Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2010/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 08 tháng 9 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU THUYỀN ĐÁNH BẮT XA BỜ TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thủy sản Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết 82/2007/NQ-UBND ngày 12/9/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 08/6/2009 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 222/TTr-NN&PTNT ngày 23/6/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam, với các nội dung chính sau:
I. Mục tiêu đề án: Khuyến khích phát triển và huy động tàu cá đánh bắt tại các vùng biển xa bờ nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả nguồn lợi hải sản của đất nước; bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ; ổn định đời sống, nâng cao thu nhập ngư dân ven biển; tăng cường hiện diện dân sự của tàu cá Việt Nam tại các vùng biển xa bờ, góp phần tích cực vào việc khẳng định chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc phòng đất nước.
II. Nội dung của đề án
1. Các chính sách hỗ trợ
- Các chủ tàu cá là ngư dân, tổ hợp tác, hợp tác xã của tỉnh Quảng Nam thực hiện đóng mới tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên hoặc thay máy cải hoán, nâng cấp tàu cá đang sử dụng có công suất dưới 90 CV thành tàu cá có công suất từ 90CV trở lên trong những năm thực hiện đề án (từ năm 2011 đến năm 2015) để tham gia đánh bắt hải sản xa bờ bằng các nghề: câu mực khơi, chụp mực khơi, câu cá ngừ đại dương, lưới vây ngày, lưới vây đêm, lưới cản, lưới quét, câu rạn.
- Tàu đóng mới hoặc thay máy cải hoán, nâng cấp tàu cá phải sử dụng máy thủy mới 100% và đạt các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Quyết định số 1381/QĐ-BNN-KTBVNLTS ngày 06/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể:
+ Tàu đóng mới theo kế hoạch phê duyệt của Sở Nông nghiệp và PTNT.
+ Máy thủy chuyên dùng mới 100% (không phải máy được thủy hóa), có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có hồ sơ kỹ thuật kèm theo, có chứng từ mua bán hợp lệ (hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng) và cam kết bảo hành của chính hãng (theo hợp đồng hoặc Giấy bảo hành kèm theo máy).
Đối với máy mới nhập khẩu thì giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có hồ sơ kỹ thuật kèm theo gồm: bản gốc Chứng chỉ chất lượng máy thủy của chính hãng ghi rõ hiệu máy, số máy; bản sao giấy chứng nhận xuất xứ; bản sao tờ khai hải quan.
1.2. Nội dung của các chính sách hỗ trợ
1.2.1. Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng sau đầu tư
Hỗ trợ lãi suất vay vốn sau đầu tư cho các chủ tàu cá vay vốn đóng mới hoặc thay máy cải hoán, nâng cấp tàu cá để hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ có đủ điều kiện theo quy định tại điểm 1.1 và các điều kiện sau:
- Có vay vốn tại các ngân hàng để thực hiện việc đóng mới hoặc thay máy cải hoán, nâng cấp tàu cá theo kế ước.
- Tàu cá đã hoàn thành các thủ tục đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, tham gia mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.
- Phải được UBND cấp xã xác nhận về địa chỉ cư trú và thực tế có quản lý, sử dụng tàu hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.
a) Mức hỗ trợ: Ngân sách hỗ trợ với mức bằng 5%/năm, tính trên số tiền vay thực tế của các chủ tàu cá nhưng mức vay tối đa không quá 500.000.000 đồng cho trường hợp đóng mới tàu cá và 200.000.000 đồng cho trường hợp thay máy cải hoán, nâng cấp.
b) Thời gian hỗ trợ: Tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày vay vốn và kết thúc thời gian hỗ trợ trước ngày 31/12/2015.
1.2.2. Hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên
Các thuyền viên làm việc trên các tàu cá có trong danh sách đăng ký thuyền viên trong sổ Danh bạ thuyền viên tàu cá, có đủ điều kiện quy định tại điểm 1.1, có học các lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá đã được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của các cơ quan đào tạo theo thẩm quyền, thì được hỗ trợ:
- Đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng bốn hoặc hạng năm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/suất (mỗi tàu được đăng ký một lần hai suất)
- Đào tạo thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 200.000 đồng/suất (mỗi tàu được đăng ký một lần mười suất)
1.3. Thời gian thực hiện chính sách: Từ năm 2011 đến năm 2015.
1.4. Dự toán kinh phí hỗ trợ: 3.730.000.000 đồng (Ba tỷ bảy trăm ba mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng sau đầu tư: 3.450.000.000 đồng
- Hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên: 280.000.000 đồng
1.5. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ
1.5.1. Kinh phí hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên: Từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
1.5.2. Kinh phí hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng sau đầu tư: Từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc Ngân sách tỉnh được hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
2. Một số quy định khác
- Các chủ tàu cá có thể chọn lựa để thụ hưởng duy nhất một chính sách hỗ trợ nếu các chính sách hỗ trợ của đề án này giống với chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ về tính chất, nội dung và chỉ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đề án này cho một tàu cá duy nhất trong thời gian thực hiện Đề án.
- Trong trường hợp chủ tàu chưa hưởng đủ các chính sách hỗ trợ trong các năm theo quy định mà chuyển nhượng quyền sở hữu tàu cá (vỏ tàu hoặc máy tàu hoặc cả vỏ tàu lẫn máy tàu) cho người khác thì không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ nữa.
- Trong thời gian được hưởng hỗ trợ, nếu chủ tàu cá bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác thủy sản không đúng tuyến (thực hiện khai thác thủy sản tại tuyến bờ, tuyến lộng) hoặc sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện để khai thác thủy sản thì không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ nữa.
Điều 2. Phân công trách nhiệm
1. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm
- Thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ hỗ trợ ngư dân cấp huyện, Tổ công tác giúp việc cho Hội đồng thẩm định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã có hoạt động đánh bắt hải sản:
+ Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của địa phương, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, nhà sinh hoạt thôn và phổ biến cho toàn dân về các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh và hướng dẫn ngư dân lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
+ Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các chủ tàu cá, xác nhận vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng nội dung.
+ Thực hiện niêm yết công khai Quyết định của UBND huyện, thành phố về danh sách và số tiền hỗ trợ cho các chủ tàu cá trong xã.
- Chỉ đạo Hội đồng thẩm định hồ sơ hỗ trợ ngư dân cấp huyện thẩm định chính xác về đối tượng và điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ để giải quyết hỗ trợ kịp thời cho các chủ tàu theo quy định. Các trường hợp không đủ điều kiện theo quy định thì phải sớm trả lời cho các chủ tàu cá bằng văn bản và hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
- Quyết định cấp kinh phí hỗ trợ và tổ chức giải ngân cho các chủ tàu cá.
- Lập báo cáo chi tiết về tình hình chi hỗ trợ theo từng loại chính sách và từng đối tượng trên địa bàn gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 05/7 và ngày 05/01 hằng năm.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
- Chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá đúng quy trình quy phạm kỹ thuật, kiểm tra chặt chẽ để kết luận chính xác trong Biên bản kiểm tra kỹ thuật về các trường hợp tàu cá đóng mới, thay máy cải hoán, nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành.
- Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
3. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thành phố:
+ Về trình tự, hồ sơ, thủ tục liên quan của các đối tượng được hỗ trợ.
+ Tổ chức thực hiện công tác chi hỗ trợ cho ngư dân và tổ chức kiểm tra công tác giải ngân thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi Đề án của các địa phương.
- Báo cáo tình hình chi hỗ trợ cho ngư dân theo Đề án, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/7 và ngày 15/01 hằng năm để tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Đề án với UBND tỉnh.
4. Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố liên quan kiểm soát chi và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu cá được hỗ trợ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 13/2012/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 20/2010/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam
- 2Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, kỳ 2014-2018
- 1Luật Thủy sản 2003
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 1381/QĐ-BNN-KTBVNL năm 2008 về Tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định 289/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND phê duyệt chính sách hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác hải sản xa bờ tỉnh Trà Vinh
Quyết định 20/2010/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 20/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/09/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Minh Ánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra