấu giá và các vấn đề khác có liên quan.

Điều 7. Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.

1. Trong thời hạn từ khi có thông báo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, người có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá bao gồm:

a) Giấy tờ theo quy định tại Điều 3 Quy định này.

b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 8. Lựa chọn tổ chức, hộ kinh doanh tham dự cuộc đấu giá.

1. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan được giao làm đầu mối xử lý việc đấu giá tiến hành đánh giá hồ sơ để lựa chọn người đủ điều tham dự cuộc đấu giá.

2. Việc đánh giá, lựa chọn người tham dự cuộc đấu giá phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá đúng quy định.

b) Tổ chức, hộ kinh doanh tham gia đấu giá phải đáp ứng các quy định tại Điều 3 quy định này.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả lựa chọn cho người đăng ký tham gia đấu giá.

Đối với người được lựa chọn tham dự cuộc đấu giá, nội dung thông báo cần phải nêu rõ thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, thời gian nộp phí tham gia cuộc đấu giá và tiền đặt trước và các nội dung cần thiết khác.

Điều 9. Tiền đặt trước.

1. Người tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và các cơ quan liên quan bán đấu giá quy định từ 1% đến 15% phương án giá đã được phê duyệt. Khoản tiền đặt trước được nộp cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hoặc thông qua bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

2. Trong trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt trước trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá trúng đấu giá; nếu không trúng thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc.

3. Trong trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không có lý do chính đáng hoặc vi phạm quy chế bán đấu gia thì không được nhận lại tiền đặt trước, khoản tiền đặt trước đó thuộc về ngân sách nhà nước.

Điều 10. Trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá.

1. Cuộc bán đấu giá phải được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

a) Mở đầu cuộc bán đấu giá, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu đại biểu đại diện các cơ quan có liên quan và bản thân, người giúp việc; giới thiệu các thông tin liên quan đến vị trí được đấu giá; thông báo quy chế của cuộc bán đấu giá; công bố danh sách người đã được lựa chọn tham dự cuộc đấu giá theo quy định và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá; công bố giá khởi điểm; thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá (nếu có);

b) Cuộc đấu giá được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín, bằng miệng hoặc bằng hình thức khác do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thỏa thuận với các cơ quan liên quan đến việc bán đấu giá và phải tuân theo trình tự thủ tục được quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP;

- Đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá viên nhắc lại giá khởi điểm, yêu cầu người tham gia đấu giá bắt đầu trả giá từ giá khởi điểm. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá trả giá, đấu giá viên nhắc lại ba lần, rõ ràng, chính xác bằng lời nói giá đã trả cao nhất, mỗi lần cách nhau khoảng ba mươi giây. Sau ba lần nhắc lại, nếu không có người trả giá tiếp thì đấu giá viên công bố kết quả.

- Đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu thì số vòng bỏ phiếu, cách thức tiến hành bỏ phiếu phải được Trung tâm bán đấu giá tài sản thống nhất với các cơ quan có liên quan đến việc đấu giá.

Trong trường hợp thực hiện cách thức bỏ phiếu nhiều vòng thì mỗi người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Sau khi thu hết các phiếu đã phát, đấu giá viên công bố mức giá trả cao nhất của vòng bỏ phiếu mà không công bố tên của người đã trả giá cao nhất, tiếp tục phát phiếu cho những người tham gia đấu giá để bắt đầu trả giá cho vòng tiếp theo. Cuộc bán đấu giá kết thúc khi không còn ai yêu cầu trả giá tiếp.

2. Diễn biến của cuộc bán đấu giá phải được ghi vào biên bản bán đấu giá. Biên bản bán đấu giá phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá, người ghi biên bản, người tham dự cuộc bán đấu giá và đại diện cơ quan có liên quan.

3. Sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá công bố kết quả bán đấu giá, người trúng đấu giá phải ký vào biên bản cuộc đấu giá.

Kết quả cuộc bán đấu giá được ghi vào Sổ đăng ký bán đấu giá. Trong trường hợp bán đấu giá thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá không ký hợp đồng mà chuyển toàn bộ hồ sơ cuộc đấu giá trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức bán đấu giá, kèm theo danh sách người trúng đấu giá cho Sở Tài nguyên và môi trường để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Phê duyệt kết quả bán đấu giá.

1. Căn cứ vào Biên bản đấu giá thành, danh sách người trúng đấu giá do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp chuyển Sở Tài nguyên môi trường trình Ủy ban nhân dânh tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

2. Nội dung phê duyệt kết quả đấu giá gồm: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá; vị trí, khu vực, trữ lượng trúng đấu giá, tổng số tiền phải nộp vào Ngân sách nhà nước và các nội dung cần thiết khác.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá.

1. Tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá thực hiện theo đúng cam kết khi tham gia đấu giá và hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để xin cấp giấy phép gồm:

a) Dự án đầu tư;

b) Thiết kế cơ sở;

c) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Ký hợp đồng thuê đất;

2. Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả đấu giá và xác nhận nộp đủ tiền theo quy định. Tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 13. Thời gian, phương thức, địa điểm nộp tiền trúng đấu giá.

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá theo đúng thông báo. Nếu quá thời hạn nộp tiền theo thông báo mà tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đầy đủ theo thông báo thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ kết quả trúng đấu giá của tổ chức, hộ kinh doanh đó và số tiền đặt trước không được hoàn lại theo quy định tại khoản 3 Điều 9 quy định này.

2. Tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá phải thanh toán một lần số tiền trúng đấu giá bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá. Sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá xác nhận tổ chức, hộ kinh doanh trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC ĐẤU GIÁ

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

1. Là cơ quan đầu mối xác định các vị trí mỏ đấu giá; lập dự toán chi phí cho việc đo, lập bản đồ; xác định diện tích, trữ lượng mỏ xin ý kiến các cơ quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Sau khi có quyết định phê duyệt phương án đấu giá của khu vực được tổ chức đấu giá, chuyển giao đủ bộ hồ sơ như: Hồ sơ pháp lý về vị trí đấu giá; quyết định cho phép đấu giá; quy hoạch, bản vẽ chi tiết.

2. Phối hợp với Sở Tư pháp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá) trong việc lựa chọn các tổ chức, hộ kinh doanh đủ điều kiện tham gia cuộc bán đấu giá.

3. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan khác có liên quan xác định giá khởi điểm.

4. Tiếp nhận hồ sơ trúng đấu giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

5. Thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép cho tổ chức, hộ kinh doanh đã trúng đấu giá.

6. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính.

1. Thẩm định chi phí đo đạc, lập bản đồ; xác định diện tích, trữ lượng khoáng sản và bố trí kinh phí;

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở các tài liệu có liên quan đến vị trí đấu giá để xây dựng phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Hướng dẫn các cơ quan có liên quan về việc thu, chi phí đấu giá; Hướng dẫn nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định.

4. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tư pháp.

1. Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện đúng trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản; Đảm bảo công khai, khách quan, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá; Sử dụng mẫu đơn trong đấu giá; Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và chuẩn bị các điều kiện để tổ chưc đấu giá; Hướng dẫn tổ chức, hộ kinh doanh nộp lệ phí đấu giá, tiền đặt trước, tiền trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có liên quan.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn; các sở, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc đấu giá theo quy định.

Điều 18. Tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc; các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác cát, đất để san lấp phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2011/QĐ-UBND về Quy định thí điểm đấu giá quyền khai thác cát, đất để san lấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 20/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản